Dựng lại bức tranh của giai đoạn đầu tiên trong lịch sử phát triển xã hội loài người là một công việc hết sức khó khăn và phức tạp. Vì không có nguồn sử liệu trực tiếp nói về cuộc sống của con người ở thời đại quá xa xôi này, các nhà khoa học buộc phải dựa vào các tài liệu gián tiếp khác như: các tài liệu khảo cổ học và cổ nhân học, dân tộc học và cả các kết quả nghiên cứu về cuộc sống tự nhiên của một số loài động vật cao cấp của các nhà động vật học.
Sự phân tích tổng hợp các nguồn tài liệu này sẽ giúp ta hiểu biết khái quát về đời sống kinh tế – xã hội của con người thời nguyên thủy. Nhưng đồng thời, những kiến thức đó đôi khi chỉ là sự phỏng đoán giả thuyết và thậm chí mâu thuẫn nhau hoặc còn nhiều “khoảng trống” mà đến nay vẫn chưa bù đắp được. Chính vì vậy những tri thức lịch sử và giai đoạn này thường gây nên sự tranh luận nhiều nhất trong giới sử học.
Tìm hiểu: Sơ lược về quá trình nghiên cứu lịch sử xã hội nguyên thủy
Ngay khái niệm “bầy người” cũng không phải không có ý kiến bàn cãi. Có người cho rằng dùng thuật ngữ này là “tầm thường hóa”, “sinh dục hóa” quá trình phát triển có tính xã hội của xã hội loài người.
Một số tác giả khác lại coi “bảy người nguyên thủy” là một giai đoạn đặc biệt trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Như thế có nghĩa coi bầy người nguyên thủy đã là tổ chức xã hội của loài người. Nhưng đồng thời cũng không bỏ qua trạng thái “trung gian”, “chuyển tiếp” của nó từ bầy động vật Iên một hình thức cao hơn, chặt chẽ hơn của tổ chức xã hội loài người.
Tìm hiểu con người xuất hiện từ khi nào?
Niên đại đầu của nó có thể bắt đầu từ khi con vừa thoát thai khỏi giới động vật, tức là từ khi con người biết lao động và chế tạo công cụ. Các hoạt động lao động của con người rõ ràng không chỉ làm thay đổi hẳn mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên, tách hẳn con người khỏi giới động vật, mà còn làm thay đổi cả quan hệ giữa con người với nhau. Chính trong lao động sáng tạo, con người ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm sản xuất, tự hoàn thiện chính mình về mặt sinh vật học, đồng thời các quan hệ xã hội của họ cũng dần phát triển.
Vì thế, đến thời hậu kì đá cũ, khi người Homo Sapiens xuất hiện thì bầy người nguyên thủy cũng dần dần tan rã, nhường chỗ cho một tổ chức xã hội chặt chẽ hơn là công xã thị tộc. Như thế, về mặt khảo cổ học, giai đoạn bầy người nguyên thủy kéo dài suốt từ thời sơ kì đến thời trung kì đồ đá cũ. Còn về mặt nhân chủng học thì đây là thời kì tồn tại của những dạng người vượn trung gian đang trong quá trình chuyển biến thành người hiện đại.
Tuy chưa loại bỏ hết dấu tích vượn trên cơ thể mình, nhưng những dạng người tối cổ này đã là người. Họ sống lang thang trong các khu rừng rậm nhiệt đới, ngủ trong hang động, mái đá, hoặc cũng có thể dựng liều bằng các cành cây, xương thú, sống quây quần theo quan hệ ruột thịt với nhau khoảng vài ba chục người gọi là bầy người nguyên thủy.
Do trình độ thấp kém, công cụ thô sơ, lại sống trong điều kiện thiên nhiên hoang dã, người nguyên thủy không thể sống lẻ loi, mà đã biết tập hợp lại với nhau thành từng bầy, cùng lao động, tìm kiếm thức ăn và đấu tranh các thú dữ để tự vệ. Nhưng khác với các bầy động vật chỉ có quan hệ hợp đoàn được hình thành một cách tự nhiên, trong bầy người nguyên thủy đã có quan hệ hợp quần xã hội. Mỗi bầy đều có người đứng đầu, có sự phân công công việc giữa nam và nữ, mọi người đều có nghĩa vụ đi săn bắt, tìm kiếm thức ăn, bảo vệ lẫn nhau và trông nom con cái… Bầy người nguyên thủy là tổ chức xã hội đầu tiên của con người.
Ở thời kỳ bầy người, con người đã biết chế tạo công cụ lao động. Từ chỗ chỉ biết dùng những cành cây, hòn đá nhặt được bên đường để làm công cụ, người tối cổ đã biết lấy những viên cuội hay hai hòn đá ghè vào nhau tạo nên một cạnh sắc và vừa tay cầm, gọi là những chiếc rìu tay “vạn năng”. Với những rìu đá đó, người tối cổ dùng để chặt cây, làm vũ khí tự vệ và tấn công các con thú khi săn bắt, dùng để đào bới cây củ kiếm ăn.
Đồng thời họ còn biết dùng cả những mảnh tước tách từ hạch đá, thành những chiếc dao nạo gỗ. Những công cụ thô sơ do người tối cổ chế tạo ra được gọi là những công cụ đá cũ sơ kì.
Vào cuối thời kì bầy người nguyên thủy, loài người đã có một bước tiến lớn lao, một phát minh quan trọng – đó là việc dùng và lấy lửa. Trong buổi bình minh của lịch sử, con người sống không khác động vật là mấy, họ chỉ biết ăn sống nuốt tươi. Dần dần, họ biết giữ lửa tự nhiên và dùng lửa để sưởi ấm, để đuổi thú dữ và nướng chín thức ăn.
Về sau, con người đã biết tự làm ra lửa bằng cách cọ xát mạnh hai cành cây khô hay hai hòn đá lửa. Việc tìm ra lửa bằng cách cọ xát đã đánh dấu một bước nhảy vọt trong lịch sử loài người.
Ph E.nghen viết : “Mặc dầu máy hơi nước đã thực hiện trong thế giới xã hội một cuộc giải phóng vĩ đại. Cuộc cách mạng này chưa hoàn thành được một nửa, nhưng điều chắc chắn là tác dụng giải phóng loài người (trên ý nghĩa lịch sử thế giới) của việc lấy lửa bằng cọ xát còn vượt xa máy hơi nước. Vì rằng lửa do cọ xát làm ra khiến con người lần đầu tiên chi phối được lực lượng tự nhiên, và do đó đã tách hẳn con người ra khỏi giới động vật”.
Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,