Tôn Vũ là nhà quân sự kiệt xuất thời cổ đại Trung Quốc. Tự là Trường Khanh, người đời sau tôn xưng là Tôn Tử hoặc Tôn Vũ Tử, sinh tại Lạc An, nay là huyện Huệ Dân tỉnh Sơn Đông Trung Quốc, xưa thuộc nước Tề. Không có tư liệu nào về năm sinh và năm mất của ông, ta chỉ có thể căn cứ vào tư liệu về hoạt động và trước tác của ông để ước đoán rằng ông sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ VI, đầu thế kỷ thứ V TCN cùng thời với Khổng Từ (561 – 479 TCN) vào cuối thời Xuân Thu (770 – 476 TCN), và có thể ít tuổi hơn Khổng Tử một chút. Đặc điểm thời đại và nơi sinh trưởng, truyền thống gia tộc của Tôn Vũ cộng với thiên tư trác tuyệt của bản thân, đã tạo nên nhân vật vĩ đại này.
Mục lục
Hoàn cảnh lịch sử
Thời Xuân Thu, giai đoạn đầu của Đông Chu (770 – 225 TCN). Trung Quốc ở vào bước chuyển biến dữ dội cả về cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Việc sử dụng rộng rãi công cụ bằng sắt và kỹ thuật canh tác dùng sức kéo của trâu bò đã khiến sức sản xuất phát triển vượt bậc, tăng mạnh diện tích khai khẩn đất đai, mở ra khả năng tổ chức sản xuất trên quy mô lớn hơn và cơ động hơn. Kết quả tất yếu là chế độ tỉnh điền cổ lỗ buộc người dân vào một diện tích cố định ở một địa điểm cố định bị phá vỡ. Thay vào đó là việc chiếm lĩnh đất đai của tầng lớp địa chủ mới nổi lên từ số chủ nô biết thích ứng với tình hình mới. Họ đã biến những nô lệ cũ thành nông nô một loại lao động “tự do” hơn, có hứng thú lao động và sáng tạo hơn.
Thời kỳ này, do chế độ phong kiến phân quyền, nên tạo ra nhiều chư hầu. Các nước chư hầu đã nổi loạn tự do hoành hành thôn tính lẫn nhau và do vậy Khổng Từ đã gọi tình trạng này là từ “lễ nhạc, chỉnh phạt tự thiên tử xuất” (Việc lễ nhạc và đánh dẹp từ thiên tử ban lệnh ra) chuyển sang “Lễ nhạc, chinh phạt tự chư hầu xuất” (Việc lễ nhạc và đánh dẹp do chu hầu tự tiến hành) mà ông phê phán là “thiên hạ vô đạo”. Việc “vô đạo” này còn đi xa hơn nữa: trong một số nước chư hầu, các quan khanh, đại phu lũng loạn triều chính, xây dựng thế lực riêng đưa ra những sáng kiến cải cách khác nhau đem quân đánh chiếm thái ấp của nhau, hình thành thực trạng “lễ nhạc, chinh phạt tự khanh đại phu xuất”.
Điều kiện khách quan ra đời Tôn Tử binh pháp
Xung đột quân sự và chiến tranh diễn ra liên miên ở mọi quy mô từ đầu thời Xuân thu đến khi Tôn Vũ ra đời tới số lượng hàng trăm cuộc. Kiến thức quân sự đương thời cộng với kinh nghiệm chiến tranh từ thời Hạ và Thương-Ân truyền lại đã cung cấp một khối lượng tư liệu phong phú để Tôn Vũ, với sự nhạy bén bẩm sinh đã hệ thống hóa và khái quát hóa làm thành tác phẩm bất hủ của mình: Tôn tử binh pháp. Học giả đời Minh là Mao Nguyên Nghỉ đã nhận xét về công lao này với câu nói ngắn gọn: “Tiền Tôn Tử giả, Tôn Tử bất di…” (Những người trước Tôn Tử, Tôn Tử không bỏ sót ai…)
Sống giữa thời đó, lại sinh trưởng ở nước Tề, là một thuận lợi nữa đối với sự phát triển tài năng của Tôn Vũ. Tề là nước chư hầu được phong từ đầu thời Tây Chu. Vốn là vùng đất ven biển, xa kinh đô của chính quyền Trung ương, người dân bản địa (Sử Trung Quốc cổ gọi họ là người Đông Di) sống phóng khoáng trên vùng đất màu mỡ ven biển thuộc hạ du Hoàng Hà chưa quen thần phục nhà Chu. Biết điều đó, Chu Thành Vương với sự nhiếp chính của chú là Chu Công Đán đã ủy thác cho Lã Thượng (tức Khương Tử Nha), một công thần khai quốc tài kiêm văn võ, ra làm Tề hầu, lập ra nước Tề, nơi yếu địa chiến lược, để “vỗ về dân chúng” thần phục nhà Chu.
Không phụ lòng ủy thác đó, Lã Thượng đã cho thi hành một loạt chủ trương khéo léo để ổn định lòng dân, biến Tề từ một vùng dân cư thưa thớt, phân tán thành một nước giàu mạnh. Trong những chủ trương nhằm tạo điều kiện cho sự sáng tạo học thuật: – tôn trọng phong tục bản địa, sự phóng khoáng trong ngôn luận, và tư duy, không gò bó người dân theo những giáo điều, những điển chế nghiêm ngặt của nhà Chu. Về mặt này, nước Tề khác nhiều với nước Lỗ, một nước chư hầu kế cận, do con của Chu Công Đán lập nên. Vì thuộc đích hệ nhà Chụ, Lỗ là nước lưu giữ và tuân thủ nghiêm ngặt nhất mọi điển chương chế độ, do Chu Công Đán chế định, nên về sau càng ngày càng bảo thủ. Nó đã hạn chế nhiều lụồng tư tưởng sáng tạo. Nước Tề trái lại đã tạo môi trường thuận lợi cho học thuật phát triển. Tác giả Tôn tử binh pháp đã sống và trau dồi kiến thức trong môi trường đó. Phải kể đây là điều kiện khách quan quan trọng giúp ông trở thành một học giả lớn của thời đại.
Ngoài ra, chủ trương tôn trọng người hiền tài, khuyến khích người có công không kể xuất thân là quý tộc hay bình dân do Lã Thượng đề xướng đã trở thành truyền thống của nước Tề, làm xuất hiện những nhà chính trị tài giỏi như Quản Trọng, Án Anh, mở ra con đường tiến thủ cho kẻ sĩ đời sau mà Tôn Vũ là nhân vật tiêu biểu.
Truyền thống gia tộc là một nhân tố quan trọng nữa tạo nên nhân cách và tài năng Tôn Vũ.
Lai lịch và gia tộc Tôn Vũ
Ông tổ 7 đời của Tôn Vũ là Công Tử Hoàn nước Trần do nổi loạn phải chạy sang nước Tề lánh nạn vào năm 672 TCN, được Tề Hoàn Công phong cho chức “Công chính” là chức quan trông coi ngành thủ công nghiệp. Từ đây, Trần Hoàn đổi sang họ Điền và gây dựng dòng họ này thành một dòng họ mạnh, đời đời đều có người giữ chức khanh đại phu nước Tề. Đến thời Chiến Quốc, vào năm 404 TCN, đã chiếm ngôi Vua chư hầu nước Tề từ tay họ Lã.
Ông tổ 4 đời của Tôn Vũ là Điền Vô Vũ, một võ tướng tài năng thời Tề Trang Công (ở ngôi Vua từ 553 – 547 TCN) giữ chức Thượng đại phu, đã liên hợp với họ Bào, diệt hai họ Loan và Cao, phát triển thế lực họ Điền.
Con thứ hai của Điền Vô Vũ là Điền Thư, ông nội của Tôn Vũ, cũng lập võ công hiển hách. Năm 523 TCN, Điền Thư theo tướng Cao Phát đi đánh nước Cử, đã độc lập chấp hành nhiệm vụ, chiếm được thành Kỷ, buộc Vua Cử là Cử Cộng phải tháo chạy. Do chiến công này, Điền Thư được phong thái ấp ở Lạc An và ban cho họ Tôn. Do vậy Điền Thư cũng được gọi và Tôn Thư và đất Lạc An trở thành quê hương của Tôn Vũ.
Gia tộc họ Điền còn có Điền Nhương Thư, thuộc chi khác, lớn tuổi hơn Tôn Vũ một chút, làm quan Đại Tư mã – chức quan võ cao cấp thời đó, nên cũng được gọi là Tư Ma Nhương Thư. Tài dùng binh và chiến công của Tư Mã Nhương Thư đã được nhà sử học Tư Mã Thiên ghi lại sinh động trong Sử ký – Tư Mã Nhương Thư liệt truyện. Do việc tranh giành quyền lực giữa các dòng họ Nhương Thư tuy lập được công trạng to lớn vẫn bị gièm pha, bị Tề Cảnh Công cắt chức Đại Tư Mã rồi uất hận phát bệnh mà chết (vào khoảng 518 TCN).
Rời bỏ nước Tề sang Ngô
Tôn Vũ lúc ấy khoảng từ 20 – 30 tuổi, bị chấn động lớn về tinh thần vì sự kiện này, buồn chán và thất vọng trước sự hủ bại về chính trị cuối thời Tề Cảnh Công, không muốn để mình bị liên lụy vì cuộc xâu xé gay gắt giữa các dòng họ, liền rời bỏ nước Tề, sang với nước Ngô, một nước đang hưng vượng thuộc miền Giang – Triết. Sang Ngô, Tôn Vũ gặp gỡ Ngũ Tử Tư, một nhân tài từ nước Sở trốn sang Ngô để tìm cách mượn quân nước Ngô về đánh Sở, trả thù việc Sở Bình Vương đã giết cha mình là Ngũ Xa. Hai con đại bàng, một từ Tề xuống, một từ Sở sang, đều có chí lớn tài cao nên nhanh chóng kết bạn. Đôi bạn này sẽ là những nhân vật chủ yếu giúp nước Ngô vươn lên ngôi Bá cuối thời Xuân Thu.
Dâng binh pháp cho Ngô Vương
Ngũ Tử Tư được Hạp Lư quốc vương nước Ngô dùng làm hành nhân, là chức quan lo việc tiếp khách và nhận lễ vật dâng lên Vua. Hiểu rõ hoài bảo của Hạp Lư muốn tranh hùng xưng Bá, Tử Tư liền tiến cử Tôn Vũ người bạn sơ giao nhưng đã sớm tỏ rõ kiến thức uyên bác do tích lũy được từ thời ở nước Tề lên Ngô Vương Hạp Lư. Việc này xảy ra vào năm 512 TCN. Sử Ký-Tôn Tử, Ngô Khởi liệt truyện đã miêu tả khá kỹ và sinh động câu chuyện Tôn Vũ dâng 13 thiên binh Pháp và tiến hành huấn luyện thí điểm cho cung nữ (Sử Trung Quốc gọi là “Cung trung giáo chiến“) như thế nào. Được dùng làm tướng Tôn Vũ lập tức tỏ rõ nhân quan chiến lược của mình trong lời can Hạp Lư ” Dân mệt, chưa đánh được, hãy chờ”. (*)
Đó là lúc Hạp Lư, nôn nóng muốn tung quân đánh dốc vào nước Sở sau khi thắng Sở một trận nhỏ trong cuộc giao tranh ở biên giới: Với lời can đó, Tôn Vũ đã thể hiện tư tưởng mà ông đã trình bày kỹ trong 13 thiên Binh Pháp: Phải tích lũy đủ lực lượng, nuôi dưỡng sức dân, chỉ đánh khi đã cầm chắc thắng lợi. Sau đó, Tồn Vũ đã tán đồng sách lược do Ngũ Tử Tư đề xướng: chia quân Ngô làm 3 bộ phận, luân lưu quấy nhiễu biên giới nước Sở, nhưng tránh giao chiến, chỉ hư trương thanh thế làm cho Sở luôn ở tình trạng nơm nớp lo đối phó, toàn quân căng thẳng mỏi mệt.
Sáu năm sau (506 TCN) Hạp Lư lại hỏi: “Đã đánh Sở được chưa?” Tôn Vũ và Ngũ Tử Tư kiến nghị: “Trước hết phải dùng ngoại giao lôi kéo hai nước Đường, Thái là những nước nhỏ thường bị Sở ức hiếp, khiến họ liên minh với Ngô”. Thực hiện xong việc đó, liên quân ba nước Ngô – Đường -Thái cũng chỉ có hơn 5 vạn (Ngô: ba vạn, Đường, Thái mỗi nước có hơn 1 vạn). Trong khi đó, Sở, một nước đất rộng, dân đông có tới 20 vạn quân. Thắng bại trong trận quyết chiến này chủ yếu tùy thuộc vào tài dùng binh của Tôn Vũ.
Chiến tranh Ngô – Sở
Diễn biến của chiến tranh Ngô – Sở là sự thể hiện hùng hồn trên thực tiễn những điểm mà thiên tài vĩ đại này đã diễn đạt hết sức súc tích trên lý luận của 13 thiên Binh Pháp:
“Nghi binh lừa địch”
“Tránh thực đánh hư”
“Điều động dịch mà không để dịch điều động, xuất phát ở nơi kẻ địch không tới, tiến tới nơi kẻ địch không ngờ”
“Buộc đối phương phòng bị minh khắp nơi nên phải phân tán binh lực khắp nơi”
“Hình thành ưu thế ta nhiều địch ít” ở điểm quyết chiến…
Chỉ trong ba Tháng, quân Ngô đã thực hiện năm đòn đánh lớn:
– Nhử quân Sở do Lệnh Doãn Tử Thường chỉ huy hỏa tốc vượt sông Hán Thủy, đuổi quân Ngô từ Tiếu Biệt Sơn đến Đại Biệt Sơn (thuộc tỉnh Hồ Bắc) bị mệt nhoài mất hết nhuệ khí.
– Đánh đòn tiêu diệt đội quân chủ lực đã mỏi mệt của Sở ở Bá Cừ. Đội quân to lớn này tan vỡ, chủ tướng Tử Thường bỏ quân chạy trốn sang nước Trịnh.
– Thừa thắng truy kích quân Sở đến Thanh Phát Thủy (cũng thuộc Hồ Bắc), tiêu diệt thêm một bộ phận quan trọng.
– Gặp cánh quân cứu viện của Sở ở Ung Phệ (gần Kinh Sơn, Hồ Bắc) đội quân thắng lợi tung quân đánh mãnh liệt giết chết chủ tướng Sở Thẩm Doãn Tuất, quân Sở tan nát.
– Nước Sở hùng mạnh chỉ còn lại một số quân nhỏ bảo vệ kinh thành, quân Ngô khôn khéo nhử ra ngoài thành tiêu diệt nốt rồi ùa vào chiếm Ảnh Đô (cũng gọi là Sính Đô, Dĩnh Đô) Vua Sở là Chiêu Vương lúc đó đã khoảng 70 tuổi, trốn thoát, chui lủi nhục nhã trong dân chúng rối chạy sang tị nạn ở nước Tùy.
Chỉ nhờ sự giúp đỡ của nước Tần, Sở mới thoát khỏi sự chiếm đóng của Ngô. Năm 504 TCN, Tôn Vũ lại cùng với Ngũ Tử Tư đem quân đánh Sở, bắt sống tướng chỉ huy thủy quân Sở là Phan Tử Thần và Tiểu Duy Tử cùng với 7 quan đại phu làm cả nước Sở kinh hoàng, phải dời đô từ, Ảnh đến Nhược.
Trước tác về Tôn Vũ
Trước tác còn lại tới nay của Tôn Vũ là bộ Binh Pháp 13 thiên và một số văn bản mới khai quật được trong ngôi mộ đời Hán ở Ngân Tước Sơn, huyện Lâm Nghi tỉnh Sơn Đông vào năm 1972. Số văn bản này được ghi vào thẻ tre (trúc giản) gồm các thiên Ngô Vấn) (ghi lại các cuộc đàm đạo giữa Hạp Lư và Tôn Vũ), Tứ Biến (giải thích thêm về thiên Cửu Biển trong Binh Pháp Tôn Tử), Hoàng đế phạt xích đế (về các cuộc chiến tranh thời tối cổ), Địa hình nhị (có những ý kiến bổ sung cho thiên Địa hình trong Binh Pháp Tôn Tử), Kiến Ngô Vương (thuật lại cuộc hội kiến của tác giả với Ngô Vương Hạp Lư). Đây là tài liệu gốc mà Tư Mã Thiên chắc đã dựa vào để viết về Tôn Tử trong phần Tôn Tử – Ngô Khởi liệt truyện trong Sử Ký.
Đoạn đời sau mịt mờ
Đoạn đời sau của Tôn Vũ không có tư liệu nào ghi chép ngoài một đoạn ngắn trong Sử Ký…”Phía Tây quân Ngô phá nước sở mạnh, tiến chiếm Ảnh Đô, phía Bắc uy hiếp nước Tề, nước Tấn, nổi tiếng ở chư hầu, đều có công của Tôn Tử. Hơn một trăm năm sau, có Tôn Tẩn… Tẩn cũng là con cháu đời sau của Tôn Vũ”…
Tôn Vũ xuất hiện chói lọi trong lịch sử rồi lại thầm lặng rời khỏi vũ đài giống như một vệt sao băng băng ngang qua bầu trời Xuân Thu. Phải chăng thiên tài này đã tiên liệu được kết cục không mấy tốt đẹp của nước Ngô khi Hạp Lư say sưa vì thắng lợi, và con trai Ngô Phù Sai chìm đắm trong cuộc sống kiêu sa, dâm dật để chuốc lấy thảm bại trước nước Việt hơn mười năm sau đó? Phải chăng, ông cũng hành động giống như Phạm Lãi của nước Việt sau này, kịp thời rời bỏ tước lộc sau khi phò tá Câu Tiễn diệt Ngô? Đoạn đời sau của hai nhân vật trên đều mịt mờ trong màn sương huyền thoại.
Nhưng với Tôn Vũ, cái mà ông lưu lại cho hậu thế là bất tử. Tác phẩm binh pháp của ông đã lưu truyền và được ca ngợi khắp thế giới. Danh hiệu “Thủy tổ binh học phương đông” “thủy tổ binh, học thế giới”, “ông thánh về binh học” hoàn toàn xứng đáng với ông. Đúng như nửa sau câu nói của Mao Nguyên Nghi: “… Hậu Tôn Từ giả, bất năng di Tôn Tử” (Những người sau Tôn Tử, không thể bỏ qua được Tôn Tử).
Almanach,
BINH PHAP TON TU VIET CON THIEU NGUOI DOI SAU CO DOC NHUNG SE KHONG HIEU VA VAN DUNG……..CHI CO MOT MINH TON VU LA HIEU DUOC BINH PHAP DO MINH VIET RA…….HIEN NAY TOI DA HOAN CHINH LAI BO BINH PHAP CUA TON VU……NGUOI DOI SAU DOC CO THE HIEU HET DUOC BO BINH PHAP NAY NHAM UNG DUNG VAO THUC TIEN TRONG CHINH TRI HOAC TREN CHIEN TRUONG…….TAO NEN MOT BO BINH PHAP BACH CHIEN BACH THANG…….TOI VA TON VU SE TRUYEN LAI CHO HAU THE CUON BINH THU NAY VA TIEP TUC HOAN THIEN NUA…….