Năm 1917, Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga bùng nổ và thắng lợi đã khép lại trang lịch sử cận đại thế giới, mở ra thời kỳ lịch sử thế giới hiện đại. Cách mạng Tháng mười đã lật đổ chủ nghĩa tư bản Nga, đưa giai cấp công nhân Nga lên cầm quyền, thiết lập Nhà nước Xôviết và năm 1922 thành lập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết (Liên Xô) đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Mục lục
Lịch sử thế giới thời kỳ chủ nghĩa xã hội phát triển
Chủ nghĩa xã hội ra đời
Liên Xô ra đời đã biến chủ nghĩa xã hội từ lý thuyết của các nhà kinh điển Mác-Lênin thành thực thể chính trị, kinh tế, quân sự hùng mạnh ở một đất nước rộng 1/6 quả địa cầu. Trở thành một lực lượng đối trọng với chủ nghĩa tư bản và lịch sử đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản bắt đầu. Thời đại xuất hiện thêm một mâu thuẫn không kém phần gay gắt, mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, xuất hiện một mối quan hệ quốc tế mới ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quan hệ quốc tế hiện đại.
Trong thời kỳ hiện đại, mâu thuẫn giữa hệ thống các nước thuộc địa châu Á, châu Phi với chủ nghĩa đế quốc ngày càng gay gắt vì chủ nghĩa đế quốc tăng cường khai thác thuộc địa để phục vụ cho Chiến tranh thế giới thứ nhất. Sau chiến tranh, chúng càng đẩy mạnh bóc lột để bù đắp cho sự thiệt hạị của chính quốc.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra một giai đoạn mới cho phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa. Liên Xô và Quốc tế Cộng sản đã quan tâm đến việc đào tạo cán bộ, đưa ánh sáng lý luận Mác-Lênin vào, giúp đỡ các tổ chức cách mạng thuộc địa ra đời, phát triển và trưởng thành. Liên Xô trở thành đồng minh vững chắc, tin cậy của phong trào giải phóng dân tộc.
Thế giới giai đoạn chiến tranh thế giới I & II
Chiến tranh cũng đã thúc đẩy mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và nhân dân lao động với giai cấp tư sản trong các nước tư bản ngày càng gay gắt. Chiến tranh đã giáng mọi tai họa trực tiếp lên đầu nhân dân và nhân dân lao động các nước tham chiến. Vì thế, trong và sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, một cao trào cách mạng dâng cao hầu khắp các nước Tây Âu những năm (1921-1924) rồi lại bùng lên những năm (1929-1933) do tai họa khủng khiếp từ cuộc khủng hoảng kinh tế mang lại.
Sau chiến tranh, các nước chiến thắng đứng đầu là Anh, Pháp, Mỹ đã họp Hội nghị Vécxây năm 1919, sau đó là Hội nghị Oasintơn để thiết lập một trật tự thế giới mới gọi là trật tự Vécxây-Oasintơn. Trật tự này chứa đựng nhiều mâu thuẫn trong phe đế quốc. Mâu thuẫn giữa các nước chiến bại với các nước chiến thắng, mâu thuẫn giữa các nước chiến thắng với nhau, vì Anh, Pháp, Mỹ được nhiều quyền lợi, các nước khác như Italia, Nhật Bản… chịu thiệt thòi không thỏa mãn tham vọng khi phân chia thế giới.
Để giải quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại Đức, Italia và Nhật Bản đã thiết lập chính quyền phát xít – một chính quyền độc tài, công khai công bố thi hành chính sách khủng bố và bành trướng xâm lược và phát động Chiến tranh thế giới thứ hai. Một lần nữa chiến tranh giữa các nước đế quốc lại dẫn nhân loại đến cuộc chém giết khủng khiếp đó là Chiến thế giới thứ hai năm (1939-1945). Chiến tranh kết thúc với sự thất bại và diệt vong của chủ nghĩa phát xít.
Hình thành trật tự thế giới mới – hai cực Ianta
Tháng 2-1945 khi mà chủ nghĩa phát xít chắc chắn đã thất bại, những người đứng đầu ba cường quốc Liên Xô, Anh, Mỹ là J. Stalin, Sớcsin, F. Rudơven đã hợp nhau ở Ianta (Crưm, Liên Xô) thiết lập nên một trật tự thế giới mới – trật tự thế giới hai cực Ianta. Một tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới đã được thành lập để bảo đảm sự tồn tại của trật tự mới, bảo đảm hòa bình an ninh thế giới.
Sau năm 1945, chủ nghĩa xã hội đã vượt khỏi phạm vi một nước trở thành hệ thống kinh tế chính trị thế giới đứng đầu là Liên Xô. Cũng sau Chiến tranh thế giới thứ hai Mỹ vươn lên thành siêu cường số một đứng đầu thế giới tư bản – đối trọng với thế giới xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, Mỹ cùng đồng minh ra sức chống lại phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh đang bùng lên mạnh mẽ.
Như vậy, trong trật tự thế giới hai cực Ianta có ba lực lượng đấu tranh với nhau trên vũ đài quốc tế:
- Lực lượng chủ nghĩa xã hội đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản,
- Phong trào giải phóng dân tộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc do Liên Xô đứng đầu,
- Chủ nghĩa tư bản chống chủ nghĩa xã hội và phong trào giải phóng dân tộc do Mỹ cầm đầu.
Còn phải kể đến phong trào công nhân và nhân dân lao động các nước tư bản đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ.
Kết quả phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc giành được thắng lợi to lớn. Từ những năm 40 đến những năm 60 của thế kỷ XX, cơn bão táp cách mạng lan từ châu Á đến châu Phi làm sụp đổ tan tành hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Hàng trăm quốc gia độc lập mới ra đời làm thay đổi bộ mặt lịch sử thế giới hiện đại, góp phần vào tiến trình lịch sử nhân loại.
Nhưng từ những năm 80 đến những năm 90 của thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội thế giới lún sâu vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Nhân cơ hội đó, những lực lượng đối lập với chủ nghĩa xã hội chống phá kịch liệt. Chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu sụp đổ vào những năm 80 và đến năm 1991 đến lượt Liên Xô tan rã. Các nước xã hội chủ nghĩa xã hội còn lại ở châu Á để thoát khỏi khủng hoảng, đã phải ra sức đổi mới điều chỉnh, quay về với chính học thuyết Mác- Lênin về một chế độ xã hội chủ nghĩa kinh tế hàng hóa thị trường để tồn tại và phát triển.
Chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn mới
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, chủ nghĩa tư bản bước sang một giai đoạn mới.
Nhìn lại các giai đoạn trước 1945
Có thể thấy được từ thế kỷ XI đến trước cuộc cách mạng tư sản Anh năm 1640 chủ nghĩa tư bản ra đời trong lòng xã hội phong kiến Tây Âu.
Từ năm 1640 đến năm 1870 là thời kỳ đấu tranh lật để chế độ phong kiến xác lập chủ nghĩa tư bản, thời kỳ bùng nổ các cuộc cách mạng chính trị và cách mạng kinh tế, thời kỳ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh.
Từ năm 1870 đến nay, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Trong giai đoạn này, từ năm 1870 đến năm 1945 là thời kỳ chủ nghĩa tư bản độc quyền.
Giai đoạn sau 1945
Từ năm 1945 đến nay, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, tức là chủ nghĩa tư bản hiện đại. Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là sự kết hợp các công ty độc quyền với nhà nước để tạo nên sức mạnh tổng hợp của kinh tế với quyền lực chính trị nhằm đáp ứng với nhu cầu thực tế khách quan đặt ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là phải có sức mạnh đối phó với chủ nghĩa xã hội, đàn áp phong trào giải phóng dân tộc đang dâng lên như vũ bão, để cạnh tranh với các đế quốc khác ngày càng quyết liệt khi hệ thống thuộc địa ngày một thu hẹp dần.
Cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại đã tạo ra một lực lượng sản xuất khổng lồ vượt quá tầm tư hữu tư nhân, các dự án chi phí lớn. Tất cả đều phải mượn bàn tay của nhà nước can thiệp. Nhà nước tư sản thời kỳ tự do cạnh tranh chỉ là kẻ bảo vệ tài sản, đóng vai trò trọng tài điều tiết xã hội thì bây giờ nhà nước cũng sở hữu tư liệu sản xuất.
Tuy nhiên, sự sở hữu này vẫn là của các tập đoàn độc quyền tư nhân của tư bản dưới hình thức nhà nước mà thôi. Thời kỳ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, chính khách và nhà kinh doanh là hai con người khác nhau, thời chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước chính khách và tỉ phú có thể là một, tổng thống là tỉ phú, bộ trưởng là tỉ phú, nghị sĩ là tỉ phú, thủ tướng có thể là tỉ phú.
Nhìn chung, nhà nước tư sản sau năm 1945 đã can thiệp điều tiết kinh tế để bảo đảm quyền lợi cho chủ nghĩa tư bản độc quyền. Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước không chỉ biểu hiện ở mỗi con người tỉ phú là nhà chính trị mà còn biểu hiện trong bộ máy nhà nước, trong bộ máy kinh tế ở mỗi nước tư bản. Nó không chỉ xuất hiện ở mỗi quốc gia mà còn trên bình diện quốc tế và các quan hệ chính trị, kinh tế trên toàn thế giới. Trước sau chủ nghĩa tư bản vẫn là một lực lượng quốc tế.
Sau năm 1945, nhân loại sống trong thế giới hai cực Ianta. Đó là xét ở yếu tố đối lập và cân bằng về chính trị, quân sự giữa chủ nghĩa xã hội do Liên Xô đứng đầu và chủ nghĩa tư bản do Mỹ đứng đầu. Thực ra, trên bình diện kinh tế khi Tây Âu và Nhật Bản đã hàn gắn xong vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế với tốc độ nhanh chóng, thần kỳ, nhất là vào những năm 60 của thế kỷ XX thì nền kinh tế tài chính thế giới đã có bốn trung tâm: Liên Xô, Tây Âu, Nhật Bản và Mỹ. Mỹ mất độc quyền trung tâm kinh tế tài chính duy nhất của thế giới tư bản. Mối quan hệ giữa cuộc chạy đua giữa các siêu cường và bốn trung tâm kinh tế tài chính đã chi phối toàn bộ các mối quan hệ kinh tế, chính trị thế giới trong suốt thời kỳ dài bốn thập kỷ.
Lịch sử thế giới sau khi hệ thống chủ nghĩa xã hội tan rã
Sau khi Liên Xô và các nước chủ nghĩa xã hội Đông Âu tan rã, trật tự thế giới hai cực Ianta sụp đổ, thế giới vẫn tồn tại ba trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất, nhưng về quân sự, chính trị gần như mất cân bằng trong mối quan hệ quốc tế. Với tổng sản phẩm thu nhập quốc dân 1 vạn tỉ đô la/năm, với sức mạnh quân sự to lớn, Mỹ tự cho mình là siêu cường duy nhất có thể thực hiện chính sách đối ngoại buộc thế giới và các đồng minh phải khuất phục, buộc tất cả các nguồn lợi phải chảy về Mỹ.
Chính quyền Mỹ đã sử dụng vũ lực tấn công những chế độ mà Mỹ muốn tiêu diệt, uy hiếp và đe dọa các nước khác. Thế giới ngày nay đang đứng trước nguy cơ to lớn; thứ nhất là những cuộc chiến tranh do Mỹ đã và sẽ tiến hành chống lại các quốc gia có chủ quyền; thứ hai là nguy cơ khủng bố quốc tế. Hai thảm họa này phần nhiều bắt nguồn từ chính sách đối ngoại của Mỹ, một chính sách thiên vị và vũ lực.
Lịch sử thế giới hiện đại trong các lĩnh vực khác
Song, lịch sử thế giới hiện đại không chỉ là những trang của áp bức, bóc lột, của đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, của chiến tranh xâm lược và chống xâm lược mà còn là những trang lịch sử sáng tạo và phát triển của trí thức, của nhân dân lao động để sáng tạo nên nền văn hóa thế giới. Sự lao động và sáng tạo đã tạo nên những kỳ tích trong những bước phát triển của khoa học – kỹ thuật mà vĩ đại nhất là cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại.
Cách mạng khoa học kỹ thuật
Cuộc cách mạng này đang diễn ra và ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực như:
- Lý thuyết của các ngành khoa học cơ bản
- Những ngành khoa học mới ra đời (vũ trụ, du lịch vũ trụ, điều khiển học),
- Tìm ra những nguồn năng lượng mới (hạt nhân, nguyên tử, sức gió, năng lượng mặt trời),
- Sáng tạo ra những chất mới không có trong tự nhiên vừa nhẹ vừa có độ bền vững cao (polyme, cáp quang),
- Chế tạo ra những công cụ mới có hiệu quả lao động thần kỳ và huyền diệu (vi tính, robot làm được nhiều chức năng).
Cách mạng khoa học – công nghệ cũng diễn ra trong viễn thông, sinh học, giao thông vận tải, nông nghiệp đã mang lại nhiều thành tựu to lớn, làm biến đổi đời sống kinh tế – xã hội loài người, đã làm biến đổi công nghệ quy trình sản xuất, tạo ra một lực lượng sản xuất đồ sộ, hiệu quả, năng suất và chính xác.
Cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại đã liên kết toàn thế giới thành một thị trường thống nhất, tác động to lớn đến đời sống xã hội con người về tinh thần và vật chất. Cuộc cách mạng này đã đưa loài người sang nền văn minh thứ ba văn minh tin học.
Cách mạng khoa học – công nghệ đã mở ra một xu hướng mới trong quan hệ quốc tế về mở rộng hợp tác khoa học, kinh tế, mở rộng khả năng đối thoại trong quan hệ quốc tế thay cho một thời kỳ dài của chiến tranh lạnh, hoặc chiến tranh nóng để giải quyết những bất đồng giữa các quốc gia.
Tuy nhiên nếu con người sử dụng không đúng mục đích những thành tựu của cách mạng khoa học – công nghệ sẽ mang lại hậu quả khôn lường với những vũ khí giết người hàng loạt, thậm chí có thể đe dọa cả chính sự tồn tại của mái nhà chung là trái đất, khí hậu, môi trường. Và đó có thể là dấu chấm hết cho lịch sử nhân loại