Lê Đại Hành

Thời gian: 981 - 1005

Lê Đại Hành: Họ Lê, tên huý là Hoàn, người Ái Châu, làm quan nhà Đinh đến chức Thập đạo tướng quân; quân Tống xâm lược đem quân ra chống cự, rồi thay nhà Đinh làm vua.

Lê Đại Hành ở ngôi 24 năm, thọ 65 tuổi [941 – 1006], băng ở điện Trường Xuân.

Vua trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự. Tiếc rằng không sớm chọn con nối, khiến cho con cái tranh nhau bên trong, dẫn đến mất ngôi; về đạo vợ chồng có nhiều điều đáng thẹn.

Trước kia cha vua là Mịch, mẹ là Đặng thị, khi mới có thai chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt, bèn lấy chia cho mọi người, còn mình thì không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào.

Đến khi năm Thiên Phúc thứ 6 thời Tấn [941] là năm Tân Sửu, mùa thu, tháng bảy, ngày 15, sinh ra vua. Đặng thị thấy tướng mạo khác thường, bảo với mọi người rằng: “Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó”. Được vài năm thì mẹ chết, sau đó cha cũng qua đời, trơ trọi một thân, muôn vàn cô đơn đói rét. Trong thôn có viên quan sát họ Lê trông thấy lấy làm lạ, nói: ” Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được”. Lại thấy là cùng họ nên nhận làm con nuôi, sớm chiều chăm sóc dạy dỗ, không khác gì con đẻ. Có đêm mùa đông trời rét, vua úp cối mà ngũ. Đêm ấy
ánh sáng đẹp đầy nhà, viên quan sát lén đến xem, thì thấy con rồng vàng che ấp bên trên, vì thế lại càng thêm quý trọng. Lớn lên theo giúp Nam Việt Vương Liễn, [tỏ ra] phóng khoáng, có chí lớn. Tiên Hoàng khen là người trí dũng, chắc thế nào cũng làm được việc, bèn giao cho cai quản 1 nghìn quân sĩ, thăng dần đến chức Thập đạo tướng quân điện tiền đô chỉ huy sứ. Đến đây thay họ Đinh làm vua, đóng đô ở Hoa Lư.

Tân Tỵ, Thiên Phúc ] năm thứ 2 [981], ( Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 6, xét các bản chép niên kỷ các triều đều ghi năm này là năm Thiên Phúc thứ 1, nay sửa lại ). Mùa xuân, tháng 2, Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Vua tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông Chi Lăng. Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Nhân Bảo, đem chém. Bọn Khâm Tô. nghe tin quân thủy thua trận, dẫn quân về. Vua đem các tướng danh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chết đầy đồng, bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Từ đó trong nước rất yên. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí nhân quảng Hiếu Hoàng Đế.

Lê Văn Hưu nói: Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bằt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được. Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư ? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên nói theo họ Lý.

Sử Thần Ngô Sĩ Liên nói: Tam cương là đạo thường của muôn đời, không thể một ngày rối loạn. Khi Đại Hành giữ chức nhiếp chính, Vệ Vương tuy còn nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại Hành tự xưng là Phó Vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp tâm, rắp tâm thì ắt phải giết. Đó là phép của sách Xuân Thu, người người điều được nêu lên mà thi hành. Nguyễn Bặc, Đinh Điền sao có thể nhẫn tâm điềm nhiên mà nhìn? Rồi lui về dấy quân hỏi tội, mưu giữ xã tắc, thế là bầy tôi trung nghĩa đấy. Việc không xong mà chết, thế là bề tôi tử tiết đấy. Lời bàn của Văn Hưu lại đánh đồng với hàng loạn tặc, khiến cho đạo nhân luân không được sáng tỏ với đời sau, gây mầm mống tiếm đoạt, để cho những kẻ có quyền lực tranh nhau bắt chước, quét sạch cương thường, vì thế không thể không biện bác.

Giang Nam chuyển vận sứ của nhà Tống là Hứa Trọng Tuyên đem việc Nhân Bảo thua chết tâu lên. Vua Tống xuống chiếu rút quân về, sai sứ quở trách bọn Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn. Trùng ốm chết, Soạn bị giết ở Ung Châu, Tôn Hoàng Hưng cũng bị giết bêu ở chợ.

Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư,

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

1 Bình luận
cũ nhất
mới nhất vote
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận
trackback
09/02/2017 10:26 sáng

[…] khi Đại Hành Hoàng Đế băng, vua cùng hai vương Đông Thành, Trung Quốc và em cùng mẹ là Khai Minh Vương […]