Sự sụp đổ của chế độ Cộng hòa và sự thiết lập nền độc tài Xila

Ngay từ buổi đầu của nền cộng hòa, mâu thuẫn trong nội bộ quý tộc chủ nô đã xảy ra. Đó là mâu thuẫn giữa quý tộc chủ nô ruộng đất mà trụ cột là Viện nguyên lão chủ trương tiếp tục duy trì nền chuyên chính của mình dưới hình thức chế độ Cộng hòa và tầng lớp quý tộc chủ nô Công thương kị sĩ (lấy đại hội nhân dân làm chỗ dựa), chủ trương hạn chế quyền lợi của Viện nguyên lão, mở rộng quyền công dân cho các công dân tự do ở ngoài Rôma, giải quyết phần nào vấn đề ruộng đất cho người bình dân.

Cải cách điền địa của anh em Gơracuxơ, phong trào Naturơniuxơ, dự luật Ruluxơ, cuộc chiến tranh đồng minh,… trong chừng mực nào đó đã phản ánh mâu thuẫn này. Mâu thuẫn và cuộc xung đột giữa hai phái quý tộc Rôma ngày càng quyết liệt và diễn ra theo khuynh hướng sử dụng sức mạnh bạo lực. Vai trò của các tướng lĩnh và quân đội đều được đề cao. Nền Cộng hòa có nguy cơ bị tan vỡ.

Năm 88 TCN, Viện nguyên lão cử Xila (Sylla) làm tư lệnh quân Đông chinh Rôma sang đàn áp cuộc nổi dậy của Mitơriđát (ở Tiểu Á). Nhưng khi Xila vừa rời khỏi Rôma, phái công thương kị sĩ đối lập, thông qua đại hội nhân dân, đã cử Mariuxơ, người thuộc phe cánh mình lên cầm quyền ở Rôma. Được tin, Xila đã kéo đại quân quay về tấn công phái Mariuxơ, phái Công thương kị sĩ thất thế, Mariuxơ phải chạy sang Bắc Phi lánh nạn và chờ thời cơ.

Năm 87 TCN, Xinna – đại biểu của phái công thương – trúng cử chức vụ chấp chính quan, lợi dụng cơ hội Xila đang ở Tiểu Á để đàn áp Mitơriđát, Mariuxơ từ Bắc Phi đã trở về Rôma, phối hợp với Xinna tấn công phe quý tộc ruộng đất, tịch thu ruộng đất của quý tộc phe Xila chia cho bình dân, binh sĩ và thao túng chính quyền Rôma mãi tới năm 82 TCN.

Năm 83 TCN, sau khi đàn áp xong cuộc nổi dậy ở Mitơriđát và giải quyết tạm ổn tình hình Tiểu Á, Xila kéo quân về Rôma. Nội chiến đẫm máu giữa 2 phái xảy ra, hàng trăm ngàn người đã bị giết hại. Phái Xila ngày càng chiếm ưu thế, Xila đã cho lập bản danh sách những quý tộc đã theo Mariuxơ, vây bắt, tịch thu tài sản và xử tử bêu đầu ở Phoum. Theo thống kê, có tới 90 quý tộc và 2.600 kị sĩ bị giết hại. Phe Mariuxơ nếm mùi thất bại nặng nề.

Năm 82 TCN, phe quý tộc ruộng đất đã đưa Xila lên làm độc tài không thời hạn. Trong thời kì cầm quyền của độc tài Xila, quyền lực của đại hội nhân dân bị bãi bỏ, quyền hạn của quan bảo dân cũng bị hạn chế, ngược lại vai trò và quyền lực của Viện nguyên lão được tăng cường. Số nghị viên Viện nguyên lão đang từ 300 người tăng vọt lên 600 người (toàn những kẻ thân tín của Xila). Xila còn tuyên bố bãi bỏ quyền bao thầu thuế các tỉnh của tầng lớp kị sĩ quy định nhà nước Rôma trực tiếp thu thuế từ các tỉnh. Xila trao cho Viện nguyên lão quyền thẩm phán và phân phối, quản lí ngân quỹ nhà nước. Để tạo chỗ dựa, Xila cũng đã giải phóng cho hơn 1 vạn nô lệ và đưa 12 vạn cựu binh sĩ tới lập nghiệp ở các vùng Latium, Pixenum, Êtơruria, Campania.

Chế độ độc tài Xila được thiết lập là kết quả của việc giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ quý tộc Rôma, xác nhận thắng lợi đầu tiên của quý tộc chủ nô ruộng đất đồng thời cũng báo hiệu sự khủng hoảng của chế độ Cộng hòa. Tuy nhiên, Xila và phái quý tộc ruộng đất cũng gặp những khó khăn và cùng một lúc phải giải quyết nhiều vấn đề nan giải, mâu thuẫn:

  • Muốn tạo ra chỗ dựa để củng cố quyền lực, Xila phải giải quyết nguyện vọng ruộng đất của binh sĩ, nô lệ (nghĩa là lại phải thực hiện những bước đi trong chủ trương của phái đối lập Mariuxơ).
  • Tăng cường quyền lực độc đoán nhưng lại phải giữ cho được hình thức bình đẳng, dân chủ đối với các tỉnh của Rôma.

Đó là chưa kể, chế độ độc tài là một chế độ quá mới mẻ so với lối sống truyền thống dân chủ của cư dân Rôma. Do vậy, Xila không phải không có khó khăn và những kẻ thù.

Năm 78 TCN, quan chấp chính Lipiđuxơ – người thuộc phái Xila – đã công khai chống lại đường lối của Xila, chủ trương khôi phục lại luật lúa mì và tăng cường quyền hạn của quan bảo dân. Xila và phe quý tộc ruộng đất phản công. Lipiđuxơ không đủ lực lượng chống đỡ, phải bỏ chạy sang Xácđen (rồi chết ở đó). Trật tự Rôma được thiết lập, nền độc tài Xila được củng cố nhưng phong trào phản kháng vẫn âm ỉ và lan sang các “tỉnh” của Roma nhất là ở Tây Ban Nha.

Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,

0 0 bình chọn
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
Xem tất cả thảo luận