Lưu vực sông Hằng thời sơ sử (khoảng năm 1000 – 600 TCN)

Một số tác giả đã phác họa ra một hình ảnh sai lệch: “dường như từ khi người Arya đến lưu vực sông Hằng (Ganga) đã lập thành một xã hội chia đẳng cấp, một thể chế, một tổ chức thống nhất chung cho toàn bộ người Arya”.

Đầu thế kỉ VI TCN mới hình thành một số tiểu quốc Arya trên thung lũng sông Hằng và cuộc đấu tranh thống nhất thung lũng này diễn ra trong nửa sau thế kỉ VI. Trước đó là các công xã nông nghiệp Arya đang trên đường chuyển biến và đấu tranh vươn lên giành ưu thế với nhau.

Người Harappa đã có chữ viết từ khoảng 3000 năm TCN nhưng người Arya đến đây vẫn chưa có. Mọi kinh kệ và truyền thuyết đều chỉ được truyền miệng. Khoảng năm 700 TCN mới xuất hiện chữ viết và năm 500 TCN mới được dùng phổ biến. Hệ thống chữ viết này chịu ảnh hưởng văn tự semitic (Tây Á) và ghi chép lại một hệ ngôn ngữ rất gần gũi với cấu trúc và âm vị của tiếng La tinh, Hi Lạp. Do đó được gọi chung là hệ ngôn ngữ Ấn – Âu.

Những ghi chép muộn hơn về thời xa xưa, nguồn gốc, nhưng có những căn cứ để định niên đại và do đó được biết, chúng cũng không quá xa xôi.

Văn liệu xưa nhất là kinh Veda, và là bộ đầu tiên của kinh này, gọi là Rig-Veda cho biết về giai đoạn đầu người Arya đến Ấn Độ (khoảng nửa sau thiên kỉ II TCN). Hai bộ sử thi Ramayana và Mahabharata phản ánh tình hình Đông – Bắc Ấn Độ trong khoảng 1000 – 700 năm TCN. Puranas là một tập hợp huyền thoại được thực hiện tương đối muộn (500 TCN – 500 CN) kể lại nguồn gốc của người Ấn Độ, từ khởi thủy, những huyền tích và thần thoại liên quan đến đời sống người Ấn Độ.

Theo Puranas, người Arya thuộc dòng dõi Manu, một biến âm của Manava, nghĩa là người, con người. Đây là cách tự gọi phổ biến của nhiều tộc châu Á, thời công xã nguyên thủy. Họ đến lưu vực sông Hằng, khai phá đất đai, làm nông nghiệp. Họ đã từng tiếp xúc với dân Lưỡng Hà nên tiếp thu một phần huyền thoại nơi đó làm của mình, như nạn đại hồng thủy rồi thần thánh cứu vớt, những người còn lại tái lập cơ nghiệp, sinh con đẻ cái v.v…

Rig-Veda là thư tịch gắn với giai đoạn này một cách thiết thực, nên tuy là một bộ “kinh” Bà la môn, toát lên đầy sự huyền hoặc, nhưng cũng chứa đựng nhiều điều xác thực. Các bộ lạc Arya đang trên đường phân hóa, xã hội chia thành đẳng cấp giàu nghèo, các công xã đóng kín phân biệt với người bản địa có trước và giữa các công xã của người Arya với nhau. Các tín ngưỡng và tôn giáo ban đầu có thấm đượm vai trò của các tinh linh và có tính chất tản mạn.

Tuy nhiên, Veda được viết lại tương đối muộn, nên ngoài điều ghi nhớ những gì đã diễn biến đương thời (khi người Arya mới vào thung lũng sông Hằng) thì còn xen lẫn cả những sự kiện của thời sau. Trong khi đó, phản ánh tình hình tiếp theo, tức là những thế kỉ đầu của thiên kỉ I TCN, ở vùng Bắc Ấn Độ, chính là các sử thi Mahabharata và Ramayana. Mahabharata (Bharat vĩ đại) là một tập thơ dài 107,000 khổ thơ (2 câu) 8 chữ, dài vượt xa sử thi của các dân tộc, kể về nữ thần Shakuntala sinh ra Bharat. Bharat là “vua” đầu tiên, thủy tổ của 2 dòng họ, cũng là 2 bộ lạc Kauravas và Pandavas. Pandavas là dòng chính được kế ngôi, trị vì ở kinh đô Hastinapur (phía bắc Delhi), nhưng dòng Kauravas muốn tranh ngôi, dẫn tới một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, liền 18 ngày đêm trên cánh đồng Kuru (Kurukshetra). Bên Pandavas thắng, nhưng chết gần hết, bên thua thì chẳng còn ai sống sót. Bhishma thuộc dòng Pandavas lên ngôi.

Sử thi Mahabharata phản ánh cuộc đấu tranh giữa 2 bộ lạc thủy tổ của người Arya trong điều kiện xã hội đã phân hóa, nẩy sinh tư hữu, tranh giành của cải, đất đai, ưu thế xã hội chính trị trong quá trình thành lập nhà nước.

Tương truyền tác giả của Mahabharata là Vyasa. Từ này lại có nghĩa là “người sưu tập”. Thực tế có lẽ nó được tập hợp và chỉnh lí bởi hàng trăm thi sĩ dân gian từ những năm đầu của thiên kỉ I TCN đến thời Gupta, thế kỉ IV CN. Cho nên nó vốn là bản anh hùng ca chiến trận của tầng lớp Kshatriya, về sau lại bị tầng lớp Bà la môn lồng thêm vào nội dung mới. Bản thân sự tích chiến trận chỉ chiếm 20% số câu. Phần còn lại, mượn lời các nhân vật để nói về thiết chế đẳng cấp, luật lệ, về di sản, cưới xin, phong tặng, lễ nghi, qua đó dạy bảo dân về luật Manu, quan niệm Yoga, nguyên tắc đạo đức, triết học Sankhya và Upanishad.

Sử thi Ramayana (những chiến tích của Rama) dài 24.000 khổ thơ, cốt truyện được kết cấu chặt chẽ hơn Mahabharata.

Tương truyền tác giả của bộ sử thi này là Valmiki, nhưng có lẽ ông cũng chỉ là người chỉnh lí, hoàn thiện một công trình tập thể của hàng trăm nghệ sĩ dân gian, sáng tác trong thời gian dài hàng thế kỉ. Ramayana phản ánh một giai đoạn muộn hơn Mahabharata ít nhiều, khi người Arya đã mở rộng địa bàn cư trú về phía đông, đến trung và hạ lưu sông Hằng, đã tiến về phương Nam và vượt biển sang đảo Lanka.

Truyện kể hoàng tử Rama nước Kosala (nay cách địa bàn diễn ra sự kiện Mahabharata khoảng 700km về phía đông) thi tài và được kết duyên cùng công chúa Sita, con vua Janak nước Videha. Bị thứ phi ghen ghét, lừa, khiến vua cha đày hoàng tử Rama và Sita vào rừng. Ở rừng, Sita bị “quỷ” Ravana bắt mang về đảo Lanka. Rama tiến hành một cuộc viễn chinh lớn đến tận xứ sở Ravana, giao tranh ác liệt và cuối cùng nhờ “vua khỉ” Hanuman hỗ trợ, đã chiến thắng Ravana, cứu được nàng Sita xinh đẹp và chung thủy. Rama lên ngôi, vinh hiển và hạnh phúc.

Dù muộn hơn Rig Veda, cả Mahabharata và Ramayana đều mới phản ánh một xã hội đang phân hóa, đứng trước ngưỡng cửa của xã hội có giai cấp và sự hình thành nhà nước. Cuộc xung đột giữa Rama và Ravana phải chăng là sự đấu tranh trên con đường phát triển giữa cư dân nông nghiệp ở lưu vực Sông Hằng với dân săn bắn và lượm hái trong vùng núi Vinđia. Con đường đi quá đến Lanka có lẽ là sự sáng tác bổ sung của một soạn giả ở giai đoạn muộn. Và trong đó, Janak, vua của Videha đang cày ruộng thì thấy xuất hiện giữa luống cày một cô bé, mà ông nhận làm con gái – công chúa Sita.

Như thế, từ Veda đến Ramayana, một giai đoạn khoảng 900 năm, từ 1500 – 600 TCN, là thời gian người Arya định cư ở lưu vực sông Hằng, chuyển từ săn bắn, hái lượm sang nông nghiệp. Dân vùng sông Ân chỉ trồng đại mạch (Yava) thì ở đây họ bắt đầu dùng ngựa và trồng lúa nước. Họ dùng công cụ đồng và đá để đẽo các dụng cụ bằng gỗ, nhất là lưỡi cày. Họ còn đan bện các đồ dùng bằng lau sậy, thuộc da, làm đồ gốm mà loại phổ biến là gốm đen bóng có hoa văn giải bằng chấm. Cuối giai đoạn này, từ khoảng 800 năm TCN, kĩ nghệ luyện sắt được áp dụng, đã thúc đẩy nghề rèn đúc kim khí (đồng, sắt), làm đồ gỗ, nhất là xe kéo, nhà cửa. Thợ mộc và thợ rèn là những tầng lớp được xã hội quý trọng.

Bắt đầu xuất hiện thương nghiệp.

Người ta trao đổi sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp giữa các vùng, có lẽ cũng đã xuất hiện cả ngoại thương. Các tài liệu đã nói tới việc buôn bán ven biển với vịnh Ba Tư và Hồng Hải. Hẳn là hình thức phổ biến vẫn còn là trao đổi trực tiếp tuy đã bắt đầu xuất hiện hình thức vật trung gian. Lúc đầu vật đó là con bò, sau dùng cả vàng thoi – nishka. Nishka sau trở thành tên gọi tiền vàng.

Các tài liệu nói tới các vương quốc (rashtra), các vua (raja) nhưng thực ra mới chỉ là thủ lĩnh quân sự, đứng đầu liên minh bộ lạc (jana), gồm các bộ lạc (vish) ; mỗi bộ lạc gồm một số làng (grama) vốn là thị tộc; mỗi làng có một số gia đình (kula), đứng đầu là một bộ lão gia trưởng (kalapa). Sinh hoạt cộng đồng vẫn còn được giữ dưới hình thức Hội nghị toàn thể thành viên (samiti), cũng như Hội đồng bô lão (sabha) của cộng đồng.

Ngôi vua được củng cố vào đầu thiên kỉ I TCN, dựa vào một hội đồng bô lão, một vị tư tế (purohita) và một chỉ huy quân sự (senani), dần dần được bổ sung bằng đội ngũ các quan ngân khố, lương thảo v.v…

Rig Veda đã nói về việc thần Brama sinh ra những tầng lớp người khác nhau. Có 4 tầng lớp là Braman (sinh ra từ mồm), Ksatria (từ tay), Vaisia (từ đùi) và Sutra (từ bàn chân của thần Brahma).

Tuy nhiên, trong cộng đồng người Arya chưa có sự phân biệt đẳng cấp. Người ta đã thấy nhiều trường hợp “tôi là ca sĩ, còn cha tôi là thầy lang và mẹ tôi xay bột”. Chỉ mới có sự phân hóa xã hội thành thượng lưu (vốn là quý tộc thị tộc), tăng lữ và dân chúng những người làm nghề nông và thủ công. Chưa có sự lưu truyền bắt buộc về nghề nghiệp cũng như chưa có lệ cấm kết hôn giữa tầng lớp này với tầng lớp khác.

Nhưng cũng như các cư dân nguyên thủy khác, người Arya liên kết với nhau trong mỗi cộng đồng, phân biệt với dân bản địa là người ngoài cộng đồng. Họ gọi dân làm nghề chăn nuôi ở Đông bắc Ấn Độ là Panis và dân làm ruộng là Dasa. Shuhra hẳn là được dùng để chỉ tầng lớp này, Dasa, những người không phải nguồn gốc Arya.

Như vậy, trong xã hội Arya mới có sự phân hóa bước đầu, sự phân biệt cao thấp về tài sản và địa vị, nhưng lại có sự phân biệt rõ ràng giữa cộng đồng Arya với người bản địa, gọi là Dasa (hay Panis).

Sự phân chia xã hội và quan hệ như thế, được gọi là varna, màu sắc hay “chế độ chủng tính“, dường như muốn nhấn mạnh đến sự phân biệt chủ yếu giữa cộng đồng Arya và ngoài cộng đồng.

Dân bản địa Dravida qua nền văn hóa Harappa đã có những tín ngưỡng còn mang nhiều yếu tố nguyên thủy: thần mẹ, thần cây… Người Arya đến, đã tiếp thu và làm phong phú thêm tín ngưỡng này. Họ tôn thờ Mặt Trời (Surya), Mặt Trăng (Soma), Thần Chết (Vama), Thần Lửa (Agni). Kinh Veda cho biết họ còn có thêm hệ thống thần thánh Veda – những vị thần gần gũi trực tiếp với đời sống con người : Brahma – thần Sáng tạo, Shiva – thần Hủy diệt, và Vishnu – thần Bảo vệ.

Veda còn cho biết quan niệm của tín ngưỡng Veda về số phận của con người hiện tại là cái kết quả, hay “nghiệp” (Karma) của kiếp trước và người ta mong mỏi ở một kiếp sau tốt đẹp hơn. Con người phải nhận số phận và cái nghiệp vì đó là Đạo Pháp (Dharma), quy tắc căn bản do Thần thánh đặt ra.

Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận