Hậu Yên Thành Vũ Đế: Mộ Dung Thuỳ

Hậu Yên Thành Vũ Đế tên là Mộ Dung Thuỳ, tự là Đạo Minh, hay còn có tên tự là Thúc Nhân. Lúc nhỏ tên là Bá, tự là Đạo Nghiệp, lúc nhỏ tự là A Lục Đôn. Tuổi Tuất. Là con trai thứ 5 của Tiền Yên Văn Minh Đế Mộ Dung Hoàng. Sau khi Tiền Yên bị diệt vong, ông phục quốc và xưng đế. Tại vị 12 năm, ốm chết, thọ 71 tuổi.

Năm sinh, năm mất: 326 – 396

Thời Tiền Yên, Mộ Dung Thuỳ từng được phong làm Ký Châu mục, Ngô Vương. Ông là công thần của Tiền Yên, được cả triều đình tôn kính. Do bị quyền thần Mộ Dung Bình loại trừ nên ông tức giận đến nương nhờ Tiền Tần.

Phù Kiên nước Tiền Tần nghe nói Mộ Dung Thuỳ đến thì đích thân ra cổng thành nghênh tiếp và phong ông làm Quan quân tướng quân. Năm 370, Mộ Dung Thuỳ giúp Phù kiên tiêu diệt Tiền Yên. Khi nhìn thấy hoàng đế và văn võ bá quan của Tiền Yên bị bắt làm tù binh, Mộ Dung Thuỳ đã không kìm nén được xúc động mà rơi nước mắt nhưng đột nhiên nhớ lại tình cảnh khi xưa bị Tiền Yên loại bỏ lại lập tức nghiêm nghị, tỏ ra bất mãn với bọn họ. Tiền lang trung lệnh Cao Bật thấy vậy, bước đến nói thầm với Mộ Dung Thuỳ: “Tuy bây giờ nước Yên bị tiêu diệt nhưng ai dám khẳng định sau này sẽ không phục hàng. Khi phục hưng đất nước có thể sẽ dùng đến những người này. Ngài đừng chỉ nghĩ đến tội lỗi của họ trước đây mà phải nghĩ đến sự nghiệp sau này”. Mộ Dung Thuỳ nghe theo cao kiến của Cao Bật, lập tức thay đổi thái độ với quần thần của Tiền Yên.

Năm 383, Phù Kiên lệnh cho Mộ Dung Thuỳ và Trương Hào làm tiên phong, thống lĩnh 25 vạn quân tấn công Đông Tấn. Trận Phi Thuỷ, quận Tiền Tần bị đánh cho tan tác, chỉ có 3 vạn quân do Mộ Dung Thuỳ thống lĩnh là không bị tổn thất. Phù Kiên bỏ chạy đến doanh trại của Mộ Dung Thuỳ. Con trai Mộ Dung Thuỳ là Mộ Dung Bảo khuyên ông nên giết chết Phù Kiên. Nhưng Mộ Dung Thuỳ nhớ ơn Phù Kiên đã thu nạp, không những không giết mà còn giao binh mã cho Phù Kiên chỉ huy.

Mộ Dung Thuỳ ở Tiền Tần tuy rất được trọng dụng nhưng luôn nung nấu tư tưởng phục quốc. Do đó, nhân cơ hội Tiền Tần suy yếu, đã nói với Phù Kiên: “Dân chúng ở phương bắc nghe tin ngài thất trận, một số kẻ đang âm mưu làm phản. Thần muốn đến đó để vỗ về dân chúng, nhân tiện thăm phần mộ của tổ tiên”. Phù Kiên rất tin tưởng Mộ Dung Thuỳ, liền phái 3 ngàn binh sĩ đi hộ tống.

Sau khi rời khỏi Tiền Tần, Mộ Dung Thuỳ nhanh chóng phát triển thể lực, mưu đồ phục quốc. Sau khi đến Huỳnh Dương, Mộ Dung Thuỳ xưng làm Đại tướng quân, Đại đô đốc, Yên Vương. Năm 385, Mộ Dung Thuỳ chiếm Nghiệp Thành, sau đó, năm 386 xưng đế, khôi phục lại nước Yên, Sử gọi là Hậu Yên.

Sau khi xưng đế, Mộ Dung Thuỳ liên tiếp tiêu diệt những nước nhỏ như Địch Ngụy, Tây Yên. Sau đó, dồn toàn bộ sức mạnh cả nước giao chiến với Bắc Ngụy, liên tiếp thất bại, khiến đất nước chịu tổn thất lớn.

Năm 396, Mộ Dung Thuỳ đích thân thống lĩnh đại quân tấn công Bắc Nguỵ một lần nữa. Khi hành quân đến dốc Tham Hợp, nhìn thấy thấy chất thành núi trên chiến trường nơi thái tử Mộ Dung Bảo giao chiến với quân Bắc Ngụy, Mộ Dung Thuỳ không khỏi đau lòng. Lại nghĩ đến tình cảnh giao chiến liên miên mà vẫn chưa thắng lợi nên buồn bực đến nổi ho ra rất nhiều máu. Mười ngày sau, bệnh tình của ông trở nên trầm trọng nên đành phải hạ lệnh rút quân. Trên đường rút quân, Mộ Dung Thuỳ qua đời.

Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại - nhiều tác giả,

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận