Hán Chiêu Đế tên thật là Lưu Phất Lăng, tuổi Hợi. Tính tình nho nhã, là người thông tuệ, mưu lược, tuy ít tuổi nhưng cũng có nhiều công lao. Sau khi Vũ Đế qua đời thì được kế vị. Tại vị 13 năm, ốm chết, thọ 21 tuổi.
Năm sinh: 94 TCN
Năm mất: 74 TCN
Nơi an táng: Binh Lăng (phía tây bắc thành phố Hàm Dương ngày nay).
Trước: Lưu Triệt
Sau: Lưu Tuân
Công – tội: Có người nói rằng cuộc đời ngắn ngủi của ông chẳng có công trạng gì đáng để hậu thế truyền tụng. Tuy ông không có sự nghiệp hiển hách như phụ thân nhưng việc ông chỉnh đốn lại triều đình mục nát mà Vũ Đế để lại, khiến cho triều Hán không bị lụn bại đã là một công lao to lớn.
Trước khi lên ngôi
Khi Lưu Phất Lăng kế vị phải tiếp nhận đống đổ nát mà Vũ Đế để lại. Thời Vũ Đế chinh chiến liên miên, tiêu xài hoang phí; những năm cuối đời thì mê muội tà thuật khiến cho triều đình hỗn loạn, đất nước tiêu điều, dân chúng lầm than
Phất Lăng kế vị khi mới 8 tuổi. Chị gái của ông là trưởng công chúa Ngạc Ấp là người chăm sóc cho ông đến khi trưởng thành. Một đại thần của Vũ Đế là Hoắc Quang phò trợ ông trị vì quốc gia, từng bước khắc phục những hậu quả của thời Vũ Đế để lại, dần dần trung hưng đất nước.
Mẹ của Phất Lăng là Câu Dặc, khi sinh ra hai bàn tay đã nắm chặt, không thể mở ra. Đến tận khi mười mấy tuổi cũng vẫn như vậy. Khi Vũ Đế đi tuần du qua Hà Gián (phía đông nam huyện Hiến tinh Hà Bắc ngày nay), nghe được chuyện kỳ lạ đó liền hiếu kỳ đến xem. Vũ Đế kéo tay cô ta thì tự nhiên hai bàn tay mở ra. Những người xung quanh nói rằng hai người có duyên. Vũ Đế rất vui mừng, đem cô ta về cung, phong làm tiệp dư, cho ở trong cung Câu Dặc nên gọi tên là Câu Dặc.
Năm sau, Câu Dặc phu nhân có thai 14 tháng sinh ra một bé trai Vũ Đế nói rằng: “Mẹ vua Nghiêu thời xưa cũng có thai 14 tháng mới sinh ra ông ta. Có lẽ con trai ta cũng giống vua Nghiêu”. Ông đặt tên cho đứa bé là Phất Lăng. Vũ Đế rất yêu quý Phất Lăng, đặc cách cho tùy ý vào cung.
Những năm cuối đời Vũ Đế, trải qua sự kiện “loạn Vu cổ”, ông ngày đêm thương nhớ thái tử Lưu Cú. Rất lâu sau cũng không lập thái tử. Đến khi gần chết mới chỉ định Phất Lăng kế vị.
Do lo sợ Phất Lăng nhỏ tuổi, thì sau khi con trai kế vị, mẹ sẽ chuyên quyền giống như Lã Hậu nên Vũ Đế đã ban chết cho Câu Dặc, khi đó mới hơn hai mươi tuổi.
Sau khi lên ngôi
Sau khi kế vị, Phất Lăng theo sự dặn dò của Vũ Đế, phong cho Hoắc Quang làm Đại tư mã kiêm Đại tướng quân. Sau khi ông đích thân chấp chính lúc 14 tuổi, liền cùng với Hoắc Quang chỉnh đốn lại đất nước. Ông liên tiếp ban ra nhiều thánh chỉ, miễn giảm sưu thuế để dân dưỡng sức. Đối với vấn đề biên giới, ông bãi bỏ chính sách dùng vũ lực chinh phạt của Vũ Để mà một mặt tăng cường phòng vệ, vài lần đánh bại quân Hung Nô; Mặt khác tiếp tục đàm phán cầu thân, cải thiện quan hệ của hai nước. Những chính sách của ông đã khiến chính trị và kinh tế dần dần phục hồi.
Tuy nhiên, không phải tất cả triều thần đều tán thành những chính sách này. Có một đại thần tên là Tang Hoằng Dương, người đề xướng chính sách nhà nước độc quyền kinh doanh rượu, muối, sắt thời Vũ Đế, rất được Vũ Đế tín nhiệm, không đồng tình với chính sách an dân của Phất Lăng, đồng thời rất bất mãn việc Hoắc Quang độc chiếm đại quyền nên cùng với Tả tướng quân Thượng Quan Kiệt và anh trai của Phất Lãng là Yên Vương Lưu Đán bí mật làm phản, âm mưu giết chết Hoắc Quang, để Phất Lăng không còn người trợ giúp nữa.
Sau một lần duyệt binh. Hoắc Quang triệu một viên hiệu úy đến phủ làm việc. Tang Hoằng Dương và Thượng Quan Kiệt nhân cơ hội này, sai người giả làm sứ giả của Yên Vương Lưu Đán dâng thư tố cáo Hoắc Quang mưu phản. Phất Lăng đem chuyện này nói với Hoắc Quang, rồi nói: “Trẫm không tin những lời hoang đường của bọn chúng, hy vọng Đại tướng quân cũng không tin. Việc khanh điều tên hiệu úy đến phủ chỉ mới xảy ra gần đây, Yên Vương ở cách xa ngàn dặm, làm sao có thể hay biết được? Hơn nữa, khanh nắm trọng binh trong tay, nếu muốn tạo phản, sao lại dùng một tên hiệu úy?”
Sử gia ca tụng sự kiện này: Hán Chiêu Đế mới 14 tuổi mà đã anh minh như vậy, Cao Tổ, Văn Đế, Cảnh Đế cũng không bằng.
Quan hệ giữa chị gái là trưởng công chúa Ngạc Ấp với Phất Lăng vốn rất tốt. Nhưng do Phất Lăng không đồng ý ban chức quan cho người tình của công chúa nên công chúa mang hận trong lòng. Nhân đó, Tang Hoằng Dương và Thượng Quan Kiệt muốn lợi dụng trưởng công chúa thỉnh cầu hoàng đế mở yến tiệc để mượn cớ giết Hoắc Quang, diệt trừ Phất Lăng, đưa Yên Vương lên ngôi. Nhưng âm mưu đó bị bại lộ, Phất Lăng phái thừa tướng Điền Thiên Thu dẫn quân bắt Tang Hoằng Dương và Thượng Quan Kiệt, xử tội mưu phản, tru di tam tộc. Ngạc Ấp công chúa và Yên Vương Lưu Đán tự sát. Tình hình triều đình được ổn định. Vài năm sau, đất nước thái bình, biên cương bình yên. Nhưng đáng tiếc là Phất Lăng đoản mệnh, mắc bệnh nan y rồi qua đời khi mới 21 tuổi.
Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại - nhiều tác giả,