An Dương Vương họ Thục, tên húy là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa).
Giáp Thìn, năm thứ 1 [257 TCN], (Chu Noãn Vương năm thứ 58). An Dương Vương đã thôn tính được nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc. Trước kia vua nhiều lần đem quân đánh Hùng Vương, nhưng Hùng Vương binh hùng tướng mạnh, An Dương Vương bị thua mãi. Hùng Vương bảo An Dương Vương rằng: “Ta có sức thần, nước Thục không sợ ư ?” Rồi Hùng Vương bỏ không sửa sang võ bị, chỉ ham ăn uống vui chơi. Quân Thục kéo sát đến nơi, hãy còn say mềm chưa tỉnh, rồi thổ huyết nhảy xuống giếng chết, quân lính quay giáo đầu hàng Thục Vương.
Bấy giờ Thục Vương đắp thành ở Việt Thường, rộng nghìn trượng, cuốn tròn như hình con ốc, cho nên gọi là Loa Thành, lại có tên là thành Tư Long (người nhà Đường gọi là thành Côn Lôn, vì thành rất cao). Thành này cứ đắp xong lại sụt, vua lấy làm lo, mới trai giới khấn trời đất và thần kỳ núi sông, rồi khởi công đắp lại.
Bính Ngọ, năm thứ 3 [255 TCN], (Động Chu Quân năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 3, chợt có thần nhân đến cửa thành, trỏ vào thành, cười mà nói rằng: “Đắp đến bao giờ cho xong!”. Vua mời vào điện hỏi, thần nhân trả lời: “Cứ đợi Thanh Giang sứ đến”. Rồi cáo từ đi ngay.
Sáng hôm sau, vua ra cửa thành, quả thấy có con rùa vàng bơi trên sông từ phía đông đến, xưng là giang sứ, nói được tiếng người, bàn được việc tương lai. Vua mừng lắm, để vào mâm vàng, đặt mâm lên trên điện. Vua hỏi về nguyên do thành sụp, rùa vàng đáp:
– “Đó là do tinh khí núi sông vùng này bị con vua trước phụ vào để báp thù nước, nấp ở núi Thất Diệu. Trong núi có con quỷ, đó là người con hát thời trước chôn ở đấy hóa làm quỷ. Cạnh núi có cái quán, chủ quán tên là Ngộ Không, có một đứa con gái và một con gà trắng, đó là dư khí của tinh, phàm người qua lại ngủ đêm ở đấy đều phải chết vì bị quỷ làm hại. Chúng có thể gọi nhau họp đàn lũ, làm cho sụp thành. Nếu giết con gà trắng để trừ tinh khí ấy, thì thành tự nhiên được bền vững”.
Vua đem rùa vàng đến quán ấy, giả làm người ngủ trọ. Chủ quán nói:
– “Ngài là quý nhân, xin đi ngay, chớ lưu lại đây mà bị họa”.
Vua cười nói: “Sống chết có mệnh, ma quỷ làm gì nổi ?”. Rồi ngủ lại quán.
Đến đêm nghe tiếng tinh quỷ từ ngoài đến gọi mở cửa, rùa vàng liền quát mắng, quỷ không vào được, đến khi gà gáy thì lũ quỷ tan chạy hết. Rùa vàng xin vua đuổi theo. Tới núi Thất Diệu thì tinh khí biến mất, vua trở về quán. Sáng sớm, chủ quán tưởng vua đã chết rồi, gọi người đến để khâm liệm đem chôn. Thấy vua vẫn vui vẻ cười nói, chủ quán liền sụp lạy nói:
– “Ngài làm sao được như thế, tất phải là thánh nhân!”.
Vua xin con gà trắng giết để tế. Gà chết, con gái chủ quán cũng chết theo. Vua liền sai người đào núi, thấy có nhạc khí cổ và xương người, đem đốt thành tro, rải xuống sông, yêu khí mới mất hẳn. Từ đấy, đắp thành không quá nửa tháng thì xong. Rùa vàng cáo từ ra về. Vua cảm tạ, hỏi rằng: “Đội ơn ngài thành đắp đã vững, nếu có giặc ngoài đến, thì lấy gì mà chống giữ?” Rùa vàng bèn trút chiếc móng trao cho vua và nói: “Nước nhà yên hay nguy đều do số trời, nhưng người cũng nên phòng bị; nếu có giặc đến thì dùng móng thiêng này làm lẫy nỏ, nhằm vào giặc mà bắn thì không phải lo gì”. Vua sai bề tôi là Cao Lỗ (có sách chép là Cao Thông) làm nỏ thần, lấy móng rùa làm lẫy, đặt tên là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ.
Xem thêm: Truyền thuyết xây thành Cổ Loa
Cao Vương nhà Đường [tức Cao Biền] dẹp nước Nam Chiếu, khi đưa quân về qua châu Vũ Ninh, đêm nằm chiêm bao thấy có người lạ tự xưng là Cao Lỗ, nói: “Ngày xưa giúp An Dương Vương, có công đánh lui giặc, bị Lạc hầu gièm pha, phải bỏ đi, sau khi chết, trời thương không có tội gì, ban cho một dải núi sông này, cho làm chức quản lĩnh đô thống tướng quân, làm chủ mọi việc đánh dẹp giặc giã và mùa màng cày cấy. Nay theo minh công đi dẹp yên quân giặc, lại trở về bản bộ, không có lời từ biệt thì không phải lễ. Cao Vương thức dậy, nói chuyện lại với liêu thuộc, có làm bài thơ:
“Mỹ hĩ Giao Châu địa, Du Du vạn tải lai. Cổ hiền năng đắc kiến, Chung bất phụ linh đài.
(Đẹp thay đất Giao Châu, Dằng dặc trải muôn thâu. Người xưa nay được thấy, Hả tấm lòng bấy lâu)”
Nhâm Tý, năm thứ 9 [249 TCN], (Đông Chu Quân năm thứ 7; [bấy giờ có] 7 nước là Tần, Sở, Yên, Triệu, Ngụy, Hàn, Tề). Năm ấy nhà Chu mất.
Canh Thìn, năm thứ 37 [221 TCN], (Tần Thủy Hoàng Doanh Chính năm thứ 26). Nước Tần thôn tính cả 6 nước, xưng hoàng đế. Bấy giờ người Từ Liêm, Giao Chỉ ta, là Lý Ông Trọng người cao 2 trượng 3 thước, lúc ít tuổi đến hương ấp làm lực dịch, bị trưởng quan đánh, bèn bỏ sang nước Tần làm quan đến chức Tư lệ hiệu úy. Tần Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, sai ông đem quân đóng giữ đất Lâm Thao, uy danh chấn động nước Hung Nô. Khi tuổi già, về làng rồi chết. Thủy Hoàng cho ông là người kỳ lạ, đúc đồng làm tượng, để ở cửa Tư Mã ở Hàm Dương, bụng tượng chứa được mấy chục người, ngầm lay thì chuyển động được, Hung Nô tưởng đó là hiệu úy còn sống, không dám đến xâm phạm (Triệu Xương nhà Đường làm đô hộ Giao Châu, đêm thường nằm chiêm bao thấy cùng Ông Trọng giảng bàn sách Xuân Thu, Tả Truyện, nhân hỏi chỗ ở cũ, rồi dựng đền thờ. Khi Cao Vương đi đánh Nam Chiếu, thần thường hiển linh giúp sức. Cao Vương cho sửa lại đền thờ, tạc gỗ làm tượng, gọi là [tượng] Lý hiệu úy. Đề ở xã Thụy Hương huyện Từ Liêm).
Đinh Hợi, năm thứ 44 [214 TCN], (Tần Thủy Hoàng năm thứ 33). Nhà Tần phát những người trốn tránh, người ở rể, người đi buôn, ở các đạo ra làm binh, sai hiệu úy Đồ Thư đem quân lâu thuyền, sai Sử Lộc đào ngòi vận lương, đi sâu vào đất Lĩnh Nam, đánh lấy miền đất Lục Dương, đặt các quận Quế Lâm (nay là huyện Quý của đất Minh, Quảng Tây), Nam Hải (nay là tỉnh Quảng Đông) và Tượng Quận (tức là An Nam); cho Nhâm Ngao làm Nam Hải úy, Triệu Đà làm Long Xuyên lệnh (Long Xuyên là thuộc huyện của Nam Hải), đem những binh phải tội đồ 50 vạn người đến đóng đồn ở Ngũ Lĩnh, Ngao và Đà nhân đó mưu xâm chiếm nước ta. (Chuế tế: con trai không có tiền nộp sính lễ, lấy thân ở gửi nhà vợ nên gọi là chuế tế [ở gửi rể] như cái bướu ở mình người ta, là vật thừa. Lục Lương là người Lĩnh Nam phần nhiều ở chỗ núi rừng, trên cạn (lục), tính người mạnh tợn (cường lương) nên gọi là Lục Lương).
Tân Mão, năm thứ 48 [210 TCN], (Tần Thủy Hoàng năm thứ 37). Mùa đông, tháng 10, Tần Thủy Hoàng mất ở Sa Khâu. Nhâm Ngao và Triệu Đà đem quân sang xâm lấn. Đà đóng quân ở núi Tiên Du, Bắc Giang đánh nhau với vua. Vua đem nỏ thần ra bắn, Đà thua chạy. Bấy giờ Ngao đem thủy quân đóng ở Tiểu Giang (tức là [con sông] ở phủ Đô hộ, sau lầm là Đông Hồ, tức là bến Đông Hồ ngày nay), vì phạm thổ thần nên bị bệnh, phải rút về. Nhâm Ngao bảo Đà rằng: “Nhà Tần sắp mất, dùng mưu kế đánh Phán thì có thể dựng nước được”. Đà biết vua có nỏ thần, không thể địch nổi, bèn lui giữ núi Vũ Ninh, sai sứ đến giảng hòa. Vua mừng, bèn chia từ Bình Giang (nay là sông Thiên Đức ở huyện Đông Ngàn) trở lên phía Bắc thuộc quyền cai trị của Đà, trở về phía Nam thuộc quyền cai trị của vua. Đà sai con là Trọng Thủy vào hầu làm túc vệ, cầu hôn con gái vua là Mỵ Châu. Vua bằng lòng. Trọng Thủy dỗ Mị Châu để xem trộm nỏ thần, rồi ngầm bẻ gãy lẫy nỏ, thay cái khác vào, giả vờ về Bắc thăm cha mẹ, bảo Mỵ Châu rằng: “Ân tình vợ chồng không thể quên nhau, nếu lỡ hai nước không hòa, Nam Bắc cách biệt, ta lại tới đây thì làm thế nào mà tìm thấy nhau?”. Mỵ Châu nói: “Thiếp có cái nệm gấm lông ngỗng, thường mang theo mình, đi đến đâu thì rút lông ngỗng rắc ở chỗ đường rẽ để làm dấu”. Trọng Thủy về báo cho Đà biết.
Quý Tỵ, năm thứ 50 [208 TCN] (Tần Nhị Thế Hồ Hợi, năm thứ 2). Nhâm Ngao ốm sắp chết, bảo Đà rằng: “Tôi nghe nói bọn Trần Thắng làm loạn, lòng dân chưa biết theo về đâu. Đất này ở nơi xa lánh, sợ bọn giặc xâm phạm đến đây, muốn cùng ông chặt đường (đường vào đất Việt do nhà Tần mở), tự phòng bị, đợi xem chư hầu biến động thế nào”. Đến khi ốm nặng, lại nói: “Đất Phiên Ngung (nhà Hán gọi là Nam Thành) dựa núi cách sông, đông tây dài mấy nghìn dặm, vả có người Tần cùng giúp, cũng đủ dựng nước, dấy vương, làm chủ một phương. Các trưởng lại trong quận này không người nào đáng cùng mưu bàn, cho nên tôi gọi riêng ông để bảo”. Rồi Ngao lấy Đà thay mình. Ngao chết, Đà liền gửi hịch đến các cửa ải Hoành Phố, Dương Sơn, Hoàng Khê, nói: “Quân giặc sắp đến, phải gấp chặt đường, họp binh tự giữ”. Hịch đến nơi, các châu quận đều hưởng ứng. Bấy giờ Đà giết hết các trưởng lại do nhà Tần đặt, đem thân thích phe cánh thay làm thú lệnh. Đà đem quân đến đánh vua, vua không biết lẫy nỏ đã mất, ngồi đánh cờ cười mà bảo: “Đà không sợ nỏ thần của ta sao?”. Quân của Đà tiến sát đến nơi, vua giương nỏ thì lẫy đã gãy rồi. Vua thua chạy, để Mỵ Châu ngồi trên ngựa, cùng chạy về phía nam. Trọng Thủy nhận dấu lông ngỗng đuổi theo. Vua đến bờ biển, hết đường mà không có thuyền, liền gọi rùa vàng mấy tiếng: “Mau đến cứu ta!” Rùa vàng nổi lên mặt nước, mắng rằng: “Kẻ ngồi sau ngựa là giặc đấy, sao không giết đi?”. Vua rút gươm muốn chém Mỵ Châu, Mỵ Châu khấn rằng: “Trung tín trọn tiết, bị người đánh lừa, xin hóa thành ngọc châu để rửa thù nhục này”. Cuối cùng vua vẫn chém Mỵ Châu, máu chảy loang mặt nước, loài trai nuốt vào bụng, hóa làm hạt minh châu. Vua cầm sừng tê văn dài 7 tấc xuống biển mà đi (tức như ngày nay gọi là sừng tê rẽ nước. Tục truyền núi Dạ Sơn xã Cao Xá ở Diễn Châu là nơi ấy). Trọng Thủy đuổi theo đến nơi, thấy Mỵ Châu đã chết, thương khóc ôm xác đem về chôn ở Loa Thành, hóa làm đá ngọc. Trọng Thủy nhớ tiếc Mỵ Châu, trở lại chỗ Mỵ Châu tắm gội trang điểm khi trước, thương nhớ không nguôi, cuối cùng nhảy xuống giếng mà chết. Người sau được hạt minh châu ở biển Đông, lấy nước giếng ấy mà rửa, sắc ngọc càng sáng hơn.
Xem thêm: Truyền thuyết Mị Châu – Trọng Thủy (truyền thuyết Ngọc trại Giếng nước)
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Chuyện rùa vàng đáng tin chăng? Chuyện thần giáng đất Sần, chuyện đá biết nói cũng có thể là có. Vì việc làm của thần là dựa theo người, thác vào vật mà nói năng. Nước sắp thịnh, thần minh giáng để xem đứa hóa; nước sắp mất, thần cũng giáng để xét tội ác. Cho nên có khi thần giáng mà hưng, cũng có khi thần giáng mà vong. An Dương Vương hưng công đắp thành có phần không dè đặt sức dân, cho nên thần thác vào rùa vàng để răn bảo, chẳng phải là vì lời oán trách động dân mà thành ra như thế ư? Nhưng thế cũng còn là khá. Đến như lo họa hoạn về sau mà nài xin với thần, thì lòng riêng đã nảy. Lòng riêng một khi nảy mầm thì lẽ trời theo đó mà mất, sao thần lại chẳng gieo cho tai họa! Rùa vàng trút móng thiêng trao cho, bảo là có thể đánh lui được quân địch, đó là mầm họa chăng? Như chuyện thần ban cho nước Quắc ruộng đất mà sao đó nước Quắc cũng mất theo. Sau [An Dương Vương] quả nhiên như vậy. Thế chẳng phải là thần theo người mà hành động sao? Nếu không có lời nài xin [với rùa vàng], cứ theo đạo lý mà làm, biết đâu quốc thống lại chẳng được lâu dài? Đến như chuyện Mỵ Châu rắc lông ngỗng chỉ đường, thì chưa chắc đã có. Nếu có thì chỉ một lần là phải, thế mà sau này con gái Triệu Việt Vương lại bắt chước mà cũng nói như thế, là làm sao? Có lẽ người chép sử cho rằng nhà Thục và nhà Triệu mất nước đều do con rể, cho nên nhân một việc mà nói hai lần chăng? Thế thì việc ma quỷ làm đổ thành cũng đáng tin sao?
Trả lời rằng: Đại loại cũng như chuyện Bá Hữu làm quỷ dữ, sau người nước Trịnh lập con cháu của Hữu, [hồn của Hữu] có chỗ nương tựa rồi thì hết. Thế là trừ bỏ yêu khí, quỷ không có chỗ phụ vào nữa thì phải thôi. Đến như sử chép An Dương Vương bại vong là do nỏ thần bị đỗi lẫy, Triệu Việt Vương bại vong vì mũ đâu mâu mất móng rồng, đều là mượn lời để cho vật trở thành thiêng mà thôi. Đại phàm việc giữ nước chống giặc tự có đạo lý của nó, đúng đạo lý thì được nhiều người giúp mà nước hưng, mất đạo lý thì ít người giúp mà nước mất, không phải vì những thứ ấy.
Trở lên là thời kỳ vua An Dương Vương, khởi từ năm Giáp Thìn đến năm Quý Tỵ là hết, tất cả 50 năm [257 – 208 TCN].
Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư,