Hán Chiêu Vũ Đế tên là Lưu Thông, tự là Huyền Minh, là con trai thứ tư của Hán Quang Văn Đế Lưu Uyên. Thuở nhỏ là người thông minh, sau thì hôn bạo. Sau khi Lưu Uyên qua đời, Lưu Hoà kế vị. Ông giết chết Lưu Hoà, tự lập làm hoàng đế. Tại vị 8 năm, ốm chết.
Năm sinh, năm mất: ? – 318
Nơi an táng: Lăng Tuyên Quang (không rõ ngày nay ở đâu). Thụy hiệu là Chiêu Vũ hoàng đế, miếu hiệu là Liệt Tông.
Tháng 7 năm 310, Hán Quang Văn Đế Lưu Uyên mắc bệnh qua đời. Theo di chiếu của ông, Lưu Hoà kế vị. Nhưng Lưu Hoà tin vào lời gièm pha, muốn giết chết em trai Lưu Thông. Không ngờ, Lưu Hoà lại bị Lưu Thông giết chết. Lưu Thông tự lập làm hoàng đế.
Lưu Thông là người thông minh, linh hoạt. Từ nhỏ, ông đã có thể thuộc lòng “Binh pháp Tôn Tử, giỏi thư pháp, có tài thơ văn. 14 tuổi, Lưu Thông đã tinh thông kinh sử và sáng tác hơn 100 bài thơ, 50 bài phủ. 15 tuổi, Lưu Thông bắt đầu tập võ công, nhanh chóng trở thành một cao thủ võ lâm nổi tiếng khắp nơi.
Một năm sau khi xưng đế, Lưu Thông phái Hô Diên Án, Lưu Diệu, Thạch Lặc thống lĩnh đại quân, nhân lúc triều Tấn xảy rà nội chiến, tấn công Lạc Dương, bắt Tấn Hoài Vương làm tù binh. Năm 316, ông lại phái Lưu Diệu tấn công Trường An, bắt Tấn Mẫn Đế, tiêu diệt triều Tây Tấn.
Nhìn từ những công trạng trong thời kỳ Lưu Thông trị vì như nhiều lần tấn công và tiêu diệt Tây Tấn thì có thể thấy ông ta là một nhân vật trí dũng kiệt xuất. Nhưng thực chất, ông ta thực sự chẳng có tài năng gì. Sau “loạn bát vương”, triều Tây Tấn đã vô cùng suy yếu, việc tiêu diệt nó dễ như trở bàn tay. Nhưng công trạng đó vẫn được coi là của Lưu Thông. Ngoài việc này ra, sử sách chỉ ghi chép chuyện Lưu Thông ham mê tửu sắc.
Sau khi làm hoàng đế, Lưu Thông lập vợ là Hô Diên thị làm hoàng hậu. Nhưng ông ta không yêu quý hoàng hậu của mình mà lại yêu hoàng hậu Thiền thị của cha mình, loạn luân với thái hậu. Sau đó, Thiền thị bị con trai là Lưu Nghệ trách mắng mà tự sát. Lưu Thông hay tin Thiền thị tự sát thì đau buồn mất mấy ngày. Sau đó lại bắt đầu tìm mỹ nữ trong số con gái của các đại thần.
Năm 312, Hô Diên hoàng hậu mắc bệnh qua đời, Lưu Thông liền triệu tập con gái của Tư không Vương Dục, Đại tướng quân Vương Chương, Trung thư giám Phạm Long, Tả bộc tiễn Mã Cảnh, Hữu bộc tiễn Chu Kỳ nhập cung. Như vậy mà Lưu Thông vẫn chê là không đủ. Ông ta không để tâm đến việc cùng họ, nạp con gái của Thái bảo Lưu An là Lưu Anh, Lưu Nga vào cung, phong làm tả, hữu quý nhân. Sau đó, ông ta thấy con gái nhà họ Lưu xinh đẹp, lại hầu hạ tận tình nên đón thêm bốn người cháu gái của Lưu Ân vào cung, phong làm quý nhân. Chỉ trong thời gian ngắn, sáu người con gái họ Lưu làm khuynh đảo hậu cung. Từ đó về sau, Lưu Thông rất hiếm khi ra khỏi cung, và cũng hiếm khi tiếp kiến quần thần. Tất cả mọi việc đều do Trung hoảng môn thông báo, Lưu Anh xử lý.
Tháng 3 năm 313, Lưu Thông lập quý phi Lưu Anh làm hoàng hậu, chuẩn bị xây cho bà điện Chiêu Nghi nguy nga tráng lệ. Đình uý Trần Nguyên Đạt hay tin, vội vàng đến Tiêu Diêu viên khuyên ngăn. Lưu Thông tức giận, mắng rằng: “Trẫm là bậc thiên tử tôn quý, xây một toà cung điện thì có liên quan gì đến lũ tiểu nhân các ngươi”. Rồi lệnh; “Lôi hắn cùng vợ con ra chém đầu ở phố đông”.
Trước khi vào cung, Trần Nguyên Đạt đã quấn dây xích quanh lưng, thấy Lưu Thông nổi giận, ông dùng dây xích tự trói mình vào một thân cây lớn, chuẩn bị liều chết can gián. Lúc đó, Đại tư đồ Vương Khải cùng các đại thần cũng xin tha tội cho Trần Nguyên Đạt.
Khi đó, Lưu hoàng hậu hay tin, lên đến nghe trộm rồi vội vàng viết một lá thư gửi cho Lưu Thông. Trong thư, hoàng hậu khuyên Lưu Thông không nên xây dựng điện Chiêu Nghi nữa và khuyên giải ông tha tội cho Trần Nguyên Đạt, lời lẽ chân thành, thấu tình đạt lý. Lưu Thông đọc thư xong, cuối cùng cũng hồi tâm chuyển ý, tha tội cho Trần Nguyên Đạt và còn biểu dương ông dám thẳng thắn can gián, Lưu Thông lập tức tuyên bố đổi Tiêu Dao viên thành Nạp Hiền viên, đổi Lý Trung đường thành Quý Hiền đường. Câu chuyện này trở thành một trong số ít những giai thoại về hoàng đế, hoàng hậu và quan lại trong nước Hán của người Hung Nô.
Tuy điện Chiêu Nghi không được xây nữa, nhưng việc tuyển chọn mỹ nữ vẫn được tiến hành. Một ngày vào năm 315, Lưu Thông đến phủ đệ của Trung hộ quân Cận Chuẩn, vừa gặp hai người con gái của Cận Chuẩn là Nguyệt Quang và Nguyệt Hoa liền mê đắm, mang họ về hậu cung. Mấy tháng sau, Nguyệt Quang được phong làm đệ nhất phu nhân của nước Hán – Thượng hoàng hậu, Lưu hoàng hậu và Nguyệt Hoa làm tả, hữu hoàng hậu. Lưu Thông ngày đêm hoan lạc với ba mỹ nhân này, không màng gì đến chính sự.
Những năm cuối đời, Lưu Thông gần như không tin tưởng bất cứ đại thần nào, nhưng ông ta cũng không buồn xử lý chính sự. Lưu Thộng không chỉ ham mê tửu sắc mà còn sủng ái một số thái giám như Trung thường thị Vương Thẩm, Quách Y. Do đó, hoạn quan nắm giữ đại quyền trong triều.
Lưu Thông đắm chìm trong hậu cung, có khi ba tháng không thiết triều đến một lần. Mọi việc chính sự đều do bọn thái giám Vương Thẩm quyết định. Bọn thái giám này không hề có tài trị nước, chỉ có tài phỉ báng, gièm pha những đại thần có tài trong triều đình. Bọn chúng kết bè kết phái, ám hại trung thần.
Năm 316, Lưu Thông nghe lời gièm pha của bọn thái giám, ra lệnh giết chết hơn mười vị đại thần mà phe hoạn quan ghen ghét. Thái tế Lưu Dịch, Đại tướng quân Lưu Phu, Ngự sử đại phu Trần Nguyên Đạt hay tin cùng liều chết đến can gián và còn dâng tấu thỉnh cầu Lưu Thông bãi miễn chức vụ của bọn Vương Thẩm, trừng trị theo pháp luật. Lưu Thông không những không thèm để tâm đến tấu chương của bọn họ mà còn chuyển cho bọn Vương Thẩm. Mấy hôm sau, Lưu Thông phong hầu cho bọn Vương Thẩm. Triều thần hay tin đều bàn tán om sòm. Lựu Dịch lại can gián Lưu Thông nhưng không có kết quả. Lưu Tích u uất thành bệnh, không lâu sau thì qua đời. Trần Nguyên Đạt cũng giận dữ mà tự sát.
Sau khi Lưu Dịch, Trần Nguyên Đạt qua đời, Lưu Thông và bọn Vương Thẩm càng tự do thích làm làm gì thì làm. Tháng 4 năm 318, Lưu Thông lại lập con gái nuôi của Vương Thẩm mới 14 tuổi làm hoàng hậu. Các trung thần như Thượng thư lệnh Vương Giám biết tin, nghiêm khắc chỉ trích Lưu Thông, nhưng ông ta cũng không thèm để tâm, nghe xong liền bảo bọn thái giám tiễn khách. Sau đó, ông ta lệnh cho tướng quân Lưu Xán áp giải bọn Vương Giám ra pháp trường xử trảm.
Tháng 7 năm đó, sau khi uỷ thác xong chuyện hậu sự được mấy ngày, Lưu Thông qua đời tại điện Tuyên Quang trong cung Bình Dương.
Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại - nhiều tác giả,