Người Canđê là một nhánh của tộc Xêmít, thiên di đến Lưỡng Hà muộn hơn người Akkad, người Atxiri (khoảng TK XI TCN). Trong thời gian người Cát xít và người Atxiri thay nhau thống trị Lưỡng Hà, người Canđê định cư miền Nam Lưỡng Hà và chịu sự khống chế của Atxiri, nhiều người Canđê đã từng phục vụ trong quân đội và trong bộ máy hành chính của đế quốc Atxiri.
Năm 626 TCN, nhân khi đế quốc Atxiri suy yếu, người Canđê đã liên minh với người Mêđi tấn công tiêu diệt Atxiri. Đế quốc Atxiri diệt vong, lãnh thổ rộng lớn của nó bị người Mêđi và người Canđê chia nhau thống trị. Khu vực Lưỡng Hà, Syria và Palestine thuộc quyền cai quản của người Canđê. Người Canđê đã chọn Babylon làm thủ đô của vương quốc do vậy lịch sử thường gọi vương quốc do người Canđê thành lập, lấy Babylon làm thủ đô, là vương quốc Tân Babylon trong lịch sử Lưỡng Hà.
Vương triều nổi tiếng nhất của vương quốc Tân Babylon là vương triều Nabusôđônôxo (Nabuchodonosor) (605 – 561 TCN). Nabusôđônôxo là cai trại của Nabôpôlaxa đồng thời cũng là con rể của vua Mêđi.
Trong thời kì trị vì của Nabusôđônôxo, vương quốc Tân Babylon đạt tới đỉnh điểm phát triển của nó, và hầu như vương quốc Babylon hơn 1000 năm trước đây đã được phục hồi.
Nabusôđônôxo đã thực hiện nhiều cuộc viễn chinh xâm lược để mở rộng cương vực của mình.
Năm 597 TCN, Nabusôđônôxo tấn công và chiếm được Giêrudalem và cử Xitki lên làm vua bù nhìn, lệ thuộc Babylon. Năm 689 TCN, Nabusôđônôxo lại tấn công thủ phủ Giêrudalem của người Do Thái, tiêu diệt vương quốc bù nhìn Do Thái của Xitki. Bản thân Xitki cùng toàn bộ hoàng gia, quý tộc và thương nhân Do Thái bị người Canđê bắt và giải về Babylon. Tiếp đó Nabusôđônôxo cũng đã hoàn tất việc chinh phục Syria và các thành bang của Phenixi, thiết lập ách thống trị của Babylon ở vùng ven bờ Đông Địa Trung Hải. Babylon cũng đã từng đánh nhau với Ai Cập, mặc dù không chinh phục được Ai Cập, nhưng Babylon cũng đã chặn đứng được ý đồ bành trướng của người Ai Cập ở khu vực ven bờ Đông Địa Trung Hải (nhất là ở Palestine).
Thời kì Nabusôđônêxo trị vì cũng là thời kì sinh hoạt kinh tế ở khu vực Lưỡng Hà được phục hưng và phát triển. Chính quyền trung ương đã hết sức chú trọng khôi phục, mở mang và sửa chữa những công trình thủy lợi, nhờ thế nông nghiệp vẫn tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong hoạt động kinh tế ở Tân Babylon. Công xã nông thôn vẫn tồn tại và nền kinh tế công xã vẫn có vai trò hết sức trọng yếu. Chế độ tư hữu ruộng đất, và cùng với nó, chế độ lĩnh canh tiếp tục phát triển, tạo nên những gia đình chủ nô giàu có nổi tiếng toàn vương quốc. Ví như “Nhà Murasu ở Nippua”, “nhà Eglubi ở Babylon”… đồng thời cũng tăng thêm số nông dân nghèo khó, mất ruộng đất phải làm thuê lĩnh canh ruộng đất hoặc phải bán thân làm nô lệ với thời hạn dài hơn trước (khoảng 10 năm). Sức lao động của nô lệ được sử dụng trong một số cơ sở sản xuất của nhà nước, tư nhân, nhưng cơ bản nhất vẫn là phục dịch trong các gia đình chủ nô.
Ở thời kì này, giai cấp chủ nô đã áp dụng một phương thức bóc lột nô lệ theo lối mới. Chủ nộ cung cấp cho nô lệ tư liệu sản xuất rồi cho phép họ tự kinh doanh sản xuất, hàng năm nạp cho chủ nô một khoản tiền nhất định theo thỏa thuận. Phương thức bóc lột theo kiểu này đã làm cho chủ nô không phải trực tiếp nuôi nô lệ nhưng vẫn có thu nhập do nô lệ đóng góp đồng thời cũng tạo ra sự tự do tương đối cho người nô lệ trong lao động sản xuất. Nô lệ được phép có gia đình riêng, có quyền tự kinh doanh sản xuất, có quyền giao dịch mua bán trên thị trường và có nền kinh tế riêng của họ.
Thương mại và cho vay lãi là hai hoạt động kinh tế có cơ hội phát triển mạnh ở Tân Babylon. Thương nhân mua và bán các sản phẩm thủ công nghiệp, ngũ cốc, ruộng đất, nô lệ. Thậm chí bỏ tiền để bao thầu cả hệ thống tưới tiêu thu lợi nhuận.
Nabusôđônôxo cũng hết sức quan tâm tới việc xây dựng các công trình công cộng, tạo bộ mặt phồn vinh, nguy nga cho đất nước. Nhiều thành phố lớn như Nippua, Urúc, Xepparơ và đặc biệt kinh đô Babylon được tu sửa, xây dựng khang trang đẹp đẽ. Thành Babylon có chu vi dài hơn 13km được bao bọc xung quanh bởi 3 lớp tường thành cao vững chắc. Giữa các lớp thành lại có những hào nước để ngăn chặn sự đột nhập của kẻ thù. Trong thành có rất nhiều công trình kiến trúc lộng lẫy. Ở phía bắc có cửa Ixta (nữ thần chiến tranh và thắng lợi) cao 12m, kiến trúc đẹp với gạch men màu xanh và những chạm khắc nổi hình các thú vật như bò rừng, rồng… Từ cửa Ixta (ở cửa bắc) đến đền thờ thần Macđúc (ở phía nam) là con đường lớn, thẳng tắp – “đường rước lễ” – với nhiều tường thành cao, trang trí đẹp như hình bò rừng, sư tử, những vật thần thoại đầu rồng, mình sư tử, chân đại bàng. Đường được lát bằng những phiến đá hình vuông màu phấn hồng, hai bên lát đá màu đỏ. Cạnh đền thờ thần Macđúc là tháp Đicurát hùng vĩ cao 90m, gồm 7 tầng, tầng trên cùng có một ngôi đền nhỏ xây bằng gạch tráng men màu xanh nhạt. Trong đền là tượng thần Macđúc bằng vàng.
Ngoài những đền tháp, cung điện chính, trong thành Babylon còn có công trình kiến trúc độc đáo có một không hai trong lịch sử, sau này người Hi Lạp coi là 1 trong 7 kì quan của thế giới cổ đại – khu vườn treo Babylon.
Năm 562 TCN, vua Nabusôđônôxo chết, vương quốc Tân Babylon bước vào thời kì khủng hoảng, suy yếu. Nội bộ hoàng gia không ổn định, chỉ trong vòng 24 năm đã thay đổi tới 4 triều đại. Tới thời trị vì của vua cuối cùng – Nabôxít (555 – 538 TCN), Tân Babylon bị đe dọa bởi nguy cơ xâm lược của đế quốc Ba Tư. Sau khi đánh bại và thôn tính vương quốc Mêđi, Tiểu Á, Ba Tư tấn công Babylon (năm 538 TCN, Nabôxít bị bắt, con trai Vantaxa bị giết). Vương quốc Tân Babylon diệt vong.
Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,