I – Tình hình chung
Hình thức: vây thành diệt viện; với các hình thức tác chiến: vận động, phục kích, tập kích, công kích địch phòng ngự dã ngoại.
Không gian: từ Đông Quan (Hà Nội) tới biên giới Việt – Trung (Đông Bắc và Tây Bắc), mà khu vực chủ yếu là trục Chi Lăng – Xưong Giang (Bắc Giang).
Thời gian: từ 8-10-1427 đến 3-11-1427.
Lực lượng tham chiến: phía ta khoảng 80.000 quân; phía địch khoảng 150.000 quân.
Kết quả: ta diệt và bắt 120.000 tên địch, trong đó gồm toàn bộ các tướng chỉ huy chủ yếu. Kết cục chiến lược trực tiếp là đánh bại hoàn toàn cuộc xâm lược 20 năm của quân Minh trên đất nước ta, bắt buộc nhà Minh phải thừa nhận nền độc lập của dân tộc ta.
II – Diễn biến chính
Cuối năm 1427, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi – Nguyễn Trãi lãnh đạo chống quân Minh xâm lược bước sang năm thứ 10 và đã đứng trước cửa ngõ thắng lợi hoàn toàn. Tuyệt đại bộ phận đất nước được giải phóng, địch chỉ còn co về chiếm giữ Thành Đông Quan (Hà Nội) và một số thành lũy khác. Trước nguy cơ hoàn toàn thất bại, và để cứu đạo quan Vương Thông đang bị vây hãm ở Đông Quan, giặc Minh đã quyết định phái sang nước ta mội đạo quân viện lớn do Liễu Thăng chỉ huy. Đạo quân này được tổ chức thành hai cánh tiến quân: cánh thứ nhất gồm 100.000 tên, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Liễu Thăng, tiến theo ngả Quảng Tây vào Lạng Sơn, Xương Giang. Cánh thứ hai gồm 50.000 tên do Mộc Thạch chỉ huy, tiến theo ngả Vân Nam vào Lào Cai, Việt Trì. Hai cánh này sẽ hợp vây tiêu diệt khối chủ lực chủ yếu của quân Lam Sơn đứng chân ở Đông Bắc Đông Quan, giải toả Đông Quân tạo bàn đạp tiến về phía Nam.
Chủ trương của Lê Lợi – Nguyễn Trãi là tập trung chủ lực tiêu diệt cánh quân Liễu Thăng trước. Kiềm chế, ngăn chặn cánh quân Mộc Thạch bằng lực lượng thứ yếu để tạo điều kiện tiêu diệt ở bước tiếp theo. Đồng thời, ta dùng một lực lượng tiếp tục vây hãm Vương Thông, không cho chúng hợp quân với các cánh viện binh.
Trong bước chuẩn bị, ngày 28-9-1427, ta hạ thành Xương Giang, xóa sổ dinh lũy cuối cùng của địch ở phía Bắc Đông Quan, làm chủ hoàn toàn chiến trường dự kiến tác chiến trên hướng chủ yếu.
Ngày 8-10, cánh quân Liễu Thăng tiến vào nước ta. Ngày 10-10, đội tiền quân do chính Liễu Thăng dẫn đầu chủ quan khinh địch, rơi vào trận địa phục kích của Lê Sát ở cửa Ải Chi Lăng. Toàn bộ 10.000 tên của đội quân này cùng với chủ tướng Liễu Thăng bị tiêu diệt dưới chân Mã Yên – Chi Lăng.
Ngày 15-10, tướng Lương Minh vừa lên thay Liễu Thăng cùng hàng vạn quân nữa bị đạo quân Lê Lý tập kích diệt ở Cần Trạm. Ngày 18-10, thêm 10.000 tên địch nữa bỏ mạng trong trận phục binh của ta ở Phố Cát. Lực lượng còn lại, dưới sự chỉ huy của Thôi Tụ – Hoàng Phúc tiến đến gần thành Xương Giang mới biết thành đã bị thất thủ. Địch buộc phải hạ trại trú đóng trên cánh đồng Xương Giang, nơi ta đã bố trí sẵn một lực lượng vây hãm từ các hướng.
Ngày 3-11, ta tổng công kích vào cụm quân địch phòng ngự dã ngoại ở khu vực này. Sau một ngày chiến đấu, ta đã giành được thắng lợi giòn giã: diệt và bắt hơn 60.000 địch, bao gồm toàn bộ tướng chỉ huy của chúng. Đạo viện binh chủ yếu của nhà Minh bị tiêu diệt hoàn toàn.
Trong khi đó ở phía Tây, nhận được tin thất bại của đạo quân Liễu Thăng, Mộc Thạch vội vàng cho quân rút chạy. Quân ta dưới sự chỉ huy của Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả đã truy kích tiêu diệt hàng vạn tên, làm tan rã hoàn toàn cánh quân này.
Đạo quân viện bị tiêu diệt, Vương Thông bị vây ở Thành Đông Quan phải đầu hàng và buộc nhà Minh phải chấp nhận rút các lực lượng còn lại về nước, thừa nhận nền độc lập của chúng ta.
III – Những phát triển của nghệ thuật quân sự
Chủ trương vây hãm Đông Quan và tập trung lực lượng tiêu diệt quân viện, tạo nên một trận đồ vây thành diệt viện ở quy mô chiến lược. Là kế sách hay và là điểm đặc sắc của nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Lam Sơn. Trước so sánh lực lượng có lợi cho địch, một mặt ta vận dụng các hình thức tác chiến thích hợp mặt khác dùng mưu kế kích thích thói ngạo mạn của kẻ xâm lược. Ta lừa chúng vào nơi hiểm, ngay từ đầu và liên tiếp tiến công vào đội hình của chúng, tạo nên những thắng lợi vang dội khiến địch hoang mang, rối loạn. Việc kết hợp tiến công quân sự với nghi binh, địch vận, kết hợp và vân dụng thành công các hình thức chiến thuật phục kích, tập kích, truy kích, công thành, tác chiến trận địa… trong trận Chi Lăng – Xương Giang đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trong nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Lam Sơn.
Almanach,