Hậu Triệu Cao Tổ: Thạch Lặc

Hậu Triệu Cao Tổ tên là Thạch Lặc, tự là Thế Long. Người dân tộc Hạt, tuổi Tỵ. Tính tình quả cảm. Là Đại tướng quân thời Hán Quang Văn Đế Lưu Uyên, sau khi diệt Tiền Triệu xưng đế. Tại vị 14 năm, ốm chết, thọ 61 tuổi.

Năm sinh, năm mất: 273 – 333.

Nơi an táng: lăng Cạo Bình (một giả thuyết cho rằng ở phía tây Hình Đài tỉnh Hà Bắc, một giả thuyết khác cho rằng ở phía bắc huyện Du Xã tỉnh Sơn Tây, lại một giả thuyết khác cho rằng ở phía tây bắc huyện Lăng Xuyên tỉnh Sơn Tây ngày nay). Miếu hiệu là Cao Tổ.

Mục lục

Lai lịch

Thạch Lặc là người làng Vũ vùng Thượng Đảng (nay ở phía bắc huyện Du Xã tỉnh Sơn Tây). Tổ tiên của ông là con cháu của tộc Khương thuộc Hung Nô. Ông nội và cha của ông từng làm chức quan nhỏ trong bộ tộc. Sau đó, gia cảnh sa sút, cuộc sống khó khăn nên mới 14 tuổi Thạch Lặc đã phải xa quê đến Lạc Dương buôn bán và cũng từng đi cày ruộng thuê để kiếm sống.

Trước khi lên ngôi hoàng đế

Tuổi nhỏ nghèo khó

Khi hơn 20 tuổi, ở quê Thạch Lặc xảy ra nạn đói lớn, người chết vô số. Những người còn sống bỏ đi lang thang khắp nơi. Thạch Lặc cũng nằm trong số đó. Khi đến Ký Châu, ông mệt quá, ngủ gục bên đường. Sáng hôm sau thức dậy, người ta bảo rằng ông đã bị bán cho Sư Hoan người huyện Tri Bình nước Bình Nguyên (nay ở phía tây bắc Đông A tỉnh Sơn Đông).

Sư Hoan là một địa chủ nhưng tương đối tiến bộ. Thạch Lặc đến làm ruộng cho Sư Hoan, nhưng ông luôn cảm thấy như đang nghe thấy tiếng trống bên tai. Ông nói chuyện này với những người cùng làm. Họ lại kể lại với Sự Hoan. Sư Hoan thấy Thạch Lặc không phải người bình thường, bèn dò hỏi lại lịch của ông rồi viết giấy giải phóng ông khỏi thân phận nô lệ. Ông trở thành một tá điền tự do.

Khởi sự thời “loạn bát vương”

Đúng lúc đó xảy ra “loạn bát vương”, Thạch Lặc nhân cơ hội đó, triệu tập 18 người cùng khởi sự, gọi là “thập bát kỵ”. Sau đó, ông dẫn 18 người này quy thuận Công Tôn Phiên – lúc đó đang khởi binh phản Tấn. Sau khi Công Tôn Phiên bị giết, Thạch Lặc quy tụ tàn binh của Công Tôn Phiên, tập hợp thêm một số phạm nhân và lưu dân, lập thành quân đội của riêng mình.

Làm trọng thần Tiền Triệu (Thành Hán)

Năm 307, Thạch Lặc dựa vào Lưu Uyên, được phong làm Hán tướng quân, Bình Tấn Vương, sau đó phong làm ăn Đông đại tướng quân, Triệu Công.

Sau khi Lưu Uyên qua đời, Lưu Thông cũng rất trọng dụng Thạch Lặc. Năm 318, trước khi lâm chung, Lưu Thông gửi gắm thái tử Lưu Xán cho Lưu Diệu và Thạch Lặc. Lưu Uyên qua đời, Lưu Xán mới kế vị đã bị Cận Chuẩn làm phản giết chết. Sau đó, Lưu Diệu giết chết Cận Chuẩn, tự xưng làm hoàng đế. Thạch Lặc không cam chịu làm bề tôi cho Lưu Diệu nên đã cắt đứt quan hệ với Lưu Diệu.

Lên ngôi hoàng đế, lập nên nhà Hậu Triệu

Năm 319, tự xưng là Triệu Vương ở nước Tương, thành lập chính quyền, đổi quốc hiệu là Triệu. Sử gọi là Hậu Triệu.

Năm 329, Thạch Lặc tiêu diệt Tiền Triệu, chiếm cứ một vùng lãnh thổ rộng lớn Trung Nguyên. Năm 330, Thạch Lặc lại xưng làm Triệu Thiên Vương rồi sau đó xưng đế. Tiếp đó, dời đô về Nghiệp Thành.

Xây dựng chính quyền

Từ năm 319 bắt đầu xây dựng chính quyền, Thạch Lặc đã phát triển sản xuất, coi việc tăng cường quốc lực là nhiệm vụ hàng đầu. Ông ra sức nâng cao địa vị của người Hạt, đồng thời trọng dụng một văn nhân người Hán là Trương Tấn làm phụ tá, khôi phục chế độ nộp tô thuế và học thuật từ thời Tiên Tấn đến Hán Sơ.

Để lấy lòng dân chúng, Thạch Lặc hạ lệnh giảm tô cho thường dân, ban cho mỗi người già cô đơn 3 thạch ngũ cốc, ban vải vóc cho những con cháu hiếu thảo và những nông dân làm việc chăm chỉ, phong tước vụ cho công thần, nhanh chóng củng cố địa vị thống trị của mình. Lãnh thổ liên tiếp được mở rộng về phía tây đến Thiểm Tây, Cam Túc ngày nay. Phía đông đến tỉnh Hà Bắc ở đông bắc bộ, phía nam đến Hồ Bắc và An Huy, bao gồm cả Trung Nguyên.

Trong những nhân vật thống trị của thời đại Thập lục quốc, Thạch Lặc là người coi trọng người tài và trí thức nhất. Ông chưa từng được học hành, không biết chữ nhưng ông ý thức được tầm quan trọng của tri thức. Thạch Lặc rất trọng dụng Trương Tấn – một văn nhân người Hán. Nhờ vào tài mưu lược của Trương Tấn, thế lực của Thạch Lặc phát triển nhanh chóng. Ông lập vùng đất nghèo đói ở phương bắc thành “Quân tử doanh”, thuộc quân đội quản lý.

Sau khi xưng đế, ông hạ lệnh không được làm tổn hại các sĩ nhân bắt được mà phải để ông trực tiếp xử lý. Ông mở trường học, động viên tướng lĩnh đưa con em đến học tập và còn lập ra chế độ khoa cử để tuyển chọn nhận tài. Những việc làm này khiến chính trị thời kỳ đầu của Hậu Triệu rất tiến bộ, xã hội tương đối ổn định, phồn vinh.

Bản thân Thạch Lặc cũng rất thích đọc sách, học hành. Ông thường mời các tri thức dạy mình học và học rất chăm chỉ. Thạch Lặc còn rất coi trọng Nho học, đề cao Phật giáo, xây dựng chùa chiền và còn cho con trai mình đến chùa học kinh. Bản thân ông cũng thường đến chùa cầu nguyện.

Những năm cuối đời

Các nhà chính trị khi đến cuối đời thường muốn đánh giá những thành tích đã đạt được. Thạch Lặc cũng không ngoại lệ.

Năm 332, sau Tết Nguyên đán, Thạch Lặc tổ chức yến tiệc chiêu đãi quần thần. Khi uống say, ông hỏi quần thần: “Ta có thể sánh với vị hoàng đế nào trước đây?”.

Một vị đại thần đáp: “Công lao của bệ hạ còn lớn hơn Hán Cao Tổ Lưu Bang“.

Thạch Lặc rất vui mừng, nhưng lại nói: “Con người quý ở chỗ phải tự biết được khả năng của mình. Khanh nói hơi quá rồi. Nếu ta gặp Lưu Bang, nhất định phải xưng thần với ông ấy. Đại trượng phu làm việc phải quang minh chính đại, không thể ức hiếp mẹ goá con côi để cướp thiên hạ như Tào Phi, Tư Mã Viêm“.

Tháng 7 năm 333, Thạch Lặc đi tuần du phía tây. Trên đường đi bị cảm rồi lại mắc thêm các bệnh khác. Sau khi về kinh bệnh đã nặng, hạ chiếu lệnh trong vòng 3 ngày sau khi ông chết, phải nhanh chóng an táng, tổ chức đơn giản. Và còn dặn dò: “Anh em Đại Nhã (thái tử Thạch Hoằng) và Thạch Bàn không được tàn sát lẫn nhau, phải đoàn kết, yêu thương nhau. Trung Sơn Vương (Thạch Hổ) phải tận lực phò tá hoàng đế mới”.

Ông qua đời ở Tây Các nước Tương. Tang lễ do cháu của Thạch Lặc là Thạch Hổ chủ trì. Trong đêm, quan tài được đưa ra khỏi thành, án táng trong hang núi. Cho nên mới có nhiều giả thuyết về địa điểm lăng mộ của Thạch Lặc.

Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại - nhiều tác giả,

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận