Ban Siêu ném bút tòng quân

Sau khi Hán Quang Vũ Đế xây dựng vương triều Đông Hán, liền mời một đại học giả là Ban Bưu chỉnh lý lịch sử thời Tây Hán. Ban Bưu có hai con trai là Ban Cố và Ban Siêu, một con gái là Ban Chiêu, từ nhỏ đều theo học văn học và lịch sử với cha.

Sau khi Ban Bưu mất, Hán Minh Đế phong Ban Cố làm Lan Đài lệnh sử, tiếp tục biên soạn bộ sử mà cha ông đang làm dở. Đó là bộ Hán Thư (ghi chép lịch sử thời Tây Hán). Ban Siêu theo anh, làm công việc ghi chép. Hai anh em đều có học vấn, nhưng tính tình và hoài bão khác nhau. Ban Cố thích nghiên cứu học thuyết của Bách gia, dốc lòng chăm chú vào việc viết bộ Hán Thư. Còn Ban Siêu lại không thích việc suốt đời cắm cúi bên bàn viết. Ông nghe nói Hung Nô thường quấy nhiễu biên cương, cướp bóc tài sản và gia súc, bắt người đem lên phía bắc, thì nổi giận quãng bút nói: “Đại trượng phu cần phải như Trương Khiên, đi lập công ngoài biên giới, chứ sao lại suốt đời ru rú trong thư phòng!”

Thế là ông vứt bỏ mọi công việc trên bàn viết, quyết tâm xin đi tòng quân (nguyên văn là “đầu bút tòng nhung”).

Năm 73 sau Công nguyên, đại tướng quân Đậu Cố đem quân đánh Hung Nô. Ban Siêu xin đi theo, làm đại lý tư mã, lập được chiến công.

Để chống lại Hung Nô, Đậu Cố muốn vận dụng biện pháp của Hán Vũ Đế, cử người đi liên lạc với các nước Tây Vực.

Ban Siêu dẫn sứ đoàn ba mươi sáu người trước hết đến Thiện Thiện (nay thuộc Tân Cương). Thiện Thiện vốn trước vẫn qui phục Hung Nô. Vì Hung Nô buộc họ tiến cống và nộp thuế quá nặng, nên quốc vương Thiện Thiện rất oán ghét. Nhưng mấy chục năm gần đây, triều Hán không với được tới Thiện Thiện, nên ông ta vẫn phải miễn cưỡng nghe lệnh Hung Nô. Lần này thấy sứ giả triều Hán tới, ông liền tiếp đãi hết sức ân cần.

Mấy ngày sau, Ban Siêu phát hiện thấy quốc vương Thiện Thiện bỗng đối đãi lạnh nhạt hẳn đi, thì cảm thấy nghi ngờ. Ông nói với những người cùng đi: “Các ngươi có thấy không? Quốc vương bỗng dưng đối đãi với chúng ta khác hẳn mấy ngày đầu. Ta đoán rằng sứ giả Hung Nô nhất định đã đến đây”.

Tuy nói vậy, nhưng vẫn chỉ là phỏng đoán. Vừa lúc đó, người hầu của quốc vương Thiện Thiện mang thức ăn tới. Ban Siêu làm ra vẻ đã biết rồi, hỏi: “Sứ giả Hung Nô tới đây mấy ngày rồi? Họ ở đâu?”

Quốc vương Thiện Thiện giao dịch với sứ giả Hung Nô, vốn định dấu không cho Ban Siêu biết. Người hầu đó bị Ban Siêu đánh lừa, tưởng rằng ông đã biết việc đó, liền thực thà nói: “Đến đã ba hôm rồi. Họ ở cách đây ba mươi dặm”.

Ban Siêu né bút tòm quân

Ban Siêu giữ người hầu đó lại rồi lập tức triệu tập ba mươi sáu người trong sứ đoàn lại nói: “Chúng ta cùng nhau đến Tây Vực không ngoài mục đích lập công báo quốc. Hiện nay, sứ giả Hung Nô mới tới được mấy hôm mà thái độ của quốc vương Thiện Thiện đối với chúng ta đã đổi khác. Nếu y bắt chúng ta nộp cho Hung Nô thì mảnh xương tàn cũng không còn được trở về quê quán nữa. Các người thấy thế nào?”

Mọi người đều nói: “Tình hình nguy hiểm thế này, chỉ còn trông mong ở ngài thôi”. Ban Siêu nói: “Kẻ đại trượng phu không vào hang hổ thì làm sao bắt được hổ con (Cổ văn: “Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử”). Bây giờ chỉ có một biện pháp, là nhân lúc đêm tối, chúng ta tìm tới lều của bọn Hung Nô, vừa phóng hỏa, vừa tiến công. Chúng không biết chúng ta có bao nhiêu người, nhất định sẽ hoảng loạn. Chỉ cần giết được hết sứ giả Hung Nô, thì mọi việc sẽ dễ giải quyết”.

Mọi người đều nói: “Hay, hay, chúng ta phải liều một chuyến!”

Tới nửa đêm, Ban Siêu dẫn ba mươi sáu tráng sĩ, tìm tới lều của sứ đoàn Hung Nô. Vừa may đêm đó có gió lớn, Ban Siêu phân công mười tráng sĩ mai phục phía sau lều, hai mươi tráng sĩ mai phục phía trước lều, bản thân Ban Siêu và sáu người còn lại theo hướng gió đốt lửa. Khi lửa bùng lên, mười người mai phục phía sau la hét, hai mươi người còn lại hô giết và xông vào trong lều.

Sứ đoàn Hung Nô giật mình tỉnh dậy, kinh hoàng trước tình hình đó. Ban Siêu dẫn đầu xông vào lều, hơn hai mươi người theo sau xông vào chém giết. Sứ giả Hung Nô và hơn ba mươi tuỳ tòng đều bị giết hết, toàn bộ lều đều biến thành tro.

Đoàn của Ban Siêu về tới chỗ ở thì trời vừa sáng. Ban Siêu mời quốc vương Thiện Thiện tới. Thiện Thiện thấy sứ đoàn Hung Nô đã bị Ban Siêu giết hết, liền tình nguyện nghe theo mệnh lệnh của triều Hán.

Về tới triều Hán, Ban Siêu được Hán Minh Đế thăng làm quan tư mã, rồi lại cử ông tới Vu Điền. Minh Đế bảo ông đem theo nhiều người ngựa. Ban Siêu nói: “Vu Điền là nước lớn, đường lại xa, có mang tới mấy trăm người cũng không có tác dụng gì. Nếu gặp việc gì bất trắc, có nhiều người lại thêm phiền phức”.

Cuối cùng, Ban Siêu vẫn chỉ mang theo ba mươi sáu người cũ đến Vu Điền.

Quốc vương Vu Điền thấy Ban Siêu mang theo một số người ít ỏi nên tiếp kiến không nhiệt tình lắm. Ban Siêu khuyên ông ta nên bỏ Hung Nô và kết thân với triều Hán. Ông ta không quyết định được, phải nhờ Vu sư xin ý kiến thần linh.

Vu sư này vốn không tán thành việc Vu Điền kết giao với triều Hán, nên mượn lời thần linh, nói: “Tại sao nhà vua lại muốn kết thân với triều Hán? Sứ giả triều Hán có con ngựa màu đen nhạt là loại ngựa tốt, có thể chiếm lấy”.

Quốc vương Vu Điền phái Tướng quốc đến gặp Ban Siêu đòi tặng con ngựa. Ban Siêu nói: “Được, xin mời Vu sư đến lấy”.

Vu sư đắc ý đến chỗ Ban Siêu nhận ngựa, Ban Siêu không nói năng gì, rút kiếm chém chết. Sau đó, ông xách đầu vu sư đến gặp quốc vương Vu Điền, trách: “Nếu nhà vua còn câu kết với Hung Nô thì vu sư này sẽ là tấm gương cho nhà vua”.

Quốc vương Vu Điền từ lâu đã nghe uy danh của Ban Siêu, thấy thế thì run sợ, nói: “Xin tình nguyện hoà hảo với triều Hán”.

Thiện Thiện và Vu Điền là những nước chủ yếu ở Tây Vực. Họ đã kết giao với triều Hán, nên những nước khác như Qui Từ, Sơ Lặc (nay đều thuộc Tân Cương) cũng theo họ kết giao với triều Hán”.

Từ thời kỳ Vương Mãng, các nước Tây Vực đã không giao thiệp với triều Hán tới 65 năm. Đến nay, mới khôi phục lại tình hình như khi Trương Khiêm thông Tây Vực. Hai bên lại thường xuyên trao đổi sứ giả và thực hiện việc buôn bán hàng hoá.

Hai năm sau, Hán Minh Đế mất, con là Lưu Đát nối ngôi. Đó là Hán Chương Đế.

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận