Để làm công cụ thống trị về mặt tinh thần, các Pharaoh buộc phải dựa vào bọn tăng lữ cao cấp thờ thần Amum, đem rất nhiều vàng bạc, đất đai cúng cho các đền đài khiến cho tầng lớp này càng trở nên giàu có.
Các tài liệu có nói tới việc Turmet III đem nhiều vàng bạc, châu báu cùng với hàng nghìn nô lệ cướp được ở châu Á về cúng cho đền thờ thần Amum. Nhờ có thế lực về kinh tế và tinh thần bọn tăng lữ Amum ngày càng lộng hành, lấn át quyền lực của Pharaoh. Trong tình hình ấy Amenkhôtep IV (1424 – 1388 TCN) đã dựa vào bọn quan lại mới và các tầng lớp cư dân khá giả để chống lại bọn tăng lữ Amum và quý tộc cũ, đề cao uy quyền của Pharaoh và nắm lấy tôn giáo – một vũ khí thống trị quan trọng.
Để thực hiện mưu đồ đó, năm 1400 TCN, Amenkhôtep IV đã thực hành một cuộc cải cách tôn giáo bằng cách đề xướng một tôn giáo khác, chỉ tôn thờ thần Mặt trời Athens.
Thần Athens chính là hình ảnh Pharaoh đã được thần thánh hóa. Amenkhotep IV còn đổi cả tên hiệu của mình, bỏ tên hiệu cũ, lấy tên hiệu mới là Iknaton (hay cũng gọi là Akhênatôn – có nghĩa là “người hầu của Atôn”). Ông cũng rời bỏ kinh đô Tebơ, xây kinh đô mới là Akhenaten – cách Tebơ 300 km về phía bắc. Ông cho xây dựng nhiều đền đài nguy nga tráng lệ và nhiều công trình kiến trúc đồ sộ khác để thờ thần Athens ở kinh đô Akhenaten và ở nhiều nơi khác trong khắp đất nước. Để chống lại tôn giáo cũ, Iknaton sai đóng cửa hết các đền đài cũ, buộc các tăng lữ phải trở về đời sống trần tục. Các thợ đá được phái đi khắp nơi để xóa tên các vị thần, kể cả thần Amun, đã được khắc trước đây trên các bia đá hay tượng đá ở các đền đài, lăng tẩm, cung điện. Chính những biện pháp thái quá ấy đã là một cái cớ cho bọn tăng lữ Amun và bọn quý tộc các châu chống đối mạnh mẽ.
Sau khi Iknaton chết, các tăng lữ cũ liền xóa bỏ cải cách của ông, khôi phục lại tôn giáo thờ thần Amun. Cải cách tôn giáo hoàn toàn thất bại.
Lợi dụng tình thế rối ren, một quân nhân quý tộc là tướng Hôremhep, được sự giúp đỡ của bọn tăng lữ ở thành Tebơ, đã tổ chức binh biến, cướp chính quyền về tay mình và trở thành người sáng lập ra vương triều XIX.
Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,