Năm thứ 26 (-221 trước công nguyên) Tề Vương là Kiến cùng thừa tướng là Hậu Thắng đem quân giữ biên giới phía tây, đoạn tuyệt với Tần. Tần sai tướng quân Vương Bôn đi qua phía nam nước Yên đánh Tề bắt được vua Tề là Kiến. Tần lần đầu tiên thôn tính được thiên hạ, ra lệnh cho thừa tướng và ngự sử như sau:
“Trước đây vua Hàn nộp đất, hiến dâng ấn tín, xin làm bầy tôi ở hàng rào giậu? Được ít lâu, vua Hàn bội ước, hợp cùng với Triệu và Ngụy phản lại nước Tần. Cho nên ta đem quân tiêu diệt, cầm tù vua Hàn. Quả nhân cho đó là việc tốt, hy vọng có thể dẹp tắt được binh nhung. Vua Triệu sai thừa tướng là Lý Mục đến giao ước ăn thề, cho nên ta cho con của vua Triệu đang làm con tin ở Tần về. Được ít lâu, vua Triệu bỏ lời thề, phản lại ta ở Thái Nguyên, cho nên ta đem quân tiêu diệt, bắt vua Triệu. Công tử nước Triệu là Gia lại tự lập làm Đại vương cho nên ta đem quân đánh và tiêu diệt. Vua Ngụy lúc đầu giao ước phục tùng sát nhập vào Tần, được ít lâu,lại bàn mưu với các nước Hàn,Triệu đánh úp nước Tần, nhưng bị quân quan của Tần giết chết và đánh tan.Vua nước Kinh hiến đất đai từ Thanh Dương về phía tây, được ít lâu lại phản lời ước, đánh Nam Quận của ta,cho nên ta đem binh tiêu diệt,bắt được vua Kinh,sau đó binh định đất Kinh. Vua nước Yên hôn ám làm loạn,thái tử nước Yên là Đan lại ngầm sai Kinh Kha ám sát ta, tướng sĩ của ta đánh tiêu diệt nước Yên. Vua Tề dùng mưu kế của Hậu Thắng, cắt đứt liên hệ với Tần và muốn làm loạn. Ta sai quân đánh cầm tù vua Tề, bình định đất Tề. Quả nhân, một người nhỏ bé hưng bính trừ khử bọn bạo nghịch làm loạn. Nhờ uy linh của tôn miếu,sáu nước đều chịu tội thiên hạ bình định. Nay nếu không thay đổi danh hiệu thì không sao xứng với cái công lao đã làm được và truyền cho đời sau. Các ngươi hãy bàn nên đặt hiệu đế như thế nào.”
Thừa tướng là Vương Quán, ngự sử đại phu Phùng Kiếp, đình úy Lý Tư đều tâu:
– Ngũ Đế ngày xưa đất chỉ vuông ngàn dặm, ngoài ra là đất đai của chư hầu và của man di, họ vào chầu hay không thiên tử cũng không cai quản được. Nay bệ hạ giấy nghĩa binh, giết bọn tàn ác và nghịch tặc, bình định được thiên hạ, bốn biển thành quận và huyện, pháp luật và mệnh lệnh đều thống nhất ở một nơi, từ thượng cổ đến nay chưa hề có, Ngũ đế đều không bằng. Bọn thần sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với các bậc sĩ thấy rằng: Ngày xưa có Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Thái Hoàng, nhưng Thái Hoàng là cao quý nhất. Bọn thần liều chết xin dâng tôn hiệu của nhà vua là Thái Hoàng, mệnh ban ra gọi là “chế”, lệnh ban ra gọi là “chiếu”, thiên tử tự xưng gọi là “trẫm”.
(Các đời trước không dùng danh từ “chế” và “chiếu”. “chế” quan trọng hơn “chiếu”, chỉ nhà vua mới được dùng chữ ấy, còn Thái Hậu thì có khi dùng chữ “chiếu” khi thay thế nhà vua trị dân, nếu gọi là “chế” tức là có ý muốn làm vua. “Trẫm” trước là một đại từ chỉ ngôi thứ nhất dành cho mọi người. Sách đạo giáo dùng chữ trẫm để chỉ một lực lượng siêu tự nhiên, một đấng không ai trông thấy. Bọn Lý Tư đề nghị dùng chữ này là vì thế.)
Nhà vua nói:
-Ta bỏ chữ “thái”, lấy chữ “ hoàng”, thêm chữ “đế”, của những vị đế thời thượng cổ hiệu gọi là Hoàng Đế còn những điều khác thì như lời các khanh tâu.
Một đạo “chế” ban ra chấp nhận điều đó. Truy tôn Trang Tương Vương là Thái Thượng Hoàng. Một tờ “chế” nói: -“Trẫm nghe nói thời Thái Cổ có hiệu nhưng không có hiệu bụt. Thời Trung Cổ có hiệu và sau khi chết người ta căn cứ vào việc làm của nhà vua mà đặt hiệu bụt. Làm như thế tức là con bàn bạc về cha, tôi bàn luận về vua, thật là vô nghĩa. Trẫm không chấp nhận điều ấy. Từ nay trở đi, bỏ phép đặt hiệu bụt. Trẫm là Thủy Hoàng Đế, các đời sau cứ theo số mà tính: Nhị Thế, Tam Thế đến Vạn Thế truyền mãi mãi”.
Tần Thủy Hoàng xét việc năm đức lần lượt thay đổi nhau nên cho nhà Chu được “hỏa đức” nhà Tần thay đức nhà Chu thì phải theo cái đức mà “hỏa” không thắng được. Từ này là “thủy đức” bắt đầu: đổi đầu năm, việc triều cống, chúc mừng đều bắt đầu từ mồng một tháng 10. Áo, quần, cờ tiết, cờ mao đen, lấy số 6 làm đơn vị, các phù và các mũ đều dài sáu tấc, trục xe sáu thước, sáu thước làm một bộ, đi xe sáu ngựa, đổi tên sông Hoàng Hà là Đức Thủy vì cho rằng “thủy đức” bắt đầu. Cai trị thì cứng rắn nghiêm nghị, gay gắt, sâu sắc, mọi việc đều dùng pháp luật để quyết định, khắc bạc, không dùng nhân đức, ân nghĩa. Có thế mới hợp với con số năm đức.
Do đó, nhà Tần chú ý gay gắt về pháp luật, trong một thời gian dài không tha tội cho ai. Bọn thừa tướng Vương Quán nói:
-Chư hầu vừa bị tiêu diệt. Nay các đất Yên, Tề, Kinh đều ở xa nếu không đặt vua thì không làm sao kềm chế được họ, xin lập các con trong hoàng tộc làm vua. Xin hoàng thượng lập theo ý của mình.
Thủy Hoàng đưa lời tâu ấy xuống cho các quan bàn bạc. Các quan đều cho là tiện, nhưng đình úy Lý Tư nói:
-Vua Văn Vương, Vũ Vương nhà Chu phong con em cùng họ làm vua rất nhiều, nhưng về sau dòng họ càng ngày càng xa, họ đánh lẫn nhau, xem nhau như thù. Chư hầu càng giết nhau, đánh nhau, thiên tử nhà Chu không làm sao ngăn cấm được. Nay bốn bể đã nhờ thần linh của bệ hạ mà được nhất thống đều làm quận, huyện. Các con và các công thần đã được thu tô và thuế của nhà nước, và được trọng thưởng. Như thế là đủ lắm rồi. Làm thế thì dễ cai trị, thiên hạ không có ý gì khác. Đó là cái thuật trị an, vậy đặt chư hầu không tiện.
Thủy Hoàng nói:
-Thiên hạ đều khổ vì việc chinh chiến liên miên, đó là do có hầu có vương mà ra. Nay nhờ tôn miếu, thiên hạ vừa mới được bình định mà lại lập các nước lên thì cũng như là tự gây ra binh đao mà muốn được thái bình nghỉ ngơi, chẳng phải là khó lắm sao? Điều của đình úy nói là đúng.
Bèn chia thiên hạ làm 36 quận, đặt các quan thú, úy, giám đổi gọi “dân” là “đầu đen”. Mở một bữa tiệc lớn, thu tất cả binh khí trong thiên hạ tập hợp ở Hàm Dương, đúc làm chuông, giá chuông và mười hai người bằng kim khí mỗi người nặng 1000 thạch, đặt ở trong cùng. Thống nhất pháp luật, các cân, phép đo lường, các thạch, trượng, thước, trục xe đều dài như nhau, chữ viết cùng lối như nhau. Đất đai chạy dài phía đông đến biển và đất Triều Tiên, phía tây đến Lâm Thao, Khương Trung, phía nam đến miền cửa nhà quay mặt quay mặt về hướng bắc, phía bắc lấy Hoàng Hà làm biên giới và men theo Âm Sơn đến tận Liêu Đông. Sai dời các nhà hào khí trong thiên hạ đến Hàm Dương tất cả mười hai vạn nhà. Các miếu cũng như điện Chương Đài vườn Thượng Lâm đều ở phía Nam sông Vị.
Mỗi khi lấy được chư hầu, Tần thường vẽ lại các cung nhất của nước đó rồi dựng lên ở phía bắc Hàm Dương, phía nam các cung điện này nhìn ra sông Vị. Từ cửa Ung Môn đến cửa đông sông Kinh, sông Vị, các điện, các cung thất, các đường phức đạo và các đường gácliền nhau. Bắt được bao nhiêu người đẹp và chuông trống của chư hầu đều đưa vào đấy.
Năm thứ 27, Thủy Hoàng đi tuần Lũng Tây, Bắc Địa, ra khỏi núi Kê Đầu Sơn đi qua Hồi Trung. Sai xây Tín Cung ở phía Nam sông Vị, sau lại đổi tên Tín Cung là Cực Miếu để bắt chước sao Thiên Cực. Từ Cực Miếu có con đường thông lên núi Ly Sơn, sai xây tiền điện Cam Tuyền đắp đường ống chạy mãi đến Hàm Dương. Năm đó thưởng tước một cấp, làm những con đường nhà vua đi.
Năm thứ 28, Thủy Hoàng đi về phía đông đến các quận và các huyện, lên núi Trâu Dịch, dựng đá cùng các nho sinh nước Lỗ bàn việc khắc vào đá để ca tụng công đức nhà Tần và bàn việc phong thiện.