Tôn giáo Rôma ở những giai đoạn đầu
Lúc đầu người Rôma cũng theo đa thần giáo. Họ cho rằng mọi sự vật hiện tượng của giới tự nhiên đều có sức sống, sức mạnh siêu tự nhiên, thần bí. Từ khi tiếp xúc với văn hóa Hi Lạp, người Rôma đã tiếp thu hệ thống thần thánh của Hi Lạp và gọi tên các thần Hi Lạp theo kiểu Rôma.
Thần chủ tối cao – thần Dớt (Zeus) của người Hi Lạp là thần chủ tối cao – thần Giupite (Jupiter) của người Rôma. Nữ thần Hêra (vợ Dớt) với người Rôma là nữ thần Giunôn (Junon) – thần của nữ giới và hôn nhân gia đình. Thổ thần Đêmêtê của người Hi Lạp trở thành thần ngũ cốc Xêrét (Xérès) bảo vệ mùa màng Rôma.
Thần Venuýt – thần sắc đẹp và tình yêu – của người Rôma chính là bắt nguồn từ thần Aphơrôđit trong thần thoại Hi Lạp… Người Rôma còn tôn thờ thần chiến tranh – thần Mácxơ (Mars) và thần chủ trì, điều hòa hạnh phúc gia đình, thần Vexta (Vesta).
Sự ra đời và truyền bá của đạo Kitô
Theo truyền thuyết người sáng lập ra đạo Kitô là Giêsu Crít (Jesus Christ) con của Đức Chúa Trời đầu thai vào người con gái đồng trinh Maria, được sinh ra ở Bétlêem vùng Palextin – một tỉnh của đế quốc Rôma. Năm 30 tuổi, tự nhận mình là thiên sứ, Giêsu Crít bắt đầu truyền giáo ở Giêrudalem, ông tuyên truyền tư tưởng bình đẳng, bác ái của con người trước Chúa, lòng tin nơi thiên đàng và lên án chế độ cai trị hà khắc của Rôma. Những tư tưởng của Giêsu nhanh chóng đáp ứng những khao khát, hi vọng của quần chúng lao khổ vốn quá khổ đau lúc đó. Sự an ủi vì được bình đẳng trước Chúa, hi vọng được Chúa dắt ra khỏi cảnh sống đọa đầy, hi vọng được đến “Vương quốc của Chúa”.
Thời gian truyền giáo của Giêsu rất ngắn ngủi, sau 3 năm truyền đạo, giai cấp quý tộc chủ nô Rôma đã cho ông là kẻ gieo rắc một tôn giáo phản loạn, tập hợp quần chúng chống đối Rôma, đã kết tội ông. Giêsu Crít bị hành hình “đóng đinh câu rút” treo trên cột gỗ hình chữ thập. Lúc đó, Giêsu Crít 33 tuổi. Sau cái chết thảm thương của Giêsu Crít, các môn đồ của ông đã tiếp tục bí mật truyền bá những giáo lí của Giêsu Crít ở vùng Palextin, sau đó khắp đế quốc Rôma và ngay trên đất Italia. Mặc dù chính quyền Rôma đã đàn áp thẳng tay và tìm mọi cách để ngăn chặn, những tư tưởng của Giêsu Crít vẫn tiếp tục trở thành một phong trào xã hội thu hút đông đảo nô lệ và dân nghèo.
Kitô giáo đã hình thành từng bước như vậy, cuối cùng trở thành tôn giáo độc tôn ở Rôma. Kitô giáo đã xuất hiện trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Rôma, trải qua năm tháng và có những cơ sở xã hội, tôn giáo và triết học.
Trong các thế kỉ II, I TCN, hầu hết các tộc người ở khu vực Địa Trung Hải đã nằm trong sự khống chế, cai quản của đế quốc Rôma. Theo phương châm “Cạo lông chứ đừng lột da”, giai cấp quý tộc Rôma đã tăng cường ách áp bức, bóc lột tàn nhẫn cư dân Italia và các tộc người lệ thuộc. Quần chúng lao khổ – nô lệ và dân nghèo – đã nhiều lần nổi dậy khởi nghĩa, nhưng tất cả các phong trào đó, trước sau đều bị dìm trong biển máu. Quần chúng càng bị bóc lột càng cảm thấy bất lực, thất vọng trước cuộc sống thực tại, luôn mơ tưởng đến sự giải thoát và sẵn sàng tin theo những tư tưởng mà Giêsu Crít truyền bá. Kitô giáo gặp một miếng đất tốt để nảy hạt, phát triển. Do vậy, buổi ban đầu, “Kitô giáo là tôn giáo của những người nô lệ, của những người tự do, của những người nghèo khổ và những dân tộc bị nô dịch hay bị Rôma hóa”.
Xét về nguồn gốc triết học, khi Kitô giáo xuất hiện, những trường phái triết học duy tâm khắc kỉ đang được phổ biến sâu rộng ở Rôma. Đó là những tư tưởng triết học của Xênecơ, Philô cho rằng thể xác là gánh nặng của linh hồn, cuộc sống hiện tại đầy tội lỗi chỉ là khúc dạo đầu của cuộc sống thật thế giới bên kia. Những tư tưởng ấy cũng chủ trương sống nhẫn nhục, chịu đựng, lấy phục tùng làm đức tính tốt đẹp của con người.
