Chính sách đối nội và đối ngoại của các vương triều Trung vương quốc Ai Cập

Như đã nói, các Pharaoh thuộc hai vương triều VIIVIII, về danh nghĩa vẫn đóng đô ở vùng Memphis, nhưng trong thực tế hầu như không nắm được quyền hành gì. Lợi dụng sự suy yếu của chính quyền trung ương, các chúa châu ngày càng củng cố thế lực của mình và thực tế đã trở thành những ông vua nhỏ ở địa phương.

Trong số đó, các chúa châu ở Hêraclêôpôlít là có thế lực lớn mạnh hơn cả. Thủ lĩnh của họ – Heti I đã chinh phục đuợc những vùng xung quanh và trở thành người sáng lập ra vương triều mới – vương triều IX và X (2222 – 2070 TCN).

Tài liệu lịch sử về thời kì này còn lại rất ít ỏi, nên người ta không hiểu biết được gì nhiều lắm. Nhưng qua tài liệu văn tự cổ “Lời khuyên của vua Hêraclêôpôlít”, các đời vua của hai vương triều này đã luôn luôn phải đối phó với các cuộc nổi dậy của dân chúng và sự chống đối của tầng lớp quý tộc cũng như nạn xâm lược từ bên ngoài. Tình hình đó ảnh hưởng tai hại đến nền sản xuất kinh tế, trước hết là nền sản xuất nông nghiệp vì các công trình thủy lợi đã bị phá hủy. Bởi vậy, sau một thời kì phân liệt, việc khôi phục Iại nhà nước thống nhất trung ương tập quyền đã trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Quá trình thống nhất đất nước đã diễn ra trong cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt và kéo dài giữa hai tập đoàn quý tộc lớn ở Hêráclêôpôlít và Tebơ. Nhờ có vị trí địa lí thuận lợi lại được các châu miền Nam ủng hộ, nên tập đoàn quý tộc ở Tebơ đã thắng. Lãnh tụ của thành Tebơ là Mentuhôtép trở thành người sáng lập ra vương triều thứ XI, và cũng trở thành Pharaông của cả Ai Cập, đóng đô ở thành Tebơ. Từ đó bắt đầu thời kì Trung vương quốc trong lịch sử cổ Ai Cập.

Các Pharaoh thuộc vương triều XI (2160 – 2000 TCN) đã tiến hành các cuộc viễn chinh sang vùng phía bắc Nubi. Nhưng các nguồn tài liệu ít ỏi còn lại đã không cho biết gì chi tiết hơn về các cuộc viễn chinh này.

Ông vua đầu tiên của vương triều XII (2000 – 1785 TCN) là Amenemhat I đã tiếp tục các cuộc chiến tranh xâm lược của vương triều XI, nhiều lần tấn công sang Nubi, đã chiếm được nhiều đất đai. Kết quả của các cuộc viễn chinh này đã được ông nói tới trong “Lời khuyên bảo” của mình. Sênuxret I – người kế ngôi Amenemhat I lại tiếp tục tấn công Nubi và đã mở rộng lãnh thổ của mình tới thác thứ hai trên sông Nin ở vùng Vađi Hanpha. Tại đây, ông đã cho dựng một tấm bia đá vừa “kỉ niệm” chiến thắng vừa đánh dấu “điểm” biên giới phía nam xa nhất của mình. Đặc biệt, dưới đời các Pharaoh Senuxret III (1867 – 1849 TCN), Amenemhat II và III, quân Ai Cập đã tấn công sang tận Sirya và Palestine.

Để khống chế và khai thác các miền bị chinh phục, một mặt, các Pharaoh phái quân đội thường trú tới chiếm đóng và cử quan lại tới trực tiếp cai trị, mặt khác cũng rất chú ý tới việc mở mang các đường giao thông liên lạc thủy bộ để dễ kiểm soát. Điều đó cũng đã ảnh hưởng rõ rệt tới sự phát triển của ngành thương mại, nhất là ngoại thương. Chính quyền Pharaoh càng đặc biệt chú ý tới công tác thủy lợi, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Về mặt chính trị, các Pharaoh ra sức củng cố chính quyền, tập trung cả pháp quyền và thần quyền trong tay mình, đàn áp các cuộc khởi nghĩa và sự chống đối của nô lệ và dân nghèo. Những biện pháp đó đã dẫn tới sự ổn định và phát triển trong nước.

Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận