Chu U Vương tên thật là Cơ Cung Niết, là con của Chu Tuyên Vương, được lập làm thái tử, lên kế vị sau khi Tuyên Vương chết. Trị vì 11 năm. Mất nước, bị Khuyển Nhung đuổi và giết ở chân núi Li Sơn (nay thuộc phía Đông Nam huyện Lâm Đồng tỉnh Thiểm Tây) táng ở chân núi Li Sơn.
Năm sinh, năm mất: ? TCN – 771 TCN
* Cơ Cung Niết lúc lên kế vị, cục diện chính trị không ổn định, cộng thêm vào đó là thiên tai xảy ra liên tiếp, nhân dân sống lang thang không chốn nương thân, sản xuất đình trệ, quốc gia suy tàn. Cơ Cung Niết không quan tâm chú ý tới mối nguy hiểm đe dọa triều Chu, hung bạo cường quyền, thêm vào đó trọng dụng những kẻ bất tài như Quốc Thạch Phụ, hãm hại nhân dân, đẩy tăng thêm mâu thuẫn giai cấp, mang quân đi chinh phạt Khuyển bị thất bại lớn.
Cơ Cung Niết sinh hoạt dâm ô, sủng ái quý phi Bao Tự. Bao Tự khi cống tiến vào cung không hề nở một nụ cười, Cơ Cung Niết tìm đủ mọi cách mua được nụ cười của cô ta, ông ta trao giải thưởng, ai làm cho Bao Tự cười sẽ thưởng 2 nghìn lạng vàng. Quốc Thạch Phụ hám lợi đưa ra một kế đốt lửa báo động cho các chư hầu.
Hóa ra, triều Chu để phòng bị sự xâm lược của Khuyển Nhung, ở trên núi Li Sơn có xây một đài lửa báo động, mỗi khi Khuyển Nhung tiến đánh, sẽ châm lửa báo động, những đài lửa gần đó cũng được châm lên, báo cho các chư hầu xung quanh biết. Các chư hầu thấy lửa cháy biết kinh thành có biến thiên tử gặp khó khăn, sẽ mang quân đến cứu viện. Kế sách của Quốc Thạch Phụ được Cơ Cung Niết chấp nhận, khi đài lửa được đốt lên các chư hầu vội vàng xuất binh ứng cứu. Đến chân núi Li Sơn, không hề thấy bóng dáng quân Khuyển Nhung chỉ thấy Cơ Cung Niết và Bao Tự đang ngồi uống rượu nghe nhạc. Ông ta sai người giải thích cho các chư hầu nghe và bảo họ quay về nhà. Các chư hầu biết mình bị lôi ra làm trò đùa, tức giận vô cùng. Bao Tự vỗ tay cười lớn. Cơ Cung Niết vui mừng khôn siết, thưởng vàng cho Quốc Thạch Phụ.
Không lâu sau, ông ta phế bỏ hoàng hậu và thái tử, lập Bao Tự và con trai cô ta lên làm hoàng hậu; và ra lệnh tước bộ địa vị của Thân Hầu (là cậu của thái tử) chuẩn bị mang quân đi đánh Thân Hầu. Thân Hầu liên kết với Khuyển Nhung ở miền Tây đầu tiên chỉ chống đỡ, về sau quyết định đánh vào Cảo Kinh. Cơ Cung Niết vội vàng đốt đài lửa báo động, các chư hầu lần trước bị mắc lừa, do vậy họ không muốn mang quân đến cứu. Quân lính ở Cảo Kinh vốn hận Cơ Cung Niết hồ đồ ngu muội và không bằng lòng với việc các tướng lĩnh thường bớt xén lương thực, lúc này miễn cưỡng xung trận, sau một hồi cũng tản đi hết. Quân của Khuyển Nhung đại thắng xông vào thành. Cơ Cung Niết, Bao Tự và con trai vội vàng hoảng hốt chạy lần cửa sau, trốn trên núi Li Sơn. Lúc này, ông ta lại ra lệnh đốt lửa, lửa cháy bùng bùng nhưng vẫn không thấy bóng dáng các chư hầu đến cứu. Quân của Khuyển Nhung đuổi theo gấp rút, các thuộc hạ của Cơ Cung Niết đã chạy trốn hết, chỉ còn hơn 100 người chạy vào Li Cung. Cơ Cung Niết thu nạp ý kiến của quần thần, ra lệnh đốt lửa trước cửa cung, để gây mối nghi hoặc cho quân của Khuyển Nhung, còn mình theo lối cửa sau chạy trốn. Chạy không được bao xa, quân của Khuyển Nhung lại chặn ở trước mặt, một trận hỗn chiến xảy ra, cuối cùng chỉ còn lại ba vợ chồng con cái Cơ Cung Niết, họ sợ hãi chết ngất trên xe, quân địch thấy Cơ Cung Niết mặc hoàng bào đội mũ thiên tử, biết đấy là vua Chu, liền chém chết ông ta và con trai. Chỉ tha mạng cho Bao Tự và bắt cô ta làm tù binh (một thuyết khác nói. Bao Tự cũng bị giết). Tây Chu bị diệt vong. Sau khi ông ta chết lập miếu đặt hiệu là U Vương
Đế Vương Trung Hoa,