Lịch sử thế giới (nhân loại)

Cụm từ: “Lịch sử thế giới” thông thường được nhắc đến là để ám chỉ lịch sử nhân loại hay lịch sử xã hội loài người, tính từ khi con người xuất hiện trên Trái đất này. Khái niệm này sẽ không bao gồm lịch sử Vũ trụ, lịch sử Trái Đất hay lịch sử tiến hóa của các sinh vật. Và theo quan điểm Mác xít thì lịch sử thế giới hay lịch sử xã hội loài người trải qua 5 thời kỳ lớn như sau:

Mục lục

Thời tiền sử – cộng sản nguyên thủy

Chi tiết: Lịch sử thời kỳ tiền sử

Thời kỳ tiền sử hay còn gọi là thời kỳ xã hội cộng sản nguyên thủy, kéo dài hàng triệu năm, là thời kỳ dài nhất trong lịch sử xã hội loài người. Đây là thời kỳ mà tất cả các dân tộc đều phải trải qua, đặt nền tảng cho tính cách và truyền thống của từng dân tộc. Là thời “thơ ấu” của từng tộc người, từng dân tộc.

Lịch sử thế giới bắt đầu từ thời tiền sử

Cách ngày nay khoảng ba đến bốn triệu năm, một loài vượn đặc biệt đã chuyển biến thành người. Đây là một quá trình lâu dài và trải qua nhiều giai đoạn:

  • Đầu tiên từ loài Vượn đặc biệt chuyển biến thành Vượn – Người, yếu tố vượn còn nhiều hơn.
  • Từ Vượn – Người tiến hóa thành Người – Vượn, yếu tố người đã nhiều hơn.
  • Từ Người vượn tiến lên thành Người tinh khôn
  • Và cuối cùng từ Người tinh khôn tiến lên thành Người hiện đại Homo sapiens.

Xem thêm

Thời cổ đại – Xã hội chiếm hữu nô lệ

Chi tiết: Lịch sử thời kỳ chiếm hữu nô lệ

Xã hội chiếm hữu nô lệ xuất hiện ở phương Đông sớm nhất, khoảng 3000 năm trước công nguyên ở các nước Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, ở châu Âu xã hội này xuất hiện muộn hơn.

Xã hội chiếm hữu nô lệ Hy Lạp ra đời khoảng thế kỷ thứ VIII trước công nguyên, ở La Mã vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên và kết thúc vào thế kỷ thứ V sau công nguyên khi đế quốc Tây La Mã sụp đổ. Xã hội chiếm hữu nô lệ chia thành ba giai cấp chính:

  • Thứ nhất, giai cấp chủ nô quý tộc là giai cấp thống trị áp bức bóc lột vì chúng chiếm giữ được tư liệu sản xuất.
  • Thứ hai, giai cấp nông dân công xã nông thôn và tầng lớp thị dân thành thị, ở Hy Lạp, La Mã tầng lớp này được gọi là bình dân. Nông dân và, thị dân có tài sản, có gia đình riêng nhưng bị nhà nước chủ nô bóc lột, khi phá sản có thể rơi xuống địa vị nô lệ.
  • Thứ ba, giai cấp nô lệ, nguồn chủ yếu từ các bộ lạc bại trận trong chiến tranh, không cùng huyết thống với giai cấp chủ nô, bị kẻ chiến thắng tước đoạt tài sản, ruộng đất, còn bản thân bị biến thành nô lệ. Theo pháp luật của nhà nước chủ nô, nô lệ không phải là con người, chỉ là tài sản đặc biệt của chủ nô, tài sản biết nói. Chủ nô có thể giết, đánh đập đến tàn phế hoặc đem nô lệ ra chợ mua bán, đổi chác. Một cuốn sách cổ của Trung Quốc có ghi rằng, một nô lệ khỏe mạnh đổi được hai con ngựa tốt. Nô lệ bị cưỡng bức lao động khổ sai nặng nhọc không kể giờ giấc, họ không được hưởng phần nào kết quả lao động của mình.

Ngoài phân chia xã hội thành giai cấp, kẻ thống trị còn phân chia xã hội thành các đẳng cấp. Giai cấp chủ nô thuộc đẳng cấp quý tộc cao quý, nông dân thị dân thuộc đẳng cấp dưới, nô lệ chỉ là tài sản của chủ nô nên không không được xếp vào đẳng cấp nào. Ở xã hội chiếm hữu nô lệ, khái niệm nhân dân không có nô lệ. Sự phân chia xã hội thành đẳng cấp nặng nề nhất là Ấn Độ. Sự phân chia xã hội thành đẳng cấp theo giải thích của giai cấp thống trị thì đó là theo ý muốn của thần thánh vĩnh viễn không thay đổi được. Thực ra đẳng cấp được phân chia để nhằm củng cố hơn nữa địa vị của giai cấp thống trị, nó cũng bắt nguồn như nguồn gốc giai cấp.

Xem thêm

Thời kỳ trung đại – xã hội phong kiến (476-1640)

Chi tiết: Lịch sử thời kỳ xã hội phong kiến

Chế độ phong kiến có nghĩa là một chế độ được hình thành nên bởi sự phân phong ruộng đất. Quá trình phong kiến hóa diễn ra và được xác lập sớm nhất ở Trung Quốc. Ngay từ thời Chiến quốc khi sáu nước Hàn, Sở, Ngụy, Yên, Tề vẫn duy trì xã hội nô lệ thì nước Tần vì muốn hùng mạnh đã đi theo luận thuyết cải cách của Thương Ưởng giải thể chế độ nô lệ, thực hiện chế độ phong kiến tiến bộ hơn. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm nên sức mạnh của nước Tần đánh bại sáu nước, thống nhất Trung Quốc vào năm 221 trước công nguyên. Kết thúc cục diện chiến quốc, lập ra nhà Tần thống trị trên toàn cõi Trung Quốc. Với nhà Tần, chế độ phong kiến Trung Quốc bắt đầu.

Tần Thủy Hoàng vị "vua phong kiến" đầu tiên
Tần Thủy Hoàng vị “vua phong kiến” đầu tiên

Trước và sau đầu công nguyên các nước châu Á đều lần lượt bước sang xã hội phong kiến. Ở Tây Âu, xã hội phong kiến được xác lập sau khi đế quốc Tây La Mã sụp đổ vào năm 476.

Xem thêm

Thời kỳ cận đại – xã hội tư bản chủ nghĩa (1640-1917)

Chi tiết: Lịch sử thời kỳ tư bản chủ nghĩa

Chế độ phong kiến thế giới suy tàn vào thế kỷ thứ XV-XVI. Năm 1506-1609, cuộc cách mạng tư sản Hà Lan thắng lợi lật đổ ách thống trị của Tây Ban Nha, thành lập nhà nước tư sản đầu tiên trên thế giới. Cách mạng Hà Lan đã báo hiệu một thời đại mới, thời đại của các cuộc cách mạng tư sản. Năm 1640, cách mạng tư sản Anh thắng lợi đã mở đầu cho thời kỳ lịch sử cận đại toàn thế giới, tức là mở đầu cho một thời đại mới mà nội dung là thời kỳ quá độ từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản.

Một thời đại mới được mở ra, trong đó diễn ra các cuộc đấu tranh giai cấp trên toàn thế giới giữa phong kiến và tư sản xem ai thắng ai. Thời đại giai cấp tư sản lật đổ chính quyền phong kiến giành lấy quyền thống trị chính trị, thiết lập những nhà nước tư sản mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

Cuối cùng vào những năm 80 của thế kỷ XIX chế độ phong kiến bị lật đổ ở châu Âu, Bắc Mỹ, ở Nhật Bản (châu Á), chủ nghĩa tư bản được xác lập trên phạm vi rộng lớn, trở thành một hệ thống chính trị kinh tế trên thế giới. Các cường quốc tư bản phương Tây đã tiến hành xâm lược các nước Á, Phi, thiết lập nên hệ thống thuộc địa rộng lớn vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Toàn thế giới bị lôi cuốn vào quỹ đạo kinh tế, chính trị của chủ nghĩa tư bản.

Xem thêm

Thời kỳ hiện đại (1917 đến nay)

Chi tiết: Lịch sử thời kỳ hiện đại

Năm 1917, Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga bùng nổ và thắng lợi đã khép lại trang lịch sử cận đại thế giới, mở ra thời kỳ lịch sử thế giới hiện đại. Cách mạng Tháng mười đã lật đổ chủ nghĩa tư bản Nga, đưa giai cấp công nhân Nga lên cầm quyền, thiết lập Nhà nước Xôviết và năm 1922 thành lập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết (Liên Xô) đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong và sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, một cao trào cách mạng dâng cao hầu khắp các nước Tây Âu những năm (1921-1924) rồi lại bùng lên những năm (1929-1933) do tai họa khủng khiếp từ cuộc khủng hoảng kinh tế mang lại.

Một lần nữa chiến tranh giữa các nước đế quốc lại dẫn nhân loại đến cuộc chém giết khủng khiếp đó là Chiến thế giới thứ hai năm (1939-1945). Chiến tranh kết thúc với sự thất bại và diệt vong của chủ nghĩa phát xít.

Sau năm 1945, nhân loại sống trong thế giới hai cực Ianta. Trên bình diện kinh tế khi Tây Âu và Nhật Bản đã hàn gắn xong vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế với tốc độ nhanh chóng, thần kỳ, nhất là vào những năm 60 của thế kỷ XX thì nền kinh tế tài chính thế giới đã có bốn trung tâm: Liên Xô, Tây Âu, Nhật Bản và Mỹ. Mối quan hệ giữa cuộc chạy đua giữa các siêu cường và bốn trung tâm kinh tế tài chính đã chi phối toàn bộ các mối quan hệ kinh tế, chính trị thế giới trong suốt thời kỳ dài bốn thập kỷ.

Sau khi Liên Xô và các nước chủ nghĩa xã hội Đông Âu tan rã, trật tự thế giới hai cực Ianta sụp đổ, thế giới vẫn tồn tại ba trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất, nhưng về quân sự, chính trị gần như mất cân bằng trong mối quan hệ quốc tế. Với tổng sản phẩm thu nhập quốc dân 1 vạn tỉ đô la/năm, với sức mạnh quân sự to lớn, Mỹ tự cho mình là siêu cường duy nhất có thể thực hiện chính sách đối ngoại buộc thế giới và các đồng minh phải khuất phục, buộc tất cả các nguồn lợi phải chảy về Mỹ.

Xem thêm

Lời kết

Lịch sử từng dân tộc, từng quốc gia đã và đang hòa chung với dòng chảy của lịch sử nhân loại. Từng dân tộc dù lớn hay nhỏ là một bộ phận không thể tách rời lịch sử toàn thế giới. Cho nên, lịch sử thế giới không chỉ là lịch sử của các nước lớn, các dân tộc lớn, các cường quốc mà còn là lịch sử của các dân tộc nhỏ, các quốc gia nhỏ khắp các châu lục, khắp các đảo, quần đảo trên các đại dương.

Chúng ta hiểu lịch sử nước Anh, Pháp, Đức, Nga nhiều hơn lịch sử châu Âu, hiểu lịch sử Hoa Kỳ nhiều hơn lịch sử châu Mỹ, hiểu lịch sử Trung Quốc, Nhật Bản nhiều hơn lịch sử châu Á. Cũng như vậy chúng ta hiểu lịch sử châu Âu, châu Á, châu Mỹ nhiều hơn lịch sử châu Phi và châu Đại dương. Điều này không thể chấp nhận được khi mà lịch sử thế giới là lịch sử của toàn nhân loại. Khi mà xu hướng toàn cầu hóa đang đòi hỏi hiểu biết toàn diện để tiếp xúc hội nhập đa phương hóa, đa dạng hóa với tất cả các quốc gia lớn nhỏ.

Bienniesu.com hy vọng góp phần nhỏ bù đắp vào khoảng trống trên, hy vọng mang lại điều bổ ích cho bạn đọc khi muốn tìm hiểu lịch sử thế giới.