Gia Cát Lượng Vạch Đối Sách ở Long Trung

Sau đại chiến Quan Độ, Lưu Bị chạy tới Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu. Biểu cấp cho Lưu Bị một số người ngựa, cho ra đóng ở Tân Dã (nay là huyện Tân Dã, Hà Nam).

Lưu Bị ở Kinh Châu mấy năm, được Lưu Biểu đối đãi như thượng khách. Nhưng Lưu Bị là người có hoài bão lớn, chí hướng chưa thực hiện được nên trong lòng lúc nào cũng buồn rầu.

Có lần, Lưu Bị nắn bóp bắp chân mình, thấy mềm nhẽo, thì buồn bã rơi nước mắt. Lưu Biểu nhìn thấy, liền hỏi lý do. Lưu Bị nói: “Không có chuyện gì lớn. Chỉ vì trước kia, Bị này thường xuyên đi trận mạc, hàng ngày không rời khỏi yên ngựa nên bắp chân rắn chắc; nay lâu ngày nhàn rỗi, bắp chân chảy xệ ra. Nhìn ngày tháng qua đi như nước chảy, tuổi sắp già rồi, chẳng làm nên việc gì lớn, nên thấy tự cảm thương thân thế”.

Lưu Biểu an ủi một hồi, nhưng Lưu Bị luôn luôn nghĩ tới kế lâu dài, muốn tìm một người tài cao học rộng để giúp đỡ mình.

Ông nghe nói ở Tương Dương có một danh sĩ là Tư Mã Huy, liền tìm đến bái yết. Tư Mã Huy tiếp đãi rất trân trọng và hỏi xem Lưu Bị cần gì.

Lưu Bị nói: “Chẳng dám dấu gì tiên sinh, Bị này tìm đến chỉ để chân thành nghe lời chỉ giáo về đại thế trong thiên hạ”.

Tư Mã Huy cười lớn nói: “Một kẻ quê mùa như lão phu, hiểu sao được đại thế thiên hạ. Muốn nói về đại thế thiên hạ, phải là những bậc tuấn kiệt tài năng”.

Lưu Bị năn nỉ: “Xin tiên sinh chỉ cho, ở đâu có những người tuấn kiệt như thế?”

Tư Mã Huy nói: “Vùng này có Ngọa Long, lại có Phượng Sồ. Nếu ngài tìm được một trong hai người đó thì có thể bình định thiên hạ”.

Lưu Bị vội hỏi Ngoạ Long, Phượng Sồ là những ai. Tư Mã Huy nói: “Ngọa Long tên là Gia Cát Lượng, tự là Khổng Minh; Phượng Sồ tên là Bàng Thống, tự là Sĩ Nguyên”.

Lưu Bị hết lời cảm tạ Tư Mã Huy rồi trở về Tân Dã. Đúng lúc ấy có một nho sĩ tìm đến gặp. Lưu Bị thấy người đó cử chỉ đàng hoàng, cho rằng nếu không phải Phục Long thì cũng là Phượng Sồ, liền tiếp đãi rất nhiệt tình.

Sau khi nói chuyện, mới biết người đó là Từ Thứ, một danh sĩ địa phương, nghe nói Lưu Bị đang chiêu mộ nhân tài nên đến xin theo.

Untitled

Từ Thứ nói: “Tôi có một người bạn cũ là Gia Cát Khổng Minh, mọi người gọi ông ta là Ngoạ Long, tướng quân có muốn gặp ông ta không?’

Qua lời Từ Thử, Lưu Bị được biết kỹ về Gia Cát Lượng. Thì ra, Gia Cát Lượng không phải là người địa phương. Quê ông ở huyện Dương Đô, quận Lang Nha (nay ở phía nam huyện Nghi Thuỷ, Sơn Đông). Ông mồ côi cha khi còn ít tuổi. Chú là Gia Cát Huyền là bạn của Lưu Biểu, nên đem ông đến Kinh Châu. Ít lâu sau, ông chú mất, ông liền định cư ở Long Trung (nay ở phía Tây Tương Dương, Hà Bắc), dựng một lều cỏ, vừa cày cấy, vừa đọc sách. Ông mới hai mươi bảy tuổi nhưng học vấn uyên bác, kiến thức hơn người, bạn bè hết sức khâm phục. Ông cũng thường tự ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị khi xưa. Nhưng ông thấy thiên hạ loạn ly, Lưu Biểu lại không phải là người biết dùng nhân tài, nên đành ẩn cư ở Long Trung, sống cuộc đời bình lặng.

Lưu Bị nghe Từ Thứ giới thiệu, liền nói: “Tiên sinh đã là bạn thân của Gia Cát Lượng, vậy phiền tiên sinh không quản vất vả đi cho một chuyến, mời ông ta về đây với bỉ nhân”.

Tờ Thứ lắc đầu nói: “Làm như vậy không được. Với một người như thế, tướng quân nhất định phải tự đến mời thì mới tỏ được thành ý”.

Lưu Bị đã nghe Tư Mã Huy nói, nay lại thấy Từ Thứ giới thiệu như vậy, biết rằng Gia Cát Lượng là một người hiếm có, liền dẫn theo Quan Vũ, Trương Phi, cùng đến Long Trung tìm Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng biết Lưu Bị đến tìm mình, cố ý tránh mặt, nên Lưu Bị tới nơi, không gặp được.

Quan Vũ, Trương Phi thấy xa xôi phiền phức quá, có ý nản, nhưng Lưu Bị nhớ lời Từ Thứ nói, hết sức kiên nhẫn, đi một lần không gặp, lại đi lần thứ hai, rồi lần thứ ba.

Lần này, sau hồi lâu chờ đợi, Lưu Bị được Gia Cát Lượng tiếp vì thấy Lưu Bị thành tâm và tha thiết quá.

Lưu Bị để Quan Vũ và Trương Phi bên ngoài rồi theo Gia Cát Lượng vào lều cỏ. Khi trong lều chỉ có hai người, Lưu Bị thành khẩn nói: “Nay nhà Hán suy vi, đại quyền rơi vào tay gian thần Tào Tháo, Bị này tuy tài hèn sức kém, vẫn rất muốn cứu vãn cục diện, nhưng không tìm ra kế sách gì, nên một lòng tìm đến đây để xin tiên sinh chỉ giáo”.

Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị chân thành khiêm tốn như vậy, liền trình bày với Lưu Bị những gì mình đã tính toán và ôm ấp từ lâu. Ông nói: “Hiện nay Tào Tháo đã dẹp xong Viên Thiệu, trong tay có hàng trăm vạn quân, lại nắm được cái thế hiếp thiên tử để ra lệnh cho chư hầu. Vì vậy, khó dùng vũ lực để tranh hơn thua với hắn. Tôn Quyền chiếm cứ một dải Giang Đông đã qua ba đời. Giang Đông địa thế hiểm yếu, trăm họ đã qui phụ ông ta, lại có nhiều nhân tài phù trợ. Xem ra, ta có thể liên hợp với ông ta, chứ không thể đánh ông ta”. Sau đó, Gia Cát Lượng phân tích tình hình ở Kinh Châu và Ich Châu (nay là Tứ xuyên, Vân Nam và một phần Thiểm Tây, Cam Túc, Hồ Bắc, Quý Châu), cho rằng Kinh Châu là địa điểm trọng yếu về quân sự, lại là nơi mà Lưu Biểu không có đủ tài năng để giữ được.Ich Châu là nơi đất đai phì nhiêu, rộng lớn, xưa nay vẫn nổi tiếng là “thiên phủ chi quốc” (nơi kho tàng thiên nhiên), mà Lưu Chương là người chủ ở đó lại là kẻ nhu nhược bất tài, không được coi trọng.

Cuối cùng, Gia Cát Lượng nói: “Tướng quân là dòng dõi hoàng thất, thiên hạ đều nghe danh. Nếu tướng quân chiếm được Kinh Châu, Ich Châu, ngoài thì liên hợp với Tôn Quỵền, trong thì chỉnh đốn nội chính. Một mai có thời cơ, có thể tiến quân từ hai hướng Kinh Châu, Ích Châu để đánh Tào Tháo. Đến lúc đó, ai mà không chào đón tướng quân? Nếu làm được như vậy sẽ lập nên nghiệp lớn, nhà Hán có thể khôi phục được”.

Lưu Bị càng nghe càng thấy khâm phục tầm mắt và kiến thức của người trẻ tuổi đó, liền sụp xuống nói: “Lời tiên sinh khiến Bị này như vén mây mù mà thấy được mặt trời. Bị xin nghe theo lời dạy của tiên sinh. Xin tiên sinh cùng Bị này xuống núi giúp đời”.

Gia Cát Lượng cảm động trước sự thành tâm mến mộ của Lưu Bị, liền cùng với ông về Tân Dã. Sau này, người ta gọi sự kiện Lưu Bị đi đón Gia Cát Lượng là “tam cố thảo lư”, và ý kiến trình bày của Gia Cát Lượng là “Long Trung đối sách”.

Từ đó, Lưu Bị coi Gia Cát Lượng như bậc thầy, và Gia Cát Lượng cũng coi Lưu Bị như chúa công của mình, tình cảm giữa hai người ngày càng thân mật.

Quan Vũ và Trương Phi thấy thế thì rất không bằng lòng, luôn phàn nàn sau lưng, cho Gia Cát Lượng còn ít tuổi, chưa chắc đã có tài năng gì mà Lưu Bị phải quá trọng vọng như thế.

Lưu Bị giải thích với họ: “Ta gặp được Khổng Minh tiên sinh, như cá gặp nước. Từ nay cấm các người không được ăn nói lung tung”. Quan Vũ, Trương Phi không dám nói gì nữa.

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận