Tân Đế: Vương Mãng

Tân Đế Vương MãngTân Đế Vương Mãng là cháu của Vương hoàng hậu của Hán Nguyên Đế Lưu Thích, tuổi Tý, tính tình nham hiểm độc ác, có tài thao lược. Sau khi giết Hán Bình Đế Lưu Diễn thì đoạt vị. Tại vị 16 năm. Bị quân khởi nghĩa giết chết, thọ 69 tuổi. Không rõ nơi an táng.

Năm sinh, năm mất: 45 TCN – 23

Mục lục

Trước khi lên ngôi

Lai lịch của Vương Mãng

Sau khi Hán Thành Đế kế vị, Vương Chính Quân được phong làm thái hậu. Sau mười mấy năm bị giam cầm trong lãnh cung, bà ta đã nếm trải mọi đau khổ vì không có quyền lực nên đã nhân cơ hội này lôi kéo họ hàng vào trong triều. Thành Đế bị chị em Triệu Phi Yến làm cho mê muội, giao mọi việc triều chính cho mấy người cậu. Vương Phong làm Đại tư mã kiêm Thượng thư lệnh, quyền hành ngang với Thừa tướng. Họ hàng của Vương thái hậu khống chế mọi việc trong triều đình.

Em trai của Vương Chính Quân là Vương Mạn mất sớm, gia cảnh túng thiếu. Thái hậu liền lệnh cho người nhà Vương Mạn chuyển vào sống trong cung. Vương Mạn chính là cha của Vương Mãng. Việc làm này của Vương thái hậu là cơ hội đầu tiên cho Vương Mãng đoạt vị nhà Hán.

Thăng quan tiến chức

Vương Mãng cũng giống như những kẻ đại gian đại ác khác, trước khi chưa đạt được mục đích của mình thì luôn tỏ ra tử tế để chiếm được lòng tin của mọi người. Sau khi vào cung, Vương Mãng luôn tỏ ra lễ độ, hiếu kinh, chăm chỉ, hiếu học. Khi Vương Phượng ốm, Vương Mãng ngày đêm hầu cận chăm sóc rất chu đáo, suốt tháng không thay quần áo, đầu tóc rối bù. Trước khi qua đời, Vương Phượng tiến cử Vương Mãng với Thành Đế, khuyên Thành Đế nên trọng dụng. Vương Mãng tỏ ra hiếu kính với Vương Phượng chính là vì mục đích này.

Từ đó, Vương Mãng bất đầu thăng quan tiến chức, từ Hoàng môn thị lang, Xạ thanh hiệu úy, Tân Đô Hầu, Kỵ đô úy, đến Quang Lộc đại phu, thị trung,… quyền lực ngày càng cao.

Vương Mãng tuy có quyền chức nhưng vẫn tỏ ra khiêm nhường, giúp đỡ các môn khách, thu nhận các danh sĩ làm môn hạ, giao thiệp rộng với giới quý tộc, mở rộng bè phái. Vài năm sau, danh tiếng Vương Mãng ngày càng cao. Cuối cùng, trở thành Đại tư mã nắm việc triều chính.

Lập bè phái, thu tóm quyền lực

Sau khi Hán Ai Đế kế vị, Vương Mãng dựa vào bè đảng trong triều và sự hậu thuẫn của Vương thái hậu, không coi Ai Đế ra gì, nên bị thua một vố đau. Vương Mãng ra mặt ngăn cản Ai Đế phong bà nội làm thái hoàng thái hậu vì lo sợ Ai Đế lợi dụng ngoại thích để lập thành bè cánh. Ai Đế tức giận, đuổi Vương Mãng ra khỏi triều đình.

Vương Mãng trở về đất phong nhưng vẫn không từ bỏ dã tâm, tiếp tục kéo bè cánh, thu phục lòng dân, quan sát mọi động thái của triều đình để chờ thời cơ. Con trai ông ta là Vương Hoạch ngộ sát một nữ tỳ. Vương Mãng liền nắm lấy thời cơ này, ép con trai mình phải tự sát để đền mạng cho nữ tỳ đó. Việc này được bè cánh của Vương Mãnh cực lực tán dương làm kinh động đến triều đình. Mọi người đều ca tụng Vương Mãng là người nhân nghĩa. Rất nhiều người dâng sớ lên Ai Đế, xin để ông ta trở lại triều đình. Vừa may, lúc đó Vương thái hậu ngã bệnh. Vương Mãng lấy danh nghĩa về kinh chăm sóc cô ruột.

Không lâu sau, Ai Đế qua đời. Vương thái hậu muốn Vương Mãng chủ trì tang sự cho Ai Đế, nhân cơ hội này tranh chức Đại tư mã của Đổng Hiền, nắm giữ triều chính.

Khi Bình Đế Lưu Diễn lên ngôi, mọi quyền hành trong triều đều nằm trong tay Vương Mãng, ông ta phong hầu cho tông thất họ Lưu, các công thần và đại thần trong triều, khiến cho bọn họ cảm kích ân đức của ông ta mà đi theo. Vương Mãng còn bày mưu cho con gái làm hoàng hậu của Lưu Diễn. Bình Đế nghe theo chỉ thị của Vương thái hậu, ban thưởng cho Vương Mãng gần 3 vạn khoảnh ruộng tốt nhưng Vương Mãng từ chối. Việc này khiến cho danh tiếng của ông ta ngày càng lừng lẫy.

Năm 5, Vương Mãng nhận thấy thời cơ đoạt vị đã tới, bèn hạ độc giết chết Bình Đế, lập Lưu Anh làm hoàng đế, tự phong làm “Nhiếp hoàng đế”. Năm 8, ông ta phế truất Nhụ Tử Lưu Anh, tự xưng làm hoàng đế, đổi quốc hiệu là “Tân“.

Sau khi lên ngôi

Xây dựng nền chính trị mới

Sau khi xưng đế, Vương Mãng muốn xây dựng một nền chính trị mới. Ông cho rằng muốn thiên hạ thái bình thì phải thực hành “Chu lễ” nên dựa theo “Chu lễ”, thiết lập nên một nền chính trị mới.

Nội dung của chính sách mới bao gồm mọi phương diện của chính thể, chủ yếu là “Vương điền lệnh” và “Tư thuộc lệnh”.

  • Vương điền lệnh: mô phỏng hình thức của chế độ tỉnh điền thời Chu, quy ruộng đất trên cả nước thành tài sản của triều đình, cấm không được mua bán ruộng đất, ruộng đất được chia theo đầu người.
  • Tư thuộc lệnh: là coi tất cả các nữ tỳ là “tư thuộc” (của riêng), hạn định số lượng, cấm mua bán.

Ai phạm phải hai điều lệnh trên sẽ bị phạt nặng. Hai chính sách trên nghe qua thì có vẻ công bằng, có phần giống với chính sách ngày nay nhưng đó đều là tàn dư của chế độ công hữu thời nguyên thủy. Ngay từ cuối thời nhà Hạ, người xưa đã xóa bỏ chế độ này. Hơn nữa, những chế độ này đều ảnh hưởng đến lợi ích căn bản của quan lại và đại địa chủ.

Nhà Tân dần dần sụp đổ

Chính sách mới được thực thi không bao lâu, Vương Mãng đã bị vô số người phản đối, đảng phái của ông ta cũng dần tan rã. Dân chúng cũng chẳng được lợi ích gì mà còn cực khổ hơn. Bởi tất cả quan lại các cấp đều không thực thi chính sách này mà ra sức vơ vét, nhét đầy túi tham. Hơn nữa, thiên tai liên tiếp mấy năm, quân Hung Nô xâm phạm biên cương, dân chúng ngày càng khốn khổ, buộc phải đứng lên khởi nghĩa.

Tân chính dần dần sụp đổ, nội bộ triều đình cũng hỗn loạn. Tất cả đều nhận ra bản chất gian ác của Vương Mãng. Người thì bỏ đi, kẻ thì phản bội, còn có kẻ muốn đoạt vị. Vương Mãng tức giận, giết chết vô số người, đến cả mấy người cháu của ông ta cũng bị giết chết.

Có người nói rằng: muốn thái bình thì phải lập “dân mẫu”. Hoàng Đế ngày xưa lấy 120 phi tần mà biến thành thần tiên, khuyên Vương Mãng học theo. Vương Mãng lập tức tin theo, phái người đi khắp nơi tuyển chọn gái đẹp.

Có người nói rằng: thiên hạ đại loạn là do trời trừng phạt, phải kêu khóc cầu cứu trời giúp đỡ. Vương Mãng đích thân dẫn các quan lại và các thái học sĩ trong kinh thành đến Nam Giao tế trời. Và hạ chiếu nói rằng: ai có thể khóc lóc thảm thiết, và đọc thuộc văn tế trời của ông ta thì được ban làm quan lang. Mấy ngày sau, có đến hàng ngàn người được ban làm quan lang.

Năm 23, quân Lục Lâm và quân Vương Mãng quyết chiến ở Côn Dương (ngày nay là huyện Diệp tỉnh Hà Nam). Quân Vương Mãng đại bại. Mấy hôm sau, quân Lục Lâm tiến vào Trường An, thiêu cháy cung Vị Ương, Vương Mãng bị loạn quân giết chết. Vương Mãng chết, triều Tân cũng chấm dứt từ đó.

Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại - nhiều tác giả,

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận