Các nguồn sử liệu của lịch sử xã hội nguyên thủy

Xã hội nguyên thủy là giai đoạn lịch sử chưa có chữ viết. Vì vậy để nghiên cứu lịch sử xã hội nguyên thủy; nguồn sử liệu thành văn giữ một vị trí không lớn so với các nguồn sử liệu khác. Mặc dù vậy, các nguồn sử liệu của giai đoạn này cũng vô cùng phong phú, đa dạng. Nguồn sử liệu vật chất hay còn gọi là các tài liệu khảo cổ có một ý nghĩa đặc biệt trong việc nghiên cứu lịch sử xã hội nguyên thủy. Đó là những công cụ lao động, đồ trang sức, đồ gốm, những di tích nhà cửa, công trình kiến trúc … tóm lại là tất cả những di tích của đời sống văn hóa vật chất của xã hội đã qua.

Khi nghiên cứu trình độ phát triển văn hóa vật chất của một xã hội nào đấy, chúng ta có thể khôi phục những nét cơ bản của đời sống kinh tế – xã hội, và đôi khi có thể toàn hộ xã hội ấy. Nghiên cứu sự thay đổi cấu trúc nhà ở có thể cho thấy quá trình tiến triển của tổ chức xã hội loài người thời nguyên thủy – từ chỗ phải sống trong hang động ở thời bầy người nguyên thủy, con người đã biết xây dựng những ngôi “nhà chung” rộng lớn cho cả thị tộc, rồi những ngôi nhà chung đó lại dần dần được thay thế bằng những ngôi nhà riêng, nhỏ hơn của mỗi gia đình phụ hệ. Đến khi những khu “làng cổ” đã được bảo vệ bằng hào sâu, tưởng cao và trở thành những “pháo đài”
cổ thì cũng là lúc báo hiệu xã hội đã phân chia thành giai cấp và nhà nước đã ra đời.

Mộ táng cổ cũng là một nguồn sử liệu quan trọng.Số lượng, chất lượng đồ tùy táng cũng như kiểu kiến trúc mộ táng, cách chôn người chết và đồ tùy táng, … không những cho ta biết địa vị xã hội của chủ nhân ngôi mộ mà còn cho khả năng tìm hiểu vấn đề hình thái ý thức, tôn giáo, tín ngưỡng của người xưa.

Nói tóm lại, việc nghiên cứu văn hóa khảo cổ cho phép khôi phục lại phần nào lịch sử phát triển của các tộc người ở thời kì chưa có chữ viết.

Dân tộc học là một ngành của khoa học lịch sử, chuyên nghiên cứu về những đặc điểm văn hóa và phong tục, lập quán của các dân tộc. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng trong số những nét đặc trưng cơ bản của đời sống kinh
tế, xã hội và văn hóa tinh thần của nhiều dân tộc, nhất là những dân tộc gần đây còn sống trong tình trạng bộ lạc, có rất nhiều phong tục, tập quán từ quá khứ xa xưa còn được lưu giữ lại. Nhờ có các tài liệu dân tộc học. các
nhà khảo cổ mới hiểu được một cách cặn kẽ những hiện vật “câm” mà họ tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ, trước kia được sử dụng như thế nào. Những tàn dư của quá khứ còn được lưu giữ lại khá rõ nét trong các
nghi lễ, hội hè, ma chay, trong trang phục quần áo, đồ trang sức, cấu trúc nhà cửa và cả trong những truyện cổ tích, truyện dân gian, ca dao tục ngữ v.v… Những tàn dư đó sẽ giúp ta hình dung lại phần nào đời sống vật chất và tinh thần của con người trong quá khứ.

Các tài liệu ngôn ngữ cũng là một nguồn sử liệu quan trọng để nghiên cứu lịch sử xã hội nguyên thủy. Ngôn ngữ của mỗi dân tộc bao giờ cũng được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội và vì thế, khi nghiên cứu quá trình phát triển của ngôn ngữ là có thể tìm ra hình bóng của một xã hội đã qua. Tên gọi các địa danh, các vật dụng v.v… có thể gợi cho ta biết được phần nào đời sống vật chất của quá khứ ; sự tương đồng ngôn ngữ có thể cho biết về sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người.

Đối với việc nghiên cứu nguồn gốc loài người cũng như quá trình hình thành của các bộ tộc thì các tài liệu nhân chủng học lại có một vị trí đặc biệt. Những di cốt hóa thạch không những giúp ta hiểu được các giai đoạn của quá trình tiến hóa từ vượn thành người mà còn cho phép xét đoán về khả năng tư duy và phát âm của người thượng cổ và qua đó có thể xét đoán về những vấn đề có liên quan đến sự hình thành xã hội loài người.

Những thành tựu của của ngành địa lí, cổ sinh vật học, v.v… giúp cho việc nghiên cứu lại cảnh quan thiên nhiên. trong đó con người thời nguyên thủy đã sinh sống.

Như thế, nguồn sử liệu về lịch sử xã hội nguyên thủy thật phong phú và đa dạng. Mỗi loại sử liệu lại có những nét đặc thù. Chỉ khi nào nghiên cứu tất cả các nguồn sử liệu ấy một cách tổng hợp mới giúp ta tái dựng lại một
phần đời sống vật chất và tinh thần của xã hội nguyên thủy.

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận