Lương Ký, Viên Tướng Chuyên Quyền

Lịch sử Trung Quốc thời Vương triều Đông Hán từ Hán Hoà Đế trở đi, các hoàng đế khi lên ngôi đều còn là trẻ con, vị hoàng đế nhỏ nhất là một em bé mới sinh ra được hơn một trăm ngày. Hoàng đế nhỏ tuổi, theo lệ thì Thái hậu sẽ lâm triều chấp chính, Thái hậu lại trao quyền cho người trong họ mình. Như vậy xảy ra tình thế ngoại thích chuyên quyền. Có hoàng đế chết đi mà không có con, Thái hậu và ngoại thích liền tìm chọn một chú bé trong hoàng tộc đưa liền làm hoàng đế để dễ bề khuynh đảo triều chính.

Nhưng, tới khi hoàng đế lớn lên, bắt đầu hiểu biết, không chịu làm bù nhìn mãi, muốn thoát khỏi sự khống chế của ngoại thích, thì xung quanh đều là tay chân của ngoại thích, biết dựa vào ai? Chỉ còn một số hoạn quan hằng ngày phục vụ hoàng đế là gần gũi nhất. Kết quả là hoàng đế phải dựa vào lực lượng này để tiêu diệt thế lực ngoại thích. Và do đó, quyền lực của ngoại thích lại chuyển sang tay hoạn quan.

Bất kỳ là ngoại thích hay hoạn quan, tất cả đều là đại biểu của thế lực thối nát nhất trong tầng lớp cường hào, địa chủ. Hai tập đoàn ngoại thích và hoạn quan tranh giành quyền lực với nhau, luân lưu nắm triều chính, khiến nền chính trị của Đông Hán ngày càng hủ bại.

Năm 125, vị hoàng đế thứ bảy triều Đông Hán là Hán Thuận Đế lên ngôi, ngoại thích họ Lương nắm quyền. Lương Thương và Lương Ký, cha và anh của Lương Thái Hậu kế tiếp nhau làm đại tướng quân.

Lương Ký là một con người hết sức kiêu ngạo và ngang ngược. Ông ta càn rỡ, công khai ức hiếp, tống tiền, hoàn toàn không đếm xỉa đến hoàng đế. Khi Hán Thận Đế chết, chú bé hai tuổi nối ngôi là Xung Đế, được nửa năm sau cũng chết. Lương Ký chọn trong hoàng tộc một chú bé tám tuổi lên thay, tức là Hán Chất Đế.

Hán Chất Đế tuy nhỏ, nhưng rất linh lợi, không ưa sự ngang ngược của Lương Ký. Có lần trước mặt tất cả bá quan văn võ trong triều, Hán Chất Đế chỉ mặt Lương Ký nói: “Ngươi đúng là một tướng quân ngang ngược”. Lương Ký rất căm, nhưng không tiện nổi nóng lúc đó. Ông ta nghĩ: Thằng bé này mới chừng ấy tuổi mà đã ghê gớm thế, lớn lên sẽ khó mà bắt nạt được. Rồi ngầm sai người trộn thuốc độc vào bánh, dâng lên hoàng đế.

Hán Chất Đế ăn bánh xong, cảm thấy trong bụng khó chịu, liền sai nội thị gọi thái uý Lý Cố vào. Lý Cố thấy Hoàng đế ôm bụng nhăn nhó, liền hỏi: “Hoàng thượng thấy ngọc thể ra sao?”.

Chất Đế nói: “Ta vừa ăn bánh xong, thấy bụng đau quặn, miệng khô muốn uống nước”.

Untitled

Lương Ký đứng cạnh vội tâu: “Không được! uống nước vào sẽ bị nôn mửa”. Nói chưa xong, thì vị Hoàng đế tám tuổi đã ngã lăn ra chết tức khắc.

Giết xong Chất Đế, Lương Ký lại chọn một chú bé mười lăm tuổi trong hoàng tộc là Lưu Chí lên làm hoàng đế, đó là Hán Hoàn Đế.

Hán Hoàn Đế lên ngôi, Lương hoàng hậu trở thành Lương thái hậu, triều chính hoàn toàn nằm trong tay Lương Ký. Lương Ký càng hoành hành ngang ngược hơn nữa. Để hưởng thụ cuộc sống xa hoa không kém gì hoàng đế, Lương Ký cho xây dựng rất nhiều lâu đài, dinh thự, chiếm rất nhiều ruộng đất của dân chúng ở ngoại thành Lạc Dương để làm vườn hoa riêng, trong đó có đủ đình đài, lầu, các đẹp đẽ xa hoa.

Hắn ta thích nuôi thỏ, xây dựng một khu nuôi thỏ ở phía Tây thành, lệnh cho các địa phương nộp thỏ, đưa vào vườn. Hắn cho đóng dấu vào mỗi con thỏ làm ký hiệu riêng. Ai lỡ tay bắn chết một con thỏ trong vườn nhà họ Lương đều bị ghép vào tử tội. Có một thương nhân từ Tây Thành đến Lạc Dương không biết lệnh cấm đó, bắn chết một con thỏ. Vụ án đó gây liên lụy, làm thiệt mạng hơn mười người.

Lương Ký bắt mấy ngàn con cái dân lương thiện về làm nô tỳ, gọi những nô tỳ đó là người “tự bán mình”, tỏ ý rằng họ tự bán thân cho Lương Ký. Hắn còn cho người đi điều tra những nhà giàu, bắt họ về, tuỳ tiện ghép cho một tội và buộc gia đình phải mang tiền đến chuộc. Ai ít tiền thì bị xử tội chết. Có một người rất giàu, tên là Tôn Phấn. Lương Ký tặng ông ta một con ngựa và hỏi vay năm mươi triệu. Tôn Phấn bị bắt buộc, đành đưa cho vay ba mươi triệu. Lương Ký nổi nóng sai quan dưới quyền bắt Tôn Phấn lại, vu cho mẹ Tôn Phấn là nô tỳ của nhà họ Lương đã bỏ trốn, lại ăn trộm và mang theo rất nhiều châu ngọc, vàng bạc, nay phải mang trả lại. Tôn Phấn không chịu, liền bị đánh chết và tịch thu toàn bộ tài sản.

Lương Ký hoành hành ngang ngược, chà đạp lên pháp luật như vậy suốt gần hai mươi năm, cuối cùng xảy ra mâu thuẫn với Hán Hoàn Đế. Vì Lương Ký cử người giết hại mẹ của Lương quý nhân là người được Hoàn Đế sủng ái nên Hán Hoàn Đế chịu không nổi, liền bí mật liên hệ với năm hoạn quan có thù riêng với Lương Ký. Nhân dịp Lương Ký không phòng bị, đem hơn một ngàn vũ lâm quân, bất ngờ bao vây chặt nhà ở của Lương Ký.

Lương Ký hoảng hốt, không có cách nào đối phó, đành uống thuốc độc tự sát. Toàn bộ họ hàng, con cháu của Lương Ký đều bị xử lý, kẻ bị giết, kẻ bị cách chức trong triều, hơn ba trăm quan chức thuộc bè cánh Lương Ký đều bị cách chức. Triều đình bỗng chốc hầu như rỗng không, không còn quan chức nữa.

Gia tộc họ Lương sụp đổ, trăm họ mừng vui phấn khởi. Hán Hoàn Đế ra lệnh tịch thu gia sản của Lương Ký, tổng cộng lên tới ba ngàn triệu, tương đương với một nửa số tô thuế trong cả năm của toàn quốc.

Những ruộng đất của nông dân bị Lương Ký chiếm làm vườn hoa, vườn nuôi thỏ đều được trả lại cho chủ cũ.

Hán Hoàn Đế luận công ban thưởng, phong cho năm hoạn quan làm hầu tước, gọi là “Ngũ hầu”. Từ đó trở đi, chính quyền Đông Hán lại chuyển từ tay ngoại thích sang tay hoạn quan.

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
cũ nhất
mới nhất vote
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận