Mục lục
Sự khủng hoảng của chế độ nô lệ
Ngay từ cuối thế kỉ thứ II, chế độ nô lệ ở Rôma đã có những dấu hiệu khủng hoảng. Sang thế kỉ III, sự khủng hoảng này càng tỏ ra nghiêm trọng, sâu sắc hơn.
Số lượng nô lệ ngày càng giảm sút, một mặt nguồn cung cấp nô lệ chủ yếu – nô lệ tù binh – ngày càng giảm đi vì những cuộc chiến tranh xâm lược mở rộng cương vực không diễn ra ồ ạt như giai đoạn trước. Biên giới của đế quốc đã vươn khá xa và hầu như đã vượt quá khả năng cai quản của Rôma. Mặt khác sự bóc lột vô cùng tàn khốc của phương thức sản xuất chiếm nô đã làm mất khả năng lao động của một số khá đông nô lệ. Tình trạng thiếu lực lượng sản xuất đã xảy ra đối với nền kinh tế toàn diện của Rôma.
Chất lượng và khả năng lao động của nô lệ cũng giảm sút nghiêm trọng. Phương thức sản xuất chiếm nô không thể làm cho kĩ thuật canh tác tiến bộ lên, công cụ sản xuất vẫn thô kệch nặng nề (để nô lệ đỡ phá hỏng). Những phát minh cải tiến trong kĩ thuật sản xuất hầu như không được áp dụng. Bị bóc lột tàn tệ và bị cưỡng bức lao động, nô lệ đã tìm mọi cách phá hoại nền kinh tế chủ nô (làm hỏng công cụ sản xuất, làm ẩu, trốn tránh lao động, lãng phí khi gieo trồng cũng như khi thu hoạch…). Do vậy năng suất lao động và hiệu quả lao động ngày càng giảm sút theo thời gian.
Mặc dù không có những cuộc khởi nghĩa vũ trang quy mô lớn của nô lệ như khởi nghĩa Xpáctacuxơ, nhưng sự phản kháng của nô lệ vẫn thường xuyên xảy ra lúc ngấm ngầm lúc công khai đã làm cho tầng lớp chủ nô gặp nhiều khó khăn và góp phần làm suy giảm khả năng của chế độ nô lệ trong giai đoạn này. Sự khủng hoảng ngày một trầm trọng của chế độ nô lệ đã đặt giai cấp chủ nô Rôma trước một thực tế: Muốn tiếp tục tồn tại và phát triển, phải có sự nhìn nhận mới về chế độ nô lệ, trước mắt phải thay đổi cách đối xử và hình thức bóc lột. Đây là công việc rất mới và rất khó đối với quý tộc chủ nô (vốn rất bảo thủ). Do đó, việc giải quyết tình trạng khủng hoảng của chế độ nô lệ của Rôma đã diễn ra nhưng hết sức chậm chạp, không đồng đều, thậm chí còn tạo nên những bất đồng trong nội bộ giới quý tộc chủ nô. Các hoàng đế Rôma đã cố gắng duy trì và phục hưng chế độ nô lệ. Hoàng đế Clauđiuxơ đã ban hành luật pháp cấm bắt nô lệ ốm đau lao động nặng, cấm giết chết những nô lệ đau yếu. Nêrô đã cấm đưa nô lệ ra đấu với dã thú. Antôniuxơ ra sắc lệnh nếu không có lý do chính đáng, chủ nô không được giết chết nô lệ của mình…
Những cố gắng của giai cấp chủ nô trong chừng mực nào đó đã góp phần vào việc cứu vãn sự sụp đổ của chế độ nô lệ. Bộ phận quý tộc chủ nô ruộng đất đã tìm thấy lối thoát có hiệu quả hơn. Họ chia xẻ các Latiphunđia rộng lớn kia thành những mảnh ruộng nhỏ rồi giao cho nô lệ tự cày cấy, thu hoạch, nộp cho chủ nô và được giữ một phần sản phẩm cho mình. Lối kinh doanh này ngày càng tỏ ra có hiệu quả đã lôi kéo nhiều quý tộc khác thực hành phương thức bóc lột kiểu mới này. Thân phận và đời sống nô lệ có phần được cải thiện. Về hình thức, chế độ nô lệ được phục hưng nhưng trong thực tế, phương thức bóc lột mới này càng phổ biến thì chế độ nô lệ càng tiến gần đến ngưỡng cửa của sự diệt vong, nhường chỗ cho chế độ mới – chế độ lệ nông.
Sự tan rã của các Latiphunđia và sự ra đời chế độ lệ nông
Từ giữa thế kỉ I trở đi, chế độ đại điền trang (Latiphunđia) bắt đầu có những dấu hiệu khủng hoảng. Việc sử dụng sức lao động tập thể nô lệ đã trở nên không thích hợp, năng suất lao động ở các Latiphunđia suy giảm. Hiện tượng quý tộc chủ nô xé nhỏ các Latiphunđia thành nhiều mảnh, giao trực tiếp cho nô lệ hoặc những người không có ruộng đất canh tác ngày càng trở nên phổ biến. Các Latiphunđia rộng lớn xưa kia ngày dần tan vỡ, nhường chỗ cho các điền ấp – Santút – (Saltus). Việc tan rã của các Latiphunđia, không những thể hiện sự khủng hoảng suy vong của chế độ chiếm nô Rôma, mà còn kéo theo hàng loạt những thay đổi trong phương thức canh tác, phương thức bóc lột và tính chất của nền kinh tế.
Nếu trước đây, đa số các Latiphunđia chuyên doanh trồng cây công nghiệp phục vụ cho kinh tế thủ công nghiệp và thương mại, thì bây giờ trong các Santút, người ta đã chuyển dần sang trồng cây lương thực. Phương thức bốc lột cũng thay đổi, chủ nô đã không sử dụng sức lao động tập thể của nô lệ mà giao trực tiếp cho nô lệ những mảnh ruộng nhỏ cùng với công cụ sản xuất để nô lệ tự tiến hành nền tiểu sản xuất của họ, nộp sản phẩm cho chủ. Lối bóc lột mới này vừa có lợi cho chủ, vừa có lợi cho người sản xuất, kích thích hứng thú và khả năng lao động của họ, để tạo ra năng suất lao động cao. Thế là chế độ lệ nông xuất hiện như là một sự thích ứng với kiểu bác lột mới này đã càng làm cho chế độ nô lệ bước dần tới ngưỡng cửa của sự tiêu vong.
Quá trình phát triển của chế độ lệ nông
Chế độ lệ nông (Colonus) lúc mới đầu chỉ áp dụng ở những điền trang xa mà chủ nô không còn khả năng trực tiếp quản lí, sau đó dần phát triển và phổ biến khắp đế quốc. Chế độ lệ nông đã làm xuất hiện một lớp người mới trong xã hội Rôma. Đó là những người lệ nông. Khái niệm, thân phận và địa vị của những người lệ nông cũng có những thay đổi theo thời gian.
Trong thời kì đầu, lệ nông là những người tự do (có thể là nông dân không có ruộng đất, hoặc nô lệ được giải phóng), họ có quyền công dân, có thể đảm nhận các chức vụ tôn giáo hoặc là thành viên của các hội đồng địa phương. Mối quan hệ giữa chủ nô cả tư liệu sản xuất và lệ nông đơn thuần chỉ là mối quan hệ về kinh tế, canh tác ruộng của chủ, lệ nông phải nộp tô (khoảng từ 1/3 đến 1/2 thu hoạch). Ngoài ra, mỗi năm lệ nông phải làm việc không công trên những lô đất của chủ từ 6 đến 12 ngày.
Khi chế độ lệ nông thành phổ biến, khi chủ nô đem chia nhỏ Latiphunđia rồi giao cho nô lệ của mình tự canh tác, khái niệm, thân phận và địa vị lệ nông đã thay đổi. Từ thế kỉ III, lệ nông (dù có nguồn gốc xuất thân khác nhau) cũng đều là những người trực tiếp sản xuất và bị trói buộc vào ruộng đất của chủ, lệ thuộc vào chủ về thân phận, về tư liệu sản xuất.
Sang các thế kỉ IV, V, địa vị của lệ nông lại càng sút kém. Năm 332, với sắc lệnh của hoàng đế Cônxtantinuxơ, thân phận lệ nông có tính chất thế tập, cha truyền con nối và hoàn toàn bị trói buộc vào ruộng đất. Trong trường hợp chủ nô bán ruộng đất thì những người lệ nông (và gia đình) đang canh tác trên các lô ruộng ấy sẽ bị bán kèm theo. Về mặt xã hội, họ không còn là người tự do có quyền tư hữu, có quyền công dân. Họ cũng không được quyền kết hôn với người tự do và hôn nhân giữa họ với nhau, cũng không được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, khác hẳn nô lệ, lệ nông là những người được tự do tương đối trong sản xuất và được hưởng một phần thu hoạch. Như vậy, lệ nông không phải là người tự do, nhưng cũng không còn là nô lệ, họ là “tiền thân của nông nô thời trung đại”.
Sự khủng hoảng về chính trị, sự thiết lập chế độ vương chủ
Ngay từ cuối vương triều Antôniuxơ (96 – 192), sự khủng hoảng về chính trị của đế quốc Rôma đã bộc lộ rõ nét. Đầu thế kỉ III, sự phân hóa và tranh chấp trong nội bộ giai cấp chủ nô càng quyết liệt hơn. Bọn quý tộc địa phương và ở các tỉnh thuộc đế quốc cũng nổi dậy xưng hùng xưng bá với khuynh hướng tách dần khỏi sự lệ thuộc Rôma. Những vụ mưu sát, chính biến thường xuyên xảy ra, trong vòng 10 năm (từ năm 235 đến năm 284), Rôma đã thay đổi 28 đời Hoàng đế, có những Hoàng đế chỉ cầm quyền được 1, 2 năm như Galuxơ (251 – 253), Caruxơ (282 – 283).
Cuối thế kỉ III, đầu thế kỉ IV, đế quốc Rôma bước vào thời hậu kì đế chế. Các Hoàng đế đã vứt bỏ hoàn toàn chiếc áo khoác Cộng hòa, ra sức tăng cường chế độ quân chủ chuyên chế, tập trung cao độ mọi quyền lực vào tay mình, tước bỏ dần những quyền hạn của Viện nguyên lão đồng thời cũng bắt đầu sống theo kiểu sống xa hoa của các Hoàng đế Phương Đông. Năm 284, Điôlêtianuxơ lên ngôi Hoàng đế (284 – 305) đã trút bỏ danh hiệu nguyên thủ, tự xưng là Vương chủ nắm cả vương quyền và thần quyền. Một chế độ chính trị mới được thiết lập – Đó là Chế độ Vương chủ.
Điôlêtianuxơ còn cử Mắcximianuxơ – một người bạn thân tín – làm hoàng đế thứ 2 để cùng trị vì đất nước. Tiếp đó, 2 người lại chọn Galerơ và Constantơ làm phó vương giúp việc cho họ. Năm 305, cả Điôlêtianuxơ và Mắcximianuxơ đều thoái vị, việc tranh giành ngôi báu lại diễn ra. Kết quả Constantinuxơ trở thành Hoàng đế cầm quyền từ 306 đến năm 337. Năm 330, Conxtantinuxơ dời kinh đô từ Rôma sang Bidantium – thành phố thực dân cũ của người Hi Lạp ở eo Bôxpho – đổi tên là thành Cônxtantinôpôlít. Đến năm 395, Hoàng đế Têôđôdiuxơ (379 – 395) đã chia đế quốc Rôma thành 2 phần và trao cho 2 người con cai quản.
Accađiuxơ – con trưởng – được cai quản nửa phía đông với thủ phủ là Cônxtantinôpôlít. Hôrôniuxơ được cai quản nửa phía tây, thủ phủ là Rôma.
Từ đó, đế quốc Rôma hùng cường xưa kia chính thức chia thành 2 nửa, thực chất là 2 nước: Tây bộ đế quốc và Đông bộ đế quốc (về sau gọi là đế quốc Bidantium) với những vận mệnh lịch sử khác nhau.
Sự xâm nhập của những người “man tộc” và sự diệt vong của đế quốc Tây bộ Rôma
Trong số những tộc người “dã man” sống ở phía bắc đế quốc Rôma, người Giécman đóng vai trò quan trọng đối với sự diệt vong của đế quốc Tây bộ Rôma. Người Giécman bao gồm các bộ lạc Gốt (Tây Gốt và Đông Gốt), các bộ lạc Văngđan, Phơrăng, Ăngglô Xắcxông, Buốcgông… Các bộ lạc người Giécman đều đang sống ở giai đoạn cuối cùng của chế độ công xã nguyên thủy, và phân bố trên một vùng đất đai rộng lớn từ Sông Ranh (ở phía tây) đến tận sông Vixtuyn (ở phía đông), từ Đanuýp (ở phía nam) đến biển Bantích (ở phía bắc).
Ngay từ thế kỉ III, người Gốt đã thiên di xuống vùng Bancăng và người Phơrăng đã tràn vào xứ Gôlơ. Chính quyền Rôma đã phải đồng ý cho họ định cư trên lãnh thổ của mình với tư cách là “bạn đồng minh” của Rôma.
Đến giữa thế kỉ IV, khi bộ tộc Hung nô vượt biển Caxpiên đột nhập khu vực Đông – Nam Âu, các tộc người Giécman vội vã di cư ồ ạt vào sâu trong lãnh thổ của đế quốc Rôma đúng lúc đế quốc Rôma đang ở trong trạng thái khủng hoảng sâu sắc. Phong trào đại thiên di dân tộc của các tộc Giécman đã diễn ra liên tục trong 2 thế kỉ IV và V, đợt nọ nối tiếp đợt kia và liên tiếp xâm chiếm những vùng đất thuộc đế quốc Rôma cai trị. Dân nghèo và nô lệ ở những vùng này, vốn quá cực khổ trong sự thống trị của Rôma, đã ủng hộ và coi những người Giécman như là những vị cứu tinh của họ. Người Tây Gốt từ Bancăng tràn sang phía tây, đột nhập vào Italia. Thành Rôma cổ kính huy hoàng một thời bị vây hãm. Hơn 40.000 nô lệ Rôma đã chạy theo người Tây Gốt. Năm 410, dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Alarích, người Tây Gốt đã chiếm được thành Rôma, thủ phủ của đế quốc Tây bộ Rôma.
Trong khi người Tây Gốt đang làm chủ Italia, thì người Văngđan từ lưu vực sông Ôđê, băng qua xứ Gôlơ vượt dãy Pirênê, xâm nhập Tây Ban Nha (Năm 408). Người Buốcgông cũng tràn xuống sống định cư ở vùng sông Rôn (Rhône) – thuộc Đông Nam Gôlơ – và thiết lập ở đây một vương quốc của họ – Vương quốc Buốcgông. Năm 420, người Phơrăng xâm nhập khu vực phía bắc xứ Gôlơ thành lập Vương quốc Phơrăng. Khoảng năm 440, tộc người Ăngglô – Xắcxông từ ven bờ Bắc Hải, vượt biển Măngsơ đổ bộ lên đảo Bơritania (nước Anh ngày nay).
Thế là sau những cuộc xâm nhập ồ ạt của các tộc người Giécman, trên lãnh thổ của đế quốc Rôma xưa kia, đã mọc lên nhiều vương quốc “man tộc”:
- Vương quốc Tây Gốt (Vidigốt) ở Tây Ban Nha
- Vương quốc Văngđan ở Bắc Phi
- Vương quốc Phơrăng ở miền Bắc xứ Gôlơ
- Vương quốc Buốcgông ở Đông Nam xứ Gôlơ
- Vương quốc Ănggiô Xắcxông ở đảo Bơritania
- Vương quốc Đông Gốt (Ôxtrôrơgốt) ở Italia
Hoàng đế Rôma của đế quốc Tây bộ Rôma hoàn toàn trở thành bù nhìn, chính quyền thực tế nằm trong tay các tướng lĩnh “man tộc”. Năm 476, thủ lĩnh quân sự của người Giécman là Ôđôacrơ đã lật đổ vị hoàng đế cuối cùng của đế quốc Tây bộ Rômulút Ôguxtulơ, rồi tự xưng làm vua. Sự kiện này đã đánh dấu sự diệt vong của đế quốc Tây bộ Rôma.
Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,