Một khó khăn lớn trong quá trình nghiên cứu các hình thức quan hệ gia đình trong thời công xã thị tộc thị tộc là người ta không còn và hóa thạch thì không còn nguyên vẹn, chỉ từng phần từng mảnh. Do đó, có thể nghiên cứu thông qua những tộc người ở trình độ tương đương còn tồn tại đến ngày nay (các bộ lạc cổ còn sót lại trên thế giới ngày nay), làm tài liệu so sánh với các thời kì mà người ta quan tâm tìm hiểu.
Mục lục
Các yếu tố quan hệ trong thị tộc
Thị tộc luôn luôn được hiểu là một gia đình lớn, một gia tộc có cùng họ, nói theo nghĩa đen tồn tại trên nền tảng của công xã nguyên thủy, gắn bó với nhau bởi 2 yếu tố:
1) Quan hệ cộng đồng và đất đai, rừng rú, hồ ao, nhà ở và
2) Quan hệ thân tộc hay huyết tộc.
Tuy nhiên không thể hiểu thị tộc như một gia tộc, gia đình lớn hiện tại.
Do đó, quan hệ gia đình, hay nói đúng hơn, quan hệ vợ chồng, con cái trong thị tộc đã có một quá trình diễn biến hết sức phức tạp.
Các thời kỳ phát triển
Các hình thức quan hệ gia đình trong thời công xã thị tộc trải qua các thời kỳ phát triển sau:
Thời kỳ Tạp giao
Trước Ph.Enghen đã có lý thuyết cho rằng: thời kì đầu của con người, thời Bầy người nguyên thủy, quan hệ con người là tạp giao, lúc là quan hệ tinh giao không phân biệt lứa tuổi.
Dĩ nhiên, ngày nay không ở đâu còn một nhóm người ở trình độ này, một số nhà khoa học xem xét tình trạng của động vật, cho rằng ban đầu, loài người mới thoát ra khỏi giới động vật thì cũng vẫn còn quan hệ tạp giao như thế. Lí thuyết này còn được căn cứ vào suy luận logic, là một xã hội với những quy định, tục lệ, dù là xã hội nguyên thủy, thì trước đó, có thể chưa có quy đinh, cấm đoán. Nhưng một số nhà khoa học phản đối thuyết này, cũng dựa vào tình trạng không hoàn toàn tạp giao trong một số nhóm động vật cấp cao.
Chính Ph.Enghen cũng tham gia thảo luận, trích dẫn người này, phản đối người khác.
Dù sao, đây cũng chỉ là suy luận, không thể khẳng định có hay không trong Bầy người, một quan hệ tạp giao. Vài chục năm gần đây, nghiên cứu những bầy vượn được nuôi dưỡng, những hốc nhỏ trong hang động, dành cho cuộc sống vài ba người trong cộng đồng vài ba chục người, nghiên cứu sự phân bố nơi cư trú của thị tộc Tasaday ở Philippines dẫn đến sự nghi ngờ về một thời kỳ tạp giao ở Bầy người.
Thời kỳ gia đình đồng huyết
Vậy sau thời kỳ tạp giao (nếu như có hay không) thì đến thời kỳ (thứ hai theo thứ tự ở đây) theo Ph.Enghen và “giai đoạn đầu của gia đình” mà “ở đây, các tập đoàn hôn nhân đều phân biệt theo thế hệ”. Trong đó “tất cả ông và bà, trong phạm vi gia đình, đối với nhau đều là vợ chồng”, gọi là Gia đình huyết tộc hay Huyết duyên gia đình (tiếng Trung Quốc).
Như vậy có nghĩa là thời kỳ thứ nhất là tạp giao, không cấm kỵ giữa các lứa tuổi khác nhau. Thời kỳ thứ hai là có cấm kỵ lứa tuổi khác nhau nhưng không có cấm kỵ giữa nam nữ cùng thế hệ, có thể hiểu là anh em ruột.
Ph.Enghen cũng khẳng định “nhất định là hình thức gia đình này đã tồn tại”.. tuy những dân tộc cổ nhất cũng không cung cấp cho chúng ta những ví dụ chắc chắn về hình thức gia đình đồng huyết này.
Cơ sở của luận thuyết này dựa vào sự nghiên cứu phân tích mối quan hệ thân tộc ở Hawaii và “ở khắp quần đảo Polynesia”.
Thời kỳ quần hôn
Thời kỳ “gia đình Punaluen” hay chế độ quần hôn có cấm kỵ, tức “hủy bỏ quan hệ tính giao giữa anh chị em ruột với nhau”, “giữa anh chị em cùng mẹ khác cha”, và “cuối cùng là cấm ngay cả những anh chị em trong hàng hệ (con chú con bác).
Luận thuyết này dựa trên những điều ghi chép của Xêda về người Brêtoan “có từng nhóm 10 – 12 người vợ chung nhau, chung nhau giữa anh em trai, cả giữa cha và con, nhưng cấm cha và con gái, mẹ và con trai”. Cũng dựa trên xã hội của người Croki và Cumit (Nam Úc), chia làm 2 đẳng cấp mà “mỗi người đàn ông ở đẳng cấp này sinh ra đã là chồng của mỗi người đàn bà ở đẳng cấp kia”.
Phải nói rằng hình thức này, chế độ quần hôn hay gia đình Punaluen của thời kỳ thứ ba là đặc sắc và có ý nghĩa chi phối các hình thức có trước và sau nó. Tạo cơ sở để sinh ra logic của các luận thuyết về sự diễn biến của các hình thức gia đình.
Ph.Enghen đã đưa ra nhiều ví dụ sinh động, để chứng minh cho chế độ gia đình Punaluen tuy rằng còn xa mới đủ những ví dụ đặc sắc nhất.
Luận thuyết mang tính duy lí rất cao: từ hình thức tạp giao tới những quy định xã hội về hôn nhân, gia đình, trong đó hình thức sau ngày càng chặt chẽ hơn, nhưng còn dấu vết rơi rớt của hình thức trước.
Sự tiến triển từ chế độ quần hôn mẫu hệ tới gia đình phụ hệ, một vợ một chồng và tới chế độ phụ quyền.
Từ logic chặt cho của luận thuyết, nhiều nhà dân tộc học sau này đã suy luận thêm và mô hình hóa thiết chế quần hôn là một giai đoạn tiến triển của gia đình, xã hội, có tính phổ biến trong thời kì công xã nguyên thủy. Trong đó:
a) Thực hành chế độ ngoại hôn, nam của thị tộc này lấy nữ của thị tộc kia.
b) Chế độ quần hôn các anh em trai của thị tộc này với chị em gái của thị tộc kia và chỉ thực hiện hiện với mỗi lớp cùng lứa tuổi.
c) Nữ luôn luôn ở lại thị tộc của mình, con cái chỉ biết mẹ mà không biết cha. Quan hệ gia đình – xã hội là mẫu hệ, mẫu quyền.
Kết luận
Như trên đã nói, luận thuyết mang tính duy lí cao nhưng không phải là phổ biến là luôn luôn đúng trong mọi trường hợp.
Không phải chế độ mẫu hệ (con gái cưới chồng) luôn luôn đi liền chế độ quần hôn.
Rất nhiều xã hội hiện đại còn tàn dư của mẫu hệ (cả ở một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam) lại không có chế độ quần hôn. Cả ở vương triều Ptôlômei Ai Cập thời Hi Lạp hóa cũng thực hành chế độ mẫu hệ, thậm chí bắt buộc kết hôn giữa anh chị em ruột của hoàng gia để giữ ngôi báu cho dòng nữ theo cổ truyền, để ngôi báu vẫn vừa là cha truyền con nối, nhưng vẫn là để cho dòng nữ.
Có rất nhiều ví dụ mà nhìn hình thức như chế độ quần hôn (những người vợ của chung những người chồng, thường là anh em ruột) nhưng vẫn có sự gắn bó từng đôi, nhất là khi có con và nuôi con.
Tóm lại, ta thấy thực tiễn phức tạp đa dạng hơn luận thuyết rất nhiều và nếu hiểu sự tiến triển của các hình thức gia đình như một mô hình, một sơ đồ cứng nhắc thì cũng không phù hợp.
Không nên vội khẳng định con người thì phải kết hợp hôn chế theo từng đôi, phải cao hơn một số loài động vật hoặc không phải cứ thời công xã nguyên thủy thì có chế độ quần hôn.
Nhưng gia đình nhỏ phụ hệ thay thế công xã thị tộc mẫu hệ, gắn liền với sự nảy sinh tư hữu, sự chênh lệch tài sản trong xã hội, và phụ quyền tức là “quyền” của người chồng, người chủ là một thực tế khách quan phổ biến.
Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,