Hán Tuyên Đế tên là Lưu Tuân, vốn tên là Lưu Bệnh Dĩ, là chắt của Hán Vũ Đế, tuổi Dần. Là người có trí, có chí hướng cao xa, có tài thao lược. Công lao của ông với đất nước cũng không hề thua kém Vũ Đế. Ông được kế vị sau khi Xương Ấp Vương bị phế. Tại vị 25 năm, ốm chết, thọ 43 tuổi.
Năm sinh: 91 TCN
Năm mất: 49 TCN
Nơi an táng: Đỗ Lăng (phía đông nam thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây ngày nay)
Công – tội: Có công diệt trừ họ Hoắc, đoạt lại vương quyền, duy trì sự thống nhất của thiên hạ, triệt để bình định Hung Nô nhưng không phát động chiến tranh, phát triển sản xuất, khiến kinh tế phồn thịnh, trung hưng nhà Hán.
Mục lục
Lưu Tuân tuổi nhỏ chịu cảnh lao tù
Khi “loạn Vu cổ” xảy ra, Lưu Tuân mới chào đời được 5 tháng nhưng cũng đã trở thành nạn nhân trực tiếp. Lúc đó, cụ là Vệ hoàng hậu, ông nội là thái tử Lưu Cứ và cha mẹ của Lưu Tuân đều bị chết. Bà nội của ông phải bế ông cùng vào nhà giam.
Viên đinh úy cai quản nhà lao thời đó là Bính Cát thấu hiểu được sự oan khuất của gia đình Lưu Cứ nên hết lòng quan tâm, chăm sóc cho họ. Nhờ vậy mà Lưu Tuân với bà nội mới có thể sống sót.
Nhưng lại có kẻ tâu với Vũ Đế rằng sở dĩ Vũ Đế không được khỏe là do tà khí trong nhà lao ở Trường An quá nặng. Phải giết hết người trong đó thì bệnh của Vũ Đế mới có thể chữa khỏi. Vũ Đế liền hạ lệnh cho giết hết những người đang bị giam trong nhà lao.
Khi viên quan chấp lệnh giết đến Lưu Tuân thì Bính Cát đã khuyên can hắn tha mạng cho Lưu Tuân, biết đâu sẽ có lúc Hoàng thượng suy nghĩ lại. Quả nhiên sau này Vũ Đế đã suy nghĩ lại, tuy không thả Lưu Tuân ra khỏi nhà lao nhưng lại ban thưởng cho Bính Cát.
Trong một đợt đại xá thiên hạ của triều đình, Lưu Tuân đã được thả tự do sau năm năm giam cầm. Bính Cát đưa hai bà cháu họ về nhà.
Một viên quan cũ của thái tử Lưu Cứ là Trương Giá đã chăm sóc Lưu Tuân, mời thầy dạy học. Năm Lưu Tuân 17 tuổi, Trương Giá còn cưới vợ cho ông.
Kế vị và nhẫn nhịn chờ thời cơ
Sau khi Hán Chiêu Đế qua đời, bởi ông không có con nối dõi nên Hoắc Quang từ một hiền thần đã trở thành một kẻ độc đoán chuyên quyền.
Một số người kiến nghị lập người con trai duy nhất còn sống của Vũ Đế là Quảng Lăng Vương Lưu Tư kế vị nhưng Hoắc Quang không thích người này nên bãi bỏ kiến nghị đó. Cuối cùng, Hoắc Quang lập cháu của Vũ Đế là Xương Ấp Vương Lưu Giá lên ngôi. Nhưng Lưu Giá là kẻ thiếu hiểu biết, hắn mang toàn bộ thân tín của mình đến Trường An, không coi Hoắc Quang ra gì. Hoắc Quang liền bảo hoàng hậu của Chiêu Đế (cháu ngoại của Hoắc Quang, lúc này là hoàng thái hậu) ra ý chỉ phế bỏ Lưu Giá, đuổi về Xương Ấp.
Hoắc Quang lại tiến hành lựa chọn hoàng đế mới. Cuối cùng, ông ta đã chọn Lưu Tuân bởi ba lý do:
- Thứ nhất, Lưu Tuân sống trong cảnh bần hàn, không có quan hệ mật thiết với hoàng thất;
- Thứ hai, Lưu Tuân vốn sống khổ cực, giờ được làm hoàng đế thì chắc chắn sẽ cảm kích công ơn của Hoắc Quang;
- Thứ ba, Lưu Tuân là một đứa trẻ an phận thủ thường, mới có 18 tuổi, không có kinh nghiệm chính trị, sẽ dễ dàng khống chế.
Sau khi kế vị, Lưu Tuân thực sự luôn bị Hoắc Quang khống chế. Lưu Tuân thấy thế lực trong triều của Hoắc Quang quá lớn mạnh nên đành nhịn nhục chịu đựng.
Khi Lưu Tuân trưởng thành, Trương Giá đi hỏi vợ cho ông. Nhưng nhà nào cũng từ chối bởi tuy Lưu Tuân là dòng dõi hoàng thất nhưng nay chỉ là một thường dân. Sau này, Trương Giá tìm đến một cận vệ của Vũ Đế là Hứa Quang Hán. Khi Hứa Quang Hán hầu hạ Vũ Đế, từng lấy nhầm yên ngựa, bị phạt cung hình (thiến), cảm thấy mình là người không có địa vị nên đã đồng ý gả con gái là Hứa Bình Quân cho Lưu Tuân. Sau khi Lưu Tuân làm hoàng đế đã phong cho Hứa Binh Quân làm hoàng hậu. Điều này khiến Hoắc Quang không vui bởi ông ta vốn muốn con gái là Hoắc Thành Nguyên làm hoàng hậu.
Khi ở trong dân gian, Hứa Bình Quân đã sinh cho Lưu Tuân một người con trai, sau khi vào cung lại có thai. Khi lâm bồn, sức khỏe của bà không tốt nên Lưu Tuân đã phái một nô tì hiểu về y thuật tên là Thiền Diễn đến chăm sóc. Phu nhân của Hoắc Quang gọi Thiền Diễn đến và bảo bà ta cho thêm một vị thuốc có độc tính mạnh là phụ tử vào thuốc của hoàng hậu.
Sau khi sinh hạ được một công chúa, bệnh tình của hoàng hậu ngày càng nguy kịch. Lưu Tuân truyền ngự y đến khám, phát hiện trong thuốc có thêm phụ tử, cho tra xét Thiền Diễn thì biết được âm mưu của Hoắc Quang nhưng cũng đành phải nuốt hận, không dám truy cứu đến cùng.
Sau khi Hứa hoàng hậu qua đời, Hoắc Quang đưa con gái Hoắc Thành Nguyên lên làm hoàng hậu. Từ đó, mọi hành động của Lưu Tuân đều bị giám sát.
Sáu năm sau, Hoắc Quang qua đời. Lưu Tuân âm thầm thanh trừ bè phái của hắn. Đầu tiên ông bãi chức đông, tây cung vệ úy 2 người con rể của Hoắc Quang rồi bãi 2 chức vụ quan trọng trong quân đội là Trung lang tướng và Kỵ đô úy của 2 người cháu rể của Hoắc Quang. Bè đảng của Hoắc Quang phát động bạo loạn. Lưu Tuân phát binh tiêu diệt quân phản nghịch, nghiêm khắc trấn áp bọn phản loạn và những kẻ có liên quan, tổng cộng tiêu diệt hơn 1000 gia tộc, thảm sát hơn 2 vạn người khiến cho thành Trường An máu chảy thành sông.
Lưu Tuân phế Hoắc hoàng hậu, xảy dựng chính quyền của mình từ trong bể máu, thực sự thống trị đất nước.
Củng cố quyền lực và cải cách triều chính
Sau khi triệt để trừ khử những kẻ phản nghịch, Hán Tuyên Đế dần dần cải cách triều chính, tập trung mọi quyền lực về tay giống như Vũ Đế.
Đầu tiên, ông bãi bỏ chức thượng thư sảnh nắm giữ quyền lực to lớn, thi hành chế độ trung thư. Tức là việc ban bố mọi thánh chỉ, chính lệnh đều do ban thư ký của hoàng đế là trung thư làm, không thông qua thượng thư sảnh nữa, để tăng cường quyền lực của hoàng đế.
Khi còn sống trong dân gian, Lưu Tuân thấu hiểu được nỗi khổ bị bọn quận thú áp bức của dân chúng nên ông khôi phục lại chế độ thứ sử đã bị bãi bỏ thời Chiêu Đế. Ngoài việc dùng thứ sử để giám sát quận huyện, trước khi quan địa phương nhậm chức, ông đều nói chuyện với người đó, bắt viết giấy bảo đảm rồi dựa vào đó để kiểm tra bọn họ. Việc làm này đã hạn chế được phần nào những thói xấu trong quan lại.
Tuyên Đế cũng có những sáng tạo trên lĩnh vực tư pháp, ông không chuyên dùng pháp gia như Tần Thủy Hoàng, cũng không theo tư tưởng “vô vi” như tổ tiên mình mà đề xướng dung hòa bá đạo và vương đạo. Bá đạo tức là pháp chế, còn vương đạo là chỉ sự cảm thông với dân chúng. Trong thời gian tại vị, ông thường xuyên phái người đến các địa phương để thẩm tra những vụ án oan và còn mười lần đại xá thiên hạ.
Ông tiếp tục duy trì chính sách khoan thứ súc dân thời Văn – Cảnh, thực hiện chính sách bình ổn giá cả với những mặt hàng thiết yếu như muối, lương thực, dầu, củi. Ông nhiều lần hạ chỉ khuyến khích phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất. Đất nước sống trong sự phồn thịnh chưa từng có.
Do thế nước lớn mạnh, văn hóa tư tưởng được tự do phát triển nên học thuật cũng có rất nhiều thành tựu. Sử học, kinh học, nông học đều có tác phẩm nổi tiếng truyền lại cho hậu thế.
Hán Tuyên Đế diệt trừ Hung Nô
Công lao của Hán Tuyên Đế được sử gia ca tụng nhất là diệt trừ triệt để quân Hung Nô. Hán Vũ Đế từng hao tốn binh lực, nhiều lần chinh chiến, hao tốn tâm sức cả đời để giải quyết vấn đề này khiến cho quốc khố cạn kiệt, hàng trăm vạn người mất mạng. Nhưng khi ông còn chưa qua đời, quân Hung Nô đã lại quay trở lại.
Sách lược của Hán Tuyên Đế là:
- Thứ nhất, tăng cường phòng vệ, cho trọng binh đóng ở biên giới;
- Thứ hai, đợi đúng thời cơ xuất kích, từng vài lần đánh bại quân Hung Nô;
- Thứ ba, tiếp tục chính sách cầu thân trước đây;
- Thứ tư, liên kết với các dân tộc thiểu số ở tây bắc tấn công Hung Nô, khiến chúng không còn đường rút chạy.
- Thứ năm, áp dụng chiến lược đánh chắc tiến chắc. Sau khi đuổi Hung Nô đến Tây Vực thì xây dựng phủ Đô hộ, cai quản 36 nước nhỏ ở phía nam và bắc.
- Thứ sáu, tăng cường quan hệ với các dân tộc ở phương bắc và tây bắc, để người Hán giao hảo và chung sống với các dân tộc khác.
Năm 51 TCN, Thiền vu Hô Hàn Tà đến Trường An triều kiến Hán Tuyên Đế, trở thành một sự kiện trọng đại, đánh dấu việc Hung Nô đã trở thành phiên thuộc của Đại Hán.
Từ đó, kết thúc quá trình giao tranh gần 200 năm giữa Hung Nô và Đại Hán, mang lại cuộc sống thanh bình cho dân chúng vùng biên cương phía bắc. Việc này Hán Vũ Đế chưa hề làm được.
Mùa đông năm 49 TCN, Hán Tuyên Đế mắc bệnh, vài tháng sau thì băng hà.
Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại - nhiều tác giả,