Để phá vỡ liên minh Tề Sở, Tần Chiêu Tương Vương dùng hai thủ đoạn: đối với nước Sở thì cứng, đối với nước Tề thì mềm. Ông ta nghe nói đại thần có thế lực nhất của Tề là Mạnh Thường Quân, liền mời Mạnh Thường Quân sang Hàm Dương, nói là muốn cử ông làm thừa tướng.
Mạnh Thường Quân là quí tộc nước Tề, tên là Điền Văn. Để củng cố địa vị của mình, ông chiêu tập rất nhiều khách. Phàm ai đến với ông, cũng đều được giữ lại, cung phụng ăn uống. Loại người này được gọi là môn khách hay thực khách. Theo nói lại, trong nhà Mạnh Thường Quân thường có ba ngàn thực khách, trong đó rất nhiều người thực ra không có tài năng gì, chỉ nhằm kiếm ăn mà thôi.
Khi Mạnh Thường Quân sang Hàm Dương, mang theo rất nhiều môn khách. Tần Chiêu Tương Vương thân hành tiếp đãi họ. Mạnh Thường Quân biếu Tần Chiêu Tương Vương một chiếc áo lông chồn toàn màu trắng làm lễ ra mắt. Tần Chiêu Tương Vương biết đó là loại da chồn bạc rất quí, liền vui mừng tiếp nhận và cất vào trong kho riêng.
Tần Chiêu Tương Vương vốn định mời Mạnh Thường Quân làm thừa tướng, nhưng có người nói với ông: “Điền Văn là quí tộc nước Tề, có rất nhiều tay chân, Nếu ông ta làm thừa tướng, thì nhất định sẽ tính toán những việc lợi cho nước Tề, sẽ trở thành mối nguy cho nước Tần ta”.
Tần Chiêu Tương Vương nói: “Nếu thế, thì để ông ta về thôi”.
Họ nói: “Ông ta ỏ đây đã lâu, biết hầu hết mọi việc của nước Tần, sao có thể dễ dàng để ông ta ra về được?”
Tần Chiêu Tương Vương liền giam lỏng Mạnh Thường Quân lại.
Mạnh Thường Quân rất lo lắng, dò biết Tần Chiêu Tương Vương có một quí phi rất được yêu mến, liền nhờ người cầu cứu bà ta. Quí phi đó sai người nói lại: “Nhờ ta nói giùm với đại vương thì không khó, nhưng ta thích có một áo bằng lông chồn bạc”.
Mạnh Thường Quân bàn với các môn khách: “Ta chỉ có một cái áo, đã biếu vua Tần rồi, làm thế nào đòi lại được?”
Một môn khách nói: “Tôi có cách để lấy được chiếc áo đó”.
Ngay đêm hôm đó, môn khách này mò vào vương cung, ăn trộm được cái áo đó ra. Mạnh Thưòng Quân đem áo lông chồn bạc biếu cho quí phi. Nhận được áo, quí phi đó liền khuyên vua Tần tha Mạnh Thường Quân về nước, Tần Chiêu Tương Vương đồng ý, cấp cho giấy tờ thông hành để Mạnh Thường Quân về.
Mạnh Thường Quân nhận được giấy tờ, liền vội vã đi ra Hàm Cốc quan. Ông sợ Tần Vương đổi ý, liền thay đổi tên họ và chữa giấy thông hành. Đến cửa quan, vừa đúng nữa đêm. Theo qui định của nước Tần, mỗi buổi sớm, chỉ đến khi gà gáy, mới được mở cửa quan cho người qua lại. Mọi người đang sốt ruột chờ trời sáng, thì một môn khách làm giả tiếng gà gáy liên tiếp. Toàn bộ gà vùng xung quanh đều theo đó gáy ran.
Người canh giữ nghe tiếng gà gáy, liền mở cửa quan, xét giấy tờ rồi cho bọn Mạnh Thường Quân đi.
Tần Chiêu Tương Vương quả nhiên hối lại, phái người đuổi theo, đến Hàm Cốc quan, thì Mạnh Thương Quân đã đi xa rồi.
Mạnh Thường Quân về nước Tề, được làm tướng quốc. Thực khách của ông ngày càng nhiều, ông chia môn khách làm mấy bậc: Loại thứ nhất đi đâu cũng có xe ngựa, loại thứ hai ăn cơm có thịt cá, còn loại thứ ba chỉ có gạo thô và rau dưa mà thôi.
Có một ông già là Phùng Huyên, nhà nghèo không có gì ăn, liền đến nhà Mạnh Thường Quân làm thực khách. Mạnh Thường Quân hỏi người quản gia: “Người đó có tài năng gì?”
Quản gia trả lời: “Ông ta nói ông ta không có tài gì cả”.
Mạnh Thường Quân cưòi nói: “Thôi cứ cho ông ta ở lại”. Quản gia hiểu ý Mạnh Thường Quân, liền đối đãi với Phùng Huyến như loại thực khách thứ ba.
Mấy ngày sau, Phùng Huyến đứng dựa cột, gõ kiếm hát: “Thanh kiếm ơi, ta về đi thôi. Ở đây ăn cơm không có cá”.
Quản gia báo với Mạnh Thường Quân. Ông nói: “Cho ông ta ăn thịt cá, đối đãi như loại khách thứ hai”.
Năm ngày sau, Phùng Huyên lại gõ kiếm hát: “Kiếm ơi, ta về đi thôi. Ở đây đi đâu không có xe ngựa”.
Mạnh Thường Quân thấy vậy, bảo quản gia: “Chuẩn bị xe cho ông ta. Đối đã như loại khách thứ nhất”.
Năm ngày sau nữa, Mạnh Thường Quân hỏi quản gia: “Phùng tiên sinh còn có ý kiến gì không? Quản gia trả lời: “Ông ấy lại hát, là không có tiền nuôi gia đình”.
Mạnh Thường Quân hỏi han, biết Phùng Huyên có một bà vợ già, liền cử người mang cái ăn cái mặc đến cho bà ta. Từ đó, Phùng Huyên không hát gì nữa.
Mạnh Thường Quân nuôi nhiều môn khách như thế, những việc ăn, ở, đi lại, nếu chỉ dựa vào bổng lộc của ông thì không đủ. Ông liền nghĩ tới món lợi tức mà ông cho dân chúng ở đất Tiết (nay ở đông nam huyện Đằng, Sơn Đông) vay, muốn dùng số lợi tức đó để bù đắp vào số chi tiêu lớn trong gia đình.
Có một lần, ông cử Phùng Huyên đến đất Tiết để thu nợ. Trước khi lên đường, Phùng Huyên hỏi: “Khi về, cần mua theo những gì?”
Mạnh Thường Quân nói: “Ông xem đấy, thấy nhà thiếu cái gì thì mua cái đó”. Phùng Huyên đến đất Tiết, gọi những người thiếu nợ lại, bảo họ đưa giấy tờ ra đối chiếu. Dân chúng đang lo lắng không biết lấy gì để trả nợ. Trước mặt mọi người, Phùng Huyến giả truyền đạt quyết định của Mạnh Thường Quân: ai không trả được nợ, thì đều miễn cho hết.
Mọi người còn bán tín bán nghi, thì Phùng Huyên châm một mồi lửa, đốt hết văn tự nợ.
Phùng Huyên trở về Lâm Tri, nói hết mọi chuyện cho Mạnh Thường Quân nghe. Mạnh Thường Quân cả giận nói: “Ông đốt hết văn tự nợ, thì ba ngàn người ở đây ăn bằng gì?”
Phùng Huyên ung dung nói: “Trước khi tôi đi, ngài chẳng đã nói rằng, ở nhà thiếu cái gì mua cái đó sao? Tôi thấy ở đây không thiếu thứ gì, chỉ thiếu tình nghĩa của dân chúng, cho nên tôi đã mua “tình nghĩa” đem về.
Mạnh Thường Quân bực bội nói: “Thôi, cho qua”.
Sau này, tiếng tăm của Mạnh Thường Quân ngày càng vang dội. Tần Chiêu Tương Vương nghe tin nước Tề trọng dụng Mạnh Thường Quận thì rất lo ngại, liền ngầm sai người sang nước Tề phao tin đồn, nói Mạnh Thường Quân mua chuộc lòng người để nhằm đoạt ngôi vua. Tề Dẫn Vương tin theo những lời đồn đại đó, thấy Mạnh Thường Quân thanh thế quá lớn, uy hiếp địa vị của mình, liền quyết định thu hồi tướng ấn của Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân bị cách chức, đành phải trở về đất phong của mình là đất Tiết.
Lúc đó, hơn ba ngàn môn khách phần nhiều bỏ đi, chỉ còn Phùng Huyên và một số ít người đi theo, đánh xe đưa ông đến đất Tiết. Khi xe còn cách đất Tiết hàng trăm dặm, đã thấy dân chúng đất Tiết, già trẻ dắt díu nhau ra đón. Trước tình hình đó, Mạnh Thường Quân rất xúc động, nói với Phùng Huyến: “Tình nghĩa trước kia ông mua cho tôi, bây giờ tôi mới thấy”.