Mặc Tử phá thang mây

Lịch sử Trung Quốc, Vào đầu thời Chiến Quốc, vua Sở là Sở Huệ Vương muốn khôi phục lại bá quyền của nước Sở, liền tăng quân, để đi đánh Tống.

Sở Huệ Vương trọng dụng một người thợ giỏi lúc bấy giờ. Ông ta là người Lỗ tên là Công Thâu Ban, sau này người ta thường gọi là Lỗ Ban, Công Thâu Ban sử dụng chiếc rìu rất khéo léo, ai mà muốn thi với ông về tài sử dụng rìu thì là người không biết lượng sức, nên gọi là “múa rìu qua cửa Lỗ Ban”.

Công Thâu Ban được Sở Huệ Vương mời làm đại phu của nước Sở. Ông chế tạo cho Sở Vương một dụng cụ đánh thành, còn cao hơn cả lâu xa, nhìn chót vót như lên tận tầng mây, nên gọi là thang mây.

Sở Huệ Vương một mặt sai Công Thâu Ban gấp rút chế tạo thang mây, một mặt chuẩn bị đi đánh Tống. Tin tức về việc nước Sở chế tạo thang mây được đồn đại đi, các nước chư hầu đều lo lắng. Đặc biệt là Tống, nghe tin Sở sắp đến tiến công, thì cảm thấy tai họa lớn sắp giáng xuống.

Việc Sở muốn tiến đánh Tống, cũng gặp phải sự phản đối của một số người. Người phản đối mạnh mẽ nhất là Mặc Tử.

Mặc Tử, tên là Địch, là người sáng lập ra học phái Mặc Gia. Ông phản đối phô trương lãng phí, chủ trương tiết kiệm: ông yêu cầu các môn đồ phải mặc áo ngắn, đi giày cỏ, tham gia lao động, lấy việc chịu khổ làm hành vi cao thượng. Nếu ai không chịu khổ, coi như đã phản bội lại chủ trương của học phái.

Mặc Tử còn phản đối các cuộc hỗn chiến vì tranh thành chiếm đất khiến dân chúng lầm than. Lần này nghe tin nước Sở đang chế tạo thang mây chuẩn bị đi đánh Tống, ông liền vội vàng đi tới Sở. Đường xá xa xôi vất vả làm bàn chân phồng rộp, ứa máu, ông xé quần áo quấn lại rồi tiếp tục đi.

Đi suốt trong 10 ngày đêm, Mặc Tử tới Ảnh Đô của Sở. Trước hết, ông tìm gặp Công Thâu Ban, khuyên công Thâu Ban không nên chế tạo thang mây giúp Sở đánh Tống.

Công Thâu Ban nói: ’’Không được. Tôi đã nhận lời Sở Vương rồi”.

Mặc Tử nhờ Công Thâu Ban dẫn mình tới gặp Sở Huệ Vương, Công Thâu Ban nhận lời. Trước mặt Sở Huệ Vương, Mặc Tử thiết tha nói: “Nước Sở có đất đai rộng, chu vi năm ngàn dặm, có đủ mọi vật quí. Nước Tống chỉ có năm trăm dặm, đất đai xấu, sản vật cũng nghèo nàn. Tại sao Đại vương đã có xe ngựa tốt đẹp, lại còn muốn đi lấy những cỗ xe rách của người khác? Tại sao không dùng áo bào gấm vóc của mình, mà đi lấy quần áo xấu xí rách rưới của người khác?

Untitled

Sở Huệ Vương tuy thấy lời Mặc Tử cũng có lý, nhưng vẫn không chịu bỏ ý định đánh Tống. Công Thâu Ban cũng cho rằng dùng thang mây đánh thành thì nhất định thắng lợi.

Mặc Tử nói dứt khoát: “Ông biết cách đánh thì tôi biết cách giữ. Ông không làm gì được đâu”.

Ông liền cởi thắt lưng da quây dưới đất làm thành, lấy mấy miếng gỗ nhỏ làm dụng cụ đánh thành rồi cùng Công Thâu Ban diễn tập về phương pháp đánh và giữ thành.

Cứ mỗi lần Công Thâu Ban dùng phương pháp nào đánh thành, ông lại dùng phương pháp khác để chống lại: Một bên dùng thang mây, bên kia dùng tên lửa đốt cháy thang; một bên dùng xe húc cửa thành, bên kia lại lao gỗ đá xuống phá xe; một bên đào đường hầm, bên kia dùng khói hun.

Công Thâu Ban đưa ra chín phương pháp công thành, là hết cách, nhưng Mặc Tử vẫn còn những phương pháp giữ thành hiệu nghiệm chưa dùng tới.

Công Thâu Ban ngây người, nhưng vẫn chưa chịu phục, nói: “Tôi đã nghĩ ra biện pháp để đôi phó với ông, nhưng hiện nay chưa nói ra”.

Mặc Tử mỉm cươi nói: “Tôi đã biết là ông định dùng biện pháp gì rồi, nhưng tôi cũng không nói ra”.

Sỏ Huệ Vương thấy hai người nói như kiểu câu đố, không hiểu ý nghĩa ra sao, liền hỏi Mặc Tử: “Các ông đang nói gì thế?”.

Mặc Tử nói: “Ý của Công Thâu Ban rất rõ, chẳng qua là muốn giết tôi đi, cho rằng tôi bị giết thì không còn ai giúp nước Tống giữ thành nữa. Kỳ thực, ông ta đã tính sai. Trước khi tôi đến Sở, đã phái học trò tôi là bọn cầm Hoạt Hy ba trăm người đến giúp nước Tống giữ thành. Mỗi người trong bọn họ đều đã học được cách giữa thành của tôi. Dù rằng có giết tôi đi, nước Sở cũng chẳng được lợi gì”.

Sở Huệ Vương nghe Mặc Tử nói, lại đã chứng kiến bản lĩnh giữ thành của Mặc Tử biết rằng không có hy vọng đánh thắng nước Tống, đành phải nói: “Những lời của tiên sinh rất đúng. Ta quyết định không đánh Tống nữa”.

Như vậy, Mặc Tử đã ngăn chặn được một cuộc chiến tranh.

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận