Năm 1296 trước Công nguyên, trong vương cung của Pharaôn Ai Cập có một đoàn sứ thần của nước Hátti đến thăm. Họ mang đến một bảng chữ làm bằng bạc, bên trên khắc 18 điều khoản về chấm dứt chiến tranh và ký kết hòa ước giữa hai bên: ”Thủ lĩnh người Hátti vĩ đại mà dũng cảm Hathôsin” và ”Người thống trị Ai Cập vĩ đại mà dũng cảm Ramset” tuyên thệ cùng tin cậy lẫn nhau, hai bên không bao giờ giao chiến với nhau. Khi một nước phải chiến đấu với nước khác thì phải chi viện cho nhau…
Hátti ở Tiểu Á (nay là Thổ Nhĩ Kỳ), Ai Cập ở Bắc Phi, hai nước cách nhau hàng ngàn dặm, làm sao lại xảy ra chiến tranh?
Số là, người Hátti sau khi hình thành quốc gia vào năm 2000 trước Công nguyên đã không ngừng bành trướng ra ngoài. Năm 1600 trước Công nguyên, người Hátti đã đánh chiếm Syria và Palestin. Sau đó 5 năm lại đánh chiếm thành Babylon, thủ đô của đế quốc Babylon (nay ở vùng phụ cận Bátđa, Irắc) đã cướp phá sạch thành phố phồn vinh nhất thế giới lúc đó. Để tranh giành quyền bá chủ ở Trung Đông, người Hátti đã tiến đánh Ai Cập. Sau này Tân Vương quốc Ai Cập dần dần cường thịnh, cuối cùng đã phát động cuộc phản công chống người Hátti.
Hãy trở lại với những sự kiện trước khi ký hòa ước.
Một ngày vào năm 1312 trước Công nguyên, trong Vương cung Hátti đang có một cuộc họp khẩn cấp.
– Hãy đọc ngay bản tin tình báo khẩn này cho các vị đại thần nghe – Quốc vương Môvata ra lệnh gấp cho viên thư ký.
– Xin vâng! Viên thư ký cúi rạp người vâng lệnh rồi bê bảng đất sét lên đọc to Pharaôn Ai Cập Ramset II thân thống lĩnh đại quân tấn công chúng ta!
Hathôsin, em trai của Quốc vương kêu to:
Thế nào? Quân Ai Cập dám đánh đến đây sao?
Các Pharaôn Ai Cập to gan lớn mật quá! Một vị tướng tức giận nói.
– Quân đội Hátti chúng ta là vô địch, chúng ta nhất định phải chiến thắng người Ai Cập! Một vị vương tử đứng lên, hoa chân múa tay gào lên.
– Ai có diệu kế đánh địch? Quốc vương Hátti vội vã hỏi.
– Thần có một diệu kế. . . Một vị tướng ưỡn ngực nói ra mưu kế của mình.
Dựa vào kiến nghị của vị tướng này, quân đội Hátti định ra phương án tác chiến.
Ngoài mặt trận, quân Ai Cập chia thành bốn thê đội tiến lên. Phalaôn thân thống lĩnh đội quân tiên phong đã tiến gần tới thành Cađich, điểm nút giao thông của Syria đã bị quân Hátti chinh phục trước đó.
Có một cỗ chiến xa vô cùng hoa lệ, chung quanh dát vàng bạc và đá quý, càng rực rỡ lóa mắt trong ánh sáng ban mai – Pharaôn Ai Cập đứng trên chiến xa ra lệnh tạm dừng tiến quân, ông đưa mắt nhìn cảnh sắc chung quanh: phía bên trái, một con đường lớn chạy thông ra biển cả sóng vỗ ầm ầm, bên phải là khe sâu dốc đứng, ở giữa là một dòng sông nước chảy xiết. Trước mặt là một giải đồng bằng, bức tường thành ẩn hiện trên đỉnh núi phía xa, chính là thành đá Cađich.
– Bẩm Pharaôn, đã bắt được hai tên gián điệp. Một vệ binh tâu trình.
– Dẫn chúng tới đây Pharaôn ra lệnh.
Kẻ bị bắt là kỵ binh Hátti cải trang thành dân du mục. Chúng nói, để tránh xung đột, Quốc vương Hátti đã ra lệnh cho quân đội rút khỏi thành đá Cađich rồi.
Chẳng trách trên đường không thấy quân Hátti. Rút cục chúng đã sợ chúng ta!
Pharaôn Ai Cập cười ngạo nghễ rồi vung tay hô to:
– Tiến lên!
Pharaôn Ai Cập dẫn đội cận vệ của mình lao nhanh đến dưới chân thành đá Cađich. Do ông quyết định chớp nhoáng như vậy nên ngay đội quân tiên phong cũng đến không kịp.
Lúc này, Quốc vương Hátti đã dẫn đại quân men theo dòng sông ở phía đông bao vây phía sau Pharaôn Ai Cập. Hai tên quân Hátti bị quân Ai Cập bắt được lúc sáng sớm là do Quốc vương của chúng phái đến để mê hoặc quân Ai Cập. Quả nhiên Pharaôn Ai Cập đã bị mắc lừa. Quốc vương Hátti chuẩn bị sáng sớm ngày hôm sau sẽ vây hãm quân đội Ai Cập mà số lượng không nhiều, bắt sống Pharaôn Ai Cập Ramset. Cẩn thận hơn ông lại cho hai gián điệp nửa ban đêm đến quan sát địa hình doanh trại của quân Ai Cập.
Trong doanh trại, Pharaôn Ai Cập đang chuẩn bị cho việc đánh thành vào sáng mai. Chợt vệ binh đến bẩm báo:
– Tâu đức Vua, lại bắt được hai tên gián điệp!
Pharaôn ra lệnh:
– Dẫn chúng lên đây!
Hai tên lính Hátti này không giống với hai tên buổi sáng, chúng không chịu nói một lời. Vị tướng Ai Cập ra lệnh cho binh sĩ đánh mỗi tên một trăm gậy. Hai tên lính Hátti đau quá không chịu nổi đành phải cứ thật khai ra, tiết lộ rằng sáng mai Quốc vương Hátti sẽ thực hiện kế hoạch bao vây diệt gọn.
Pharaôn AI Cập lo lắng bội phần bèn vội vàng ra lệnh cho một quan đại thần đi về phía sau triệu đoàn quân của thê đội 2 đến ngay. Nhưng lúc này đã quá muộn. Đoàn quân Ai Cập thuộc thê đội 2 giữa đường đã bị quân đội Hátti tập kích, đánh cho tan tác. Các chiến xa Hátti quay đầu lại nhằm thẳng doanh trại của Pharaôn Ai Cập tấn công, vây chặt quân Ai Cập dưới chân thành đá Cađích.
Pharaôn Ai Cập quyết định phải mạo hiểm thoát khỏi vòng vây, thân tự chỉ huy đơn vị cận vệ dũng cảm phá vây. Pharaôn nhảy lên chiến xa, lao ra trận tiền, hô lớn:
– Xông lên!
– Xông lên! Binh lính Ai Cập bám sát Pharaôn tiến lên phía trước.
Trận công kích xuất kỳ bất ý của quân Ai Cập khiến cho quân Hátti choáng váng, không biết rõ quân Ai Cập rút cục có bao nhiêu, hoảng hồn quay đầu bỏ chạy, chen lấn nhau, không biết có bao nhiêu người rơi xuống chết đuối dưới sông.
Quốc vương Hátti lập tức tổ chức phản công. Quân Ai Cập số người có hạn, buộc phải rút lui. Quân Hátti đã xông vào doanh trại của Pharaôn Ai Cập. Của cải của Pharaôn và các quan lại Ai Cập nhiều vô kể, từng hòm từng hòm vàng bạc châu báu làm cho quân lính Hátti nhìn đỏ con mắt, ào ào xông vào tranh cướp lẫn nhau.
Chinh lúc quân Hátti quẳng đao kiếm giáo mác xô đẩy nhau cướp của cải thì Đội quân tiên phong của Pharaôn Ai Cập đã vượt biển đến kịp. Họ vung các thanh đao xông vào chém giết, chỉ trong chốc lát đã đánh tan tác đội quân Hátti đang rối loạn.
Quốc vương Hátti lại tổ chức đợt xung phong thứ ba, huy động hết 1000 cỗ chiến xa và toàn bộ đơn vị dự bị còn lại.
– Giết! Các binh lính liều mạng xông lên.
– Giết! Các tướng lĩnh huơ thanh bảo kiếm, đứng trên chiến xa.
Pharaôn Ai Cập quyết tử chiến chống lại cuộc tiến công của chiến xa Hátti. Các xác chết chất đầy quanh thành đá Cađích. Quân Ai Cập số lượng dần giảm sút nhưng họ vẫn giữ vững trận địa tới lúc mặt trời gác núi.
Quân Hátti đã sắp nắm chắc thắng lợi. Bỗng nhiên, bốn phía nhộn nhạo lộn xộn. Đội ngũ chiến xa rối loạn, cái chạy đông cái chạy tây. Bộ binh càng rối loạn hơn. Rút cục điều gì đã xảy ra? Thì ra đoàn quân thuộc thê đội thứ ba Ai Cập đã đến kịp, từ phía sau xông lên. Quân Hátti không trụ nổi trận công kích cả phía trước và phía sau của quân Ai Cập, buộc phải rút lui.
Trận chiến ở Cađích hai bên đều bị tổn thất nặng nề nên tạm thời chấm dứt. Nhưng chiến tranh giữa Hátti và Ai Cập vẫn chưa dừng, còn kéo dài thêm mười sáu năm nữa.
Bản hòa ước quốc tế đầu tiên trong lịch sử (mà chúng ta biết)
Năm 1296 trước Công nguyên, Quốc vương Hátti là Môvata qua đời. Em trai ông là Hathôsin lên nối ngôi. Do có nhiều khó khăn trong nước và ngoài nước, không thể tiếp tục cuộc chiến nên ông (quyết định giảng hòa với Ai Cập. Hathosin bèn cử một đoàn sứ giả hữu nghị mang theo bản hòa ước khắc trên tấm bảng bằng bạc đến Ai Cập. Cũng do chiến tranh lâu dài, Ai Cập đã quá mệt mỏi nên Pharaôn Ramset hoàn toàn đồng ý đình chiến với Hátti.
Khắc trên tấm bảng bằng bạc là chữ hình góc nhọn (Văn tự tiết hình – cunéiforme) của người Hátti. Để giữ niềm tin với đời, lại dùng chữ tượng hình Ai Cập khắc bản hòa ước này trên bức tường của một ngôi đền. Đó là bản hòa ước quốc tế đầu tiên mà ngày nay chúng ta được biết.