Hán Vũ Đế tên thật là Lưu Triệt, con trai của Hán Cảnh Đế, tuổi Thân. Tính tình mạnh mẽ, có tham vọng lớn, hùng tài thao lược. Lưu Triệt đã có công mở rộng biên cương, xây dựng nên thời kỳ cực thịnh của triều Hán. Sau khi Cảnh Đế mất được kế vị. Tại vị 54 năm, sau mắc bệnh mà chết, thọ 71 tuổi.
Năm sinh, năm mất: 157 TCN – 87 TCN
Nơi an táng: Mậu Lăng (phía đông bắc huyện Hưng Bình tỉnh Thiểm Tây ngày nay).
Công – tội: Lưu Triệt đã xây dựng nên thời kỳ cực thịnh của triều Hán. Công lao chủ yếu là mở rộng biên cương, xưng hùng ở phương đông. Nhưng ông cũng có hai tội lớn. Một là bãi bỏ bách gia, độc tôn Nho học, giúp cho những kẻ thống trị đời sau tìm được vũ khí cho tư tưởng chuyên chế, khiến dân tộc Trung Hoa bị “cầm tù” suốt 2000 năm, ảnh hưởng lâu dài đến tận ngày nay. Hai là khiến cho quân sĩ mỏi mệt, sức nước hao kiệt, gây tổn thất lớn cho nước Đại Hán.
Mục lục
Trước khi lên ngôi
Từ nhỏ Lưu Triệt đã thông minh lanh lợi, được cô là trưởng công chúa yêu mến. Trưởng công chúa vốn có địa vị quan trọng trong triều đình, có ảnh hưởng lớn đối với Cảnh Đế. Một hôm, trưởng công chúa chỉ con gái mình là A Kiều hỏi Lưu Triệt rằng: “Ngươi thấy em họ A Kiều thế nào?”
Lưu Triệt đáp: “Rất xinh đẹp!”
Trưởng công chúa nói: “Vậy khi nó lớn lên, ta gã cho ngươi đó!”
Lưu Triệt đáp: “Vậy thì con sẽ xây nhà vàng cho nàng ở!”
Lúc này, Cảnh Đế đã lập con trai của Lật Cơ là Lưu vịnh làm thái tử. Kỳ thực, trưởng công chúa muốn A Kiều làm hoàng hậu tương lai, nhưng Lưu vịnh không thích A Kiều nên bà ta giận dữ chuyển huống sang Lưu Triệt. Trưởng công chúa ra sức đã kích Lưu Vinh, trợ giúp Lưu Triệt làm thái tử. Không lâu sau, Lưu Vinh bị phế bỏ, Lưu Triệt được làm thái tử, mẹ của Lưu Triệt là Vương mỹ nhân được phong làm hoàng hậu. Khi đó, Lưu Triệt mới 7 tuổi.
Cảnh Đế đã cử Vệ Oản là người văn võ song toàn làm thầy giáo của Lưu Triệt. Vệ Oản dạy Lưu Triệt cưỡi ngựa bắn tên, kinh học và văn học. Lưu Triệt học hành rất giỏi giang.
Sau khi lên ngôi
Năm 141 TCN, Cảnh Đế băng hà. Lưu Triệt kế vị khi 16 tuổi, ông quyết tâm trở thành một hoàng đế tài giỏi như ông nội và cha. Nhưng trên Lưu Triệt còn có thái hoàng thái hậu. Đậu lão thái hậu là một người đàn bà tài giỏi, là người sùng bái học thuyết Hoàng Lão, chủ trương dùng chính sách “vô vị” để trị nước. Còn Vũ Đế lại chủ trương trị nước theo “hữu vị”. Bà ta lệnh cho Vũ Đế làm bất cứ việc gì cũng phải bàn bạc với mình.
Bị Đậu hoàng thái hậu quản thúc
Gia tộc của Đậu lão thái hậu rất đông đúc, phần lớn đã được phong hầu nhưng bọn họ đều không ở đất phong của mình mà ngoan cố ở lại kinh thành để cấu kết với nhau, tạo thành một bè đảng thế lực, không ai dám động đến. Bọn chúng giám sát hoàng đế. Lưu Triệt làm bất cứ việc gì Đậu lão thái hậu cũng lập tức nắm được.
Tuy nhiên, Lưu Triệt vẫn muốn cải cách. Ông cho rằng học thuyết Hoàng Lão tuy có thể mang lại thời kỳ thịnh trị Văn – Cảnh cho triều Hán nhưng cũng mang lại loạn bảy nước. Hơn nữa, thế lực của Hung Nô và các phiên vương ngày càng lớn mạnh.
Sau khi kế vị, Vũ Đế phong cho cậu là Điền Phần làm Thái úy, nắm binh quyền của cả nước. Và dùng chính sách “Hiền lương tứ chính” để cả nước tiến cử nhân tài. Đại Nho nổi tiếng Đổng Trọng Thư cũng được tiến cử nhờ chính sách này. Vũ Đế nói chuyện với Đổng Trọng Thư liên tục ba ngày, nghe ông ta trình bày về thuật trị nước an bang. Đổng Trọng Thư chủ yếu bàn đến bốn điểm : Một là quyền lực của Thiên tử là do trời ban, không ai có thể thay đổi được. Hai là hoàng đế nên thi hành nhân chính với thần dân. Ba là coi trọng pháp thống, mọi việc đều phải tuân theo pháp luật. Bốn là tập trung mọi quyền lực vào tay hoàng đế, không được phân tán. Vũ Đế rất hài lòng, cảm thấy dùng tư tưởng Nho gia thì có lợi hơn cả nên dự định cai trị theo học thuyết Nho gia.
Đại thần Đổng Oản đã là một việc phạm thượng là kiến nghị Đậu lão thái hậu không được can dự vào chính sự. Việc này khiến cho bà ta nổi giận lôi đình, bắt giam Đổng Oản và toàn bộ đại thần theo Nho học vào ngục, đến cả Điền Phần cũng bị bãi chức. Sau đó, bà ta gọi Lưu Triệt đến mắng mỏ hồi lâu, bắt ông loại bỏ hết bọn Nho gia khỏi triều đình, thay bằng những người bà ta thích. Thế lực của Đậu thái hậu lớn mạnh hơn nên Lưu Triệt đành phải nhẫn nhịn.
Sau khi Đậu hoàng thái hậu mất
Bốn năm sau, sau khi Đậu lão thái hậu qua đời, Lưu Triệt lập tức diệt trừ hết người nhà họ Đậu, bổ nhiệm một loạt Nho sinh làm quan và thăng chức cho Điền Phần làm thừa tướng.
Trên tư tưởng trị quốc, Lưu Triệt tuyên bố bãi bỏ bách gia, độc tôn Nho học. Để tập trung mọi quyền lực vào tay mình, Lưu Triệt ban bố “Thôi ân lệnh” để đối phó với các chư hầu. Trước đãy, một chư hầu được phong một vùng đất rộng lớn. Sau khi chư hầu chết thì con trưởng sẽ được thừa kế. Còn theo quy định của “Thôi ân lệnh” thì ngoài con trưởng, những người con trai khác cũng có quyền thừa kế. Do đó, một nước lớn sẽ nhanh chóng bị chia thành nhiều nước nhỏ. Chỉ vài năm sau, 13 chư hầu được phong thời Cảnh Đế đã phân thành một trăm mấy chục nước nhỏ. Nước nhỏ thì thế yếu, không có khả năng để đối địch với triều đình trung ương.
Và chỉ vài năm tiếp theo, Lưu Triệt đã thôn tính gần hết những nước này, chỉ còn lại 4, 5 nước. Như vậy, không cần phải phát động chiến tranh cũng có thể tiêu diệt được các chư hầu.
Trước đãy, quyền lực của thừa tướng rất lớn, đôi khi còn vượt qua cả hoàng đế. Cho nên Lưu Triệt bắt đầu hạn chế quyền hành của thừa tướng. Thừa tướng chỉ được quản ngoại đình. Lưu Triệt lập chức nội đình, mọi việc lớn nhỏ đều do nội đình thực hiện.
Trong hai năm, mọi quyền hành trong triều đình và cả nước đều nằm trong tay Lưu Triệt. Nhưng ông ta vẫn không yên tâm về quan lại ở các quận huyện, nên nghĩ ra chế độ thứ sử. Cả nước được phân thành 13 giám sát khu, phái đến mỗi khu một thứ sử. Chức trách của thứ sử chủ yếu là giám sát và thông báo tình hình ở khu vực đó cho hoàng đế.
Lưu Triệt triệt để cai trị theo tư tưởng “hữu vị”. Ông ban hành rất nhiều chính sách về kinh tế, việc kinh doanh những hàng hóa quan trọng với triều đình và dân chúng như muối, sắt, rượu đều do triều đình quản lý, không cho thương nhân tham gia. Và lại ban “Bình chuẩn lệnh”, có thể tùy thời mà giảm giá hàng hóa. Các sản phẩm nông nghiệp thường được thu hoạch theo vụ mùa, giá cả không đồng nhất. Lưu Triệt liền hạ lệnh “quân thâu lệnh”, khi đến vụ mùa thi tích trữ sản phẩm, đến khi hết vụ, hàng hóa khan hiếm thì bán ra, để bình ổn giá cả.
Tiến đánh Hung Nô
Trong quá trình củng cố chính quyền, phát triển kinh tế, triều đình đã quy tụ được rất nhiều nhân tài. Quan văn có Đổng Trọng Thư, Chủ Phụ Yển, Công Tôn Hoằng, Tư Mã Thiên,… Võ tướng có Vệ Thanh, Lý Quảng, Hoắc Khứ Bệnh, Hàn An Quốc,… Ngoài ra còn có nhà nông học Triệu Quá, nhà ngoại giao Trương Dật,… Lưu Triệt cho rằng dựa vào nhân lực và vật lực hiện tại có thể phát triển ra bên ngoài.
Ngay từ nhỏ, Lưu Triệt đã rất căm thù Hung Nô, cho rằng chính sách cầu thân thể hiện mình hèn yếu hơn kẻ địch, là nỗi nhục của Trung Quốc. Biện pháp triệt để nhất là đánh bại chúng, khiến chúng vĩnh viễn không dám coi thường Trung Hoa.
Năm 135 TCN, hay tin Thiền vu của Hung Nô muốn xâm phạm biên cương, Lưu Triệt lệnh cho Lý Quảng, Công Tôn Gia, Vưong Khôi mai phục ở sơn cốc Mã Ấp, bắt sống Thiền vu. Nhưng trong lúc hành quân, một viên quan của quân Hán đã để lộ tin tức khiến Thiền vu nghi ngờ và rút binh, kế hoạch của quân Hán thất bại. Lần giao chiến này, Hung Nô không tổn thất gì nhưng quan hệ hữu hảo giữa 2 bên đã bị phá vỡ. Thiển vu tức giận chuẩn bị quyết chiến với quân Hán.
Năm 129 TCN, quân Hung Nô giết chóc và cướp phá ở Thượng Cốc. Lưu Triệt chia quân làm bốn cánh phản kích lại Hung Nô. Nhưng do quân Hán yếu hơn Hung Nô nên ngoài cánh quân của Vệ Thanh chiến thắng, ba cánh quân còn lại đều đại bại.
Năm 127 TCN, Hung Nô lại xâm phạm Thượng Cốc và Ngư Dương. Lưu Triệt phái Vệ Thanh, Lý Tức dẫn quân phản kích. Lần này quân Hán chiến thắng, tiêu diệt 5 ngàn tên đích và còn cướp lại Hà Nam (khu vực Hà Sáo ngày nay). Lần đại thắng này có tác dụng cổ vũ to lớn đối với quân và dân nhà Hán.
Chủ Phụ Yển kiến nghị Vũ Đế thiết lập quận Sóc Phương ở vùng Hà Nam, phái binh sĩ đến khai khẩn và đóng quân tại đó để tính kế lâu dài. Lưu Triệt nghe theo ý kiến đó và ngoài Sóc Phương, còn thiết lập quận Ngũ Nguyên, phải trọng binh đến trấn giữ và tu sửa những cứ điểm quan trọng mà Mông Điềm xây dựng thời Tần, việc này cũng giống như xây một Trường Thành mới, bảo vệ vùng xung quanh Trường An khỏi sự quấy nhiễu của Hung Nô.
Khi đó, thế lực hai bên tương đương nhau. Vũ Đế nhân thời cơ đó, từ năm 121 TCN, liên tiếp 3 lần xuất binh chinh phạt Hung Nô, liên tiếp thắng lợi. Hoắc Khứ Bệnh lập được kỳ công, giết 2 vương của Hung Nô, và còn bắt vương tử, tướng quốc và đô úy của chúng làm tù binh. Quân Hán tiêu diệt được phần lớn Hung Nô, Hỗn Tà Vương dẫn hơn 4 vạn người đầu hàng.
Vũ Đế lập tức thiết lập 4 quận Tửu Tuyền, Vũ Uy, Trương Dịch, Đôn Hoàng ở vùng mới chiếm được. Từ đó, Cam Túc chính thức thuộc về Trung Quốc.
Năm 119 TCN, Lưu Triệt phái Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh chia làm 2 cánh quân xuất phát từ Định Nhưỡng tấn công Hung Nô để diệt trừ tận gốc mối họa đe dọa biên cương. Quân Hán lại đại thắng. Hung Nô từ đó không còn xâm phạm biên cương nhà Hán nữa, chạy sâu vào Trung Á.
Để cô lập Hung Nô và mở rộng biên cương, Vũ Đế phái Trương Dật đi sứ Tây Vực, thiết lập quan hệ với các dân tộc ở vùng Tân Cương ngày nay.
Sau khi bình định được Hung Nô ở phương bắc và biên giới phía tây, Vũ Đế vừa dùng vũ lực vừa vỗ về, thu phục được Nam Việt, thực sự thống nhất Trung Quốc.
Những năm cuối đời
Đối với những chiến công của Hán Vũ Đế, trong lịch sử luôn có quan điểm trái ngược nhau. Có người thì ca tụng, có người phê phán. Người phê phán thì ví ông với Tần Thủy Hoàng hoặc tùy Dượng Đế sau này, cho rằng ông ta đã tiêu tốn hết của cải tích trữ được trong hai đời Văn Đế và Cảnh Đế, khiến cả nước chìm trong cảnh binh đao máu lửa. Những phí tổn và thương vong trong cuộc chiến tranh với Hung Nô còn lớn hơn những họa hại mà Hung Nô gây ra cho dân tộc Trung Hoa. Vào những năm cuối đời Vũ Đế, Hung Nô lại quay trở lại.
Những năm cuối đời Vũ Đế, ông ta lại làm càng nhiều việc khiến người đời phê phán, khiến người đời liên tưởng đến Tần Thủy Hoàng. Ông cũng thích tuần du như Tần Thủy Hoàng, tổng cộng đã xuất du hơn mười mấy lần. Nghe nói rằng, chỉ riêng chuyến xuất du năm 110 TCN, ông đã tiêu tốn trăm vạn tấm vải, tiền bạc hàng vạn, vượt quá cả Tần Thủy Hoàng.
Ông cũng khát khao được trường sinh. Có một thuật sĩ tên là Loan Đại nói rằng mình có thể luyện được thuốc trường sinh. Vũ Đế liền tin theo và phong cho hắn làm tướng quân, còn gả con gái cho hắn. Ông từng quy định đại thần và tướng quân không được dùng ngọc làm ấn chương nhưng lại cho Loan Đại làm ấn chương bằng ngọc, chứng tỏ ông vô cùng tin tưởng hắn.
Lúc gần chết, Vũ Đế trở nên đa nghi, gây ra rất nhiều thảm kịch. Một lần ông nằm mơ thấy mình bị rất nhiều người gỗ vây đánh, cho rằng đó là do các đại thần mắng chửi mình nên lệnh cho Giang Sung điều tra. Giang Sung vốn là một tên tiểu nhân vô lại. Hắn bất hòa với thái tử Lưu Cứ nên bảo thấy phù thủy nói rằng âm khí trong cung thái tử quá nặng, nhất định là có giấu người gỗ, phái người đi truy tìm. Thái tử không thể không diệt trừ mối họa này nên đã giả truyền thánh chỉ, giết chết Giang Sung. Để tự vệ, Lưu Cứ tại đến cung Vị Ương cầu cứu mẫu thân là Vệ hoàng hậu điều động quân sĩ tới. Thế là có kẻ vu cáo thái tử mưu phản. Vũ Đế nổi giận lệnh cho thừa tướng Lưu Khuất Mạo dẫn binh bắt thái tử. Hai bên giao chiến trong thành Trường An mấy ngày, cuối cùng Lưu Cứ bị thua phải tự vẫn. Vệ hoàng hậu cũng thấy khó có thể giải thích chuyện này được nên đành phải tự sát. Chỉ vì một giấc mơ của Vũ Đế mà hàng ngàn người mất mạng. Sử gọi sự kiện này là “loạn Vu cổ”.
Tai họa do tính đa nghi của Vũ Đế vẫn chưa kết thúc, ông còn ra lệnh giết chết thừa tướng Lưu Khuất Mạo và bắt giết cả nhà tướng quân Lý Quảng Lợi. Lúc đó, Lý Quảng Lợi đang ở tiền tuyến liền dẫn 8 vạn quân Hán đầu hàng Hung Nô, được vua Hung Nó gã em gái cho, bắt đầu vạch mưu kế phản kích nhà Hán. Đến đây, sự nghiệp chinh phạt Hung Nô của Vũ Đế đã bị hủy hoại trong phút chốc.
Trải qua những chuyện này, sức khỏe Vũ Đế ngày càng suy yếu. Nhưng ông vẫn muốn đi tuần du. Khi đi đến huyện Củ Định (nay là Quảng Nhiêu tỉnh Sơn Đông), ông từng cày ruộng cùng với nông dân. Việc làm này cũng được ghi chép trong lịch sử. Sau khi đến Thái Sơn cúng tế, ông nói với các thần tử: “Từ khi trẫm kế vị đến nay, làm nhiều việc tàn bạo khiến thiên hạ khốn khổ, có hối cũng không được nữa… ” Sau đó, Vũ Đế ban “tội kỷ chiếu” (chiếu trách tội mình) để kiểm điểm lại những lỗi lầm đã gây ra. Việc này được nhiều sử gia ca ngợi.
Đất nước đã bị ông đẩy vào cảnh loạn lạc, tiêu điều, ông đành phải thi hành chính sách an dân, khoan dung thời Văn Đế và Cảnh Đế thì xã hội mới dần dần ổn định lại. Năm 87 TCN, ông lại xuất du trong khi đang đau ốm. Khi đến Phù Phong thì ngã bệnh, mất tại cung Ngũ Tạc.
Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại - nhiều tác giả,