Sau trận Xích Bích, Chu Du lại mất hơn một năm nữa mới đánh quân Tào ra khỏi Kinh Châu. Sau đó, giữa Lưu Bị và Tôn Quyền xảy ra chuyện tranh chấp Kinh Châu.
Lưu Bị cho rằng Kinh Châu vốn là của Lưu Biểu, là người anh em đồng tộc với mình. Lưu Biểu chết đi thì Lưu Bị phải là người kế thừa. Nhưng Tôn Quyền cho rằng Kinh Châu là do mình chiếm lại được từ tay Tào Tháo, nên Kinh Châu phải thuộc về Đông Ngô. Vì Chu Du đã giao cho Lưu Bị cai quản một số đất đai ở Nam ngạn Trường Giang, nhưng Lưu Bị thấy vùng đất đó còn nhỏ hẹp quá, rất không vừa ý. Không lâu sau, Chu Du chết, Lỗ Túc liền khuyên Tôn Quyền cho Lưu Bị mượn tạm đất Kinh Châu.
Đất đai mượn của người khác không phải là biện pháp lâu dài, vì vậy Lưu Bị phải tìm cách mở rộng địa bàn. Theo kế hoạch mà Gia Cát Lượng đã vạch ra ở Long Trung, thì Lưu Bị cần phải phát triển vào Ích Châu. Vừa may lúc đó, Lưu Chương là thứ sử ở Ích Châu phái người tới tìm Lưu Bị. Lưu Chương vốn có hai mưu sĩ, một là Pháp Chính hai là Trương Tùng. Hai người đều có tài, lại là bạn thân của nhau. Họ thấy Lưu Chương nhu nhược bất tài, làm tay chân của ông ta không thể có tiền đồ rạng rỡ.
Khi Tào Tháo đánh chiếm Kinh Châu, Lưu Chương đã phái Trương Tùng đến liên lạc với Tào Tháo. Lúc đó, Tào Tháo vừa thắng trận, thái độ rất kêu ngạo, lại thấy sứ giả Trương Tùng vóc người thấp bé, tướng mạo bình thường, nên Tào Tháo không coi Trương Tùng ra gì. Trương Tùng tức giận ra về.
Về tới Thành Đô, Trương Tùng nói với Lưu Chương: “Tào Tháo có dã tâm rất lớn, e rằng hắn sẽ thôn tính Ích Châu của chúng ta”.
Lưu Chương tỏ ra lo sợ. Trương Tùng nói: “Lưu Bị là người đồng tộc với chúa công lại là địch thủ của Tào Tháo. Nên kết giao với ông ta đi đối phó với Tào Tháo”, Lưu Chương vốn là người không có chủ kiến gì, nghe Trương Tùng nói như vậy thì đồng ý ngay và cử luôn Pháp Chính đi Kinh Châu liên lạc với Lưu Bị.
Đến Kinh Châu, Pháp Chính được Lưu Bị tiếp đãi hết sức ân cần. Hai người cùng đàm luận về đại thế trong thiên hạ, ý kiến vô cùng hòa hợp.
Trở về Thành Đô, Pháp Chính và Trương Tùng bí mật bàn bạc với nhau, tìm cách đón Lưu Bị vào làm chủ Ích Châu.
Ít lâu sau, Tào Tháo dự định tiến quân chiếm Hán Trung (nay ở phía Đông thành phố Hán Trung, Thiểm Tây). Ích Châu bị uy hiếp. Trương Tùng nhân cơ hội này khuyên Lưu Chương mời Lưu Bị vào giữ hộ Hán Trung. Lưu Chương lại cử Pháp Chính đem bốn ngàn binh mã ra Kinh Châu đón Lưu Bị.
Pháp Chính đến Kinh Châu, nói thẳng với Lưu Bị: “ích Châu là nơi rất giàu có. Được người sáng suốt như tướng quân, lại có Trương Tùng làm nội ứng thì việc chiếm ích Châu không có gì dễ dàng hơn”.
Lưu Bị vẫn còn do dự chưa quyết. Lúc đó, Bàng Thống đã làm quân sư của Lưu Bị, kiên quyết chủ trương cần chiếm lấy Ích Châu, ông nói: “Ở Kinh Châu này, địa thế trống trải, phía Đông có Tôn Quyền, phía Bắc có Tào Tháo, không dễ công thủ. Muốn làm được sự nghiệp lớn, cần chiếm lấy Ích Châu làm căn cứ địa”.
Lưu Bị nghe theo ý kiến của Pháp Chính và Bàng Thống, liền để Gia Cát Lượng và Quan Vũ ở lại giữ Kinh Châu, tự mình và Trương Phi cùng một số tướng sĩ, do Bàng Thống làm quân sư, vào ích Châu.
Sau đó, việc Trương Tùng làm nội ứng bị phát giác. Lưu Chương liền giết Trương Tùng rồi phái binh mã chống lại Lưu Bị.
Lưu Bị tiến đến Lạc Thành (nay ở Bắc Quảng Hán, Tứ Xuyên), bị tướng giữ Lạc Thành kiên quyết chặn đánh, suốt một năm trời không hạ được. Bàng Thống lại bị trúng tên, hy sinh trong chiến đấu. Sau, Lưu Bị chiếm được Lạc Thành, tiến đánh Thành Đô. Gia Cát Lượng nghe tin Bàng Thống chết, liền để Quan Vũ lại giữ Kinh Châu, tự mình dẫn quân vào hội với Lưu Bị. Lưu Chương không giữ nổi, đành phải đầu hàng.
Năm 214, Lưu Bị vào Thành Đô, tự xưng là Ích Châu mục (quan cai trị đứng đầu ích Châu, như thứ sử ở các châu khác). Ông xét công ban thưởng, cho rằng lần chiếm Ích Châu này, Pháp Chính có công lớn nhất, liền phong Pháp Chính làm thái thú quận Thục (quận là đơn vị hành chính dưới cấp châu, thái thú là chức quan đứng đầu quận), trực tiếp quản lý Thành Đô, đồng thời còn là một trong các mưu sĩ cho Lưu Bị.
Pháp Chính là người tâm địa hẹp hòi. Vừa nắm quyền, ông ta lập tức nghĩ đến chuyện thanh toán ân oán riêng. Ai đã mời ông ta ăn một bữa cơm, cũng được báo đáp; ai từng có xích mích nhỏ, cũng bị trả thù, mấy người đã bị chết vì việc làm này của Pháp Chính.
Gia Cát Lượng thì khác hẳn. Ông giúp đỡ Lưu Bị cai quản Ích Châu, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, không kể đến tình cảm và quan hệ cá nhân. Một số hào môn đại tộc địa phương vì không lung lạc được Gia Cát Lượng nên oán trách ông.
Pháp Chính khuyên Gia Cát Lượng: “Khi xưa Hán Cao Tổ vào Hàm Dương, chỉ ban bố có ba điều qui định (ước pháp tam chương) mà trăm họ đều đi theo Người. Nay ngài vừa tới, tưởng cũng nên khoan dung một chút mới được lòng người”.
Gia Cát Lượng nói: “Thái thú chỉ biết một mà không biết hai. Triều Tần vì hình pháp nghiêm khắc tàn bạo nên trăm họ oán giận. Cao Tổ phế bỏ pháp luật của Tần, định ra ba điều ước pháp chính là hợp với lòng dân. Tình hình hiện nay khác hẳn. Lưu Chương nhu nhược tầm thường, pháp luật lơi lỏng, quan lại trong Thục hoành hành phi pháp, công việc rối tung. Nếu hiện nay ta không xiết chặt pháp luật, thì làm sao ổn định được tình hình. Pháp Chính nghe Gia Cát Lượng nói, trong lòng hết sức khâm phục, từ đó cũng không dám tùy tiện trả thù báo oán nữa.