Nam triều – Tống Vũ đế – Lưu Dụ

Tống Vũ đế - Lưu Dụ

Tống Vũ Đế tên là Lưu Dụ, tự Đức Dư, lúc nhỏ tên tự là Kỳ Nô. Xuất thân bần hàn. Tuổi Hợi. Tính tình quả đoán, làm việc thận trọng. Thời Đông Tấn, do có nhiều chiến công nên được phong làm Tống Công, sau diệt Đông Tấn, thành lập nhà Tống, bắt đầu thời kỳ đối địch với Bắc Ngụy. Tại vị 3 năm, ốm chết, thọ 60 tuổi.

Năm sinh, năm mất: 363 – 422.

Nơi an táng: Lăng Sơ Ninh (nay là Tưởng Sơn ở phía đông bắc huyện Giang Ninh tỉnh Giang Tô).

Công – tội: Sáng lập triều Nam Tống, chỉnh đốn kỷ cương của triều đình, chủ trương tiết kiệm, khống chế cường hào, phát chẩn cho dân chúng, thi hành chính sách “thổ đoạn”, giảm nhẹ hình phạt, mở nhiều trường học,… đặt nền móng cho thời kỳ thịnh trị Nguyên Hỷ sau này.

Nguyên quán của Lưu Dụ ở Tuy Dư – Bành Thành. Theo ghi chép trong sử sách thì ông là hậu duệ của Sở Nguyễn Vương Lưu Giao – em trai của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Lưu Hỗn, cụ của Lưu Dụ, theo tông thất nhà Tấn di cư xuống phương nam, sống ở Kinh Khẩu (nay là Trấn Giang tỉnh Giang Tô). Đến đời bố của Lưu Dụ là Lưu Si, gia cảnh sa sút nên khi Lưu Dụ còn nhỏ, gia đình rất nghèo khó, từng phải bán giày cỏ để kiếm sống. Sau này, ông trở thành Tư mã của Quan quân tướng quân Tôn Vô Chung ở Bắc Phủ, bắt đầu cuộc đời binh nghiệp. Ít lâu sau, ông trở thành tướng sĩ của của danh tướng Lưu Lao thuộc quận Bắc Phủ, theo Lưu Lao đi trấn áp khởi nghĩa của Tôn Tư, Lô Tuân, được thăng làm Thái thú Hạ Bì.

Năm 402, Đô đốc Kinh Châu là Hoàn Huyền phát động phản loạn. Triều đình Đông Tấn cử Tư Mã Nguyên làm Đại đô đốc, Lưu Lao làm tiên phong, dẫn quân thảo phạt Hoàn Huyền. Nhưng do Tư Mã Nguyên sợ Hoàn Huyền không dám giao chiến, Lưu Lao bị mua chuộc, dân quận Bắc Phủ đầu hàng Hoàn Huyền giúp đại quân của Hoàn Huyền dễ dàng tiến vào Kiến Khang, cướp chính quyền.

Sau khi nắm triều chính, muốn nhanh chóng được xưng đế nên Hoàn Huyền lập tức tàn sát quận Bắc Phủ, Tôn Vô Chung, Cao Tố, Lan Liêm Chi, Lan Lang đều lần lượt bị giết, Lưu Lao tự sát. Trong thời gian đó, lòng quân Bắc Phủ hoang mang, ai nấy đều lo sợ. Nhưng Lưu Dụ, lúc đó giữ chức quan bậc trung trong quân Bắc Phủ, lại tỏ ra vô cùng bình tĩnh. Ông cho rằng Hoàn Huyền giết những tướng lĩnh cấp cao là muốn quân Bắc Phủ quy thuận mình, còn chức vụ cấp thấp như ông không những không gặp nguy hiểm mà ngược lại còn được trọng dụng. Quả đúng như vậy, Hoàn Huyền không những không giết Lưu Dụ mà còn phong làm Trung quân, gia nhập vào hàng ngũ cốt cán cai quản quân Bắc Phủ. Lưu Dụ là người cơ hội, ngoài mặt vẫn không biểu lộ gì nhưng đã tính kế chuẩn bị đoạt vị của Hoàn Huyền.

Tháng 12 năm 403, Hoàn Huyền chính thức xưng đế. Tháng 2 năm sau, Lưu Dụ cùng với Hà Vô Kỵ, Ngụy Vịnh Chi, Đàn Bằng Chi,… lấy danh nghĩa khôi phục triều Tấn, khởi binh ở Kinh Khẩu. Cùng ngày đó, Lưu Nghị cũng khởi binh ở Quảng Lăng để hưởng ứng. Quân khởi nghĩa cùng tôn Lưu Dụ làm thống soái, chủ trì tính kế thảo phạt. Tháng 3, quân Lưu Dụ giết chết Ngô Phủ. Tiếp đó, Lưu Dụ và Đàn Bằng Chi chia quân làm hai cánh, giao chiến với Hoàng Phủ Phu, không ngờ cánh quân của Đàn Bằng Chi, thất bại, quân Lưu Dụ bị bao vây. May mà quân cứu viện kịp thời đến giải cứu, giết chết Hoàng Phủ Phu. Hoàn Huyền nghe tin hai tướng tài bị tử trận thì vừa kinh ngạc vừa lo sợ. Lưu Dụ thừa thắng truy kích, tiếp tục đánh bại đại quân do Hoàn Khiêm thống lĩnh. Hoàn Huyền thấy tình hình nguy cấp,
dùng thuyền bỏ trốn. Quân Lưu Dụ tiến thẳng vào thành Kiến Khang. Ít lâu sau, Hoàn Huyền bị Lựu Nghị giết chết.

Sau khi vào Kiến Khang, Lưu Dụ nhanh chóng chỉnh đốn kỷ cương, ổn định trật tự. Tiếp đó, Lưu Dụ đón hoàng đế đần độn Tư Mã Đức Tông về Kiến Khang, cho hắn làm hoàng đế, còn mình làm thứ sử hai châu Nam Dư, Nam Thanh, nắm quyền hành trong triều. Sau đó, Lưu Dụ bắt đầu tiến hành một loạt các cuộc chinh phạt. Năm 409, ông dẫn quân tiêu diệt Nam Yên rồi lại về kinh đô đánh bại Lô Tuân. Năm 412, tấn công Tiếu Tung (nay thuộc Tứ Xuyên), thu phục Ba Thục. Năm 417, ông lại đánh chiếm Trường An, tiêu diệt Hậu Tần.

Lưu Dụ thống lĩnh đại quân thống nhất Giang Nam, thảo phạt Hậu Tần ở phương bắc, nam chinh bắc chiến, lập được nhiều chiến công hiển hách. Danh tiếng Lưu Dụ đã vượt xa Hoàng Huyền, được người người kính phục. Năm 418, Lưu Dụ lại được phong làm tướng quốc, Tống Công. Nhưng lúc này ông không vội xưng đế. Bởi vì lúc này trong dân gian truyền tụng câu sấm nói rằng sau Tấn Hiếu Vũ Đế Tư Mã Diệu vẫn còn hai đời vua nữa. Lưu Dụ làm theo câu sấm đó, quyết định sau Tư Mã Đức Tông sẽ lập thêm một đời vua nữa. Do đó, ông sai thân tín giết chết Tư Mã Đức Tông trước rồi lập anh cùng mẹ của Đức Tông là Tư Mã Đức Văn làm hoàng đế. Làm như vậy đã ứng nghiệm với câu sấm trên, Lưu Dụ không còn lo lắng gì nữa.

Tháng 6 năm 420, Lưu Dụ bày mưu cho bá quan dâng biểu yêu cầu Tư Mã Đức Văn thoái vị. Lưu Dụ làm hoàng đế, thành lập nhà Tống, đóng đô ở Kiến Khang, đặt niên hiệu là Vĩnh Sơ. Sử gọi là Nam Tống. Từ đó bắt đầu thời kỳ đối địch giữa Nam Triều và Bắc Triều.

Sau khi làm hoàng đế, Lưu Dụ thi hành chính sách “đoạn thổ” (nhập hộ khẩu của những hộ dân di cư giàu có từ phương bắc vào quận huyện nơi cư trú, cùng nộp thuế như dân bản địa), khống chế cường hào, giảm nhẹ tô thuế và lao dịch. Ông chủ trương sống tiết kiệm, không thích vàng bạc châu báu, không thích sự xa hoa, giảm bớt số lượng các phi tần. Sau khi bình định Quan Trung, ông từng rất sủng ái một mỹ nữ họ Diêu. Triều thần khuyên ông không nên ham mê nữ sắc mà bỏ bê việc triệu chính. Ngay tối hôm đó, Lưu Dụ liền cho Diêu thị ra khỏi cung. Khi ông mắc bệnh, một số đại thần làm lễ cầu phúc cho ông, nhưng ông không cho phép, chỉ cho ngự y trị bệnh, kết hợp tự điều dưỡng. Do đó, trong thời kỳ Nam Bắc Triều, Lưu Dụ được coi là một vị vua thánh minh.

Năm 422, Lưu Dụ ốm nặng, triệu thái tử Lựu Nghĩa Phù đến dặn dò: “Đàn Đạo Tế tuy có tài mưu lược nhưng không có chí lâu dài. Từ Tiến Chi, Phó Lượng đã đi theo ta nhiều năm, sẽ không có dã tâm lớn. Chỉ có Tạ Hối là người tùy cơ ứng biến, nếu sau này xảy ra việc gì, có thể dựa vào người này. Sau khi con kế vị, có thể phái Tạ Hối ra khỏi kinh thành, phái đến các quận Cối Kê, Giang Châu để đề phòng bất trắc…”. Sau khi sắp xếp xong mọi việc, ít lâu sau, Lưu Dụ qua đời trong cung điện ở Kiến Khang.

Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại - nhiều tác giả,

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận