Athens là quốc gia thành thị xuất hiện trên vùng bán đảo Attích (thuộc Trung Hi Lạp). Đó là một vùng đồng bằng hẹp đất đai không phì nhiêu, nhiều đồi núi, khí hậu lại khô khan, lượng mua hàng năm không đáng kể. Attích có nhiều đá quý, mỏ sắt, mỏ bạc, đất sét chất lượng cao và vùng bờ biển dài với nhiều vịnh và hải cảng thuận tiện cho hoạt động thương mại. Nhìn chung, thiên nhiên xứ Attích không tạo nên những điều kiện thuận cần thiết cho sự phát triển và canh tác cây lương thực, nhưng lại rất thích hợp cho sự phát triển của một nền kinh tế Công thương nghiệp và mậu dịch hàng hải.
Mục lục
Điều kiện hình thành nhà nước Athens
Cư dân sống trên bán đảo Attích là nhánh người Hi Lạp – người Iônien. Trước khi nhà nước ra đời, các cư dân này vẫn còn đang sống trong giai đoạn mạt kì của xã hội thị tộc. Có 4 bộ lạc, mỗi bộ lạc bao gồm 30 thị tộc, cư trú ở 4 khu vực khác nhau. Theo truyền thống, Đại hội nhân dân vẫn là cơ quan có quyền lực cao nhất quyết định các vấn đề hệ trọng của mỗi bộ lạc. Ngoài ra, mỗi bộ lạc đều có một hội đồng quý tộc (gồm các tộc trưởng của 30 thị tộc) và một thủ lĩnh quân sự – người Hi Lạp gọi là Badilơ (Basilêus), do Đại hội nhân dân bầu ra, phụ trách quân sự, xét xử các vụ kiện tụng và tổ chức các buổi tế lễ tôn giáo.
Theo thời gian và cùng với sự phát triển của nền kinh tế Công thương nghiệp, ranh giới ngăn chặn giữa các thị tộc, bộ lạc dần dần bị xoá nhoà. Cư dân của 4 bộ lạc đã sống đan xen nhau, mối quan hệ huyết thống lỏng lẻo dần. Kết quả là 4 bộ lạc ở xứ Attích đã tập hợp lại thành một liên minh bộ lạc, lấy Athens làm thủ phủ. Những điều kiện và tiền đề cho việc xuất hiện xã hội có giai cấp, nhà nước đã chín muồi.
Đặc trưng của nhà nước Athens
Sự hình thành nhà nước Athens có những đặc trưng riêng biệt.
- Thứ nhất, Nhà nước Athens ra đời trong bối cảnh lịch sử hoàn toàn không có sự can thiệp, xâm lược của các thế lực bên ngoài. Nhà nước Athens xuất hiện trên cơ sở tan rã của xã hội thị tộc của chính cư dân vùng Attích.
- Thứ hai, Nhà nước Athens xuất hiện không phải là kết quả của các cuộc chiến tranh, xung đột, đổ máu, mà nó được hình thành một cách hòa bình dần dần, từng bước hoàn thiện thông qua hàng loạt các cuộc cải cách xã hội, từ cải cách đầu tiên của Tede, đến những cải cách cuối cùng của Pericolet. Những tàn dư của xã hội nguyên thủy bị đẩy lùi và bị thủ tiêu một cách triệt để.
- Thứ ba, Nhà nước Athens được xây dựng và hoàn thiện theo hướng xây dựng thiết chế nhà nước dân chủ chủ nô – một thể chế hết sức đề cao và đảm bảo những quyền lợi kinh tế, chính trị của những công dân tự do.
Những cải cách của Tedê
Người đặt nền móng cho việc xây dựng nhà nước Athens, theo truyền thuyết, là Tedê (Thésée).
Thiết lập liên minh bộ lạc
Công lao lớn của Tedê là đã thiết lập được liên minh 4 bộ lạc (vốn sống ở 4 khu vực khác nhau) theo nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng. Thiết lập được một cơ quan quản lí chung thay cho 4 cơ quan quản lý thị tộc cũ, Tedê đã chia toàn xứ Attích thành 48 địa khu, người Athens gọi là 48 nôcơrari, mỗi bộ lạc cũ được chia thành 12 nôcơrari. Lần đầu tiên, xứ Attích được phân chia thành những khu vực hành chính với số cư dân được phân chia theo những địa vực cư trú.
Tedê đã chia toàn thể cư dân Athens – Vốn xưa kia là các thành viên bình đẳng thuộc 4 bộ lạc cũ – thành 3 tầng lớp người có quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau: quý tộc, nông dân và những thợ thủ công. Tedê là người đầu tiên thiết lập trật tự xã hội mới ở Athens: trật tự của một xã hội có giai cấp.
Với những cải cách của mình, Tedê cũng đã bước đầu tấn công vào chế độ thị tộc. Đại hội nhân dân xưa vẫn tồn tại, nhưng quyền lực thực thực tế nằm trong một tổ chức – Hội đồng trưởng lão (Areopagus) – gồm những đại biểu của tầng lớp quý tộc. Hội đồng trưởng lão có quyền lập pháp, tư pháp, giám sát và quyết định mọi công việc hệ trọng của đất nước. Chức vụ Balilo bị bãi miễn thay bằng 9 viên quan chấp chính (được cử ra từ tầng lớp quý tộc). Athens sau Tedê là nhà nước theo thiết chế cộng hòa quý tộc. Chế độ thị tộc bước đầu bị tấn công và giải thể.
Đấu tranh dân chủ hoá
Sự phát triển của nền kinh tế, nhất là kinh tế Công thương nghiệp đã làm thay đổi cơ cấu xã hội Athens: Tầng lớp quý tộc chủ nô công thương hình thành có quyền lợi gắn bó với kinh tế Công thương và một khuynh hướng chính trị muốn dân chủ hóa bộ máy nhà nước, thủ tiêu đặc quyền của tầng lớp quý tộc thị tộc.
Bên cạnh đó, những nông dân tự do bị kiêm tinh ruộng đất, những nô lệ và những kiều dân Mêtec không có quyền lợi chính trị cũng tăng cường đấu tranh đòi hỏi quyền lợi và thực hiện cải cách xã hội. Thực trạng xã hội ấy đã dẫn đến cuộc chính biến xảy ra năm 630 TCN, do Xilông thực hiện. Cuộc chính biến thất bại, phong trào dân chủ vẫn âm ỉ, năm 621 TCN, quan chấp chính Đracông đã soạn thảo và ban hành luật pháp thành văn – Luật Đracông – Luật Đracông nổi tiếng là bộ luật hà khắc (ăn cắp vặt, kể từ rau, quả, cũng bị xử tử hình). Bộ luật được khắc trên nhiều tấm đá và đặt ở những nơi công cộng, nhờ vậy cũng đã hạn chế được phần nào sự xét xử độc đoán, tuỳ tiện và bất công của quý tộc đánh dấu một bước tiến của nền dân chủ.
Những cải cách của Xôlông
Năm 594 TCN, Xôlông được cử giữ chức vụ chấp chính quan. Để hạn chế tới mức tối đa những mâu thuẫn trong xã hội, để tiếp tục tấn công vào chế độ thị tộc và tiếp tục xây dựng, củng cố nhà nước Athens theo hướng dân chủ, Xôlông đã thực hiện một loạt những cải cách xã hội tiến bộ. Người Hi Lạp gọi những cải cách của Xôlông là “Sêsasơchêia” có nghĩa là “trút bỏ gánh nặng”.
Cải cách Sêsasơchêia
Xôlông tuyên bố xoá bỏ mọi nợ nần, những ruộng đất của nông dân đem nộp cho quý tộc để gán nợ được hoàn trả cho nông dân. Những nông dân phải bán mình làm nô lệ vì nợ được giải phóng khỏi thân phận nô lệ thành người tự do. Nhà nước cấm tuyệt đối việc lấy thân mình hoặc vợ con mình làm vật để trừ nợ (kể cả việc kí văn tự vay nợ lấy bản thân con nợ làm vật thế chấp). Chế độ nô lệ vì nợ ở Athens chấm dứt từ đó.
Xôlông cũng thực hiện việc cải cách hệ thống tiền tệ, cấm xuất khẩu nông sản (trừ nho và ôliu), thừa nhận quyền tư hữu, tự do chuyển nhượng tài sản.
Để bảo vệ quyền sở hữu với số lượng ruộng đất vốn đã quá ít của người bình dân, ngăn chặn nạn kiêm tinh ruộng đất, Xôlông đã đưa ra quy định mức chiếm hữu ruộng đất tối đa cho một quý tộc. Để tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, Xôlông đã đưa ra hàng loạt biện pháp tích cực: khuyến khích việc sử dụng thợ thủ công giỏi ở nước ngoài, thực hành tiết kiệm, khuyến khích khẩn hoang…
Phân chia đẳng cấp
Căn cứ theo tài sản, Xôlông đã phân chia cư dân Athens không kể nguồn gốc huyết tộc, thành 4 đẳng cấp xã hội có quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau.
- Đẳng cấp thứ nhất bao gồm những công dân hàng năm có thu nhập từ 500 Mêđim thóc trở lên.
- Đẳng cấp thứ hai có thu nhập từ 300 Mêđim thóc trở lên.
- Đẳng cấp thứ ba là 200 Mêđim thóc
- Còn những ai có thu nhập dưới 200 MêKim thuộc đẳng cấp thứ 4.
Theo quy định, chỉ có những người thuộc đẳng cấp thứ nhất mới có đủ tư cách tham gia giữ các chức vụ cao cấp của nhà nước (chấp chính quan hoặc là thành viên của hội đồng trưởng lão…). Trong quân đội, những người thuộc đẳng cấp 1, 2 được phép tham gia vào những đội kị binh, còn đẳng cấp 3, 4 chỉ được tham gia bộ binh, đẳng cấp thứ tư chỉ được tham gia đại hội nhân dân để bầu cử những quan chức của bộ máy nhà nước.
Thành lập “Hội đồng 400 người”
Trên cơ sở 4 bộ lạc cũ, Xôlông thành lập “Hội đồng 400 người” mỗi bộ lạc được cử 100 người thuộc 3 đẳng cấp trên. Hội đồng 400 người có chức năng như là một cơ quan thường trực của đại hội nhân dân, để giải quyết các công việc hàng ngày của nhà nước. Để tránh lối xử án tuỳ tiện và tăng cường tính dân chủ, Xôlông đã cho thành lập toà án nhân dân có nhiều bồi thẩm, cùng thảo luận, xét xử.
Kết luận
Mặc dù những tàn dư của chế độ thị tộc vẫn còn nhưng trước hết phải thấy rằng những cải cách của Xôlông đã giáng một đòn khá mạnh (và triệt để hơn so với Tedê) vào chế độ thị tộc, căn bản thủ tiêu quyền lực của quý tộc thị tộc, bước đầu thiết lập được một trật tự xã hội mới theo thể chế dân chủ. Cải cách Xôlông – theo nhận xét của F.Enghen – phần nào đã hi sinh quyền lợi của tầng lớp quý tộc (nhất là quý tộc ruộng đất), tạo điều kiện cho tầng lớp bình dân duy trì được cuộc sống của họ, ngăn cản sự phá sản của nông dân và thủ tiêu chế độ nô lệ vì nợ, tạo cơ sở xã hội cho sự tồn tại của thể chế dân chủ. Cải cách Xôlông cũng đem lại nhiều quyền lợi và ưu thế cho quý tộc chủ nô công thương – tầng lớp quý tộc ủng hộ thể chế dân chủ – tạo điều kiện cho kinh tế Công thương nghiệp của Athens phát triển mạnh mẽ.
Những cải cách tiến bộ của Xôlông đã tạm thời giải quyết được những vấn đề cấp bách mà xã hội Athens đang gặp phải, xoa dịu được mâu thuẫn và đặt nền móng cho việc thiết lập, hoàn thiện nhà nước Athens theo hướng dẫn chủ hóa.
Những cải cách của Clixten
Năm 508 TCN, nhờ phong trào nổi dậy của quần chúng chống xu thế bảo thủ, Clixten – thủ lĩnh của phái Duyên hải – được cử giữ chức chấp chính quan thứ nhất. Nền dân chủ lại được phục hưng. Từ năm 508 đến năm 506 TCN, Clixten đã thực hành hàng loạt những cải cách xã hội nhằm mục tiêu thủ tiêu những tàn tích của chế độ thị tộc, hoàn thiện thêm một bước nền dân chủ chủ nô Athens.
Phân chia cư dân theo khu vực hành chính
Cải cách quan trọng nhất, triệt để nhất của Clixten là việc phân chia cư dân Athens theo những khu vực hành chính (không dựa vào khu vực cư trú của 4 bộ lạc cũ). Toàn bộ xứ Attích được chia thành 10 khu hành chính. Người Hi Lạp gọi là Philai. Mỗi khu Philai được chia thành 10 tiểu khu (Đemơ).
Cư dân sống ở mỗi tiểu khu phải đăng kí vào Sổ hộ tịch để nhà nước theo dõi, quản lí. Lối gọi tên người theo dòng họ thị tộc bị bác bỏ thay bằng lối gọi theo tên riêng từng người. Thế là với Clixten, ranh giới, bộ lạc (cùng với thế lực của tập đoàn quý tộc thị tộc) bị xoá bỏ hẳn. Tàn tích cuối cùng của chế độ thị tộc bị thủ tiêu.
Cải cách bộ máy nhà nước Athens – Hội đồng 500
Clixten đã cải tổ các cơ quan quyền lực trong bộ máy nhà nước Athens, theo hướng dân chủ. Hội đồng 400 người bị bác bỏ thay bằng Hội đồng 500 người – Người Hi Lạp gọi là Bulê – Theo quy chế, tất cả các công dân tự do nam giới Athens, tuổi từ 18 đều có quyền tham gia Hội đồng 500 người, và mỗi Philai, được bầu 50 người. Bulê là cơ quan hành chính cao nhất ở Athens, thay mặt toàn thể công dân, thường trực các công việc của nhà nước trong suốt một năm. Bulê cũng có nhiệm vụ kiểm tra tư cách công dân và tư cách các thành viên trong bộ máy nhà nước. 500 người của Bulê được phân chia trong 10 uỷ ban thường trực – Pơritani – Mỗi Pơritani gồm 50 người của cùng một khu Philai với nhiệm kì 1/10 của năm (khoảng từ 36 đến 39 ngày) và có chức năng như một bộ phận thường trực thay mặt Bulê giải quyết các công việc hàng ngày.
Tăng cường vài trò hội đồng nhân dân
Clixten đã tăng cường vai trò của đại hội nhân dân. Đại hội nhân dân (Eccalêdia) là cơ quan quyền lực tối cao của nhà nước Athens. Eccơlêdia là đại hội của toàn thể công dân Athens từ 18 tuổi trở lên. Có quyền thảo luận và biểu quyết tất cả những vấn đề hệ trọng của đất nước, thông qua hay phủ quyết các dự luật, chính sách của hội đồng Bulê, chọn cử những viên chức của bộ máy nhà nước. Clixten đã tăng số quan chức Athens lên 20 người, gồm 10 quan chấp chính và 10 tư lệnh quân sự.
Để ngăn chặn những âm mưu đảo chính hoặc phá hoại nền dân chủ, Clixten đã cho thực hành “chế độ bỏ phiếu bằng vỏ sò”. Bất kì công dân Athens nào (kể cả những người đang có chức vụ) nếu bị nghi ngờ là có những âm mưu, hành vi đe dọa tới nền an ninh xã hội, nền dân chủ thì trong đại hội nhân dân, toàn thể Công dân tự do Athens sẽ tiến hành bỏ phiếu kín, bằng cách ghi tên người mà họ nghi ngờ lên các mảnh vỏ sò hay mảnh gốm. 6.000 lá phiếu cùng ghi tên một người, thì 10 ngày sau người đó buộc phải rời khỏi Athens trong thời hạn là 10 năm. Bằng biện pháp này, Athens đã có khả năng ngăn chặn những âm mưu phản loạn, ngăn cản xu thế độc tài, quân phiệt.
Clixten cũng đã thực hiện việc giải phóng một số nô lệ có công thành người tự do (nhưng không được quyền công dân) và cho phép một số kiều dân Mêtéc) có công lao thành công dân tự do Athens.
Kết luận
Có thể nhận xét, với những cải cách tiến bộ và mạnh mẽ, Clixten đã hoàn toàn thủ tiêu những tàn tích cuối cùng của chế độ thị tộc, đánh dấu bước cuối cùng trong việc xây dựng nhà nước dân chủ chủ nô Athens. Những cải cách của Clixten đã tạm thời hòa hoãn được những xung đột và thỏa mãn hầu hết các quyền lợi của các phe phái tạo nên Athens một khối công dân tự do có quyền lợi chính trị ngang nhau, cùng thống trị, bóc lột sức lao động của nô lệ.
Cải cách Clixten cũng đã mở đường cho nền kinh tế nói chung và kinh tế Công thương nghiệp phát triển mạnh mẽ, tạo ra một Athens hùng cường về kinh tế, quân sự và tiến bộ về thể chế dân chủ, góp phần giúp Athens chiến thắng sự can thiệp, xâm lược của đế quốc Ba Tư trong thế kỉ tiếp sau.
Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,