Ai Cập thời cổ đại từng lưu truyền một câu chuyện thần thoại xúc động lòng người.
Trước đây rất lâu rồi, có một vị Pharaôn tài giỏi hơn người tên là Ôsirit. Ông dạy dân trồng trọt làm bánh, nấu rượu, khai mỏ, nên mọi người đều rất kính trọng ông. Nhưng em trai ông là Setơ lòng đã bất lương âm mưu giết anh trai để cướp ngôi vua. Một hôm Setơ mời anh đến ăn cơm tối, lại còn mời nhiều người cùng dự. Ăn xong, Setơ cho mang ra một chiếc rương lớn rất đẹp rồi nói với mọi người:
-Ai có thể nằm gọn trong chiếc rương này thì tặng rương cho người đó!
Ôsirit được mọi người cổ vũ thúc giục làm thử xem sao. Ông liền nằm vào trong rương, Setơ lập tức đậy nắp rương khóa lại rồi đem ném ông xuống dòng sông Nin.
Sau khi Ôsirit bị hại, vợ ông đi khắp nơi tìm kiếm, cuối cùng đã tìm được thi thể. Việc này bị Setơ biết được, y liền lúc nửa đêm đến lấy cắp thi thể, chặt ra thành mười bốn khúc đem vất đi các nơi. Vợ Ôsirit lại đi các nơi tìm được các mảnh thi thể chồng, đem chôn dưới đất.
Con trai của Ôsirit từ nhỏ đã rất dũng cảm. Lớn lên, chàng đánh bại Setơ trả thù cho cha. Chàng cho đào các mảnh thi thể của cha chôn ở khắp nơi đem về chắp lại thành xác khô ”mômi” (còn gọi là xác ướp). Sau này được thần linh giúp đỡ, cha chàng sống lại. Nhưng không phải sống lại chốn nhân gian mà sống lại nơi âm phủ, làm Pharaôn ở cõi âm, chuyên xét xử người chết, bảo vệ Pharaôn ở dương gian.
Thần thoại này đã sớm lưu truyền trong dân gian. Sau này các Pharaôn Ai Cập nghe kể liền lợi dụng câu chuyện để lừa dối nhân dân, nói rằng pharaôn có thần giúp đỡ, vì thế sống là người thống trị, chết vẫn là người thống trị. Ai chống lại Pharaôn, người đó chẳng những lúc sống bị trừng phạt mà khi chết rồi cũng phải chịu khổ ải.
Từ đó mỗi một Pharaôn Ai Cập sau khi chết đều muốn diễn lại lần nữa câu chuyện thần thoại về Ôsirit. Đầu tiên là cử hành lễ tìm thi thể. Bước thứ hai là làm lễ rửa thân tức giải phẫu thi thể, lấy phần nội tạng và óc bỏ ra ngoài, biến thi thể thành xác ướp ”mômi”. Cách làm là ướp thi thể trong một dung dịch chống thối rửa, rút hết mỡ, bóc hết da. 70 ngày sau đem thi thể phơi khô, nhét hương liệu vào khoang bụng, quét một lớp dầu ở ngoài để tránh cho thi thể tiếp xúc với không khí, rồi dùng vải bó chặt lấy thi thể. Như vậy là xác ướp ”mômi” bất hủ đã làm xong. Bước thứ ba là tụng niệm cầu đảo, mở mắt, thông tai, thông mũi, mở mồm cho ‘‘mômi’’, đưa thức ăn vào trong mồm ‘‘mômi’’. Truyền rằng làm như vậy thì sẽ hít thở, nói chuyện, ăn uống như người đang sống. Cuối cùng là nghi lễ an táng, đặt ‘‘mômi’’ vào trong quan tài đá, đưa đến phần mộ – ”nơi ở vĩnh cửu” của Pharaôn.
Ở Ai Cập, hình thức mộ táng sớm nhất là đào huyệt ở dưới đất, bên trên đắp thành gò đất bằng cát. Về sau huyệt mộ đào càng ngày càng sâu thành một gian phòng dưới lòng đất, chung quanh gò đống cát bên trên xây thành một bức tường đá Kiểu phần mộ như vậy gọi là ”mastaba” (có nghĩa là chiếc ghế đá).
Tới thế kỷ XXVII trước Công nguyên, Pharaôn Vương triều thứ III Ai Cập là Jexe cho rằng loại ”mastaba” này không thể làm nơi ở vĩnh cửu cho Pharaôn. Thế là ông tìm kiến trúc sư xây dựng một tòa ”mastaba” cực lớn bằng đá xẻ. Nhưng Pharaôn vẫn thấy nó chưa thật hùng vĩ, liền cho xây chồng lên năm tầng ”mastaba” mỗi tầng nhỏ dân đi, làm cho độ cao của ”mastaba” đạt tới 61m. Bên dưới có một đường hầm kiên cố rất sâu có thể đi thông tới các hành lang và các gian phòng dưới lòng đất. Chung quanh còn xây một lớp tường bao mô phỏng theo hoàng thành, trong tường xây dựng đền đài dùng cho việc cúng tế. Đây chính là lăng mộ hình tháp đầu tiên của Ai Cập, sau được gọi là ”pyramiđơ”, theo tiếng cổ Ai Cập có nghĩa là cao vút; người Trung Quốc thấy hình dáng của tháp giống như chữ ”kim” trong chữ Hán nên gọi là Kim tự tháp. Do tòa Kim tự tháp này có từng bậc từng bậc từ dưới lên cho nên mọi người gọi là ”Kim tự tháp hình bậc thang”.
Sau này, các Pharaôn như bị quỷ ám, đều muốn xây Kim tự tháp cho riêng mình, càng ngày càng xây dựng hùng vĩ hơn. Pharaôn Vương triều thứ IV là Khêôp sau khi lên ngôi, quyết tâm xây dựng một Kim tự tháp lớn nhất cho mình. Ông cưỡng bức mọi người dân Ai Cập phải làm lao dịch phục vụ cho công trình này, cứ 10 vạn người lập thành một kíp, mỗi kíp làm việc trong ba tháng luân phiên nhau thay đổi.
Bắt đầu xây dựng công trình, hàng ngàn hàng vạn người được đưa đến vùng núi để vận chuyển đá. Theo tính toán, mỗi tảng đá nặng khoảng 2 tấn rưỡi, tổng cộng cần tới 230 vạn tảng đá. Đá nhiều như vậy nếu ngày nay dùng xe lửa để chuyên chở thì phải cần tới 60 vạn toa xe. Nhưng ở thời đó không có phương tiện vận chuyển cơ giới, vậy phải làm thế nào? Truyền rằng, người dân Ai Cập cần cù thông minh đã nghĩ ra phương pháp rất khoa học: họ dùng các con lăn bằng gỗ để chuyển đá, dùng sức người hay súc vật kèo đi. Nhưng xe con lăn gỗ chở đá nặng không kéo qua được nơi mặt đất gồ ghề. Thế là lại phải làm một con đường trải đá để chuyên chở đá. Chỉ riêng việc làm con đường này đã tốn mất 10 năm trời. Cùng thời gian đó, một đoàn người khác hối hả trên công trường đào những đường hầm dưới mặt đất và huyệt mộ. Trong những đường hầm nóng nực và ngột ngạt, các dân công dùng những cuốc xẻng bằng đồng đào bới đất đá mở đường. Công việc này lại tốn mất đúng 10 năm trời.
Bắt đầu việc lắp đặt Kim tự tháp. Lúc đó không có cần trục, thậm chí một thanh sắt cũng không có, làm sao đưa được những tảng đá nặng như vậy xếp chồng lên nhau? Những người dân công đã xếp gọn tầng thứ nhất trên mặt đất, sau đó họ đắp đất cao ngang tầng thứ nhất, có dốc nghiêng, theo chiều dốc đó mà kéo đá lên tầng hai. Cứ như vậy mà lắp đặt các tầng cao hơn. Kim tự tháp cao đến đâu thì đất đắp cao đến đó. Tháp làm xong đống đất đó biến thành một trái núi lớn, mọi người lại chuyển đất đem đi nơi khác để Kim tự tháp lộ ra. Công trình này xây lắp vô cùng gian khổ, luôn luôn có tới 10 vạn người lao động dưới roi vọt của bọn đốc công và trong ánh nắng mặt trời thiêu đốt. Lại mất 10 năm trời nữa. Toàn bộ công trình đã tốn thời gian tới 30 năm!
Kim tự tháp Khêôp là tòa tháp to lớn nhất trong các Kim tự tháp ở Ai Cập, Kim tự tháp này nguyên cao đến 146,59 mét, trải qua mấy nghìn năm mưa gió bào mòn, đỉnh tháp đã bị bóc thấp xuống gần 10 mét, đây là công trình xây dựng cao nhất thế giới cho tới trước năm 1888, khi Pari xây dựng tháp sắt Epfen. Mặt đáy của Kim tự tháp này hình vuông, mỗi chiều dài 230 mét, đi vòng quanh Kim tự tháp mất một quãng đường dài gần 1 km. Giữa các lớp đá ở thân tháp không dùng bất cứ chất liệu kết dính nào kiểu như xi măng hiện nay mà chỉ là tảng đá này xếp chồng khít lên tảng đá kia. Các tảng đá được mài nhẵn bóng, cho tới nay đã trải qua mấy nghìn năm, người ta vẫn không thể nhét được một lưỡi dao mỏng vào giữa khe hai tảng đá.
Trong Kim tự tháp có ba nhà mồ. Tiến vào cửa tại mặt Bắc ở độ cao 13 mét là một đường hầm cao chưa tới đầu người. Men đường hầm đi xuống phía dưới, đi qua khoảng 100 mét thì tới một gian nhà đá hình chữ nhật- Do Khêốp không vừa lòng với gian nhà mồ này nên từ chỗ giữa đốc đi xuống lại mở một đường hầm khác đi lên phía trên thông tới gian nhà mồ của Hoàng hậu. Ở đoạn đầu đường dốc đi lên lại mở ra một hành lang lớn. Đi theo hành lang lớn tới một gian nhà mồ nữa, đây chính là nơi đặt quan tài đá của Khêốp, mọi người gọi là ”mộ thất của Pharaôn”.
Sau khi Khêốp qua đời không lâu, tại một địa điểm không xa với Kim tự tháp lớn Khêốp, người ta lại dựng lên một tòa Kim tự tháp khác. Đó là Kim tự tháp của vua Kêphơren, con của Khêốp, cạnh đáy dài 215m, chiều cao 143 mét chỉ thấp hơn Kim tự tháp Khêốp 3 mét, nhưng có công trình kiến trúc phù trợ hoàn chỉnh, tráng lệ. Bên cạnh tháp, xây dựng hai đền thần. Phía tây bắc đền thần có một bức tượng khổng lồ, đầu người mình sư tử, gọi là tượng Xphinxơ hay Nhân Sư Tượng cao 20 mét dài 57 mét, mỗi cái tai ở đầu tượng dài tới 2 mét. Tượng này muốn tạo hình Pharaôn Khêphơren và muốn nói lên rằng nhà vua có sức mạnh của sư tử và trí tuệ của loài người. Ngoài móng vuốt sư tử xếp bằng đá xẻ ra còn toàn bộ tượng Nhân Sư là một khối đá khổng lồ nguyên vẹn do các nhà điêu khắc tạc thành. Tới nay pho tượng đã có hơn 4500 năm lịch sử.
Xây dựng xong hai Kim tự tháp lớn này, Ai Cập đã làm kiệt quệ của cải và sức dân. Về sau này, các Pharaôn của Vương triều V và VI đều có xây dựng Kim tự tháp nhưng quy mô và chất lượng đều nhỏ bé hơn nhiều không thể sánh được với các Kim tự tháp nói trên. Sau Vương triều VI, thế kỷ XXIII trước Công nguyên, Cổ Vương quốc bắt đầu suy yếu, quyền lực của các Pharaôn xuống thấp, đất nước Ai Cập bị chia cắt thành nhiều vùng độc lập, việc xây dựng Kim tự tháp cũng suy tàn. Từ phát triển đến suy tàn, thời gian kéo dài trên 1000 năm, tổng cộng xây dựng được hơn 70 Kim tự tháp phân bố tại vùng Gidet ở hai bờ hạ lưu sông Nin và ở vùng đất rộng lớn phía Nam. Sau này do nhân dân Ai Cập chống đối, thêm vào đó có những kẻ đào mộ trộm, thường đem các xác ướp của Pharaôn trong Kim tự tháp đưa ra ngoài, vì vậy các Pharaôn không còn xây dựng Kim tự tháp nữa mà đào đục trong núi sâu làm thành các lăng mộ bí mật.
Những toà Kim tự tháp hùng vĩ đến nay vẫn đứng sừng sững giữa những lớp cồn cát nhấp nhô gần ngoại ô Cairô. Nó đã chứng kiến lịch sử lâu dài của cổ Ai Cập, cũng là kết tinh sức lao động và trí tuệ của ngàn vạn nô lệ Ai Cập thời cổ đại.