Giữa những năm 30, nhóm những nhà khảo cổ học hỗn hợp của hai trường Đại học Yale-Cambridge tiến hành khai quật di chỉ hóa thạch ở đồi Sixalik nằm trên biên giới phía bắc Ấn Độ và Pakistan. Ở đây, họ đã tìm thấy một số răng và mảnh hàm trên một loài vượn nhân hình, và đặt tên là Ramapithécus – cũng có thể gọi là vượn Ấn Độ. Ramapithécus đã tiến xa hơn Dryopithékus, có niên đại khoảng hơn 10 triệu năm, là tiền thân của Australopithékéus và Homo Erectus.
Do đó, Ấn Độ rất có thể là một cái nôi của quá trình chuyển biến từ vượn thành người. Tuy nhiên, những dấu tích tiếp nối còn bị đứt quãng. Không có hóa thạch xương, nhưng hai nền văn hóa đá cũ hậu kì đã được phát hiện, có niên đại khoảng từ 400.000 đến 200.000 năm. Đó là văn hóa Soan ở Tây – Bắc, trên hạ lưu sông Ấn và văn hóa Madras ở miền Nam.
Mục lục
Sự phát triển của nền văn hoá Sông Ấn
Đồ đá nhỏ hay đá giữa cũng tìm thấy ở miền Nam (vùng Tinnevelly) và miền Đông bắc (vùng Tây Bengal). Đồ đá mới đã được phát hiện một cách rộng rãi hơn trên hầu khắp tiểu lục địa Hindustan: từ vùng cực bắc Kasamia đến miền Nam Đêcan, ở Belle từ triền sông Indus ở tây bắc, Axam và Orixa ở đông bắc.
Đáng chú ý là sự phát triển phong phú của văn hóa đá mới trên lưu vực sông Ấn (Indus), trong các thiên kỉ IV và III TCN, chuẩn bị cho sự ra đời của nền văn minh đồng thau ở đây: văn hóa Nal trên dãy đồi Baluchistan, ở miền Nam và văn hóa Kulli ở Punjab, miền Bắc Indus là nền văn hóa đá mới, với những dấu vết cư trú thành làng xóm của dân cư.
Việc phát hiện dấu tích các thành phố cổ trên các di chỉ Harappa và Mohendjo-Daro đã đưa dân tộc Ấn Độ trở thành chủ nhân của một nền văn minh vào hàng cổ nhất và phát triển nhất trên thế giới. Hai địa điểm này cách nhau rất xa, chỉ tình cờ mà phát hiện được: Harappa ở Tây Punjab, thượng lưu Indus, còn Mohendjo – Daro ở vùng Sind, bắc hạ lưu Indus.
Mỗi thành phố cổ này gồm có 2 khu: khu thành là nơi có dinh thự, đền đài và khu cư dân. Báo cáo của J.Marshall cho hay, ở Ai Cập hoặc Lưỡng Hà, những cung điện và đền thờ quá nguy nga, đồ sộ, thật tương phản với nhà dân là những túp lều tranh vách đất, nhưng ở thung lũng sông Indus “những công trình kiến trúc đẹp nhất lại là những công trình được xây dựng vì sự tiện lợi của các công dân”.
Khu dân cư là “những đường phố quy hoạch tốt và một hệ thống tiêu nước đàng hoàng, thường xuyên được nạo vét, phản ánh sự thận trọng của một chính quyền thường trực nào đó của thành phố”.
Ở đây có những ngôi nhà hai tầng, xây bằng gạch nung, những nhà tắm công cộng và phòng tắm riêng “tốt nhất chưa hề thấy ở đâu”. Ở đây còn có những nhà kho đựng lúa, những quầy hàng kiểu cửa hàng nhỏ nằm liền một dãy mà theo J.Nêru, “gây ấn tượng về một cái chợ Ấn Độ ngày nay”, những kho hàng gắn liền với những ngôi nhà riêng rộng rãi “cho thấy một cộng đồng thương nhân hùng mạnh và phồn vinh”.
Chính là trong phố buôn này “người ta đã thu được những dấu tích của một sự giàu có đáng ngạc nhiên”: đồ trang sức bằng vàng, bạc, ngọc, đồ gốm có men, đồ đựng bằng đồng, một số loại vũ khí, một số tượng người và dấu vết của vải dệt sợi bông.
Ở Harappa, người ta đã tìm thấy tới 2000 con dấu hình vuông hoặc chữ nhật, bằng đất nung, có hình người hoặc thú và có chữ. Hiện nay, người ta vẫn chưa đọc được chữ này, nhưng dù sao những con dấu Harappa cũng nói lên mối quan hệ buôn bán giữa lưu vực sông Indus với bên ngoài, chủ yếu là với Iran, Trung Á, và Tây Á. Một số sản phẩm thủ công của vùng Indus có mặt ở Lưỡng Hà và ngược lại, một con dấu hình trụ của Lưỡng Hà được chế tạo mô phỏng ở Indus, đã nói lên quan hệ giao lưu thương mại giữa hai vùng.
Căn cứ vào các hiện vật, văn hóa sông Indus được định niên đại vào khoảng 3000 – 1500 năm TCN, vào thời kì kĩ nghệ đồng và đồng thau, đại để cùng thời với văn hóa cổ đại Ai Cập và Lưỡng Hà. Ở đây kém về những công trình kiến trúc đồ sộ, về số lượng văn tự so với Ai Cập, Lưỡng Hà, nhưng lại có phần hơn về kiến trúc và quy hoạch thành thị cổ, về một số sản phẩm thủ công, đặc biệt là vải sợi bông và gốm tráng men.
Chủ nhân của văn hóa Indus chưa biết kĩ nghệ sắt, chưa biết dùng ngựa, không trồng lúa nước mà trồng đại mạch. Nhưng nông nghiệp đã phát triển, có thóc dư thừa chứa trong kho đụn, công thương nghiệp đã phát triển. Họ đã có một đời sống đô thị khá phát triển cả về mặt vật chất và tinh thần, đến mức, theo J. Marshall, “trên một vài phương diện thậm chí còn cao hơn nền văn minh Lưỡng Hà và Ai Cập đương thời”.
Sự suy sụp của văn hoá Sông Ấn
Tuy nhiên, văn hóa Sông Ấn có những dấu hiệu suy sụp nhanh chóng, thậm chí có vẻ đột ngột và được tiếp nối bởi nền văn hóa sông Hằng ở đông – bắc mà chủ nhân là một tộc người đến sau, người Arya, khiến người ta phải suy xét đến nguyên nhân của sự suy sụp của nó.
Có những dấu hiệu chứng tỏ chủ nhân của văn hóa Harappa và Mohendjo-Daro là dân bản địa Dravida. Trước hết, nền văn hóa sông Hằng tiếp sau về thời gian nhưng lại mang những đặc điểm riêng, không tiếp nối văn hóa Sông Ấn.
Miền Nam có dấu tích văn hóa cự thạch, có thể là chịu ảnh hưởng từ vùng Địa Trung Hải, còn ở Harappa thì có hẳn một số di cốt thuộc nhóm cư dân cổ Địa Trung Hải. Điều đó nói lên có thể có mối quan hệ giống nhau giữa dân bản địa Ấn Độ cả ở Sông Ấn và miền Nam, với Tây Á và Địa Trung Hải từ thời đại đồ đồng. Ngoài ra những bức tượng “vũ nữ” phát hiện được ở Harappa, có nước da đen, môi dầy, giống người Dravida miền Nam, cũng cung cấp thêm hình ảnh sinh động về một cái nền tộc người nguyên thủy trên bán đảo này.
Cư dân cổ nhất ở Ấn Độ là người Nêgritô, thuộc chủng tộc đen mà hậu duệ ngày nay của họ là những bộ lạc nói tiếng Munda. Tiếp đó là người Australoid, tức là người Negroid có pha trộn ít nhiều yếu tố vàng Mongoloid, tạo thành nhóm Dravida ở Ấn Độ. Cả hai nhóm này ngày nay sống tập trung chủ yếu ở miền Nam, chủ yếu là cao nguyên Đêcan nhưng đã từng có mặt ở lưu vực sông Ấn, qua việc phát hiện và phân tích di cốt của họ ở di chỉ Harappa. Ở Harappa còn có chủng tộc Vàng Mongoloid, nhưng người Mongoloid sống tập trung chủ yếu ở đông bắc, vùng chân núi Himalaya, thuộc dòng ngôn ngữ Hán Tạng.
Vì sao có sự tàn lụi của văn hóa sông Ấn?
Một số tác giả đã đưa ra nguyên nhân thuộc các điều kiện tự nhiên: hạ lưu sông Indus đổi dòng, lũ lụt v.v… Đây là những giả định chưa có cơ sở chắc chắn, nhưng có thể đã giữ vai trò là một tác nhân hết sức quan trọng. Dù rằng có thể có cư dân đến sau chinh phục thung lũng Sông Indus, thì dẫu sao họ xâm chiếm và sử dụng cái cơ sở kinh tế sẵn có vẫn còn có lợi hơn phải chuyển đi chỗ khác xây dựng từ đầu, sau khi phá sạch cái cũ. Vậy là chính ở đó cũng khó sống, nhân loạn li thì bỏ đi tìm chỗ khác thuận lợi hơn.
Những khó khăn đó là gì?
Hiện nay chưa thể khẳng định một cách dứt khoát, nhưng tình trạng khí hậu ngày càng khô nóng hơn và tình trạng sa mạc hóa ngày càng mở rộng hơn ở tây – bắc Ấn Độ là một thực tế rõ ràng. Sa mạc Thar đã lan rộng đến các vùng Sind, hạ lưu Indus. Gió thổi cát bay liên tục về phía tây, nên ở Mohendjo – Daro, từng lớp cát chồng lên nhau khiến người ta phải tôn cao nhà sau mỗi thời gian. Có những bức tường đã phải xây nối lên cao 2, 3 lần vì mức nền cũ bị cát phủ đã không còn độ cao cần thiết. Nước mưa và nước sinh hoạt do đó cũng hiếm hơn.
Trong một thời gian rất dài, các nhà nghiên cứu cổ sử Ấn Độ đều tìm nguyên nhân của sự suy tàn của văn hóa sông Indus ở sự xuất hiện, tiến công và tàn phá của người Arya.
Gần đây, Romita Thapar lưu ý rằng Arya không phải là một thuật ngữ dân tộc học mà là ngôn ngữ học. Đó là dân nói ngôn ngữ Ấn – Âu. Không có sự khẳng định dân tộc học về sự hiện diện của một tộc người Arya ở Ấn Độ.
J.M. Datla đã nói quá khi cho rằng số dân Ấn Độ ở thế kỉ IV TCN là 181 triệu, nếu so sánh với con số 100 triệu mà W.H. Morulanh đoán chừng vào thế kỉ XVII và con số của chính quyền Anh tiến hành thống kê vào năm 1881 là 253 triệu. Nếu như vào thiên kỉ II TCN, dân số Ấn Độ chỉ là mười triệu thì một số bộ lạc Arya cần phải có bao nhiêu và lấy số dân từ đâu để chiến thắng được người Dravida?
Nghĩ về một sự thiên di ồ ạt, chinh phục, nô dịch tàn phá của người Arya có lẽ là quá đáng. Nhưng rõ ràng là có sự thiên di của dân nói ngôn ngữ Ấn – Âu. Có thể là họ đã đến làm nhiều đợt. Nhưng đợt có ý nghĩa quyết định nhất và sớm nhất đã diễn ra khoảng giữa thiên kỉ II TCN. Đây là thời gian có những cuộc thiên di của dân Nam Âu đến vùng Đông Địa Trung Hải (trường hợp người Akeens và Doriens đến Hi Lạp) và từ Địa Trung Hải đến Tiền Á (trường hợp người Philistins) v.v… sự biến động về kinh tế, chính trị và dân cư diễn ra sôi nổi ở nam châu Âu và Đông Địa Trung Hải, chứ chưa phải ở Trung Á và Iran. Một bộ phận của dân Địa Trung Hải và thậm chí Nam Âu đã rong ruổi đường trường, thiên di đến tận Bắc Ấn Độ, nên trong các di cốt tìm thấy ở Harappa, còn có cả người Địa Trung Hải đến sớm.
Một số ít dừng chân ở thung lũng sông Indus nhưng chẳng được bao lâu vì những hoàn cảnh tự nhiên khó khăn ở đây mà chính dân bản địa cũng đang bị suy giảm và chuyển cư về miền Nam.
Phần lớn người Arya đã không dừng lại ở sông Indus mà tiếp tục đi sang phía đông và định cư trên lưu vực sông Ganga. Một lớp văn hóa Arya trùm lên văn hóa bản địa Dravida. Dân nói tiếng Ấn – Âu-Arya, gọi như thế vì được coi là dân từ Iran đến, nhưng rất có thể là từ xa hơn, qua Iran đến Ấn Độ.
Căn cứ vào đâu để nói rằng người Arya (đúng ra là các bộ lạc nói ngôn ngữ Ấn – Âu từ phương Tây) tới Ấn Độ vào khoảng 1500 TCN? Các thư tịch Phạn ngữ (Sanskrit) sau này đều đưa truyền thống Arya ở Ấn Độ ngược thời gian lên tới thiên kỉ III TCN, nhưng như đã nói ở trên, văn hóa Sông Indus mang đậm sắc thái bản địa Dravida. Nền văn hóa này đã tàn lụi khoảng trước 1500 TCN, để sau đó xuất hiện một nền văn hóa mới ở thung lũng sông Ganga.
Tuy nhiên, các sự kiện, các địa danh mà thư tịch Phạn ngữ nói tới, chỉ xuất hiện từ đầu thiên kỉ I TCN, đồ gốm men xám đặc trưng của thung lũng Gapa, phát hiện ở di chỉ Aligarth (cách Đêli khoảng 100 km về phía đông nam) có niên đại sớm nhất được biết hiện nay là khoảng năm 1100 – 100 TCN. Đồ sắt có niên đại sớm nhất được biết qua di chỉ ở Hastinapur là khoảng 700 TCN.
Dân bản địa ở lưu vực Ganga cũng như ở miền Nam (Đêcan) vẫn còn sống trong thời đại đá mới và đồ đồng, vừa chăn nuôi vừa là nông nghiệp sơ khai, chế tác đồ gốm, mộc quét mầu vàng bằng thổ hoàng. Các bộ lạc Arya đến sau, khoảng 1500 TCN, đã lập các làng xóm của mình, ở thượng và trung lưu Ganga, sau tiến dần về hạ lưu Ganga. Nhờ người Arya mà vùng Ganga lần đầu tiên biết dùng ngựa. Còn người Arya đã học dân bản địa nghề trồng lúa đã nhanh chóng chuyển từ nghề chăn nuôi du mục sang định cư làm nông nghiệp, đã phát triển năng động và nhanh chóng chiếm ưu thế và làm chủ lưu vực Ganga.
Ở đây, trùm lên trên lớp gốm thổ hoàng là gốm men xám có hoa văn ở phía tây và gốm đen bóng ở phía đông Ganga. Hai loại gốm này là sản phẩm đặc trưng của người Arya ở Ganga.
Sự phát triển và chuyển biến như vậy đã diễn ra một cách từ từ, có lẽ suốt nửa sau thiên kỉ II TCN.
Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,