Bàn Canh dời đô – Nhà Thương

Theo lịch sử Trung Quốc khi Thương Thang thành lập triều Thương thì quốc đô đầu tiên đóng ở Bác (nay là Thương Khâu, Hà Nam). Trong khoảng 300 năm từ đó về sau, đô thành phải chuyển dời tất cả 5 lần. Đó là do nội bộ vương tộc thường xuyên tranh đoạt ngôi vua và do vùng hạ du Hoàng Hà thường có thủy tai. Có một lần thủy tai lớn làm chìm ngập cả đô thành, nên buộc phải dời đô.

Bàn Canh dời đô

Bàn Canh, vua thứ hai mươi kể từ Thương Thang, là một ông vua có tài trị quốc. Để thay đổi cục diện không an định trong xã hội lúc đó, ông quyết định dời đô một lần nữa.

Nhưng đại đa số quý tộc luyến tiếc cuộc sống an nhàn, không muốn dời đô. Một số quý tộc có thế lực còn xúi giục bình dân nổi dậy, gây nên tình hình căng thẳng.

Đứng trước thế lực phản đối lớn mạnh, Bàn Canh không lay chuyển quyết tâm dời đô. Ông triệu tập các quý tộc đó lại bền bỉ thuyết phục: “Ta yêu cầu các khanh chuyển đi là để cho nước nhà được an định. Các khanh không thấy nỗi khổ tâm của ta, mà còn gây rắc rối. Các khanh không thể làm thay đổi quyết tâm của ta đâu”.

Do Bàn Canh giữ vững chủ trương dời đô, làm thất bại thế lực phản đối, nên cuối cùng đã đem theo bình dân và nô lệ, vượt qua Hoàng Hà, di chuyển đến đất An (nay là thôn Tiểu Đồn, huyện An Dương, Hà Nam). Tại đây ông đã chỉnh đốn nền chính trị, làm cho triều Thương từ chỗ suy yếu đã trở lại phục hưng. Từ đó đến suốt hơn hai trăm năm sau, không phải dời đô nữa. Vì vậy triều Thương còn được gọi là An Thương hoặc triều Ân.

Khai quật quốc đô thời Thương

Từ đó tới nay đã hơn ba ngàn năm, đô thành cũ củạ triều Thương đã trở nên hoang phế. Đến thời cận đại, người ta khai quật được ở vùng Tiểu Đồn huyện An Dương, Hà Nam rất nhiều di vật thời cổ, chứng tỏ rằng ở đây đã từng là quốc đô của triều Thương, nên gọi nó là “Ân Khư” (di chỉ đã đổ nát thời Ân).

Từ những di vật khai quật được ở Ân Khư, có hơn mười vạn mảnh mai rùa và xương thú vật, trên đó có khắc nhiều chữ cổ rất khó đọc. Qua nghiên cứu của các nhà khảo cổ, những chữ đó mới được làm rõ. Thì ra, giai cấp thống trị triều Ân rất mê tín quỉ thần. Khi tế tự, đi săn và chinh chiến, họ đều dùng mai rùa và xương thú để bói toán điềm lành điềm dữ. Sau khi bói toán, liền khắc chữ lên trên mai rùa và xương thú về tình hình lúc đó và về kết quả bói toán. Chữ viết thời đó khác xa chữ viết ngày nay, nên được gọi là “văn giáp cốt”. Chữ Hán sử dụng thời nay là do diễn biên từ văn giáp cốt mà có.

Trong những di vật khai quật được ở Ân Khư, còn rất nhiều đồ đồng đen gồm vò, chậu và vũ khí thuộc nhiều chủng loại, chế tạo rất tinh xảo. Trong số đó, có một chiếc đỉnh vuông, gọi là “tư mẫu tuất” nặng 875 kg, cao hơn 1m30, có khắc hoa văn rất đẹp. Loại đồ đồng đen to như vậy nói lên rằng trong thời Ân Thương, kỹ thuật đúc đồng và trình độ nghệ thuật đã rất cao. Nhưng ta cũng có thể tưởng tượng được, chiếc đỉnh lớn đẹp đẽ đó đã thấm đượm bao nhiêu mồ hôi và cả xương máu của nô lệ!

Các nhà khảo cổ còn khai quật được ở Ân Khư rất nhiều mộ huyệt của chủ nô thời Ân Thương. Trong ngôi mộ lớn của một quốc vương đào được ở thôn Vũ Quan huyện An Dương, ngoài những đồ châu ngọc xa xỉ được chôn theo, còn có rất nhiều nô lệ bị giết và tuẫn táng. Trên đường vào ngôi mộ lớn, một bên chất nhiều bộ xương không đầu. bên kia bầy toàn xương sọ.

Theo ghi chép trên các mảnh giáp cốt, khi vua chúa tế tự tổ tiên, cũng giết nhiều nô lệ làm đồ tế, lần nhiều nhất có tới hai ngàn sáu trăm người. Đó là chứng cớ tội ác tàn sát nô lệ thời đó.

Từ văn tự giáp cốt khai quật được ở Ân Khư, chúng ta có những tài liệu tin cậy về triều Ân – Thương. Có thể nói, lịch sử Trung Quốc thành văn sớm nhất, là bắt đầu từ triều Ân – Thương.

Lịch sử Trung Quốc 5000 năm,

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận