Tiền Yên Văn Minh Đế: Mộ Dung Hoàng

Tiền Yên Văn Minh Đế tên là Mộ Dung Hoàng, tự là Nguyên Chấn, lúc nhỏ tên tự là Vạn Niên, tuổi Thìn. Là con trai thứ 3 của Tiền Yên Vũ Tuyên Hoàng Đế Mộ Dung Hội. Sau khi Mộ Dung Hội qua đời, ông kế thừa làm Liêu Đông quận công. Sau đó xưng là Yên Vương, theo triều thống được coi là dấu mốc khởi đầu nước Tiền Yên. Tại vị 11 năm. Ngã ngựa bị thương nặng mà chết. Thọ 53 tuổi.

Năm sinh, năm mất: 296 – 348

Nơi an táng: lăng Long Bình (không rõ ngày nay ở đâu). Thụy hiệu là Văn Minh hoàng đế.

Khi Mộ Dung Hoàng chào đời, cha ông là Mộ Dung Hội đã lập nên chính quyền cát cứ, được phong làm Bình Châu mục, Liêu Đông quận công. Sau khi Mộ Dung Hội mắc bệnh qua đời, Mộ Dung Hoàng thay cha cai quản tướng lĩnh. Sau này ông được Đông Tấn phong làm Trấn quân đại tướng quân, thứ sử Bình Châu, Đại thiền vụ, kế thừa chức Liêu Đông quận công.

Năm 337, Mộ Dung Hoàng tự xưng làm Yên Vương. Sau khi tấn công Hậu Triệu thất bại, dời đô về Long Thành rồi lại chiếm được Cao Cú Lệ (phía động huyện Tân Khách tỉnh Liêu Ninh ngày nay), tấn công Phu Dư (nay ở phía trên đồng bằng trung du sông Tùng Hoa), tấn công và tiêu diệt Tiên Ty do Vũ Văn Bộ cầm đầu, khiến thế nước ngày một lớn mạnh.

Những chiến thắng của Mộ Dung Hoàng giúp nâng cao uy thế của nước Yên, bảo vệ nền hoà bình của đất nước nhưng cũng gây nhiều tổn thất, hao tốn tiền của. Để tăng thêm nguồn thu của quốc khố, năm 345, Mộ Dung Hoàng tuyên bố chuẩn bị cho dân nghèo thuê đất ở vườn Ngự uyển và chia hoa màu thu được thành 10 phần, dân chúng nhận 2 phần, triều đình nhận 8 phần. Ký thất tham quân Phong Dụ cho rằng phân chia như vậy không công bằng liền dâng tấu can gián. Mộ Dung Hoàng nghe theo, lệnh chia đất miễn phí cho người dân có ít hoặc không có ruộng đất. Nếu nông dân không có tài sản gì thì triều đình sẽ cấp cho 1 con trâu cày. Nếu có nhiều lao động mà vẫn muốn khai khẩn nhiều ruộng thì có thể dùng trâu của triều đình để cày ruộng rồi chia hoa màu thu được thành 10 phần, triều đình nhận 6 phần, nông dân nhận 4 phần. Việc này có tác dụng to lớn trong việc khuyến khích người dân tích cực khai khẩn. Mộ Dung Hoàng còn rất coi trọng việc đào tạo nhân tài. Ông lập một trường học ở cung điện cũ của mình, có lúc còn đích thân dạy học, cất nhắc những người học giỏi làm cận thần, sa thải những quan lại bất tài. Do Mộ Dung Hoàng áp dụng những chính sách khoan thứ sức dân, phát triển sản xuất nên vài năm sau, thực lực của nước Yên đã được tăng lên đáng kể.

Tháng 9 năm 348, Mộ Dung Hoàng đi săn ở vùng biên giới phía tây. Một hôm, ông nhìn thấy một con thỏ trắng đang chạy vào hang liền vội vàng thúc ngựa đuổi theo. Khi ông chuẩn bị giương cung bắn thì đột nhiên chân trước của con ngựa khụy xuống, hất ngã ông xuống đất. Mộ Dung Hoàng bị thương rất nặng. Sau khi về kinh đô, Mộ Dung Hoàng biết khó lòng qua khỏi, liền cho triệu Mộ Dụng Tuấn vào dặn dò. Ông qua đời tại điện Thừa Càn trong hoàng cung ở Long Thành.

Chính Sử Trung Quốc qua các triều đại - nhiều tác giả,

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận