Tiền Tần Tuyên Chiêu Đế: Phù Kiên

Tiền Tần Tuyên Chiêu Đế tên là Phù Kiên, tự là Vĩnh Cổ. Còn có tên khác là Văn Ngọc. Tuổi Tuất. Tính tình quả cảm. Là cháu của Phù Kiện, anh họ của Phù Sinh. Sau khi giết Phù Sinh, được quần thần ủng hộ lập làm vua. Tại vị 28 năm. Sau thất bại ở trận Phì Thuỷ, bị Diêu Trường bắt làm tù binh, treo cổ chết. Thọ 48 tuổi. Không rõ nơi chôn cất. Thụy hiệu là Tuyên Chiêu Đế, miếu hiệu là Thế Tổ.

Năm sinh, năm mất: 338 – 385.

Năm 357, sau khi Phù Kiên hợp lực với anh em Phù Pháp giết chết Phù Sinh, nảy sinh một vấn đề lớn là ngôi hoàng đế sẽ thuộc về ai. Xét về tuổi tác, Phù Pháp lớn hơn Phù Kiên. Xét về công lao trong việc giết Phù Sinh thì Phù Pháp cũng có công lớn hơn Phù Kiên. Nhưng Phù Pháp tự biết mình không thuộc chi trưởng, hơn nữa tài năng cũng không bằng Phù Kiên nên chủ động nhường ngôi hoàng đế cho ông ta. Phù Kiên cũng là người nhân nghĩa, nhiều lần từ chối.

Mẹ của Phù Kiên là Cẩu thị thấy hai người cứ nhường qua nhường lại, các đại thần lại không có ý kiến gì liền nói: “Con trai ta không thể gánh vác việc quốc gia đại sự thì đành cho qua. Nhưng nếu sau này nó lại hối hận thì tội này phải do các đại thần chịu trách nhiệm”. Các đại thần nhận thấy ý tứ sâu xa của Cẩu thị, liền vội vàng quỳ xuống cầu khẩn Phù Kiên làm hoàng đế. Lúc đó, Phù Kiên không từ chối nữa, đăng cơ tại điện Thái Cực, danh chính ngôn thuận trở thành hoàng đế của Tiền Tần.

So với việc giết Phù Sinh thì việc thu dọn đống đổ nát mà ông ta để lại còn khó khăn hơn. Tuy Phù Kiên có chỉnh đốn đất nước, thôn tính quần hùng, thống nhất toàn bộ lãnh thổ nhưng ông hiểu rằng chỉ dựa vào sức mình thì không thể thực hiện được, bèn tìm mưu sĩ Vương Mãnh.

Vương Mãnh là người thông minh hiếu học, có chí hướng cao xa, muốn lập sự nghiệp lớn. Ông từng được Hoàn Ôn của Đông Tấn chiêu mộ nhưng thấy thế lực Đông Tấn ngày một suy yếu nên đã từ chối.

Lúc đó, Thuỷ Bình (nay là Hưng Bình tỉnh Thiểm Tây) là sào huyệt của bọn hào cường. Bọn chúng phần lớn là tông thất và triều thần cũ của Phù Kiện, rất ngang ngược hống hách, không coi vương pháp ra gì, ức hiếp dân chúng. Do đó, Phù Kiên phái Vương Mãnh làm Thuỷ Binh lệnh, một mặt muốn cai quản trật tự ở Thuỷ Bình, một mặt muốn thử tài Vương Mãnh. Vương Mãnh vừa đặt chân đến Thuỷ Bình liền lệnh dùng roi ngựa đánh cho một tên quan lớn bị dân chúng căm ghét nhất nhừ tử. Kết quả, ông bị giam vào nhà lao.

Phù Kiên hay tin, đích thân đến nhà lao và trách tội Vượng Mãnh: “Người làm quan phải coi nhân nghĩa là đầu, khanh mới nhậm chức đã đại khai sát giới là quá tàn khốc”. Vương Mãnh điềm tĩnh đáp: “Một quốc gia thái bình thì dùng lễ để cai trị, một quốc gia hỗn loạn thì dùng pháp luật để cai trị. Nay mới giết một tên gian thần, vẫn còn vô số những tên gian thần khác đang làm loạn đất nước. Nếu bệ hạ chê thần không thể diệt trừ gian thần, khôi phục trật tự của đất nước thì thần có chết ngay tại đây cũng cam lòng”. Phù Kiên nghe xong rất cảm động, liền miễn tội cho Vương Mãnh rồi phong làm trung thư lệnh kiêm Kinh Triệu Quân, chuyên trừng trị những kẻ quyền quý người Hạt ngang ngược không tuân theo pháp luật ở khu vực kinh thành, khiến tình hình trị an ở kinh thành dần được ổn định.

Được Vương Mãnh trợ giúp, Phù Kiên mở rộng lãnh thổ, củng cố vương quyền, đề xướng Nho học, chỉnh đốn kỷ luật quân đội, chính trị, hồi phục và phát triển kinh tế, văn hoá của Tiến Tần, khiến cho thế nước ngày càng lớn mạnh.

Từ năm 370, Tiền Tần lần lượt chinh phạt và tiêu diệt Tiền Yên, Tiền Lương, nước Đại, chiếm được Lương Châu và Ích Châu của Đông Tấn, quy phục được các dân tộc thiểu số vùng lân cận; Lại phái Lã Quang tấn công Tây Vực, thống nhất được khu vực Hoàng Hà. Chỉ còn phương nam là do Đông Tấn cai quản nhưng đó cũng là mục tiêu tấn công của Tiền Tần. Nhưng lúc đó, Vương Mãnh lại mắc bệnh qua đời, khiến Phù Kiên rất đau lòng.

Năm 375, trước khi lâm chung, Vương Mãnh khẩn cầu Phù Kiên không nên tiêu diệt Đông Tấn mà nên trừ khử người Tiên Ty và người Khương trước, chỉnh đốn tình hình trong nước.

Lúc đầu Phù Kiên còn nghe lời Vương Mãnh, một mặt củng cố tình hình trong nước, một mặt không ngừng mở rộng lãnh thổ về phương bắc. Nhưng những thắng lợi ở phương bắc khiến Phù Kiên dần trở nên kiêu ngạo, muốn thống trị cả Trung Hoa. Năm 383, Phù Kiên bỏ ngoài tai lời khuyên ngăn của sủng phi Trương thị, em trai Phù Dung và các đại thần, quyết định xuất binh chinh phạt Đông Tấn.

Phù Kiên ỷ có 97 vạn tinh binh, phân thành mấy cánh tấn công Đông Tấn bằng cả đường thuỷ và đường bộ. Cờ của đại quân phủ kín cả ngàn dặm. Quân Đông Tấn do Thừa tướng Tạ An thống lĩnh, trên dưới đoàn kết một lòng, thề quyết tử chiến với quân Tần.

Cuộc chiến bắt đầu. Phù Dung thống lĩnh 25 vạn quân tiên phong, nhanh chóng chiếm được Thọ Dương – cứ điểm quân sự quan trọng của Đông Tấn (nay là huyện Thọ tỉnh An Huy). Phù Kiên càng khinh địch hơn, không đợi quân tiếp ứng tới, đích thân dẫn 8000 kỵ binh từ Hạng Thành (nay thuộc Hà Nam) hành quân đến Thọ Dương. Đồng thời phái Chu Tự đến Đông Tấn chiêu hàng. Chu Tự vốn là tướng của Đông Tấn bị Tiền Tần bắt làm tù binh trong chiến dịch Tượng Dương rồi đầu hàng Tần. Chu Tự trở về Đông Tấn mật báo tình hình quân Tiền Tần đang phân tán, kiến nghị nên nhân lúc quân Tiền Tần chưa tập hợp đủ lực lượng mà chủ động tấn công quân tiên phong, rồi xin được làm nội ứng. Tướng quân Tạ Thạch nghe theo, phái 5000 tinh binh nhân đêm tối vượt sông Lạc, tấn công quân tiên phong của Tiền Tần, tiêu diệt 1,5 vạn quân Tần. Cho đến trận chiến ở bờ đông sông Phì dưới núi Bát Công, hai nước vẫn đóng quân ở hai bên bờ sông.

Phù Kiên nhận được tin, vội vàng leo lên tường thành Thọ Dương, nhìn thấy quân Đông Tấn đã dàn trận ở bờ bên kia, cờ bay rợp trời, không khỏi kinh ngạc, hoang mang. Mấy ngày sau, Tạ Thạch gửi chiến thư cho Phù Kiên: “Hai bên đóng quân ở hai bên bờ sông, không thể giao chiến được. Nếu quân Tần lùi lại vài dặm thì mới có chiến trường, quân ta sẽ vượt sông sang giao chiến. Không biết người có dám làm vậy không?” Phù Kiên liền cho quân lùi lại 5 dặm, nhân lúc quân Đông Tấn vượt sông tấn công tiêu diệt.

Ngày quyết chiến, Phù Kiên lệnh cho toàn quân lùi lại 5 dặm. Phần lớn tướng sĩ của quân Tiền Tần đều là những người ngoài bộ tộc bị cưỡng bức phải gia nhập quân đội. Trong đó, người Tiên Ty và người Khương là đông nhất, cũng có khá nhiều người Hán. Bọn họ đều muốn Tiền Tần bại trận để thoát khỏi sự thống trị của người Đê. Nên vừa nghe lệnh lùi về phía sau liền ồ ạt bỏ chạy. Lúc đó, 8000 quân Đông Tấn do Thạch Huyền chỉ huy đã vượt sông thành công. Chu Tự ở trong quân Tiền Tần hét lớn: “Quân Tần thua rồi” khiến cho quân Tần hoảng loạn, tranh nhau bỏ chạy, mấy chục vạn đại quân lập tức tan rã. Phù Dung bị loạn quân hất ngã khỏi ngựa rồi bị quân Tấn chém chết. Phù Kiên vội vã phi ngựa bỏ chạy. Khi Phù Kiên về đến Trường An thì hơn 90 vạn quân chỉ còn lại không đến 10 vạn.

Sau trận Phì Thuỷ, thế lực của Tiền Tần suy yếu, thủ lĩnh các dân tộc khác ồ ạt khởi binh phản Tần phục quốc, cát cứ ở một phương. Phương bắc lại rơi vào tình trạng chia cắt và hỗn loạn trong thời gian dài. Đông Tấn thừa cơ tiến hành bắc phạt, thu hồi lại rất nhiều lãnh thổ ở bờ nam sông Hoàng Hà, hình thành thế cục đối địch nam – bắc.

Năm 385, Mộ Dung Xung của Tiền Yên dẫn quân bao vây Trường An, Phù Kiên thấy không thể địch lại, liền lệnh cho thái tử Phù Hoành trấn thủ Trường An, rồi dẫn theo vài trăm kỵ bình bỏ chạy vào núi Mã Tượng (còn gọi là núi Ngũ Tương, ở phía đông bắc huyện Kỳ Sơn tỉnh Thiểm Tây). Hậu Tần Vũ Chiêu Đế và Diêu Trường người tộc Khương phái quân bao vây núi, bắt Phù Kiên làm tù binh, giam tại Phật Tự Trung ở Tân Bình (nay là huyện Bân tỉnh Thiểm Tây).

Diêu Trường nước Hậu Tần liên tiếp phái người bắt Phù Kiên giao ngọc tỷ và ngôi vị Thiền vụ nhưng đều bị từ chối. Diêu Trường sai người ép Phù Kiên tự sát, Phù Kiên nói với phu nhân Trương thị: “Không thể để bọn người Khương làm nhục con gái ta” rồi rút kiếm giết chết con gái nhỏ Phù Bảo Cẩm, sau đó treo cổ tự sát. Trương phu nhân cũng của cổ tự sát.

Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại - nhiều tác giả,

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận