Bàn về 18 đời Hùng Vương

Thời gian: Chưa rõ

Theo sách vở cũ, các đời vua Hùng bắt đầu từ năm 2879 TCN và kết thúc vào năm 258 TCN. Tổng cộng 2622 năm. Nếu chia ra 18 đời thì mỗi một đời vua kéo dài trung bình 146 năm. Một chuyện hết sức hoang đường, nếu nhớ: (i) Các triều đại vua chúa bên Tàu vào thời Xuân Thu Chiến Quốc kéo dài trung bình khoảng 10-20 năm, như Châu Trang Vương (696-682 TCN), 14 năm chẳng hạn; và (ii) Đời sống con người thời đó trung bình chỉ kéo dài khoảng 50 năm. Hơn thời sống trong hang động chừng 20 năm.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, xuất hiện khoảng năm 1479 dưới đời vua Lê Thánh Tôn, chính là bộ sử đầu tiên đưa truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân, rồi Hùng Vương vào sử sách nước Việt. Trước thời Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, có 2 bộ sử nữa, nhưng hoàn toàn không đề cập đến truyền thuyết Lạc Long Quân. Đó là Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, xuất hiện năm 1272, và Đại Việt Sử Lược với tác giả khuyết danh, ra đời trong khoảng cuối thế kỷ 14 dưới đời nhà Trần. Bộ sách của Lê Văn Hưu, tuy thất truyền từ lâu nhưng phần lớn được Ngô Sĩ Liên xử dụng khi soạn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Đại Việt Sử Lược thất lạc nhiều năm, nhưng về sau được một vị quan nhà Thanh tìm được ở một thư khố bên Tàu.

Chuyện tích vua Hùng với 18 đời, cùng những truyền tích khác như: Phù Đổng Thiên Vương, Sơn Tinh Thủy Tinh,…, thật ra được Ngô Sĩ Liên nhập vào bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, từ những sách thuật chuyện u linh hoang đường như: ‘Việt Điện U Linh Tập’, và ‘Lĩnh Nam Chích Quái’, xuất hiện trong khoảng thế kỷ 14. Đặc biệt ‘Lĩnh Nam Chích Quái’, do tiến sĩ Vũ Quỳnh hiệu đính, thuật lại những chuyện thần thoại ở khu vực phía Nam rặng núi Ngũ Lĩnh (Lĩnh Nam), tức phía Nam của nước Sở ở vào thời Xuân ThuChiến Quốc xa xưa (722-221 TCN).

Trở lại với năm đầu và năm cuối của thời Hồng Bàng. Trần Trọng Kim dùng thẳng tài liệu của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (2879-258 TCN) – nhưng đặt thêm một dấu hỏi (?) sau năm khởi đầu: 2879 TCN. Bởi thật ra, chính Ngô Sĩ Liên cũng chỉ đề cập đến 18 đời ở bên ngoài phần ‘Ngoại Kỷ’ (từ thời Hồng Bàng đến Ngô sứ quân). Đặc biệt Ngô Sĩ Liên có chép lời bàn ở cuối ‘chương’ về thời Hồng Bàng, bày tỏ mối ngờ vực về truyền thuyết Âu Cơ: ‘Cái thuyết nói 50 con theo mẹ về núi, biết đâu không phải là thế’. Còn Sơn Tinh Thủy Tinh thì ông cho: ‘rất là quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi’.

Ngô Sĩ Liên đã đoán rất đúng: Khi nhét các truyền tích vào cổ sử, ông đã tiếp tục gieo nghi ngờ và thắc mắc với mọi người Việt từ lúc đó cho mãi đến ngày nay. Mặc dù đã căn dặn kỹ: ‘tin sách chẳng bằng không có sách’ (tận tín thư bất như vô thư).

Mãi cho đến cuối thế kỷ 20, nỗ lực của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã đưa đến một số điều chỉnh về năm tháng. Trong đó niên đại kết thúc đời Hồng Bàng (và bắt đầu thời Thục Phán) được dời về năm 208 TCN. Đặc biệt, gần đây, họ phối hợp những luận cứ dựa trên các khám phá khảo cổ học về thời đại văn minh Đông Sơn với một đoạn ngắn của quyển Đại Việt Sử Lược, thất truyền lâu năm nhưng về sau tìm lại được ở thời Mãn Thanh (bên Tàu):

‘Đến đời Trang Vương nhà Châu (696-682 TCN), ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời, đều xưng là Hùng Vương’.

Xin chú ý đến một vài điểm: (i) Đại Việt Sử Lược vẫn cho thời đại Hùng Vương kéo dài 18 đời. (ii) Không có ghi chi tiết Cha Mẹ của Hùng Vương. Tức ‘giấy khai sinh’ của Hùng Vương không có tên Lạc Long Quân và Âu Cơ. (iii) Vua Hùng thứ nhất khởi đầu ‘sự nghiệp’ vào khoảng năm 688 TCN, và kết thúc vào năm 208 TCN. Bình quân 26 năm cho mỗi một đời vua. (iv) Chính sự dùng dây kết nút để… truyền thông với nhau. Tức không có chữ viết. Không có sử sách gì hết. Tức không giống như văn minh Hoa Hạ ở khu vực bình nguyên sông Hoàng Hà.

Tóm tắt

– Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, 18 đời vua Hùng: 2879-258 TCN

– Theo nhiều tài liệu sử hiện nay, dựa trên tài liệu khai quật và Đại Việt Sử Lược, 18 đời Hùng Vương: khoảng 688-208 TCN Thế nhưng vẫn có nhiều người hãy còn … ‘ấm ức’ không đồng ý, bởi làm như vậy số năm văn hiến của nước Việt sẽ bị rút xuống còn dưới 3000 năm, thay vì 4000 năm văn hiến như xưa. Tức trong khi văn minh Hoa Hạ đã nở rộ, đời sống con người ở nước Nam hãy còn khá …man di.

Sau đây chúng ta thử nhìn vấn đề dưới một góc độ khác. Một góc nhìn chịu ảnh hưởng của toán học.

Trong đó có số âm, số dương, số thực và … số ảo. Có hệ thống đếm số 10, hệ thống đếm số 5 (như dân Khmer ở cổ thời), hệ thống đếm số 2 (như trong máy điện toán). Cũng như ý niệm về tập hợp.

Những con số 18

Để ý con số 18 hầu hết trên toàn thế giới ngày nay thường được dùng để định mức tuổi trưởng thành của người công dân. Tuổi công dân. Bất cứ mọi dân tộc nào trên thế giới cũng biết đến số 18 này.

Đối với văn hoá miền Hoa Nam, nhất là đối với người Quảng Đông và Hongkong, số 18 là một con số hên. Phát âm số 18 theo kiểu Quảng Đông: /xập bát/ (mười tám, thập bát). Âm điệu rất giống với /xật phát/ (tất phát), mang nghĩa ‘thế nào cũng phát tài’.

Số 18 cho tuổi công dân, và số hên của người Quảng Đông không có liên hệ gì hết đối với 18 đời vua Hùng. Tuy nhiên, nếu nhìn trở lại cội nguồn của lịch sử nước Tàu chúng ta sẽ thấy ngay con số 18 đã xuất hiện khi người Hoa bắt đầu viết sử sách. Trước hết họ thêu dệt câu chuyện ông Bàn Cổ, thủy tổ loài người, tức dân Trung Quốc.

‘Theo tục truyền’, thuở ban đầu trời đất lẫn lộn với nhau thành một khối, rất hỗn độn. Vũ trụ là một cái trứng khổng lồ chứa Bàn Cổ trong đó. Bàn Cổ ngủ trong trứng đến ‘18 ngàn’ năm, rồi mới thức dậy. Thấy ngột ngạt, Bàn Cổ mới lấy cây rìu rộng đập vỡ vỏ trứng. Ánh sáng và khí thoát lên trên tạo thành Trời, và phần lạnh và đục như chất bùn lắng xuống phía dưới tạo thành Đất. Bàn Cổ đứng chính giữa, đầu đội trời chân đạp đất. Cả ba thực thể đó đều tăng trưởng với mức độ mỗi ngày dài thêm một trượng, tức chừng 3.3 thước (mét). Rồi 18 ngàn năm nữa trôi qua, Bàn Cổ vẫn đứng chính giữa, ngăn cách Trời và Đất. Đến lúc Bàn Cổ mất, chiều cao của Bàn Cổ đã đạt đến 9 triệu lí (xin để ý 18 chia cho 2 ra 9).

Hơi thở Bàn Cổ trở thành gió và mây, tiếng thành sấm. Một con mắt trở thành mặt trời, con mắt kia thành mặt trăng. Thân và tay chân biến thành 5 ngọn núi lớn. Máu thành sông biển. Râu tóc trở nên bao nhiêu ngôi sao và tinh tú ở trên trời. Vân vân và vân vân.

Xin để ý, con số 18 trong chuyện Bàn Cổ có vẻ thuần nhất chỉ một chuỗi trình liên tục, một thứ chu kỳ. Những sự kiện hay sự vật trong đó mang cùng chung một số đặc tính. Trong 18 ngàn năm đầu: Bàn Cổ chìm trong giấc ngủ. Một liên tục: Ngủ. Liên tục kế tiếp: Thức, trong thế đứng, thế chổng, đầu đội trời chân đạp đất. ‘Liên tục’ này cũng kéo dài 18 ngàn năm. Cuối cùng, khi kết thúc liên tục ‘thức’, hay chu kỳ ‘thức’,  Bàn Cổ cao được 9 triệu lí (1 lí = 600 thước). Con số 9 thật ra chỉ là 18 chia cho 2.

Sau Bàn Cổ một ít lâu, xã hội của chủng Hoa nguyên thuỷ bên sông Hoàng Hà có 3 vị vua trứ danh (Tam Hoàng), và 5 đế nổi tiếng (Ngũ Đế). Tuy nhiên có chừng 5-8 giả thiết khác nhau về tên họ của những vị này. Danh sách Tam Hoàng đáng kể và thường thấy nhất chính là: Phục Hi, Thần Nông và Hoàng Đế. Bà Nữ Oa cũng có tên trong một số danh sách Tam Hoàng. Trong số các danh sách Ngũ Đế, một số có tên vua Nghiêu và vua Thuấn. Theo thiển ý, những vị Tam Hoàng – Ngũ Đế kiểu này chỉ mang tính chất biểu tượng cho khối chủng tộc.

Thí dụ: Vua Thần Nông chỉ mang nghĩa: dân Hoa thời đó bắt đầu sinh sống bằng nghề Nông. Bà Nữ Oa đội đá vá Trời: Hoa chủng thuở xa xưa mang Mẫu Hệ. Chỉ có vua Nghiêu (Yao) và Thuấn (Shun) là có vẻ ‘bán-huyền-thoại’. Thuấn sau cùng truyền ngôi lại cho ông Yũ (Vũ), khởi đầu triều đại đầu tiên của nước Tàu: nhà Hạ. Nhà Hạ kéo dài được 18 đời với vua cuối là Kiệt. Vua Kiệt là một bạo chúa, ham mê trụy lạc, nên bị Thành Thang hội chư hầu lật đổ và thiết lập nên nhà Thang hay Thương (còn gọi Ân (Yin), 1070-1027 trước Công Nguyên). Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu khai quật để minh chứng hiện diện của nhà Hạ. Nhưng có rất nhiều chứng tích về nhà Thương. Một lần nữa, con số 18 xuất hiện chỉ 18 đời vua nhà Hạ.

Có thể để ý:

– Sử gia Trung quốc biết rất ít về nhà Hạ, ngoài những truyền tích trong dân gian. Đặc biệt vua Kiệt vì mê nàng Muội Hỷ nên mất nước.

– 18 đời vua Hạ một lần nữa lại chỉ một liên tục có cùng chung một số đặc tính. Đó là chu kỳ đời nhà Hạ. Chi tiết không được rõ!

– Số 18 do đó có thể hàm ý một ẩn số. Một ẩn số khá hoa mỹ trong ngôn ngữ và văn minh Hoa Hạ, thay vì ‘x’ như trong toán học ngày nay.

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

1 Bình luận
cũ nhất
mới nhất vote
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận
Lê Sỹ Thiệp
Lê Sỹ Thiệp
15/06/2019 5:37 sáng

1- Theo nhiều sách LSVN, cả sách ngày xưa lẫn sách của thời đại CHXHCNVN, LSVN trước công nguyên đại thể như sau:
a- Theo soạn giả Ngô Sĩ Liên thì:
– “Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt.
– “Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân,.
– “Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai.
Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao? “
b- Theo WikiPedia thì:
– Kinh Dương Vương- Hồng Bàng: 2879 TCN.
– Sùng Lãm- Lạc Long Quân: Không thấy sử gia nào ghi niên đại.
– 18 Đười Vua Hùng: Không thấy sử gia nào ghi niên đại.
– Cũng WikiPedia còn ghi MỘT CÁCH MÂU THUẪN là:
Đoạn đầu thì viết: “Con của Lạc Long Quân là Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang” hoặc: KINH DƯƠNG VƯƠNG đẻ ra LẠC LONG QUÂN; LẠC LONG QUÂN LẤY ÂU CƠ đẻ ra VUA HÙNG ĐỜI THỨ NHẤT rồi LẦN LƯỢT NỐI DÕI TÔNG HÙNG đến đởi thứ 18, dạng phả hệ là: Kinh Dương Vương- Lạc Long Quân- Vua Hùng đời đầu.
Đoạn cuối lại ghi: Đởi vua thứ nhất: Hùng Hiền vương, Còn được gọi là Lạc Long Quân (駱龍君)
2- Toàn bộ LSVN, viết TÓM LƯỢC như trên hoặc VIẾT DÀI CẢ 1000 trang, bằng CHỮ HÁN thời xưa, hoặc chữ LATINH (Được goi “Phi khoa học” là Quốc ngữ) thời Pháp thuộc và Thời đại HCM, đều CHỈ LÀ SỰ NGHE HƠI NỔI CHÕ, vì MỖI SỬ GIA TRÍCH DẪN MỘT SỐ SÁCH SỬ của TIỀN SỬ GIA, chứ KHÔNG PHẢI là KÝ SỬ, TỨC BIÊN NIÊN SỬ CỦA CHÍNH THỜI ĐẠI ĐÓ, NÊN CHẲNG CÓ SỬ GIA NÀO TỰ CHỨNG MINH ĐƯỢC MỘT CÁCH LOGIC VỀ SỰ CÓ THẬT CỦA KINH DƯƠNG VƯƠNG VÀ HÙNG VƯƠNG.
Đó chính là sự NGHE HƠI NỔI CHÕ chứ còn gì?
3- Tại sao các sử gia của nước CHXHCN Việt Nam không Thấy cái VÔ LÝ của sự DÀN DỰNG MÀN CỔ SỬ VN như trên, cụ thể là:
a- Các sách đã viết là:
– KINH DƯƠNG VƯƠNG XUẤT HIỆN NĂM 2879 TCN.
– HỦNG VƯƠNG LÀ HẬU DUỆ CỦA KINH DƯƠNG VƯƠNG, CÓ SÁCH THỜI NAY VIẾT LÀ CHÁU NỘI, VÌ BỐ LÀ LẠC LONG QUÂN, ÔNG NÀY MỚI LÀ CON CỦA KINH DƯƠNG VƯƠNG, CÓ CHỖ VIẾT VUA HÙNG ĐỜI 1 CHÍNH LÀ CON CỦA KINH DƯƠNG VƯƠNG.
– NHÀ HÙNG BỊ THỤC PHÁN- AN DƯƠNG VƯƠNG DIỆT Ở ĐỜI THỨ 18 VÀO NĂM 257 TCN.
b- Điều CHƯỚNG TAI GAI MẮT của LỊCH SỬ được DÀN DỰNG như trên là ở chỗ:
– VỚI 18 ĐỜI THÌ HÙNG VƯƠNG XUẤT HIỆN SỚM NHÂT LÀ VÀO NĂM 1257 TCN(GỌI TRÒN LÀ 1260 TCN) VÌ MỖI ĐỜI NHÀ HÙNG CÓ GIỎI LẮM CŨNG CHỈ KÉO DÀI 50 NĂM.
– VẬY TRONG KHOẢNG THỜI GIAN TỪ 2879 TCN ĐẾN 1260 TCN, TỨC thời kỳ DÀI 1619 NĂM ẤY LÀ TRIỀU ĐẠI NÀO của Việt Nam thời đó ?
3- Tại sao các sử gia của nước CHXHCN Việt Nam lại có thể tin vào THỨ LỊCH SỬ QUÁI ĐẢN như trên khi:
– Nó được viết ra chỉ dựa trên duy nhất LÀ SÁCH DO ĐỜI SAU MÀ LẠI LÀ ĐỜI SAU KHÔNG CỦA NƯỚC VIỆT “KINH- HÙNG” đó mà là CỦA NƯỚC KHÁC, LẠI VIẾT MUỘN ĐẾN HÀNG TRĂM NĂM SAU, THẬM CHÍ, NGÀN NĂM SAU, trong khi BẢN THÂN CÁI NHÀ NƯỚC KINH(KINH DƯƠNG VƯƠNG) VÀ NHÀ NƯỚC HÙNG(HÙNG VƯƠNG) thì lại CHĂNG CÓ MỘT “TRANG NHẬT KÝ- SỬ KÝ” NÀO TỰ VIẾT VỀ MÌNH.
– XƯA NAY, THIÊN HẠ CÓ AI NÓI TỐT CHO NGƯỜI KHÁC ĐÂU. Vậy thì các sách của Tầu viết về NHÀ KINH- NHÀ HÙNG sao có thể tin được.
4- TRƯỚC BẢN SỬ QUÁI ĐẢN kia, tại sao các sử gia của nước CHXHCN Việt Nam hôm nay lại KHÔNG AI ĐẶT RA CÂU HỎI là:
AI và VÌ SAO có sự DÀN DỰNG NÊN một “KHOẢNG SỬ” VỪA CẨU THẢ(Bỏ trống cả ngàn năm) VỪA MỌI RỢ(Người đẻ ra cả Bọc 100 trứng, từ trứng nở thành Người, lại Toàn một giống Đực mà di truyền đươc nòi giống,..). Còn như nói rằng, 50 anh con trai của Lạc Long Quân khi về Phong Châu đã lấy con gái bản xứ để di truyền nòi giống, thì NHÀ HÙNG ĐÂU PHẢI LÀ ÔNG TỔ NGƯỜI VIỆT HÔM NAY, CHÚNG N CHỈ LÀ CHA thôi, còn MẸ nữa chứ. VẬY MẸ LÀ AI. Chưa nói rằng, 50 người con của Lạc Long Quân và Ấu Cơ cũng CHỈ LÀ LŨ GIẶC, đến XÂM CHIẾM ĐẤT & NGƯỜI PHONG CHÂU, NGHĨA LĨNH, VIỆT TRÌ, BẠCH HẠC,.. thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay.
Rõ ràng là, PHẢI CÓ TÁC GIẢ của THỨ LỊCH SỬ QUÁI ĐẢN KIA chứ và người dựng nên THỨ LỊCH SỬ QUÁI ĐẢN đó phải có MỤC ĐÍCH của họ chứ?. Có thể đặt ra nhiều giả thiết như sau:
a- Nếu tác giả đó là NGƯỜI NAM VIỆT(Người của nước Kinh- nước Hùng) thì việc TỰ QUÁI ĐẢN HÓA tổ tiên mình chỉ có thể là vì:
– Sự ngu dốt của chính người dựng truyện.
– Sự NGHÈO HÈN và KÉM CỎI của Tổ tiên KINH- HÙNG đến mức đã không đủ khả năng để lại gì cho con cháu biết về MỒ CHA MẢ MẸ của chúng là đâu.
– Sự gian dối của chính người dựng truyện, nhằm che dấu CHÂN TƯỚNG BẤT HẢO, BẤT MINH của TỔ TIÊN mình.
b- Còn nếu tác giả đó KHÔNG LÀ NGƯỜI NAM VIỆT(Mà là người Hán- Sở- Tống- Tề- Ngô- “Nghê” nào đó,..) THÌ SAO CÁC SỬ GIA VIỆT NAM LẠI TIN thế?. Sao không thấy đó là SỰ BÔI NHỌ TỔ TIÊN MÌNH của bọn giặc ngoại bang, bọn giặc mà sau khi XÂM LẤN được NAM VIỆT đã THẲNG TAY SAN BẰNG MỒ MẢ- GIA PHẢ TIỀN NHÂN của Sứ này và BỊA RA MỘT LÝ LỊCH MA QUÁI, MAN RỢ của NẠN NHÂN NAM VIỆT.
LÊ SỸ THIỆP