Triết học duy tâm khắc kỉ đã tạo ra những cơ sở tư tưởng lí luận của giáo lí Kitô giáo. Đó là chưa kể khi Kitô giáo xuất hiện, đạo Do Thái của người Hêbrơ đã một thời chi phối ở khu vực Palextin, Cận Đông. Ph.Enghen đã nhận xét : “Sự hỗn hợp của thần đạo phương Đông đã được phổ biến hóa, nhất là thần học Do Thái, với nền triết học Hi Lạp đã được dung tục hóa, nhất là triết học khắc kỉ – đã đóng góp phần tạo nên học thuyết Kitô giáo”.
Học thuyết Kitô giáo cho rằng có một Đức Chúa Trời sáng tạo ra muôn loài. Đức Chúa Trời có 3 ngôi: Đức Chúa Cha, Con và thánh thần. Ngoài kinh Cựu ước tiếp thu từ đạo Do Thái, Kitô giáo còn có kinh Tân ước. Những luật lệ cơ bản của Kitô giáo tóm tắt trong kinh 10 điều răn của Đức Chúa Trời.
- Thờ phụng và kính Chúa trên hết mọi sự.
- Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.
- Giữ ngày chúa nhật.
- Thảo kính Cha mẹ.
- Chớ giết người.
- Chớ tà dâm.
- Chớ trộm cắp.
- Chớ nói dối.
- Chớ muốn vợ chồng người.
- Chớ tham của người.
Buổi ban đầu, Kitô giáo thu hút các tín đồ trong đám cư dân nghèo khó – nô lệ, dân nghèo thành thị,… – Những tín đồ này lập ra các công xã nhỏ, tổ chức của những người cùng tôn giáo, bình đẳng và cũng giúp đỡ nhau. Hơn thế nữa, Kitô giáo lại tuyên truyền sự bình đẳng (dù là trước Chúa) và dự báo đế quốc Rôma đầy tội lỗi, sẽ có ngày bị diệt vong, do vậy ngay từ đầu, giới thống trị Rôma đã coi Kitô giáo là tà giáo, các tín đồ là kẻ phản loạn và thẳng tay đàn áp.
Năm 64 nhân vụ thành Rôma bị cháy, Nêrô đã vu cho các tín đồ Kitô giáo là thủ phạm, đã tiến hành một cuộc thảm sát đẫm máu các tín đồ Kitô giáo. Đến thời Điôclêtianuxơ lại xảy ra một cuộc tàn sát với quy mô lớn đạo Kitô. Điôclêtianuxơ đã ra lệnh thiêu huỷ các giáo đường, đốt kinh thánh, dùng cực hình ép buộc các tín đồ bỏ đạo. Sự đàn áp và chống đối tôn giáo còn tiếp tục kéo dài gần hết thế kỉ II sang thế kỉ III.
Sự khủng hoảng xã hội đã tạo ra tâm trạng chán nản, bi quan ngay trong cả trong tầng lớp thượng lưu. Một số gia đình quý tộc cũng bắt đầu đến với Kitô giáo. Kitô giáo không bị giải thể, số tín đồ vẫn không ngừng tăng lên. Sự tham gia của tầng lớp quý tộc đã phần nào làm điều chỉnh lại những tư tưởng quan điểm của Kitô giáo. Tư tưởng ôn hòa, thoả hiệp hợp tác dần dần chi phối các tín đồ. Khẩu hiệu đối lập quyết liệt trước đây với chính quyền Rôma “Hãy trả lại cho Xêda cái gì của Xêda và trả lại cho Chúa cái gì của Chúa” được dần thay bằng lời khuyên trong kinh phúc âm : “Hãy hiến dâng tất cả lòng trung thành cho Xêda và Chúa”. Do vậy, giai cấp thống trị Rôma thấy rằng có thể sử dụng Kitô giáo như một công cụ tinh thần, tập hợp thu phục và cai trị con dân toàn đế quốc.
Năm 313, Hoàng đế Constantinuxơ ban bố sắc lệnh xác nhận địa vị hợp pháp của Kitô giáo ở Rôma. Năm 325, chính vị Hoàng đế này đã triệu tập đại hội các giáo chủ Kitô giáo ở Nixê (thuộc Tiểu Á) để xác định giáo lí, chấn chỉnh, củng cố kiện toàn tổ chức giáo hội Kitô. Năm 337, trước lúc chết, Cônxtantinuxơ đã chịu làm phép rửa tội theo Kitô giáo mở đầu cho sự kiện các hoàng đế Rôma sau này theo Kitô giáo.
Đến thời Hoàng đế Têođôđiuxơ (379 – 395), Kitô giáo được chính thức thừa nhận là quốc giáo của đế quốc Rôma. Kinh Cựu ước (viết bằng ngôn ngữ Hêbrơ) và kinh Tân ước (viết bằng ngôn ngữ Hi Lạp) được chuyển sang tiếng Latinh, thành kinh thánh của đạo Kitô.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, Kitô giáo từ chỗ là tôn giáo của những người nghèo khó, chống đối chính quyền, đã trở thành chỗ dựa vững chắc về tinh thần, vật chất của chính quyền Rôma, thành một bộ phận của guồng máy thống trị.
Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,