Sau cuộc chiến Hi Lạp – Ba Tư, trong thế kỉ V, IV TCN, nền kinh tế Athens đạt tới điểm cực thịnh.
Mục lục
Nông nghiệp
Do những tác động của điều kiện tự nhiên, kinh tế nông nghiệp ở Athens phát triển với một sắc thái riêng. Việc trồng cây lương thực ít được phổ cập và năng suất cũng không cao, tạo ra giá thành 1 kg thóc cao hơn giá thóc nhập từ nước ngoài vào. Do vậy, Athens vẫn thường xuyên nhập lúa mì của Ai Cập, của các nước ở vùng Hắc Hải. Đất đai và khí hậu Athens rất thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của nho, ôliu, vì vậy sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của Athens vẫn là nho và ôliu – hai loại cây trồng cung cấp nguyên liệu cho những xưởng thủ công chế tạo rượu vang và ép dầu ôliu.
Công thương nghiệp
Hoạt động kinh tế phát đạt nhất của Athens vẫn là hoạt động kinh tế Công thương nghiệp và mậu dịch hàng hải. Sản xuất thủ công phong phú, tinh xảo nổi tiếng ở trong nước cũng như thị trường nước ngoài, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của cư dân Athens và hoạt động ngoại thương.
Các ngành nghề thủ công phát triển mạnh và đa dạng: luyện kim, chế tạo vũ khí, đồ trang sức, đồ da, đồ gỗ, đồ gốm, sành sứ, nhạc cụ, may mặc, dệt vải v.v… Quy mô của các xưởng thủ công cũng lớn dần lên. Hiện tượng các xưởng thủ công sử dụng từ 50 đến 100 nô lệ làm việc đã trở nên phổ biến. (Đó là chưa kể tới những công trường khai thác mỏ – như ở mỏ bạc Lôriông – đã sử dụng tới sức lao động của hàng nghìn nô lệ). Sự phân công chuyên môn hóa trong các xưởng đã xuất hiện (vừa tăng năng suất lao động, vừa tạo ra cho Athens một đội ngũ những thợ thủ công lành nghề), ví như trong các xưởng may mặc đã phân công người chuyên đo, cắt, người chuyên may những loại quần áo khác nhau. Ở các xưởng luyện kim cũng tương tự, có người chuyên phụ trách khuôn đúc, lò đúc, thổi bễ… Lực lượng sản xuất chính trong các xưởng thủ công là nô lệ (của nhà nước hay tư nhân). Chỉ có một tỉ lệ không đáng kể dân tự do làm nghề thủ công và họ thường là những thợ giỏi, lành nghề, chuyên sản xuất những hàng thủ công tinh xảo, đòi hỏi trình độ tay nghề cao như làm mắt giả cho tượng, điêu khắc chạm trổ tinh vi, trang trí hoa văn trên các bình gốm, sứ màu quý và đắt tiền.
Thương nghiệp và mậu dịch hàng hải
Sự phát triển của kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp đã thúc đẩy kinh tế thương nghiệp và mậu dịch hàng hải ở Athens phát triển mạnh mẽ. So với ngoại thương, nội thương của Athens có kém hơn, nhưng khá sầm uất. Các chợ trung tâm mọc lên (nhất là chợ ở thủ đô Athens), bày bán tất cả những mặt hàng thiết yếu thỏa mãn những nhu cầu của người bình dân cho tới những hàng xa xỉ, đắt giá. Nông dân ở các vùng phụ cận cũng mang tới chợ những sản phẩm của họ để bán, mua. Gà, vịt hoa quả, cá, len dạ, quần áo, vũ khí, dầu thắp sáng, rượu, đồ gốm… được bày bán la liệt trong các khu riêng biệt được sắp xếp hợp lí ở các chợ. Dân cư Athens dùng những đồng tiền bằng đồng hoặc thiếc có chạm nổi làm vật trung gian trao đổi ở các chợ.
Hoạt động ngoại thương Athens phát đạt hơn nhất là sau chiến thắng người Ba Tư, Athens đã vươn lên nắm được quyền khống chế Địa Trung Hải. Cảng Pirê một quân cảng và thương cảng, cách thủ đô có 11 km là trung tâm xuất, nhập khẩu quan trọng nhất của Athens đồng thời cũng là trung tâm lớn nhất của thế giới cổ đại. Từ cảng Pirê, Athens xuất sang các nước lân bang những sản phẩm nổi tiếng của họ; dầu ôliu, rượu nho, đồ gốm màu có trang trí hoa văn và hình vẽ đẹp, đá cẩm thạch, thiếc, chì, mật ong, vải (để may mặc và làm buồm).
Cũng tại cảng Pirê, Athens nhập đủ các mặt hàng thiết yếu của hầu hết các nước trong thế giới cổ đại: ngũ cốc từ Hắc Hải, Bắc Phi, đão Xixin, hạt tiêu từ Ấn Độ, chà là và lúa mì của vùng Lưỡng Hà; ngà voi từ châu Phi; gỗ đóng thuyền, nhựa, dầu, gai, đồng từ xứ Macedonia và Toraxơ. Ngoài ra Athens còn nhập cá, da súc vật, giấy, đá quý, đồ thuỷ tinh… Đặc biệt có một loại hàng hóa được người Athens quan tâm – những nô lệ – lực lượng sản xuất cơ bản của chế độ chiếm nô khu vực Địa Trung Hải. Cảng Pire cũng là trung tâm nhập và xuất hàng đoàn nô lệ. Pirê, thủ phủ Athens, Delos… là những chợ buôn bán nô lệ vào bậc nhất của thế giới cổ đại.
Một nét đặc biệt trong ngoại thương của Athens, là Athens không chỉ nhập hàng hóa của các nước với số lượng lớn để cung cấp cho thị trường trong nước, mà Athens còn nhập (kể cả nô lệ), sau đó lại xuất sang bán cho các nước khác (nhất là các nước ở khu vực phía tây). Athens thực sự trở thành trung tâm mậu dịch, đầu mối buôn bán của thế giới cổ đại, tạo cho Athens những khoản thu nhập lớn tăng thêm vai trò và uy tín của Athens trong thế giới Hi Lạp.
Ngân hàng
Hoạt động tín dụng ngân hàng và cho vay lãi cũng phát đạt. Hệ thống tiền tệ Athenso có giá trị sử dụng không những ở trong nước mà còn ở các thị trường khác, thậm chí có giá trị đến nối các lái buôn người nước ngoài sau khi bán hết hàng, nếu không chở hàng khác từ Athens về thì họ chỉ mang tiền Athens về. Ở cảng Pire cũng như những trung tâm thương mại Athens đã xuất hiện tầng lớp người giàu có với những cửa hiệu chuyên đổi tiền, cho vay lãi và thiết lập nên những ngân hàng tư nhân với số vốn tài sản khổng lồ (ví như ngân hàng Padiông luôn có 50 talăng vàng). Bản thân nhà nước Athens, trong nhiều trường hợp, đã vay tiền của những ngân hàng tư gia này. Lãi suất cho vay thường từ 12 đến 18%.
Trong các thế kỉ V, IV TCN hoạt động kinh tế Athens phồn vinh, thành đạt. Tuy nhiên, về cơ bản, nền kinh tế Hi Lạp vẫn thuộc phạm trù kinh tế tự nhiên – nền kinh tế tồn tại và phát triển dựa trên sự bóc lột sức lao động của nô lệ theo hình thức cưỡng bức siêu kinh tế.
Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,