Mục lục
Bối cảnh lịch sử
Thương Thang tiêu diệt triều Hạ, dựng lên triều Thương, Hữu tướng Y Doãn là trợ thủ đắc lực cho ông. Y Doãn tên gọi là Chí, vốn trước kia là một nô lệ ở trong nhà Hữu Tân Thị, nhạc phụ của Thương Thang. Khi Hữu Tân Thị cho con gái đi lấy chồng đã bắt Y Doãn đi theo làm nô lệ hầu hạ, làm của hồi môn cho nhà Thương Thang.
Y Doãn vừa tới nhà Thương Thang, Thương Thang không phát hiện ra Y Doãn là một nhân tài, đã sai Y Doãn làm công việc ở trong nhà bếp. Để cho Thương Thang được biết bản thân mình là một người tài năng, Y Doãn bèn tìm một cơ hội gần gũi Thương Thang. Có khi Y Doãn làm món ăn rất vừa miệng, có lúc lại cố ý nấu quá nhạt hoặc quá mặn, cốt làm sao cho Thương Thang phải gọi Y Doãn tới để hỏi han. Quả nhiên, một hôm Thương Thang đã gọi Y Doãn tới. Y Doãn liền lợi dụng cơ hội này lấy việc nấu ăn làm ví dụ, Y Doãn nói:
– Nấu ăn không thể quá mặn, cũng không thể quá nhạt được, nếu biết đem những thứ gia vị gia giảm đúng chỗ đúng mức thì ăn mới cảm thấy ngon miệng. Cai trị một quốc gia cũng giống như làm món ăn, thao tác không thể quá vội vã, cũng không thể quá chậm chạp rời rạc, chỉ có vừa vặn tốt đẹp, mới có thể làm nên sự nghiệp được!
Những ví dụ này của Y Doãn quả nhiên đã đánh động tâm can của Thương Thang. Thương Thang chợt nhận ra người nô lệ trong nhà bếp của mình là một nhân tài, Thương Thang liền xóa bỏ thân phận nô lệ của Y Doãn, bổ làm Hữu tướng cho mình. Y Doãn giúp đỡ Thương Thang hoạch trù đại kế tiến công triều Hạ, cuối cùng chỉ một trận đánh đã tiêu diệt triều Hạ, xây dựng lên triều Thương.
Thời kỳ đầu xây dựng triều Thương, Y Doãn lại giúp đỡ Thương Thang đặt ra các chế độ điển chương, quy định các quan lại nhất định phải chịu khó làm việc, cần phải tạo ra những thành tích nổi bật, nếu không sẽ bị trách phạt nghiêm khắc, thậm chí có thể phạt xuống làm nô lệ. Do vậy, các quan lại triều Thương đều không dám làm càn, chính trị tương đối ổn định, kinh tế cũng khá phồn vinh. Sau khi Thương Thang chết, Y Doãn tiếp tục phò tá đời vua thứ hai, đời vua thứ ba của triều Thương, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, quản lý tốt đất nước. Những ghi chép trong sách sử cổ đại có câu chuyện Y Doãn giúp đỡ người cháu của Thương Thang là Thái Giáp hối cải lỗi lầm.
Thái Giáp lên ngôi
Thương Thang xây dựng triều Thương trải qua 13 năm thì mất. Phép kế thừa của triều Thương là anh chết, em nối ngôi, không có em trai thì mới truyền cho con trai. Thương Thang không có em trai, sau khi Thương chết cần phải truyền ngôi cho con trưởng là Thái Đinh. Thế nhưng Thái Đinh còn chết sớm hơn cha, cho nên em trai của Thái Đinh là Ngoại Bính kế vị. Lại trôi qua bốn năm Trọng Nhân cũng qua đời. Lúc này do khai quốc nguyên lão Y Doãn làm chủ, gọi con trai của Thái Đinh là Thái Giáp lên ngôi vua. Thái Giáp là cháu của Thương Thang.
Y Doãn hết lòng dạy dỗ Thái Giáp
Thái Giáp kế thừa ngôi vua, Y Doãn viết liền ba bài văn cho Thái Giáp đọc, dạy dỗ Thái Giáp phải học tập như thế nào để làm một ông vua tốt. Có một bài văn đề mục là “Tứ mệnh”, chuyên giảng lý lẽ rõ ràng làm thế nào để phân biệt phải trái, đối với những việc như thế nào thì nên làm, những việc như thế nào thì nên không. Còn có một bài văn đầu đề là “Tồ hậu”, giảng giải các chế độ luật pháp khi Thương Thang còn sống, giáo dục Thái Giáp nhất định phải dựa theo quy củ của tổ tiên đã định ra mà làm việc, không thể làm bừa, làm loạn được.
Thái Giáp bắt đầu biến chất
Thái Giáp đọc xong những bài này, hai năm đầu còn dựa vào đó để làm, không dám chống lại những quy củ của tổ tông để lại. Bước sang năm thứ ba, Thái Giáp đã quên hết tất cả, cho rằng bản thân mình là chủ của một nước, tất thảy đều do mình nói là xong, không thể để cho viên tể tướng Y Doãn vốn xuất thân từ một tên nô lệ kia quản thúc. Thái Giáp làm việc hoàn toàn theo ý chủ quan, đã phá hoại toàn bộ các chế độ luật pháp do tổ tông để lại. Thái Giáp dùng thủ đoạn bạo ngược để đối phó với dân chúng, đè nén dân chúng đến ngạt thở.
Bị đày đến Đông cung
Thái Giáp đã biến chất, lẽ dĩ nhiên Y Doãn không dễ dàng bỏ qua. Trước hết Y Doãn lại một lần nữa khuyên can, cảnh tỉnh Thái Giáp cần phải kiểm điểm nhiều hơn đối với những hành vi của mình. Về sau, biết Thái Giáp quả thực không chịu nghe lời, Y Doãn bèn đuổi Thái Giáp xuống đài, đày tới Đồng Cung nơi đặt phần mộ của Thương Thang (huyện Yến Sư, tỉnh Hà Nam ngày nay). Trong thời gian Thái Giáp bị đày đi, Y Doãn không lập vua mới, ông tự tạm thời quản lý việc đại sự quốc gia.
Ăn năn hối lỗi
Thái Giáp bị đày đến Đồng Cung. Tại đây, chỉ có một thứ mà sớm tối Thái Giáp nhìn thấy là phần mộ của Thương Thang, ông nội mình. Thương Thang tuy là vị vua khai quốc của triều Thương, nhưng phần mộ lại rất sơ sài giản dị, trên mộ chỉ xây một cung thất thấp nhỏ, dùng để cúng tế một năm một lần. Ông lão canh mộ nghe nói Thái Giáp vì không tuân thủ các chế độ của tổ tông nên mới bị đày xuống phần mộ này, mỗi ngày đều kể lại những câu chuyện lập nghiệp của Thương Thang ngày xưa cùng với các quy củ mà Thương Thang đặt ra, giáo dục Thái Giáp nên lấy ông nội mình làm tấm gương soi, không nên làm một kẻ ăn tàn phá hại. Thái Giáp đã dùng ông nội làm tấm gương đối chiếu tỉ mỉ với những hành vi cử chỉ của mình, càng ngày càng cảm thấy quả thực bản thân mình đã làm không đúng, liền quyết tâm sửa chữa sai lầm. Trước tiên Thái Giáp làm tốt những việc trong phạm vi nhỏ ở Đồng Cung như quan tâm tới những người già cô quả, tận dụng hết khả năng của mình để giúp đỡ họ, những việc cần phải làm, Thái Giáp lập tức làm ngay, những việc không nên làm, chẳng những mình không làm, nhìn thấy người khác làm cũng lập tức chặn lại.
Hối cãi, trị vì đất nước ngày càng phát triển
Ba năm trôi qua những hành vi cử chỉ của Đồng Cung của Thái Giáp đã sớm có người báo cho Y Doãn biết. Y Doãn cảm thấy vị vua trẻ tuổi này quả thực là đã biết hối cải lỗi lầm biến thành con người mới. Tức thì Y Doãn đích thân dẫn các đại thần đến đón Thái Giáp trở về thủ đô Hào Thành, trịnh trọng trao cả chính quyền cho Thái Giáp. Thái Giáp tiếp nhận được bài học sâu sắc, nặng nề của quá khứ, đã làm việc thận trọng, gắng tuân thủ những chương trình mà tổ tông để lại, cuối cùng đã cai trị, đưa thiên hạ vào nền nếp tốt đẹp, khiến cho triều Thương, một quốc gia theo chế độ nô lệ này đã ngày càng phồn vinh mạnh mẽ.
Thông sử Trung Quốc,