Sự phát triển của nền kinh tế Ai Cập thời Cổ vương quốc

Sự thống nhất Ai Cập thành một quốc gia rộng lớn là điều kiện hết sức thuận lợi cho nền kinh tế đất nước phát triển. Điều đó được biểu hiện trước hết trong công tác thủy lợi.

Mục lục

Thủy lợi được chú trọng

Ngay từ thời Mênét, người Ai Cập đã tiến hành xây dựng các công trình thủy lợi có quy mô to lớn. Một nhà quý lộc có tên là Nêhêbu đã rất tự hào kể lại trong một bản văn bia rằng theo lệnh của vua và theo một kế hoạch đã có sẵn, ông ta đã cho đào nhiều kênh dẫn nước ở cả Bắc và Nam Ai Cập. Hêrêđốt cũng nói rằng vùng châu thổ sông Nin chằng chịt những kênh đào. Nhà nước còn đặt ra chức nông quan có nhiệm vụ trông nom các công trình thủy lợi trong nước.

Nông nghiệp phát triển hơn

Việc đánh chiếm các vùng mỏ đồng ở Xinai đã giúp cho người Ai Cập lấy được rất nhiều đồng đem về chế tạo vũ khí và công cụ lao động. Trong hầm mộ của Pharaông Giêse người ta đã thấy nhiều công cụ lao động bằng đồng như búa, rìu, dao và dao khắc. Mặc dù những công cụ này mới chỉ được làm từ đồng nguyên chất còn khá mềm, cũng đã có tác dụng làm cho ngành sản xuất nông nghiệp phát triển hơn một bước. Trong các tài liệu văn tự cổ thời kì này có nói tới những loại lúa mì đặc biệt ở Thượng và Hạ Ai Cập: nghề trồng nho, trồng cây ăn quả và trồng cây gai cũng được nói tới trong các văn tự cổ.

Do đất đai canh tác hẹp và khí hậu khô cằn, ngành chăn nuôi ở Ai Cập không có điều kiện phát triển. Vì thế, một trong những chiến lợi phẩm quan trọng trong các cuộc chiến tranh là súc vật. Song không vì thế mà ngành chăn nuôi không được chú trọng. Nhiều quý tộc, quan lại trong nhà có những đàn súc vật lớn – chủ yếu là bò, cừu và dê. Trên tường hầm mộ của các quý tộc quan lại thường có tranh phù điêu miêu tả các loại và số lượng sức vật mà ông ta có lúc sinh thời. Đàn súc vật được coi là một tài sản lớn và quý giá.

Thủ công, mỹ nghệ phát triển

Nghề thủ công cũng phát triển. Người Ai Cập đã biết cách nấu quặng và chế tạo đồng. Kĩ thuật chế tác đá đã đạt tới trình độ hoàn mĩ. Để xây dựng Kim tự tháp Kuphu (Koốp) người ta đã phải cưa, đẽo, gọt mài 2.300.000 phiến đá, mỗi phiến nặng tới 2,5 tấn. Các phiến đá này được đẽo phẳng đến nỗi người ta chỉ cần xếp chúng khít lại với nhau mà không cần có chất keo dính nào và ngày nay ta cũng chỉ có thể lách mũi dao mỏng vào giữa các khe đó mà thôi.

Những bức tranh phù điêu khắc trên vách đá các hầm mộ, trên tường Kim tự tháp miêu tả mọi cảnh sinh hoạt của đời thường, những tấm bia đá có khắc chữ tượng hình được tìm thấy ở khắp mọi nơi trên đất Ai Cập đủ chứng tỏ trình độ tay nghề hết sức khéo léo của các nghệ nhân Ai Cập.

Nghề đóng thuyền cũng có những tiến bộ nhất định. Trong bút tích của viên quan trấn thủ thành Una có nói tới việc đóng thuyền chở hàng “bằng gỗ dài 60 cùi tay, rộng 30 cùi tay, được đóng xong trong 17 ngày”.

Nghề làm đồ gỗ, nhất là nghề làm đồ trang sức từ vàng, bạc và các loại đá quý, rất được phổ biến ở Ai Cập thời Cổ vương quốc. Người Ai Cập thời kì này đã làm được những đồ trang sức hết sức tinh xảo. Trong hầm mộ của nữ hoàng Hetap – Heres (Vuơng triều IV), người ta đã tìm thấy nhiều đồ trang sức quý giá, trong đó có chiếc vòng bạc có đính nhiều hạt đá quý và những hình chạm nổi tinh vi.

Tiền tệ bắt đầu xuất hiện

Do sự phát triển của các ngành kinh tế, do tính chất chuyên môn hóa ngày càng cao đã làm cho quan hệ trao đổi buôn bán được đẩy mạnh. Qua các bức tranh phù điêu ta được biết các mặt hàng trao đổi trên thị trường lúc đó rất phong phú. Đó là các sản phẩm nông nghiệp như hạt ngũ cốc, bánh mì, hoa quả, cá, bơ… và các sản phẩm thủ công như đồ trang sức, gương, giày dép. Việc buôn bán không chỉ dừng ở hình thức lấy vật đổi vật, mà tiền tệ cũng đã bắt đầu xuất hiện dưới dạng những mảnh kim loại. Người ta mua bán cả nô lệ và bất động sản, nhưng đó là trường hợp rất hạn hữu. Chỉ có một tài liệu tìm thấy ở Gidơ nói tới việc bán nhà, đổi lấy nhiều hiện vật khác trị giá bằng 10 thanh kim loại.

Các tài liệu văn tự cổ cũng nói tới các chuyến buôn bán lớn ra nước ngoài để mua về các loại gỗ quý và kim loại hiếm. Trong một lần khai quật ở Biblos (Xiri), người ta đã phát hiện được những mảnh gốm có khác tên Pharaông Kuphu và Menkaura và một bình kim loại có khác tên vua Unis. Bức phù điêu trên tường đền thờ vua Sahura miêu tả một đoàn thuyền buồm Ai Cập sang châu Á để mua hàng và nô lệ.

Kết luận

Như thế, dù là chậm chạp, nhưng chắc chắn, nền kinh tế Ai Cập thời cổ vương quốc đã có một bước phát triển mới. Đó chính là cơ sở vững chắc cho sự ổn định về chính trị và sự phát triển của một nền văn hóa phong phú ở các giai đoạn tiếp sau.

Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,

2 1 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận