Chu Noãn Vương: Cơ Diên

Chu Noãn Vương tên thật là Cơ Diên, con của Chu Thận Kính Vương, kế vị sau khi Thận Kính Vương chết. Trị vì 59 năm, bị bệnh chết, mai táng ở bờ phía bắc sông Khai Khiên (nay thuộc tỉnh Hà Nam).

Năm sinh, năm mất: ? TCN – 256 TCN

* Thời gian Cơ Diên trị vì, nước Tần chuẩn bị mở các cuộc chinh phạt lớn, ở phía Nam tấn công nước Sở, ở phía Đông tấn công 3 nước (Hàn, Triệu, Ngụy), mở rộng khu vực Trung Nguyên.

Năm 306 TCN sau khi nước Sở diệt vong nước Việt, nước Sở hầu như đã chiếm giữ toàn bộ miền Nam Trung Quốc, trở thành một nước lớn nhất trong 7 nước về mặt địa lý, dân số và binh lực, có điều kiện thuận lợi tiêu diệt 6 nước kia thống nhất Trung Quốc. Tuy vậy do thất bại trong thay đổi pháp chế của Ngô Khởi, thế lực của bọn quý tộc cũ rất mạnh nên đã kìm hãm sự phát triển của nước Sở và bị trở thành đối tượng tiêu diệt của nước Tần.

Để đối phó với nước Tần nên hai nước Sở và Tề liên kết với nhau.

Để phá vỡ thế lực liên minh hai nước Sở – Tề, có cơ hội thanh toán từng nước một nên vào năm 313 TCN vua Tần đã sai nhà diễn thuyết Trung Nghị đi đến nước Sở và thương lượng với Sở Hoài Vương, nếu như Sở Hoài Vương phá vỡ mối quan hệ tương giao với nước Tề thì vua Tần sẽ cho nước Sở 600 dặm đất ở vùng Thương (nay thuộc Triết Xuyên tỉnh Hồ Nam). Sở Hoài Vương không nghe lời can gián của một số quan lại tướng sĩ như: Khuất Nguyên, Trấn Đông, Chiêu Hoài… mà lại nghe lời phỉnh nịnh của một số người như: Tử Lan, Trịnh Do… đồng ý với điều kiện của Trương Nghị đưa ra, sai sứ giả đi cùng với Trương Nghị quay về nước Tần nhận đất. Trương Nghị khi quay về nước Tần, viện cớ vì bị thương ở chân đóng cửa không tiếp khách.

3 tháng sau Trương Nghị biết tin Sở và Tề đã cắt đứt mối thâm giao mới tiếp sứ giả nước Sở và nói với sứ giả: “Đất đai của nước Tần không thể tùy tiện tặng cho người khác, lời hứa của tôi lần trước là sẽ đem 6 dặm đất trong đất đai của tôi tặng cho các anh”. Sở Hoài Vương nghe được tin này, giận dữ vô cùng không cần nghe lời khuyên của Trấn Đông vội vã mang quân đánh Tần.

Vào năm 312 TCN quân Sở đã đánh nhau với quân Tần ở vùng đất Đan Dương (nay thuộc phía bắc Đan Giang tỉnh Hà Nam). Quân Sở thua trận, chủ tướng Khuất Cái và phó tướng cùng với hơn 70 người bị bắt giữ, 80.000 binh lính bị tử trận, quận Hán Trung bị nước Tần chiếm lĩnh. Sở Hoài Vương cay cú vô cùng dốc toàn bộ lực lượng đi đánh Tần, quân Tần và quân Sở đánh nhau trên đất Lam Điền (nay thuộc huyện Lam Điền tỉnh Thiểm Tây), quân Sở lại thua trận. Nhân cơ hội này nước Hàn và nước Ngụy cũng xuất binh đánh nước Sở. Nước Sở bị tấn công dồn ép từ hai phía, đành xin cầu hòa với nước Tần.

Một thời gian sau, nước Tần lại chuẩn bị binh lực tấn công 3 nước Hàn, Triệu, Ngụy. Nước Sở tạm thời dẹp bỏ mối đe dọa từ nước Tần, nhưng mâu thuẫn xã hội xảy ra gay gắt, vào năm 301 TCN nước Sở nổ ra cuộc khởi nghĩa nông dân, làm cho giai cấp thống trị bị đánh đổ trầm trọng.

Vào năm 299 TCN, Tần Vương lấy mối kết thân làm danh lợi, gặp Sở Hoài Vương ở Vũ Quan (nay thuộc huyện Thương Nam tỉnh Thiểm Tây). Một lần nữa Sở Hoài Vương không nghe lời cản trở của Khuất Nguyên mà nghe lời xu nịnh của Tử Lan đã quyết định đi gặp vua Tần, quả nhiên bị quân Tần bắt giữ giải về đô thành Hàm Dương. Hai năm sau, ông ta chạy trốn nhưng không thoát, do vậy buồn rầu mà chết ở nước Tần. Trước khi ông ta chết quân Tần đánh Sở, giết được 50.000 lính Sở, cướp được 15 tòa thành.

Sau năm 280 TCN quân Tần tập trung binh lực đánh chiếm đất Sở và năm 278 TCN vua Tần sai tướng Bạch Khởi dẫn quân đánh vào đô thành Sính của nước Sở. Nước Sở không chống đỡ được, cuối cùng bị diệt vong. Sau khi đô thành Sính bị chiếm giữ, nhà thơ nhà chính trị yêu nước vĩ đại là Khuất Nguyên không chịu được khi nhìn cảnh tổ quốc bị diệt vong nên nhảy xuống sông Mịch La (nay thuộc phía bắc huyện Tương Ân tỉnh Hồ Nam) tự vẫn.

Cùng lúc tấn công nước Sở, nước Tần còn tấn công 3 nước (Ngụy, Hàn, Triệu). Vào năm 314 TCN, Tần nhân cơ hội đánh nước Yên đã đánh luôn Ngụy, Hàn, Triệu cướp được khá nhiều đất đai. Vào năm 308 TCN, từ cửa ải Hàm Cốc quân Tần đánh vào vùng Nghị Dương của nước Hàn tạo thành một địa thế đẹp thuận lợi cho việc đánh các nước khác về sau này. Qua vài tháng chiến đấu ác liệt, năm thứ hai quân Tần mới chiếm giữ được vùng Nghị Dương mở ra con đường lớn thông với trung nguyên.

Vào năm 293 TCN, hai nước: Hàn, Ngụy liên kết với nhau đánh Tần, hai bên đánh nhau ở Y Khuyết (nay là phía Nam thành phố Lạc Dương tỉnh Hà Nam), quân Tần dưới sự chỉ huy của tướng Bạch Khởi đã chiến thắng quân địch diệt được 240.000 quân, quân số của 2 nước Hàn, Ngụy bị tổn thất nặng nề. Sau đó, Tần tiếp tục đánh Hàn, Triệu, Ngụy cho đến năm 286 TCN, nước Tần đã chiếm được 1/2 đất đai của Hàn, Triệu, Ngụy.

Nước Tần ngày càng lớn mạnh làm cho Tần Chiêu Vương không còn hài lòng với danh hiệu xưng “vương” mà muốn xưng làm “đế” để tỏ rõ sự tôn nghiêm, chuẩn bị thay thế nhà Chu. Vào tháng 10 năm 288 TCN Tần Chiêu Vương đã hẹn gặp Tề Mẫn Vương để cùng nhau đổi hiệu thành “đế”, Tần là “Tây Đế” còn Tề là “Đông Đế”.

Tháng 12, nhà diễn thuyết Tô đã phân tích: Tề Mẫn Vương lấy hiệu là “đế”, Tần Chiêu Vương cũng lấy hiệu là “đế”. Hai nước mạnh cùng làm đế, họ lộ rõ ý đồ sẽ thôn tính 5 nước, chia đôi thiên hạ. Điều này khiến 5 nước vô cùng lo lắng, gây ra hai sự kiện lớn: 5 nước sẽ cùng đánh Tần với 6 nước sẽ cùng đánh Tề. Năm nước cùng tấn công Tần là: Hàn, Triệu, Ngụy, Tề, Yên, nhưng mỗi nước lại có mục đích khác nhau, khó thống nhất làm một, cuối cùng chưa đánh đã tan.

Vào năm 284 TCN, vua Tần tổ chức hội họp liên kết 6 nước (Yên, Tần, Sở, Triệu, Ngụy, Hàn) cùng đánh Tề, 6 nước đó quân Yên đã đánh bại quân Tề đánh chiếm được đô thành Lâm Tri của nước Tề, nước Tề chỉ còn lại đúng hai tòa thành ở đất: Cử và Hắc, vua Tề phải chạy đến đất Cử. Năm năm sau, quân Tề dưới sự chỉ huy của tướng Điền Đan bánh bại quân Yên, thu lại những vùng đất bị mất. Trải qua trận chiến này binh lực của nước Tề bị suy yếu, về sau không còn là đối thủ của nước Tần.

Nước Sở và nước Tần ngày một suy yếu, ngược lại nước Triệu ngày một mạnh lên. Vào năm 307 TCN quốc quân nước Triệu là Vũ Linh Vương cảnh báo với các nước: Yên, Đông Hồ, Lâm Hồ, Hàn… nếu như binh lực không mạnh, tất sẽ diệt vong, nên ông ta quyết định phát triển binh lực, đưa nước Triệu đi lên. Đối thủ chính của Triệu là nhắm vào hình thế của dân du mục Tây Hồ. Vũ Linh Vương quyết định gây dựng một đội kị binh hùng mạnh. Lúc đó người Triệu hay mặc áo dài, ống tay rộng lưng hẹp, cổ hẹp, ăn mặc như vậy không phù hợp với việc cưỡi ngựa đánh trận. Vua Triệu cho sửa đổi phục trang để làm gương cho binh lính, ông ta mặc áo triều bào cũng mặc áo ngắn tay hẹp. Rất nhiều quý tộc lại cho rằng như thế là quay lưng vào lễ giáo, đại nghịch vô đạo. Triệu Vũ Linh Vương đã thuyết phục được Công tử Thành (là một người rất có ảnh hưởng trong giới quý tộc) mặc theo kiểu mới, sau đó hạ lệnh một cách nghiêm túc: tất cả thần dân đều phải mặc theo kiểu mới: áo ngắn, tay hẹp, cuối cùng ông cũng xây dựng được một đội kị binh cưỡi ngựa bắn tên rất hùng mạnh. Điều đó nói rõ các dân tộc của Trung Quốc học nhau cách bỏ dài lấy ngắn, phong tục tập quán cũng dần dần được tiếp cận và thay đổi. Nước Triệu ỷ vào quân kị binh nên liên tiếp xuất binh đánh trận đến năm 296, nước Triệu diệt vong nước Trung Sơn (nay là phía Bắc tỉnh Hà Bắc). Lãnh thổ được mở rộng, quân đội hùng mạnh, kinh tế dồi dào và nước Triệu trở thành một đối thủ hùng mạnh của nước Tần.

Năm 262 TCN, nước Tần đánh nước Hàn, nước Hàn muốn giữ quận Thượng Đảng nên đầu hàng Triệu dâng cho Triệu 17 tòa thành. Hai năm sau, quân Tần mới lấy được quận Thượng Đảng, sau đó tiến đánh Trường Bình (nay là huyện Cao Bình tỉnh Sơn Tây), tướng quân nước Triệu là Liêm Pha cố thủ không ra đánh chặn quân Tần. Quân Tần thấy không đánh được Trường Bình bèn tung tin nhảm nhí nói xấu Liêm Pha muốn đầu hàng Tần. Vua Triệu hồ đồ tin vào lời đồn đò nên sai Triệu Quát một người không có kinh nghiệm chiến trận lại kiêu căng, làm thống lĩnh thay thế Liêm Pha. Triệu Quát không theo chiến thuật của Liêm Pha cứ nhất định mang quân ra đánh với Tần. Quân Tần dưới sự chỉ huy của Bạch Khởi đã nhử Triệu Quát vào trận địa của họ, bao vây quân Triệu. Quân Triệu bị bao vây hơn 40 ngày, lương thảo cạn kiệt, Triệu Quát dẫn một đội quân tinh nhuệ đột phá vòng vây và bị bắn chết, quân Triệu hơn 400.000 người phải đầu hàng Tần. Bạch Khởi lo sẽ xảy ra bạo động nên chỉ phóng thích cho 240 đứa trẻ, còn lại đều giết hết. Chiến dịch này trong lịch sử gọi là “Trận chiến ở Trường Bình”. Điều đó làm cho nước Triệu bị tổn thất nặng nề về quân số, khó lòng vực lại được. Triệu Quát không có tài cán đã gây ra sự diệt vong cho quân đội và tổn hại đến bản thân mình và đây cũng là nguồn gốc câu thành ngữ “Bàn việc dụng binh trên giấy” tức là bàn luận vô căn cứ.

Thời gian Cơ Diên trị vì, vương thất nhà Chu cũng suy yếu, địa bàn thống trị của Chu chỉ có 30, 40 tòa thành, hơn 30.000 dân. Đã thế lại còn chia ra “Đông Chu” do Đông Chu Công quản và “Tây Chu” do Tây Chu Công quản. Cơ Diên cư trú ở “Tây Chu” gọi là (Vương Thành). Lúc này nước Tần đã chiếm khá nhiều đất đai của 3 nước: Hàn, Ngụy, Triệu và còn muốn thu phục triều Chu. Cơ Diên sống trong lo âu sợ có ngày bị nước Tần bắt giữ. Lúc này, nước Sở muốn ngăn chặn sự phát triển thế lực của nước Tần nên đã sai sứ giả đến mời Cơ Diên làm thiên tử (chỉ trên danh nghĩa mà thôi), hạ lệnh cho các nước hợp sức cùng đánh Tần. Cơ Diên nhận được tin này vui mừng khôn xiết ra lệnh cho Tây Chu Công thành lập một đội quân gồm có 5.000 người, nhưng quân đội lại thiếu vũ khí, lương thảo. Cơ Diên đành phải kêu gọi những gia đình giàu có cho mượn tạm tiền bạc, lương thực hứa hẹn sẽ trả lại sau khi đánh thắng nước Tần.

Năm 256 TCN, sau khi chuẩn bị đầy đủ Cơ Diên hạ lệnh cho Tây Chu Công làm đại tướng, dẫn quân đi đánh nước Tần và hẹp gặp sứ giả 6 nước ở Y Khuyết, cùng nhau tiến đánh Tần. Không ngờ, chỉ có binh lính của hai nước Sở, Yên đến chỗ hẹn, còn lại 4 nước kia đều không đến, tổng số binh lính hội họp ở Y Khuyết chỉ có vài vạn người kém xa quân số của quân Tần và càng không phải là đối thủ của Tần. Họ chờ mãi, chờ đến 3 tháng cũng không thấy binh mã của 4 nước đến do vậy khí thế của quân lính giảm sút, Tây Chu đành phải dẫn quân quay về.

Các hộ giàu có thấy “Tây Chu” trở về đều liên tiếp đến đòi nợ Cơ Diên. Họ tập trung từ sáng đến tối, một mực đòi nợ. Cơ Diên hối hận thì đã muộn không có cách gì trả nợ đành phải trốn ở trên một cái đài cao ở sau cung điện. Người ở triều Chu gọi cái đài này là “đài trốn nợ”.

Sau đó, quân Tần tấn công vùng Dương Thành (nay thuộc phía Nam huyện Đăng Phong tỉnh Hà Nam và vùng Phụ Thủ (nay thuộc phía Tây Nam huyện Đăng Phong tỉnh Hà Nam), tiếp đó tiến đánh Vương Thành (triều Đông Chu) Cơ Diên hoảng hốt định chạy đến nước Hàn hoặc nước Ngụy. Tây Chu Công khuyên giải nói “Tần đã thôn tính 6 nước, sức mạnh của Tần mạnh như vũ bão, nước Hàn, nước Ngụy cũng khó lòng tránh được, nếu như đại vương chạy đến đó chẳng may bị bắt làm tù binh thì tình hình còn xấu hơn nhiều, chi bằng đầu hàng luôn kết quả sẽ khả quan hơn”. Cơ Diên đành phải theo lời khuyên của “Tây Chu” và dẫn đầu các hạ thần, tông thất đến cùng tế tổ tiên, xin lỗi vì không giữ được cơ nghiệp. Ba ngày sau đến đầu hàng quân Tần. Tần Chiêu Tương Vương cho Cơ Diên làm Chu Công, ra lệnh cho Cơ Diên cư trú ở Lương Thành (nay là phía Nam huyện Hán Thành tỉnh Thiểm Tây), vua Tần còn lấy đi “Cửu Đỉnh” bảo vật quý tượng trưng cho quyền lực quốc gia. Từ đó, Đông Chu tuyên bố bị diệt vong.

Cơ Diên lúc đó đã già, phải đi đất Chu sang đất Tần rồi sang đất Lương, cuối cùng không chịu được vất vả nên đến thành Lương không được 1 tháng thì ốm chết.

Sau khi ông ta chết lấy thụy hiệu là Noãn Vương.

Đế Vương Trung Hoa,

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận