Hán Nguyên Đế tên thật là Lưu Thích, con trai của Hán Tuyên Đế, tuổi Ngọ. Tính tình nhu nhược. Sau khi Tuyên Đế chết thì kế vị. Tại vị 16 năm, ốm chết, thọ 43 tuổi.
Năm sinh: 75 TCN
Năm mất: 33 TCN
Nơi an táng: Vị Lăng (phía đông bắc thành phố Hàm Dương tỉnh Thiểm Tây ngày nay).
Tên húy: Hiếu Nguyên Hoàng Đế
Miếu hiệu: Cao Tông.
Công – tội: Không có công trạng to lớn gì. Sau khi kế vị, nhu nhược, không quyết đoán, ông dùng người hiền tài nhưng lại để mặc cho bọn gian thần lộng hành, suýt chút nữa thì làm sụp đổ quốc gia hùng mạnh mà phụ thân để lại.
Lai lịch
Lưu Thích là con trai của Hán Tuyên Đế và hoàng hậu Hứa Bình Nguyên, ông là người rất coi trọng tình cảm với cả người tốt và người xấu.
Khi còn làm thái tử, Lưu Thích từng khuyên Tuyên Đế nên trị nước theo đường lối nhân nghĩa của Nho gia, chỉ trích chế độ pháp luật của Tuyên Đế quá tàn bạo. Tuyên Đế nhận thấy ông ta không thích hợp làm hoàng đế, muốn phế bỏ để lập thái tử khác nhưng vì tình cảm với Hứa hoàng hậu nên đã bỏ ý tưởng đó, cuối cùng vẫn truyền ngôi cho Lưu Thích.
Khi Lưu Tuân hấp hối đã tiến cử ba vị đại thần phụ chính là ngoại thích Sử Cao, hai vị còn lại là Tiêu Vọng Chi và Chu Kham, từng là thầy học của Lưu Thích. Sau khi kế vị, Lưu Thích rất nghe lời bọn họ.
Vị Hoàng đế hồ đồ và thiếu quyết đoán
Do bản thân yêu thích Nho học nên Lưu Thích tin dùng rất nhiều Nho sinh. Nghe nói ở đâu có danh Nho, ông đều vội vàng triệu đến, cho họ làm quan. Hai đại Nho ở tận Lang Tà (Chư Thành tỉnh Sơn Đông ngày nay) xa xôi là Vương Cát và Cống Vũ cũng được triệu kiến đến. Vương Cát thi chết trên đường đi còn Cống Vũ sau khi làm Gián nghị đại phu đã tích cực can gián, đưa ra nhiều chủ kiến hữu ích.
Ưu điểm của Lưu Thích là rất nghe lời gián quan, dù trong lòng không thích nhưng vẫn làm theo. Các Nho sinh can gián ông nên sống tiết kiệm, ông cũng nghe theo. Nhưng đương nhiên là vẫn lén lút ăn chơi hưởng lạc.
Năm 43 TCN, rất nhiều nơi trên cả nước gặp thiên tai, Quan Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Lưu Thích vẫn đi du ngoạn Cam Tuyến, tiêu tốn rất nhiều tiền. Ngự sử đại phu dâng tấu thư chỉ trích ông không chăm lo cho dân, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, thẳng thắn phê phán Lưu Thích và mời ông nhanh chóng hồi cung. Lưu Thích đã không hề tức giận, lại ngoan ngoãn nghe theo lời khuyên như một đứa trẻ.
Nhưng những lời nói của gian thần ông cũng tin theo. Chỉ sau mấy năm, rất nhiều gian thần đã leo lên vị trí cao trong triều đình, còn những đại thần trụ cột lại bị phế bỏ.
Triều đình chia thành hai phe gian thần và trung thần. Đại diện cho phe gian thần là Trung thư sảnh Thạch Hiển và Sử Cao. Đại diện cho phe trung thần là Tiêu Vọng Chi và Chu Kham. Lưu Thích tin dùng trung thần nhưng cũng không trừng trị gian thần, mà đứng giữa vỗ về cả hai phe. Điều này khiến cho gian thần ngày càng lộng hành còn trung thần rơi vào thế bị ép phải từ chức. Không lâu sau, Tiêu Vọng Chi tự sát. Chu Kham tức giận mà chết.
Không phải Lưu Thích không muốn làm việc nước mà là ông ta không có khả năng. Ví dụ như ông ta nghe lời khuyên của Cống Vũ hạ lệnh tiết kiệm các khoản chi tiêu của cung đình và còn lệnh cho các địa phương giảm nhẹ hình luật. Nhưng những việc làm này đều bị gian thần phá bỏ, dân chúng không thực sự được hưởng lợi ích gì.
Nhưng sự tiêu xài xa xỉ của Lưu Thích lại có ảnh hưởng rất xấu. Thời Cao Tổ, Văn – Cảnh, cung nữ chỉ có không quá vài chục người, ngựa không quá trăm con. Nhưng đến thời Lưu Thích, hậu cung có đến ngàn người, ngựa thì có đến vạn con, khiến triều đình phải tiêu tốn rất nhiều tiền của để nuôi dưỡng. Trên không nghiêm thì dưới tất loạn. Nghe nói, chư hầu nào cũng có mấy trăm thê thiếp.
Do đó, quốc sự ngày càng sa sút, đời sống nhân dân cơ cực. Mọi chính sách lớn có lợi cho quốc gia của nhà Hán từ trước tới nay đều bị bãi bỏ. Sự nghiệp vĩ đại mà Cao Tổ sáng lập có nguy cơ sụp đổ.
Lúc đó xảy ra câu chuyện Chiêu Quân cống Hổ lưu truyền thiên cổ. Thực ra, đó chỉ là một trong những ví dụ thể hiện triều chính ngày càng sa sút.
Lưu Thích cũng là người si tình giống như phụ thân. Khi làm thái tử, dù trong cung có vô số mỹ nữ, Lưu Thích chỉ chung tình với một người thiếp họ Tư Mã. Tuyên Đế chọn cho Lưu Thích mỹ nữ Vương Chính Quân xinh đẹp như tiên nhưng Lưu Thích cũng chỉ lâm hạnh một lần rồi không đoái hoài đến nữa, vẫn chỉ yêu nàng Tư Mã.
Năm 33 TCN, Thiền vu Hung Nô là Hô Hàn Tà muốn Nguyên Đế gả cho mình một công chúa. Nguyên Đế cũng làm theo các vị hoàng đế thời trước, chọn một cung nữ gả cho Hung Nô. Cung nữ được chọn lần này tên là Vương Tường. Hoàng thượng triệu kiến Vương Tường để phong cho cô làm công chúa như thường lệ vẫn làm. Lưu Thích thấy Vương Tường xinh đẹp liền mê đắm, không ngờ trong cung lại có người đẹp như vậy.
Căn nguyên là do trong cung có lệ vẽ tranh các cung nữ để hoàng đế chọn lựa. Hoạ gia Mao Diên Thọ bắt các cung nữ đút lót thì mới vẽ đẹp để có cơ hội được Hoàng thượng sủng ái. Vương Tường không đút lót nên bị vẽ cho trở thành xấu xí.
Tháng 5 năm 33 TCN, Lưu Thích ốm chết tại cung Vị Ương, thọ 43 tuổi.
Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại - nhiều tác giả,