Cách mạng Thương Thang: Thương Thang, Y Doãn lật đổ nhà Hạ

Ở hạ du Hoàng Hà có một bộ lạc tên là Thương. Truyền thuyết nói rằng Khiết là tổ tiên của bộ lạc Thương, trong thời kỳ Nghiêu Thuấn, đã từng theo đi trị thủy. Sau đó, bộ lạc Thương nhờ phát triển nhanh nghề chăn nuôi nên đến cuối thời Hạ, khi Thang làm thủ lĩnh, thì đã trở thành một bộ lạc lớn mạnh. Thương Thang thấy Hạ Kiệt vô cùng hủ bại, liền quyết tâm tiêu diệt triều Hạ. Lịch sử gọi đây là cuộc cách mạng Thương Thang.

Theo sử Trung Quốc, Vương triều Hạ đã thống trị hơn 400 năm, đến thế kỷ 16 trước Công nguyên, ông vua cuối cùng của triều Hạ là Kiệt, nổi tiếng là một ông vua tàn bạo. Vua Kiệt và các quý tộc chủ nô đã bóc lột nhân dân một cách thậm tệ và ra sức trấn áp nô lệ. Hạ Kiệt còn cho xây dựng nhiều cung điện, sống cuộc đời hoang dâm xa xỉ.

Đại thần Quan Long Bàng khuyên can Kiệt, nói nếu cứ tiếp tục như thế thì sẽ mất lòng người. Hạ Kiệt đùng đùng nổi giận ra lệnh giết ngay Quan Long Bàng. Dân chúng căm giận Hạ Kiệt, nguyền rủa: “Mặt trời kia sao không tắt ngay đi. Chúng ta thề cùng chết với mày!”

Thương Thang thấy Hạ Kiệt vô cùng hủ bại, liền quyết tâm tiêu diệt triều Hạ. Bề ngoài, ông tỏ ra phục tòng Kiệt, nhưng bên trong, ngấm ngầm không ngừng mở rộng thế lực.

Lúc đó, các quí tộc trong bộ lạc đều rất mê tín, coi việc tế trời đất tổ tông là việc quan trọng nhất. Bên cạnh bộ lạc Thương có bộ lạc Cát, thủ lĩnh là Cát Bá không tế tự đúng kỳ hạn. Thang phái người đến trách. Cát Bá trả lời: “Chúng tôi rất nghèo. Không có súc vật để tế”.

Thang đưa tới một số bò dê để làm đồ tế. Cát Bá cho làm thịt ăn hết, nhưng vẫn không tế. Thang lại cho người đến trách. Cát Bá nói: “Chúng tôi không có lương thực, lấy gì để tế?”.

Thang lại phái người giúp đỡ Cát Bá cày ruộng, và cử người già, trẻ em mang cơm cho họ. Không ngờ, nửa đường, Cát Bá cho cướp đi hết, lại giết chết một em bé đưa cơm.

Hành động đó của Cát Bá khiến ai nấy đều tức giận. Thang nắm lấy việc đó, liền mang quân tiêu diệt bộ lạc Cát. Sau đó, lại liên tục đánh chiếm một số bộ lạc lân cận. Thế lực của Thương Thang dần phát triển lớn mạnh, nhưng Hạ Kiệt ngu tối, vẫn chưa chú ý tới.

Trong những nô lệ theo vợ Thương Thang về nhà chồng (thời cổ nữ quý tộc đi lấy chồng phải đem theo nô lệ cả nam và nữ), có một người tên là Y Doãn. Truyền thuyết nói, khi Y Doãn tới nhà Thương Thang, thì làm nghề nấu ăn, phục vụ Thương Thang. Dần về sau, Thương Thang phát hiện thấy Y Doãn không giống với những kẻ hầu người hạ khác. Hỏi chuyện, mới biết Y Doãn cố ý tham gia vào đoàn bồi giá là để tìm gặp Thương Thang. Y Doãn đàm đạo với Thương Thang về vấn đề trị nước, được Thương Thang tán thưởng. Vì vậy. Thương Thang lập tức dùng Y Doãn làm trợ thủ cho mình.

Thương Thang và Y Doãn bàn bạc với nhau về việc đánh Hạ Kiệt. Y Doãn bày mưu: “Hiện nay Hạ Kiệt vẫn còn mạnh, trước hết chúng ta hãy thử bãi việc triều cống, xem thái độ thế nào?”.

Thương Thang theo kế của Y Doãn, không tiến cống cho Hạ Kiệt nữa. Quả nhiên Hạ Kiệt nổi giận, hạ lệnh cho bộ tộc Cửu Di đem quân đánh Thương Thang. Y Doãn thấy bộ tộc Cửu Di vẫn phục tùng lệnh của Hạ Kiệt, liền tạ tội và lại tiến cống như cũ.

Một năm sau, một số bộ lạc thuộc Cửu Di không chịu nổi sự bóc lột và trấn áp của Hạ Kiệt, dần dần rời bỏ triều Hạ, Thương Thang và Y Doãn mới quyết định mở cuộc tiến công lớn.

Lịch sử Trung Quốc từ Hạ Khải đến đây, triều Hạ đã truyền được hơn bốn trăm năm. Muốn lật đổ một vương triều có lịch sử lâu dài như thế, không phải là một việc dễ dàng. Thang và Y Doãn quyết định họp các tướng sĩ, tổ chức lễ thệ sư. Tại cuộc lễ, Thang nói: “Không phải ta muốn làm loạn. Nhưng Hạ Kiệt quá tàn ác, Thượng Đế hạ lệnh cho ta phải tiêu diệt hắn, ta không dám không nghe lời”. Sau đó, ông tuyên bố về kỷ luật thưởng phạt.

Thương Thang mượn danh Thượng Đế để động viên tướng sĩ, cộng thêm với nỗi căm giận của tướng sĩ muốn Hạ Kiệt chóng diệt vong, khiến họ chiến đấu rất dũng cảm. Quân Hạ và quân Thương đánh nhau một trận lớn ở Minh Điểu (nay ở phía Bắc trấn An Ấp, huyện Vận Thành, tỉnh Sơn Tây). Quân Hạ Kiệt bị đại bại.

Cuối cùng, Hạ Kiệt chạy đến Nam Sào (nay ở tây nam huyện Sào, Tỉnh An Huy) Thang đuổi đến đó, bắt được Kiệt, đày Kiệt ở đó cho đến hết đời.

Như vậy, triều Hạ bị triều Thương thay thế. Lịch sử Trung Quốc gọi việc Thương Thang đánh Hạ là cuộc cách mạng Thương Thang. Vì giai cấp thống trị thời cổ gọi việc thay đổi triều đại là sự thay đổi mệnh trời, nên gọi đó là “cách mạng”. Cách gọi đó hoàn toàn khác với khái niệm “cách mạng” ngày nay.

Lịch sử Trung Quốc 5000 năm,

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận