Tiền Yên U Đế tên là Mộ Dung Vĩ, tự là Cảnh Mậu, tuổi Tuất. Là con trai thứ 3 của Tiền Yên Cảnh Chiêu Đế Mộ Dụng Tuấn. Kế vị sau khi Mộ Dung Tuấn qua đời. Tại vị 11 năm, đầu hàng Tiên Tần rồi bị giết chết, thọ 35 tuổi. Không rõ nơi chôn cất.
Năm sinh, năm mất: 350 – 384
Mộ Dung Vĩ từng được phong làm Trung Sơn Vương. Khi Mộ Dung Tuấn tại vị, ông được phong làm thái tử. Tháng giêng năm 360, Mộ Dung Tuấn mắc bệnh qua đời. Cũng trong tháng đó, Mộ Dung Vĩ kế vị.
Mộ Dung Vĩ kế vị khi mới 12 tuổi, chưa đủ khả năng cai quản việc triều chính nên mọi việc quân sự và chính sự đều do Mộ Dụng Khác điều hành. Thời kỳ này, Tiền Yên liên tiếp chinh chiến để mở rộng lãnh thổ, chiếm được những địa bàn quan trọng như Lạc Dương, Huỳnh Dương, Duyện Châu. Năm 369, đánh cho quân Hoàn Ôn của Đông Tấn đại bại. Sau khi Mộ Dung Khác qua đời, chính trị dần sa sút. Đại thần phụ chính Mộ Dung Bình và Mộ Dung Thuỳ tranh đấu kịch liệt với nhau.
Năm 370, Phù Kiên nước Tiền Tần phái Vương Mãnh thống lĩnh đại quân tấn công Tiền Yên. Mộ Dung Vĩ phái hơn 20 vạn đại quân nghênh chiến. Quân Tiền Yên tuy đông gấp mấy lần Tiền Tần nhưng binh sĩ đều hèn nhát, không có ý chí chiến đấu nên Tiền Yên đại bại, hơn 10 vạn quân bỏ chạy; 6, 7 vạn quân đầu hàng. Quân Vương Mãnh tiến vào bao vây Nghiệp Thành. Tán kỵ thường thị Dự Uý làm phản, tập hợp hơn 500 con tin vùng Phù Du, Cao Câu Ly, Thượng Đảng, trong đêm mở cổng thành phía bắc cho quân Tiền Tần tiến vào. Mộ Dung Vĩ hoảng hốt bỏ chạy đến Long Thành. Trên đường đi bộ Đại tướng quân Cự Vũ của Tiền Tần bắt sống. Cự Vũ dùng dây thừng định trói Mộ Dung Vĩ, Mộ Dung Vĩ vẫn cao giọng nói: “Ngươi là ai mà dám trói thiên tử?” Cự Vũ tức giận quát: “Ta nhận lệnh trói giặc, làm gì có thiên tử nào”. Mộ Dung Vĩ và bá quan cùng với hơn 4 vạn hộ người Tiên Ty bị giải đến Trường An. Nước Tiền Yên diệt vong.
Sau khi Mộ Dung Vĩ đến Trường An, Phù Kiên đối xử khá khoan dung với ông ta, phong làm thượng thư, Tân Hưng Hầu.
Năm 383, Phù Kiên tiến hành cuộc chiến lớn tấn công Đông Tấn, phong cho Mộ Dung Vĩ làm Bình nam tướng quân, cùng đánh xuống phía nam. Sau khi thất bại ở trận Phì Thuỷ, Mộ Dung Vĩ lại theo Phù Kiên bỏ chạy về Trường An. Lúc này, thế lực của Tiền Tần đã bắt đầu suy yếu, thủ lĩnh của các dân tộc thiểu số lần lượt khởi binh cát cứ các phương. Người trong hoàng thất Tiền Yên như Mộ Dung Thuỳ, Mộ Dung Hoằng, Mộ Dung Xung cũng lần lượt khởi binh chống lại Tần. Sau khi Mộ Dung Hoằng xưng đế ở Hoa Dương (nay là Hoa Dương tỉnh Thiểm Tây), viết thư cho Phù Kiên nói rằng nếu Tiền Tần thả Mộ Dung Vĩ thì hai nước sẽ lấy Vũ Lao làm ranh giới, cùng phân chia thiên hạ, đời đời hữu hảo, Phù Kiên tức giận, lệnh cho Mộ Dung Vĩ viết thư bảo bọn Mộ Dung Hoằng lui binh, Mộ Dung Vĩ vâng lời một mặt viết thư hồi âm theo ý Phù Kiên, một mặt dặn người chuyển thư nói với Mộ Dung Hoằng: “Khí số của Tần đã tận, thời cơ phục hưng của nước Yên đã đến, nhưng ta đã như chim trong lồng, không thể thoát thân. Đệ nên phát triển đại nghiệp, dụng Ngô Vương làm tướng quốc, Trung Sơn Vương làm thái tể, còn đệ làm Đại tướng quân, Lĩnh tư đồ, củng cố lại triều chính. Nhận được tin của ta thì đệ có thể xưng đế không được chậm trễ”. Mộ Dung nhận được tin liền tấn công Trường An.
Tông thất của Mộ Dung Vĩ ở Trường An có hơn 1 ngàn người. Ông muốn cho họ trốn đến Quan Đông nhưng không tìm được cơ hội. Năm 384, con trai thứ 2 của Mộ Dung Vĩ chuẩn bị kết hôn, Mộ Dung Túc kiến nghị mời Phù Kiên tham dự hôn lễ rồi thừa cơ hành thích, sau đó phối hợp với quân của Mộ Dụng Thuỳ đang bao vây ở ngoài thành, tiêu diệt Tiền Tần, Mộ Dung Vĩ làm theo kế đó. Không ngờ hôm tổ chức hôn lễ trời lại mua to, Phù Kiên không đến như đã hẹn. Kế hoạch thất bại, Mộ Dung Vĩ quyết định bỏ trốn. Ông bị mật ra lệnh cho các tướng lĩnh cũ như Tất La Đằng ngầm thông báo cho người Tiên Ty trong bộ tộc cùng hẹn gặp nhau ở ngoài thành. Một người trong bộ tộc tên là Đột Hiền sau khi hay tin đã đến từ biệt người em gái là vợ của một tướng Tần tên là Đậu Xung. Đậu Xung hay tin liền báo cáo với Phù Kiên. Phù Kiên lập tức gọi Tất La Đằng, Kinh Nghiêm Hình đến tra hỏi. Tất La Đằng khai toàn bộ sự thật. Phù Kiên tức giận, tháng 11, hạ lệnh chém đầu Mộ Dung Vĩ và Mộ Dung Túc.
Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại - nhiều tác giả,