Hậu Lý Nam Đế – Lý Phật Tử

Thời gian: 571 - 602

Hậu Lý Nam Đế – Lý Phật Tử Ở ngôi 32 năm [571-602].

Vua dùng thuật gian trá để gồm lấy nước, mới thấy bóng giặc đã hàng trước, việc làm trước sau đều phi nghĩa.

Vua họ Lý, tên húy là Phật Tử, là tướng người họ của Tiền [Lý] Nam Đế, đuổi Triệu Việt Vương, nối vị hiệu của Nam Đế, đóng đô ở thành Ô Diên, sau dời đến Phong Châu.

Tân Mão, năm thứ 1 [571], (Trần Đại Kiến 1 năm thứ 3). Vua phụ lời thề, đem quân đánh Triệu Việt Vương. Lúc đầu Việt Vương chưa hiểu ý vua, thảng thốt đốc quân, đội mũ đâu mâu đứng chờ. Quân của vua cùng tiến đến, Triệu Việt Vương tự biết thế yếu không thể chống được, bèn đem con gái chạy về phía nam, muốn tìm nơi đất hiểm để ẩn náu tung tích, nhưng đến đâu cũng bị quân của vua đuổi theo sau gót. Việt Vương cưỡi ngựa chạy đến cửa biển Đại Nha, bị nước chắn, than rằng: “Ta hết đường rồi !”, bèn nhảy xuống biển. Vua đuổi theo đến nơi, thấy mênh mông không biết [Việt Vương] đi đằng nào, bèn trở lại. Họ Triệu mất nước. Người sau cho là linh dị, lập đền thờ ở cửa biển Đại Nha (Đại Nha nay là huyện Đại An).

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Lấy bá thuật mà xét thì Hậu [Lý] Nam Đế đánh Triệu Việt Vương là đắc kế, lấy vương đạo mà xét thì việc ấy đã từng không bằng chó lợn. Sao thế ? Là vì khi Tiền Lý Nam Đế ở động Khuất Lạo đem việc quân ủy cho Triệu Việt Vương. Việt Vương thu nhặt tàn quân giữ hiểm ở Dạ Trạch bùn lầy, đương đầu với Trần Bá Tiên là người hùng một đời, cuối cùng bắt được tướng của y là Dương Sàn. Tiên, người phương Bắc, phải lui quân. Bấy giờ vua [Hậu Nam Đế] trốn trong đất Di [Lạo], chỉ mong thoát khỏi miệng hùm mà thôi. May mà Bá Tiên về Bắc, [Lý] Thiên Bảo chết, mới đem quân đánh [Triệu] Việt Vương, dùng mưu gian trá xin hòa, kết làm thông gia. Việt Vương lấy lòng thành đối đãi, cắt đất cho ở, những việc làm của Việt Vương đều là chính nghĩa, giao hảo phải đạo, thăm viếng phải thời , há chẳng phải là đạo trị yên lâu dài hay sao ? Thế mà [Hậu Nam Đế] lại dùng mưu gian của Nhã Lang, vứt bỏ chính đạo nhân luân, kíp tham công lợi mà diệt nhân nghĩa, đánh cướp lấy nước, tuy rằng lấy được, mà Nhã Lang thì chết trước, bản thân cũng không khỏi làm tù, có lợi gì đâu ?

Nhâm Tuất, năm thứ 32 [602], (Tùy Văn Đế Dương Kiên, Nhân Thọ năm thứ 1) 3 . Vua sai con của anh là [Lý] Đại Quyền giữ thành Long Biên, Biệt súy là Lý Phổ Đỉnh giữ thành Ô Diên (bấy giờ vua đóng đô ở Phong Châu). Dương Tố nhà Tùy tiến cử Thứ sử Qua Châu là Lưu Phương người Trường An, có tài lược làm tướng. Vua Tùy xuống chiếu lấy Tố làm Giao Châu đạo hành quân tổng quản, thống lĩnh 27 doanh quân sang xâm chiếm. Quân lệnh của Phương rất nghiêm, ai phạm tất chém. Nhưng Phương tính nhân ái, binh sĩ người nào ốm đau đều thân đến thăm viếng nuôi dưỡng, quân lính ai nấy đều mến đức và sợ uy. Đến núi Đô Long gặp giặc cỏ, Phương đánh tan hết, rồi tiến quân sang đến cạnh dinh của vua, trước lấy họa phúc mà dụ. Vua sợ xin hàng, bị đưa về Bắc rồi chết. Dân làm đền thờ ở cửa biển Tiểu Nha để đối với đền thờ Triệu Việt Vương.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nam – Bắc mạnh yếu đều có từng lúc. Đương khi phương Bắc yếu thì ta mạnh, phương Bắc mạnh thì ta cũng thành yếu. Thế lớn trong thiên hạ là như vậy. Phàm kẻ có nước phải sửa sang giáp binh, chỉnh đốn xe cộ quân lính, phòng bị việc bất ngờ, đặt hiểm để giữ nước, lấy lễ mà thờ nước lớn, lấy nhân mà vỗ nước nhỏ. Ngày nhàn rỗi thì dạy điều hiếu, đễ, trung, tín để cho người trong nước biết rõ cái nghĩa kính thân người trên, chịu chết cho người trưởng. Khi có họa xâm lăng thì phải dùng lời văn để sửa đổi ý định của họ, dùng lời nói mà bảo họ, lấy lễ vật ngọc lụa mà biếu cho họ. Như thế mà vẫn không tránh được, thì dù đến khốn cùng cũng phải quay lưng vào thành mà đánh một trận, thề tử thủ cùng với xã tắc mất còn, rồi sau mới không hổ thẹn. Lẽ nào mới thấy quân giặc đến cõi, chưa xáp binh đao, đã sợ hãi xin hàng ! Vua đã hèn nhát mà tướng văn, tướng võ đương thời không ai từng có một lời nào nói đến, có thể bảo là trong nước không có người vậy !

Trở lên là kỷ Hậu Lý Nam Đế, từ năm Tân Mão đế năm Nhâm Tuất, tất cả 32 năm [571-602], tính chung cả Tiền Nam Đế, Triệu Việt Vương là 62 năm.

Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư,

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận