Lịch sử Trung Quốc năm 129 trước Công nguyên, Hung Nô phái quân xâm phạm Thương Cốc (trị sở nay ở đông nam Hoài Lai, Hà Bắc). Hán Vũ Đế phái Vệ Thanh, Công Tôn Ngao, Công Tôn Hạ, Lý Quảng dẫn quân chia đường tiến đánh.
Trong bốn danh tướng đó, Lý Quảng là người lớn tuổi nhất, có nhiều công lao nhất. Thời Hán Văn Đế, Lý Quảng đã làm tướng; thời Hán Cảnh Đế, đã cùng Chu Á Phu dẹp loạn bảy nước, lập được công lớn. Hán cảnh Đế còn cử ông làm thái thú Thượng quận (trị sở nay ở đông nam Du Lâm, Thiểm Tây).
Có lần, quân Hung Nô tiến vào Thượng quận, Lý Quảng dẫn một trăm kỵ binh đuổi theo ba xạ thủ Hung Nô, đuổi mấy chục dặm mới kịp. Ông bắn chết hai tên và bắt sống một tên, đang chuẩn bị trở về thì thấy mấy ngàn kỵ binh Hung Nô đang từ xa xông tới.
Quân lính của Lý Quảng thấy quân Hung Nô đông như vậy thì hoang mang sợ hãi. Lý Quảng nói: “Chúng ta đã đi xa đại doanh mấy chục dặm. Nếu cố chạy về thì quân Hung Nô sẽ đuổi kịp, không thể sống sót được. Chi bằng dừng hẳn lại, quân Hung Nô sẽ nghĩ là ta đến dụ chúng, nhất định sẽ không dám tiến công chúng ta đâu”.
Sau đó, Lý Quảng hạ lệnh cho quân lính tiến lên, cách quân Hung Nô chỉ hai dặm thì dừng lại, bảo quân lính xuống ngựa, dở bỏ yên ngựa, ngồi nghỉ tại chỗ.
Quân lính hoảng hốt nói: “Quân Hung Nô ở gần như thế. lại đông như thế, nếu chúng đánh tới thì làm thế nào?”
Lý Quảng nói: “Chúng ta làm thế này, tỏ ra ung dung, khiến kẻ địch cho rằng chúng ta cố tình dụ chúng tới”.
Tướng lĩnh Hung Nô thấy quân Hán như vậy, rất sợ có quân phía sau. Vì vậy, chúng chỉ quan sát từ xa, không dám tiến lên.
Lúc đó, trận địa Hung Nô có một viên tướng cưỡi ngựa trắng, phóng ngựa ra kiểm tra đội ngũ, Lý Quảng cùng hơn mười kỵ binh khác bất ngờ nhảy lên ngựa, phi tối, bắn chết viên tướng đó, rồi lại quay về chỗ cũ nghỉ ngơi.
Quân Hung Nô càng thêm nghi ngờ. Trời tối dần, quân Hung Nô cho rằng quân Hán nhất định có mai phục, sợ bị quân Hán tập kích ban đêm, liền vội vàng rút lui. Đến khi trời sáng, Lý Quảng nhìn phía trước không còn một bóng quân Hung Nô nào, mới ung dung dẫn hơn một trăm quân trở về đại doanh.
Lần chiến tranh đó, Hán Vũ Đế phái bốn đội quân đi đánh Hung Nô. Thiền vu Quân Thần do thám tình hình quân Hán, biết rằng trong số bốn danh tướng Hán, Lý Quảng là người khó đối phó nhất, liền bố trí đại đa số quân mai phục ở Nhạn Môn, ra lệnh cho bộ hạ bắt sông kỳ được Lý Quảng. Quân Hung Nô đông, có thể áp đảo, nên sau một trận chiến đấu kịch liệt, quân Lý Quảng bị đánh bại, bản thân Lý Quảng bị thương và bị bắt làm tù binh.
Quân Hung Nô thấy Lý Quảng bị thương, liền đưa lên một chiếc võng, do hai ngựa cáng đưa về đại doanh Thiền vu. Trong khi đi đường, Lý Quảng nằm im trên võng như chết. Sau mười mấy dặm đường, Lý Quảng hé mắt nhìn, thấy tên lính Hung Nô đi kèm cưỡi một con ngựa tốt, liền bất thần vùng lên, cướp lấy ngựa và cung tên, đẩy tên lính đó xuống đất, rồi ra sức phóng ngựa chạy.
Quần Hung Nô phái mấy trăm kỵ binh đuổi theo. Lý Quảng vừa quặp chặt ngựa, vừa ngoái lại, giương cung bắn chết mấy tên chạy đầu, cuối cùng chạy thoát về với quân Hán.
Tuy thoát hiểm, nhưng vì thua trận, thiệt quân, nên Lý Quảng bị ghép vào tội chết. Do triều Hán có qui định có thể dùng tiền chuộc tội nên Lý Quảng đem hết tài sản ra chuộc tội, trở về quê làm dân thường.
Không lâu sau, quân Hung Nô lại vào quấy nhiễu, Hán Vũ Đế lại triệu Lý Quảng, phong ông làm Thái thú quận Hữu Bắc Bình (trị sở nay ở Tây nam Lăng Nguyên, Liêu Ninh).
Suốt trong nhiều năm, Lý Quảng đều phòng thủ ở biên giới phía Bắc. Vì ông có tài hành động nhanh, bắn tên giỏi, chợt đến, chợt đi, kẻ địch khó lòng dò tìm tung tích, nên người Hung Nô đặt cho ông biệt hiệu “Phỉ tướng quân”. Lý Quảng làm Thái thú Hữu Bắc Bình, Hung Nô sd oai Lý Quảng nên không dám xâm phạm.
Miền Hữu Bắc Bình không có quân Hung Nô, nhưng thường có hổ dữ hại người. Lý Quảng hễ nghe nói ở đâu có hổ là tìm tới đó săn bắn và đã giết được nhiều hổ dữ. Theo kể lại, có một lần Lý Quảng trở về muộn, trời đã nhập nhoạng tối. ông cùng tuỳ tòng vừa đi vừa đề phòng hổ, bỗng thấy trong đám cỏ dưới chân núi lù lù một vật loang lổ như con hổ lớn đang ngồi. Lý Quảng liền giương cung bắn một phát tên cực mạnh. Với tài bắn bách phát bách trúng của ông, tên cắm phập vào mục tiêu.
Thu hạ vác đao thương chạy tới, nhìn kỹ thì hoá ra không phải hổ mà là một khối đá lớn. Mũi tên cắm quá sâu, mấy người rút ra mà không nổi. Tất cả vừa kinh ngạc, vừa khâm phục.
Lý Quảng đến xem, cũng lấy làm lạ. Tên làm sao xuyên được vào đá? Ông liền trở lại chỗ đứng cũ, bắn tiếp mấy phát nữa vào tảng đá, nhưng chỉ thấy toé lửa, tên không thể nào xuyên vào được! Nhưng vì có phát tên đó, người ta đều đồn rằng tướng quân Lý Quảng có tài bắn tên xuyên vào đá.
Cuộc đời Lý Quảng hầu như toàn bộ đều hiến dâng cho sự nghiệp chống Hung Nô. Do anh dũng, thiện chiến, đã trải qua hơn bảy mươi cuộc chiến đấu, quí tộc Hung Nô đều sợ ông, coi ông là kình địch. Nhưng, trong chiến đấu, Lý Quảng cũng hay gặp những thất bại bất ngờ, không gặp thuận lợi như hai tướng trẻ Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh, đã lập những chiến công lừng lẫy.