Sau gần 600 năm phát triển hưng thịnh, nhà nước Ai Cập thống nhất bắt đầu suy yếu dần từ vương triều VI trở đi. Sự phát triển hưng thịnh đó dựa trên sức mạnh của một chính quyền chuyên chế quân sự. Những cuộc chiến tranh liên miên của các vương triều đi xâm lược, thôn tính các nước láng giềng cũng như việc xây dựng các Kim tự tháp đền đài, cung điện… đã làm tiêu hao nhiều nhân lực, vật lực và tài lực của đất nước.
Điều đó không thể không dẫn tới sự phản kháng mạnh mẽ không chỉ của nô lệ và dân nghèo mà của cả các thế lực quý tộc địa phương. Nhưng, nhờ dựa vào lực lượng quân sự hùng mạnh, các Pharaoh đã đàn áp và bắt họ phải phục tùng. Đến khi lực lượng quân đội ngày càng bị tiêu hao đi trong chiến tranh, chính quyền chuyên chế trung ương suy yếu dần, thì thế lực của bọn quý lộc địa phương lại ngày càng lớn mạnh. Chúng ra sức củng cố thế lực của mình ở các địa phương bằng cách tập trung trong tay quyền trưng thu thuế, quyền xét xử, quyền chỉ huy quân đội v.v…
Đến vương triều VI, các quý tộc không xây lăng mộ của mình dưới bóng các Kim tự tháp như xưa nữa mà xây ở các châu của mình. Các văn bản của các châu cũng không dùng ngày tháng theo niên hiệu của vua nữa, mà đề theo ngày tháng tính từ khi bọn quý tộc địa phương lên cầm quyền. Chúa các châu cũng có tổ chức quân đội độc lập của mình.
Trong tình hình đó các Pharaoh trên thực tế cũng chỉ thống trị trên một vùng đất đai nhất định, giống như một chúa châu nào khác mà thôi. Đồng thời, nội bộ cung đình luôn luôn diễn ra những vụ tranh chấp, tranh đoạt lẫn nhau.
Trong bảng phổ hệ của mình, đến vương triều VII, Manêtôn chỉ có thể thông báo ngắn gọn: “70 ông vua Memphis trị vì trong 70 ngày”. Các Pharaoh của vương triều VII và VIII hầu như không nắm được quyền hành gì. Chính quyền các châu đã thay thế chính quyền trung ương Nhà nước Ai Cập thống nhất đã bị chia xẻ thành nhiều châu độc lập.
Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,